AgTech
Thực phẩm/nông nghiệp là ngành nghề có tính địa phương hóa cao nhưng có trị giá tới 7,8 nghìn tỷ $ ($7.8 trillion), đại diện cho 15% GDP toàn cầu và tạo công ăn việc làm cho gần 40% lực lượng lao động toàn cầu. Việc đưa công nghệ vào trong nông nghiệp đã tạo ra rất nhiều công ty khởi nghiệp thú vị – những kẻ phá bĩnh chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu – mà được gọi chung là AgTech. Nhóm nàyđã thách thức các cách thức canh tác truyền thống bằng cách tạo ra các mô hình mới giúp hoạch định đất đai nông nghiệp hiện đại (dùng vệ tinh/GPS), tạo giống cây mới (điều chỉnh gen), tăng hiệu suất canh tác (trồng trọt trong nhà hay ở đô thị), giải phóng đôi tay của những người nông dân qua tự động hóa (dùng drone hay hệ thống nhỏ giọt để tưới cây) cũng như đưa ra các chỉ báo qua việc quan trắc, thu thập và phân tích dữ liệu nông nghiệp. Do tính phụ thuộc cao vào sự đa dạng của phổ địa lý (khí hậu, thổ nhưỡng, đa dạng sinh học, thói quen canh tác, hệ thống quản lý) mà các mô hình AgTech bị địa phương hóa ở mức cao độ hơn những ngành công nghiệp khác rất nhiều. Bạn có thể mô hình hóa bức tranh của AgTech bằng cách theo dõi portfolio và các báo cáo của một số VC nông nghiệp mà điển hình như AgFunder - một quỹ đầu tư mạo hiểm có sứ mệnh dân chủ hóa việc tiếp cận nguồn vốn tư nhân cho các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm/nông nghiệp.
Ngoài ra còn có một mảng giúp cho các AgTech thỏa sức “sáng tạo” gọi là farm finance – tài chính nông nghiệp – một khu vực đầy thách thức cũng như cơ hội mà mình có duyên tham gia để hỗ trợ ở Việt Nam. Các công ty AgTech như trên có thể đẩy sản phẩm hay dịch vụ của mình tiếp cận khách hàng dễ dàng hơn bằng việc mở rộng sang farm finance – một bước nhảy vào fintech (công nghệ tài chính). Báo cáo của Dalberg Global Development (2011) từng chỉ ra mạng lưới nông dân mỗi năm cần khoảng 450 tỷ $ nhưng chỉ có dưới 5% là có thể tiếp cận vốn qua ngân hàng hoặc các khoản tài chính vi mô (microfinance) – và số vốn này lại chỉ tiếp cận được 7% hộ nông dân vừa và nhỏ toàn cầu. Một thị trường rất lớn để Ag-Fintech vẫy vùng.
Ở Kenya có một công ty tên Farm Drive có sứ mệnh giúp cho những người nông dân có thể tiếp cận các khoản vay ngân hàng dễ dàng hơn thông qua hệ thống đánh giá tín dụng chuyên biệt trong nông nghiệp. Thông thường, khi xem xét các khoản cho vay, các ngân hàng sẽ đào sâu vào lịch sử tín dụng cũng như tài sản thế chấp của chủ thể. Khả năng trả nợ của những hộ nông dân nhỏ lẻ bị gói gọn vào những tiêu chuẩn mà họ ít khi có được do hạn chế kinh tế và tiếp cận giáo dục – nhiều người còn nhầm lẫn khái niệm thu nhập-chi tiêu và thậm chí không biết chữ. FarmDrive đã thiết kế ra bộ công cụ ra quyết định dành cho các tổ chức tài chính nhằm giúp họ tạo ra các gói tài chính phù hợp hơn cho hộ nông dân với chu kì thanh toán tương thích mùa vụ. Farm Drive cũng thiết kế một ứng dụng riêng (SMS) trên điện thoại thông minh để thu thập dữ liệu nông dân – app này là một trợ lý số giúp nông dân theo dõi doanh thu và chi phí cũng như là nhà tư vấn về nông nghiệp (thời tiết), kinh tế hay dữ liệu vệ tinh cho họ. Thuật toán của FarmDrive sẽ phân tích tập dữ liệu trên để đánh giá điểm tín dụng giúp ngân hàng cho vay thông minh hơn. Công ty này được đầu tư bởi một nhánh VC của Safaricom – một công ty truyền thông lớn nhất khu vực Đông và Trung Phi (Safaricon Spark Venture Fund).
