Ai đang sở hữu Starbucks
Tại cuộc họp hội đồng cổ đông lần thứ 25, Howard Schultz đã trao lại cho Kevin Johnson chìa khóa cửa tiệm Starbucks đầu tiên (ở khu chợ Pike Public) đồng thời tuyên bố nhường ngôi vương CEO cho người kế nhiệm sau hơn ba thập kỉ dẫn dắt gã khổng lồ trong ngành cà phê chuỗi. Một quyết định gây xôn xao cộng đồng doanh nghiệp Seattle và cả nước Mỹ. Johnson tham gia vào ban điều hành (BoD) của Starbucks từ năm 2009 và trước khi nhận nhiệm vụ mới đã đảm nhiệm vai trò COO trong suốt 2 năm. Một nhà kĩ trị với nền tảng “kĩ thuật” nặng đô, 16 năm kinh nghiệm làm việc cho Microsoft, 5 năm ở vai trò CEO của Jupiter Network, một công ty kinh doanh và phát triển các sản phẩm công nghệ kết nối mạng và điện toán đám mây danh tiếng (như router, switch) ở Sunnyvale, Cali. Kevin tiếp quản Starbucks trong một thời điểm không mấy thuận lợi. Ngành công nghiệp F&B đang trên đà suy giảm trong một vài năm qua khiến cho tốc độ tăng trưởng của Starbucks đang ở mức thấp nhất kể từ thời kì suy thoái với 3% tăng trưởng trong quý vừa rồi. Ông cũng đồng thời phải thực hiện một mục tiêu lớn của Starbucks: Trong vòng 4 năm nữa tức 2021 Starbucks phải tăng độ phủ từ 26000 địa điểm như hiện nay lên tới 37000, một mục tiêu mà ông cho là quá khổ/”venti-sized shoes”. Ngoài ra, Johnson cùng nền tảng “kĩ thuật” của mình sẽ phải phát triển và hoàn thiện tiếp hệ thống thanh toán trên điện thoại MOP của Starbucks (Mobile Order & Pay) và các trạm đặt món/order stations (OS) trong hệ thống cửa hàng của mình, các giải pháp công nghệ nhằm giải quyết bài toán “nút thắt cổ chai” tại các tiệm của Starbucks nơi khách hàng thường phải xếp hàng dài chờ đợi và đôi khi phải thất vọng bỏ đi mà không có món đồ uống của mình. MOP sẽ cho phép khách hàng có thể đặt hàng từ xa trên điện thoại, bước vào cửa tiệm và lấy món đồ uống của mình, còn OS sẽ giúp nhiều khách hàng có thể tự đặt món cùng một lúc tại nhiều trạm khác nhau do vậy thời gian chờ đợi được rút ngắn đi đáng kể. Kĩ thuật này được Schultz triển khai từ năm 2015 và hiện chiếm khoảng 7% giao dịch của Starbucks tại Mỹ, một trải nghiệm mình đã thử khi ở Seattle. Hệ thống MOP và OS khi được hoàn thiện sẽ giải quyết vấn đề lưu lượng (traffic) khách hàng đồng thời thay đổi hoàn toàn ngành bán lẻ. Lúc đó Johnson sẽ tập trung hơn vào giải quyết bài toán tiếp theo của Starbucks: giao hàng (delivery/logistics). Có lẽ chính vì số phận kinh doanh tương lai của Starbucks phụ thuộc vào công nghệ nên Johnson đã được lựa chọn là người kế cận.
Một kỷ nguyên mới của Starbucks đang được mở ra: Starbucks không chỉ là một chuỗi quán cà phê mà trở thành một hình mẫu công nghệ bán lẻ thực phẩm có thể thay đổi và ảnh hưởng cả nhân loại. Vậy thì ai sẽ nắm cuộc chơi này ?
Trước tiên là bộ năm nhân vật quyền lực nắm cổ phần cá nhân lớn nhất đồng thời trực tiếp điều hành tập đoàn.
Howard Schultz mua lại Starbucks vào năm 1987 từ các nhà sáng lập Zev, Jerry, Gordon khi chuỗi này đã phát triển được sáu địa điểm. Từ một chuỗi cà phê nhỏ ở Seattle, gã Do Thái đã biến Starbucks từ 6 địa điểm thành con số đang kinh ngạc 26000 với hơn 330 ngàn nhân sự, đưa thương hiệu ra tầm vóc toàn cầu đồng thời nắm luôn quyền chi phối cán cân công nghiệp cà phê thế giới và nay đã mở rộng ra trà, bia và rượu. Howard không phải là nghệ nhân về cà phê nhưng lại có bộ óc “kĩ trị” cao độ của người Do Thái do vậy ông đã đưa vào Starbucks tư duy về “chuỗi” cùng khả năng xử lý hệ thống nền dữ liệu phức tạp tạo nên sức mạnh mở rộng khủng khiếp của hãng. Dù trao đi ngôi vương, Howard vẫn nắm trong tay gần 28 triệu cổ phần và trở thành cổ đông cá nhân đơn lẻ nắm phần lớn nhất trong hãng, phần thưởng xứng đáng cho “tầm nhìn” và “nỗ lực” của ông.
Cổ đông cá nhân lớn thứ hai của Starbucks là John Culver, người mà mình có duyên gặp gỡ và được chính ông phục vụ món Frappuccino tại Sài Gòn trong lễ khai trương cửa hàng Starbucks đầu tiên ở Việt Nam, một buổi lễ nổi tiếng với hàng dài những người hâm mộ thương hiệu xếp hàng (đến “ tranh cãi”) bên hông khách sạn New World chỉ vì tò mò trải nghiệm ly cà phê đậm chất Mỹ. Theo NASDAQ, tới ngày 12/12/2016 ông hiện nắm khoảng 342 ngàn cổ phần. John là chủ tịch của Starbucks ở Trung Quốc và khu vực châu Á Thái Bình Dương, đồng thời ông cũng giữ nhiều vai trò quan trọng ở các nhánh khác của tập đoàn như chủ tịch của Công ty Cà Phê Quốc tế Starbucks (Starbucks Coffee International) chuyên mua bán, rang xay cà phê nguyên hạt cùng các loại nước giải khát đóng gói liên quan đến cà phê; giám đốc cấp cao của GCP (Global Consumer Products) chuyên mảng hàng tiêu dùng nhanh phục vụ khách hàng toàn cầu; Seattle’s Best Coffee một thương hiệu cà phê đặc sản cấp thấp dành cho tầng lớp lao động và là chủ tịch của mảng Bán Lẻ Toàn Cầu (Global Retail) Starbucks.
Cổ đông cá nhân lớn thứ ba là Clifford Burrows, người làm việc tại Starbucks từ tháng 4/2011 với cổ phần nắm giữ khoảng 250 nghìn (theo NASDAQ tới ngày 18/05/2017). Ông là phó chủ tịch Starbucks ở Anh vào năm 2006, đồng thời là chủ tịch Starbucks ở khu vực châu Âu, Trung Đông và Châu Phi từ 2006 tới 2008. Sau 2008 ông nắm quyền quản lý Starbucks ở khu vực châu Mỹ đến năm 2011. Vào năm 2014 ông tham gia nhóm chủ tịch của Teavana một thương hiệu trà nổi tiếng được Starbucks thâu tóm từ năm 2012 với giá 620 triệu $. Burrows hiện đang tham gia nhóm chủ tịch của Siren Retail phụ trách quản lý việc tăng trưởng các cửa hàng “đặc sản” của Starbucks như: Roastery, Starbucks Reserve và tiệm bánh/cafe Princi.
Cổ đông cá nhân lớn thứ tư là Mellody L Hobson, một nữ tướng gốc Phi quyền lực với số cổ phần nắm giữ khoảng 168 nghìn (theo NASDAQ tới 21/11/2016). Bà tham gia ban điều hành Starbucks từ năm 2005. Từ năm 2000 bà là chủ tịch của quỹ đầu tư Ariel Investment LLC đặt tại Chicago, cũng là thành viên ban điều hành của Estee Lauder Companies và hãng phim Dreamworks Animation SKG, Inc.