FBN (Farmers Business Network) là một cái tên nổi bật về agri-fintech ở Hoa Kỳ. Với sứ mệnh làm minh bạch hệ thống định giá các sản phẩm nông nghiệp đầu vào, FBN đã phát triển một nền tảng giúp cho những người nông dân có thể quản lý dữ liệu “nông nghiệp” cá nhân và tăng cường hiểu biết về mùa màng (lựa chọn hạt giống, năng suất và tiêu chuẩn mùa vụ). Nền tảng này thu thập thông tin qua các thiết bị nông nghiệp cũng như dữ liệu do nông dân ghi chép thủ công cùng mạng lưới thư viện nông nghiệp (hạt giống, khí hậu, kĩ thuật canh tác) qua đó tạo dựng nên một tập dữ liệu giúp nông dân ra quyết định mua tốt hơn trên nền tảng FBN Direct, một nhánh con của FBN vốn là một trang thương mại điện tử cho phép nông dân mua hàng trực tuyến dễ dành hơn bằng các dịch vụ tín dụng (vay tiền từ bên thứ ba, chi trả linh hoạt). FBN đã nhận được 110 triệu $ ở vòng gọi vốn Series D nâng tống vốn gọi lên tới 200 triệu $. Số tiền gọi thêm sẽ giúp họ phát triển nền tảng marketing mùa màng (crop marketing) giúp cho người mua toàn cầu có thể tiếp cận trực tiếp với nông dân Hoa Kỳ. Ở Ấn Độ cũng có mô hình tương tự như FBN là RML AgTech mà các bạn có thể google thêm.
Ở Mali, myAgro (h)ttps://www.myagro.org/ là một hệ thống tiết kiệm di động giúp cho những người nông dân ở đây có thể chi trả cho các đầu vào tối quan trọng như hạt giống và phân bón qua các khoản trả góp được chi trả trước (pre-paid). Nông dân sẽ mua thẻ cào MyAgro tại các cửa hàng địa phương – (giống như thẻ cào điện thoại) sau đó gửi cho myAgro mã số thẻ bí mật (đây chính là thanh toán số) – một khoản tiền sẽ được gửi vào tài khoản di động của họ. Agro sẽ giữ khoản chi trả này cho đến khi vào mùa vụ và sẽ gửi các bao hạt giống cũng như phân bón mà nông dân yêu cầu tới một điểm phân phối trong bán kính 5km nơi những người nông dân sinh sống và làm việc. Hệ thống này giúp nông dân tránh khỏi việc phải dựa dẫm vào các khoản cho vay nặng gánh và chủ động hơn với công việc của họ. myAgro có mô hình kinh doanh phụ thuộc 10% từ khoản hoa hồng từ việc buôn bán (margin khoảng 20%) và 90% từ các khoản đóng góp nhân đạo (philanthropy), họ hy vọng tới 2021 của myAgro là có thể mở rộng quy mô phục vụ tới 225000 nông dân. Quỹ Skoll, WEF, USAID và Big Bang là những nhà hỗ trợ chính cho dự án này. Các bạn có thể xem qua mô tả của Gate Notes ở đây:
Bên cạnh các xu hướng nổi bật trong nông nghiệp như Dữ liệu lớn, Mô hình trồng trọt theo chiều dọc (Vertical), iOt & Robot, Công nghệ Drone, trồng trọt thông minh (tưới nhỏ giọt, thủy canh) thì mảng fintech nông nghiệp cũng đang dần dần tăng trưởng trên thế giới cũng như ở Việt Nam và sắp tới sẽ là blockchain. Mình có gúc gồ thử về AgTech ở Việt Nam thì tìm được bài viết thú vị của bạn Jason Kassel có đề cập đến cải cách đất đai cũng như kế hoạch thiết kế khoản cho vay trị giá 2,6 tỷ $ để phát triển khu vực nông nghiệp công nghệ cao của chính phủ Việt Nam. Trục của dự án này dựa trên 3 mục tiêu: mở rộng giới hạn sở hữu đất đai của nông dân, tăng cường việc tiếp cập tín dụng và rải vốn cho AgTech, tăng cường hợp tác với các chuyên gia nước ngoài. Tuy nhiên bài viết này lại không đề cập đến các AgTech nổi bật ở Việt Nam – các tài liệu có tính hệ thống về AgTech Việt cũng rất khó tìm ở Google – các bạn Facebook tìm được thì giới thiệu mình hen.
Bài của Jason Kassel