Người thứ năm không ai khác chính là Johnson, tân CEO của Starbucks, ông hiện nắm khoảng 136 nghìn. Còn hai nhân vật quan trọng (và thú vị) khác trong ban điều hành Starbucks là Scott H Maw Phó chủ tịch và Giám đốc tài chính của tập đoàn nhưng chỉ nắm trong tay khoảng 80 nghìn (không nằm trong top) và Nadella Satya CEO hiện tại của Microsoft cũng tham gia ban điều hành Starbucks đồng thời mua vào một ít khoảng 2 nghìn cổ phần.
Ngoài ra thì phần lớn miếng bánh của Starbucks trên 80 tỷ $ là thuộc về các định chế tài chính với số cổ phần nắm giữ hơn 1 tỷ và chiếm gần 70,7% (trị giá 61 tỷ $). Trong đó đứng đầu nhóm này là 5 định chế lẫy lừng như: Vanguard Group Inc (nắm 92 triệu cổ phần) công ty quản lý đầu tư sừng sỏ đến từ Philly, nhà cung cấp lớn nhất cho các quỹ tương hỗ và thứ hai cho các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) sau iShares của BlackRock với số tài sản nắm trong tay trị giá 4 ngàn tỷ $ (4 trillion). BlackRock Inc (nắm 85 triệu cổ phần) tập đoàn quản lý đầu tư đến từ New York hiện quản lý khối tài sản lớn nhất thế giới gần 5,4 ngàn tỷ $ và được xem là ngân hàng ngầm (shadow bank) lớn nhất thế giới. State Street Corp (60 triệu) đến từ Boston, công ty về dịch vụ tài chính lớn thứ hai ở Mỹ và là nhà quản lý tài sản lớn thứ ba trên thế giới với gần 2,45 nghìn tỷ $ trong danh mục quản lý (11% tài sản thế giới). Tiếp theo là quỹ đầu tư Fidelity cũng đến từ Boston (FMR LLC nắm 48 triệu cổ phần) quản lý gần 100 tỷ $ tài sản và Capital World Investors (nắm 44 triệu cổ phần) từ LA quản lý 1,39 ngàn tỷ $ tài sản. Tất cả tạo ra một nguồn tri thức, vốn dồi dào cùng mạng lưới quyền lực “chính trị” nhằm gia tăng sức mạnh mở rộng cho Starbucks, một đại diện điển hình của nền tư bản Hoa Kỳ.
Triết lý của Starbucks trong vòng xoáy tư bản hóa cao độ của Hoa Kỳ đã được Howard định nghĩa bằng cách dẫn ra khái niệm “conscious capitalism” /phát triển có trách nhiệm hay ethical retailing/bán lẻ có tâm. Sau khi từ nhiệm CEO, ông sẽ giữ vai trò phó chủ tịch Starbucks nhằm dẫn dắt mảng bán lẻ, sát cánh và tập trung sâu hơn cùng với Burrows trong nhóm chủ tịch Siren Retails nhằm phát triễn chuỗi/concept hoàn toàn mới Starbucks Reserve, một mô hình nơi Starbucks sẽ đưa khách hàng vào nhà hát “cà phê” nơi họ có thể chiêm ngưỡng quá trình rang xay, chế biến những hạt cà phê ngon nhất thế giới tại chỗ và thưởng thức những gì tươi nguyên nhất. Câu trả lời của hãng trước sự bùng nổ làn sóng thứ ba về cà phê. Quan trọng hơn cả là dẫn đắt các sáng kiến nhằm nâng cao trách nhiệm xã hội cùng với việc tạo ra ảnh hưởng tích cực cho cộng đồng mà động thái gần đây nhất là tuyên bố Starbucks sẽ tuyển dụng hơn 10,000 người nhập cư nhằm phản pháo lại lệnh cấm nhập cảnh công dân bảy nước Hồi giáo của chính quyền Trump.
Bài khác: