AI, tận thế và những lời tiên tri cổ đại

AI, tận thế và những lời tiên tri cổ đại

Peter Robinson mở đầu phần trao đổi gần đây tại viện Hoover với Peter Thiel bằng lời trích dẫn trong Kinh Thánh Phúc Âm Matthew 24:35-36 "Thiên đàng và mặt đất rồi sẽ lụi tàn, nhưng vào ngày giờ nào thì không ai biết, thậm chí cả các thiên thần ngự trên thiên đàng" và so sánh với nhận định của Peter Thiel "chúng ta không thể tiên đoán ngày giờ nào, nhưng có thể đoán được nó ở thế kỷ nào". Thiel là một nhân vật mà bất cứ ai làm công nghệ không thể không biết tên, ông là tỷ phú, nhà đồng sáng lập Paypal (fintech), Palantir (công nghệ quốc phòng) và nhà đầu tư rất sớm vào Facebook. Ông cũng là một bộ óc xuất sắc với một nhân sinh quan hay tấm lưới tư tưởng và mô hình tri thức (intellectual models) rộng lớn xuất phát từ nền tảng đào tạo về triết học tại Stanford. Một người đi ngược dòng chảy chính thống (contrarian) nhờ vận dụng năng lực phi phàm trong kết nối các minh triết giai đoạn Khai Sáng như Hegel, Weber, Strauss đến các lời tiên tri xa xưa trong Kinh Thánh về với thế giới công nghệ hiện đại. Thiel có khả năng nắm bắt chiều kích lịch sử lớn: sự trỗi dậy và suy tàn của các đế chế, các sự kiện tôn giáo hòa cùng dòng chảy công nghệ xuyên suốt lịch sử gần 6000 năm (theo thời gian đề cập trong Kinh Thánh).

Phần trò chuyện gần đây của hai Peter (Robinson và Thiel) là nối tiếp của đề tài "Khoảng khắc Strauss" đã diễn ra trước đó nhiều năm, khi đó Thiel cảnh báo công chúng về quá trình chuyển dịch tâm thức đang diễn ra nhanh chóng trong thế kỷ 21: con người ngày càng đặt niềm tin vào sức mạnh của ý chí (will) - sự kiên gan bền chí thay vì tri thức (intellect), tư duy (mind), và sự duy lý (rationality). Chuyển dịch này bắt nguồn từ một số sự kiện diễn ra 1969: nước Mỹ đưa người lên mặt trăng và sự kiện âm nhạc Woodstock khơi mào cho thế hệ phản văn hóa (counterculture – hay phong trào hippies). Do không còn tin tưởng vào năng lực tư duy quanh một số vấn đề, con người đẩy nền văn hóa theo hướng thiền hành hay chữa lành (yoga), cải thiện tâm lý (psychological retreat) hoặc tệ hơn chìm đắm trong giải trí (entertainment). Quá trình thoái hóa khả năng “duy lý” (năng lực suy diễn logic) được thể hiện bởi niềm tin của công chúng đặt vào trí tuệ tập thể (wisdom of crowds), dữ liệu lớn (big data) hay một số tiến trình cơ học nào đó trong suy tư (mechanistic process – như lập trình tư duy NLP) – đặc biệt là sự xuất hiện của AI (Trí tuệ nhân tạo), với niềm tin tạo ra các cỗ máy tương lai có khả năng tư duy thay cho con người.

Lần gặp gỡ tiếp theo này Thiel tiếp tục đưa ra những lời cảnh báo mang màu sắc tiên tri về sự xuất hiện của Antichrist - người chống Chúa/ Kitô kiểm soát nhà nước toàn cầu và tiến hành cản trở một số xu hướng công nghệ với lý do các phát kiến này có thể gây thảm họa tận thế. Ông thể hiện cái nhìn ngờ vực với nghị trình của tổ chức Câu lạc bộ Rome (Club of Rome) do David Rockefeller sáng lập, với chủ trương hạn chế tăng trưởng và kiểm soát dân số (được nếu trong tác phẩm "Giới hạn tăng trưởng" của các tác giả Donella H. Meadows, Dennis L. Meadows, Jørgen Randers và William W. Behrens III). Thiel cứng rắn bảo vệ quan điểm phải nới lỏng không gian cho việc phát triển công nghệ, dù biết có một số công nghệ khá nguy hiểm, ông nhấn mạnh chiều ngược lại (kiểm soát công nghệ) còn nguy hiểm hơn. Cụ thể, trực giác nói với Thiel rằng các chương trình chống đối công nghệ triệt để (Luddite) sẽ có một hậu quả rất tồi tệ về mặt chính trị. Rất có thể chúng ta sẽ đón nhận một xã hội khắt khe kiểu Malthusian luôn nhìn nguồn lực với tổng bằng không (zero sum, do đó phải kiểm soát tăng dân số chặt chẽ). Nó sẽ thúc đẩy một thứ gì đó cực kỳ chuyên chế và toàn trị bởi miếng bánh không còn gia tăng thêm nữa.

Bài viết tổng hợp góc nhìn của Thiel dưới đây rất dài và đòi hỏi chúng ta phải đọc và chiêm nghiệm thật chậm, đó là một hành trình bám theo dòng chảy lịch sử tư tưởng và các lời tiên tri từ thời đồ sắt cùng các sự kiện trong Cựu Ước (Kinh Thánh) đến giai đoạn Khai Sáng cùng một loạt các sự kiện dồn dập trong thế kỷ 20 (Thế chiến 1, Thế chiến 2, Chiến tranh Lạnh) đến thế giới công nghệ AI hiện đại mà chúng ta dự phần. Thiel đã rất tài tình kết nối những lời tiên tri cổ xưa đến những diễn tiến hiện tại của thời cuộc, ông thôi thúc chúng ta suy tư sâu sắc hơn về những lời cảnh báo của cha ông về tận thế (Armageddon) cũng tâm thế dũng cảm đối diện (Đừng sợ/ Fear not). Thiel nhấn mạnh, để hiểu những gì diễn ra trong thế kỷ 21, chúng ta cần hòa mình vào thời cuộc theo nhiều cách khác nhau qua việc chuẩn bị một tấm lưới kiến thức rộng, trang bị cho mình các chiều kích tư tưởng và lịch sử đồng thời phải biết đặt ra các câu hỏi khó. Thêm nữa, mặc dù Thiel đã tuyên bố không tham gia sâu vào chính trị nhưng một trong những người đồng sự của ông tại quỹ Mithril Capital là JD Vance sẽ đồng hành cũng Donald Trump trong vai trò Phó Tổng Thống nên các quan điểm của ông chắc chắn vẫn sẽ ảnh hưởng đến các chính sách tương lai của Hoa Kỳ theo cách nào đó.

Bài viết có 7 phần có thể đọc độc lập nhưng có kết nối qua lại với nhau

1> Tận thế, trường đại học, siêu chuyên môn hóa và AI

Khoa học và công nghệ đã có những bước tiến rất nảy vọt từ Phục Hưng đến hiện đại, một giai đoạn mà ai ai cũng cảm thấy mọi thứ thay đổi một cách sâu sắc. Quan sát các ngóc ngách trong giới công nghệ, điển hình như công nghệ dùng trong quân sự và trong giao tiếp (military tech & communications tech), mọi thứ dường như rất mau lỗi thời và không có gì vĩnh viễn hay nói cách khác thay đổi nhanh chóng liên tục. Điển hình như cuộc cách mạng thuốc súng vào thế kỷ 17 đã thay đổi hoàn toàn cấu trúc xã hội và chính trị của giai đoạn đó. Lịch sử cũng uốn éo vặn vẹo (arc of history) theo một đường cong. Trong một hai thế kỷ vừa qua, một số chiều kích công nghệ trở nên cực kỳ quyền năng với khả năng hủy diệt tàn khốc buộc nhân loại phải chú tâm đến tận thế (apocalyptic), viễn cảnh vốn đã được truyền thống Kinh Thánh cảnh báo từ rất xa xưa (như trong sách Khải Huyền). Bom nguyên tử có thể tạo ra cơn mưa lửa cũng như hóa chất lưu huỳnh (brimstone) hủy diệt toàn thế giới. Kinh Thánh không cho rằng điều này trước sau gì cũng diễn ra nhưng khả năng cao viễn cảnh trên sẽ đến nếu các công cụ hủy diệt rơi vào tay loài người thiếu kiểm soát.

Câu hỏi quan trọng về tận thế (end times) lại dường như bị bỏ ngõ trong hệ thống giáo dục hay các trường đại học. Quả thực, đây là một câu hỏi hóc búa với quá nhiều biến số để xem xét. Gốc từ trường đại học (university) trong tiếng Anh có liên quan đến vũ trụ quan (universe), ám chỉ một góc nhìn rộng lớn bao quát về mọi sự. Trong thế kỷ 17 và 18, các trường đại học được cho là đại diện cho một hình thức tích hợp kiến thức (integration of knowledge) xuyên qua nhiều lĩnh vực cùng nỗ lực làm sao cho chúng khớp nối vừa vặn với nhau. Lối tiếp cận này đã vụn vỡ theo thời gian bởi những lý do về mặt "nhận thức" (ideaological reasons) và lý do thực tiễn (practical reasons). Kiến thức giờ đây trở nên quá đồ sộ và không ai có nắm bắt trọn vẹn, giới học thuật buộc phải chia nhỏ thành những ngành khác nhau (disciplines). Nhà kinh tế học nổi tiếng với thuyết "bàn tay vô hình" Adam Smith đã từng ẩn ý về nhà máy sản xuất pin với 100 người làm nhiều khâu khác nhau trong dây chuyền nhưng không một ai trong số họ biết cách làm ra cục pin từ đầu đến cuối. Một quá trình gọi là "siêu chuyên môn hóa". Các diễn tiến trong hệ thống giáo dục đại học cũng diễn ra tương tự, hệ thống giáo dục hiện tại gần rất khó tạo ra ai đó kiểu như Goethe (nhà thơ và triết gia vĩ đại của Đức), người có tầm hiểu biết rộng về mọi thứ hay như Hilbert, nhà toán học vĩ đại trong khoảng những năm 1900 có thể tường tận mọi ngóc ngách của toán học. Ông đã chỉ ra 25 vấn đề trong địa hạt toán học để thế kỷ 20 tìm cách giải quyết, nói cách khác chỉ ra một nghị trình phát triển cho địa hạt toán học. Ngay cả một ngành khắt khe đòi hỏi nắm bắt tổng quan lớn như toán học cũng dần tiến triển giống địa hạt văn học hay xã hội, nhà toán học này không thể hiểu những gì người khác trong cùng ngành đang làm, dẫn đến một sự bất tương xứng trong giao tiếp trao đổi (discourse). Năng lực nắm bắt một tổng thể lớn hơn, rất tồi tệ, đã bị đánh mất (making sense of the larger whole). Chúng ta cần phải hỏi một số câu hỏi mang tính tổng thế rộng lớn hơn. Cụ thể như trong địa hạt khoa học hay công nghệ: liệu chúng ta có đang tiến triển như đã từng (so với những ngày đầu của kỷ nguyên hiện đại hóa)? có phải mọi thứ (với bất cứ thang đo nào mình chọn) trở nên tốt lên: tuổi thọ kỳ vọng, GDP có làm tăng chất lượng cuộc sống, chúng ta có đang đi nhanh hơn (từ máy bay sang máy bay siêu thanh tới phi thuyền không gian)? Kiểu những câu hỏi về kinh tế vĩ mô đầy hóc búa.

Trực giác của Thiel nhắn nhủ với ông rằng sự trì trệ đã xuất hiện trong nhiều địa hạt (relative stagnation). Siêu chuyên môn hóa (hyperspecialization) đã che mờ sự sa sút (decadence) này. Các chuyên gia "hẹp" (narrow experts, chuyên gia trong một ngóc ngách nhỏ) lại thường vỗ ngực khen ngợi sự tuyệt vời của bản thân mình, các nhà nghiên cứu ung thư cho rằng bệnh này chữa được trong năm năm tới, các nhà vật lý lý thuyết (về lý thuyết dây của vũ trụ) xem mình là những người thông minh nhất. Tuy nhiên, tất cả có thể chỉ là một trò chơi quyền lực khoe mẽ lạ lùng trong giới học thuật, nơi họ tìm cách đè bẹp nhau để tôn mình lên.

Trước khi nhảy vào các câu hỏi liên quan đến những chuyển biến lớn lao hơn của lịch sử, ta có thể bắt đầu bằng câu hỏi ngách về tiến trình lịch sử của khoa học và công nghệ, thứ đã diễn ra quá nhanh trong suốt thế kỷ qua và bắt đầu chậm nhịp lại. Điều gì đang thực sự diễn ra? Liệu các hình thức duy lý cực đoan (extreme rationalism, bơm đẩy bởi các bài test kiểu GMAT) khởi phát từ quá trình chuyên môn hóa trên? Thiel nhận định: "khi duy lý hóa mọi thứ, chúng ta không bao giờ có thể bàn luận về cái kết của cuộc đời mình hay suy tư triết học về nó, chứ đừng nói gì đến những thứ sâu xa như tận thế". Các trường đại học hiện tại được vận hành theo cách bỏ ngõ các câu hỏi suy tư sâu sắc về cuộc đời: sự sống, cái chết, tội lỗi (sin), sự cứu chuộc (redemption) và ý nghĩa của tiến trình lịch sử. Những đề tài mông lung khó nắm bắt nhưng tối quan trọng cho việc xây dựng nhân sinh quan và phát triển nhận thức.

Các học giả vĩ đại trong thế kỷ 17 và 18 như Benjamin Franklin (một trong những người sáng lập Hoa Kỳ) và Francis Bacon (cha đẻ của chủ nghĩa duy nghiệm, nhân vật quan trọng của Cách mạng khoa học ) đều có niềm tin lạc quan rằng tuổi thọ con người sẽ kéo dài ra nhờ một số phát kiến. Thậm chí thế kỷ 19 và 20 còn có một phong trào gọi là vũ trụ luận (cosmism), diễn ra ở liên bang Xô Viết trong những năm 1920 (Cách mạng Xô Viết): chúng ta phải làm sống lại những người đã khuất nhờ vào sức mạnh của khoa học, công nhân trên khắp thế giới đoàn kết lại và đề xuất ý tưởng "công dân thế giới" (một khái niệm phổ biến trong giới trẻ ngày nay), thậm chí xuất hiện câu slogan: "những người đã khuất trên toàn thế giới đoàn kết lại" (Dead of the world unite). Tuy nhiên nỗ lực này không đi đến đích và cuối cùng xuất hiện một nhân vật độc tài tàn khốc Stalin, người khiến số lượng người chết gia tăng khủng khiếp bởi các chính sách sắt đá thay vì giảm đi (theo lý tưởng ban đầu). Rõ ràng, đó là giai đoạn lịch sử mà nguồn năng lượng sục sôi đổ vào khoa học hiện đại hòa trong bầu không khí lạc quan. Một số ý tưởng nghiên cứu có thể chảy từ suối nguồi Kitô Giáo (Christinity) đến khoa học, cụ thể như phục sinh (resurrection - làm sống lại người đã chết) và khoa học tin mình cũng làm được điều như Kinh Thánh mô tả. Thậm chí khoa học có thể trở thành đối thủ nặng ký của thần học Kitô Giáo (Christianity) - nhưng gì mà tôn giáo cung cấp có thể bị thay thế bởi khoa học (góc nhìn này hơi cực đoan). Tuy nhiên, rất nhiều dự án trong nhiều lĩnh vực đã không đi đến đâu.

Con người hậu hiện đại vẫn có thái độ nghiêng mình kính cẩn trước khoa học, vẫn tin vào tiến triển khoa học (Khoa học/ Science với chữ "S" viết hoa trân trọng) tuy nhiên tham vọng to lớn cao vời hiện đã mất dần. Các nhà khoa học anh hùng hay những cá tính mạnh mẽ sẵn sàng phá bỏ giáo điều hay suy tư độc lập có vẻ ngày càng ít đi. Trong giai đoạn hậu hiện đại, chúng ta chỉ là robot trong một mắt xích nhỏ của một cỗ máy lớn.

Rene Girard, triết gia và người thầy lớn của Peter Thiel tại Stanford, đã bày tỏ về tận thế: "Rất ít người đề cập đến tận thế, và góc nhìn của họ thường hoàn toàn mang màu sắc huyền hoặc (mythological conception). Một cách kỳ lạ, họ không thể quan sát thấy quy mô bạo lực mà chúng ta đang tập hợp (amassing) và treo lơ lửng trên đầu mỗi người có thể khởi phát ra điều tồi tệ nhất." Thêm nữa ông dặn dò: "khi viễn cảnh cận thế càng hiển hiện thì chúng ta lại càng ít đề cập về nó, do đó chúng ta phải thức tỉnh nhận thức ngủ quên của mình." Thiel cho rằng các lời tiên tri về tận thế chỉ là lời tiên đoán về những gì có vẻ như loài người sẽ làm. Bản chất của con người có thể không tệ đi nhưng cũng chưa chắc tốt lên, và không có giới hạn nào cho thiên hướng bạo lực. Girard dường như có chút khiêu khích nhưng nên nhớ ông chỉ tiên đoán chứ không đoan chắc. Girard cũng có chút hoài nghi về góc nhìn bạo lực khởi phát từ Thiên Chúa. Ông cho rằng những người vô thần (atheists, không tin tưởng vào tôn giáo nào) và những người theo chủ nghĩa cơ yếu/ toàn thống (fundamentalists, trung thành với những nguyên tắc cơ bản) không tập trung giải quyết băn khoăn liệu Thiên Chúa có tồn tại nhưng lại thường quan tâm đến các thuộc tính (attributes) bạo lực của Thiên Chúa, một số cho rằng bạo lực từ Chúa mà ra (một hình thức vô thần mới). Phong trào Tin lành Phúc Âm rất có ảnh hưởng ở Hoa Kỳ (evangelicalism) lại cho rằng sự phá hủy của thế giới là quá trình Chúa thực thi công lý trên trái đất hay cách ngài thể hiện cơn giận dữ với loài người (anger wrath). Dù sao thì phần đông mọi người vẫn tin vào nhận định của Rosseau, cụ thể: "con người sinh ra về bản chất là tốt, chính bản thân xã hội đã làm hư hại họ đi".

Nhà thờ Công Giáo thời xa xưa trong các nghi thức tế lễ và các bài giảng (liturgy & homilies) thường đề cập rất nhiều đến tận thế (End times) và cảnh bảo các tín đồ chuẩn bị cho Phán xét cuối cùng (judgement). Mãi cho đến năm 1945, nhà thờ mới làm nhẹ đi khía cạnh tận thế để các tín đồ có một không gian thoải mái hơn (comfort) thay vì chìm ngập bi quan (exhortation). Đây cũng là giai đoạn nhân loại đón nhận bom hạt nhân cùng những thứ mang tính hủy diệt quy mô khác mà loài người trong thế kỷ 17 và 18 rất khó hình dung. Các sử gia trong thế kỷ 18 và 19 đã từng cho rằng thế giới quá rộng lớn không thể phá hủy toàn bộ (họ không tin Chúa có thể làm vậy). Mặc dù công nghệ đã có nhiều tiến triển nhưng rất khó để gây tác động ở tầm vóc quy mô toàn cầu (worldwide scale). Điển hình như cuộc chiến tranh bạo lực của Napoleon và Thế chiến I có tính tàn phá cao nhưng vẫn còn mang tính chất địa phương (không ở quy mô toàn hành tinh). Tuy nhiên, quy mô tàn phá của hai quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima và Nagasaki đã hoán chuyển góc nhìn. Choáng váng hơn nữa, nối tiếp sau đó những năm 1960 và 70, cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân và vũ khí nhiệt hạch (thermonuclear weapons) đầy tính hủy diệt đã diễn ra chóng mặt từ vài trăm đến vài ngàn đơn vị - năng lực phá hủy toàn cầu đang chực chờ.

Trước đó vài trăm năm, cụ thể là những năm 1780, tranh luận về "tận thế" đã diễn ra rất sôi động giữa các nhà thần học, thỉnh thoảng chúng ta lại bắt gặp các phong trào "nghìn năm" (millenarian movements), cổ súy cho niềm tin xã hội sắp tới sẽ có những thay đổi căn bản do thảm họa tự nhiên như đại hồng thủy hay biến cố lớn khiến nhiều người phát rồ (phải luôn tỉnh táo trước sự điên rồ của đám đông/ madness of crowd). Thêm nữa, các học giả khi đó rất thích giễu nhại (hài hước) về tận thế, họ mang tinh thần lạc quan giai đoạn Khai Sáng (optimism Enlightment), cụ thể đùa giỡn quanh những ý tưởng đáng sợ như: một con quái vật chống Chúa (Anti-Christ) sẽ giết rất nhiều người, nó sẽ tạo ra một lò hỏa thiêu để đốt xác chết (một kiểu man rợ trung cổ). Sau khi Hitler sụp đổ vào năm 1945, kiểu đùa cợt trên đã không còn mang tính hài hước nữa (phát xít đã áp dụng phương pháp tương tự tại các trại tập trung). Tóm lại, sau 1945, khi hiểu biết (hay tiên đoán) của Girard trở nên rất thật và rất gần, loài người đa phần cảm thấy viễn cảnh tận thế thật khó nuốt nên bắt đầu tránh xa việc bàn luận về nó cả trong khoa học và Nhà Thờ. Thiel nhận định, một cách kỳ lạ, đây cũng là lúc các huyền thoại (mythical) xa xưa đột ngột quay về thời hiện đại, mọi người bàn tán quanh các vị thần khủng khiếp của Hy Lạp cổ đại kiểu như Saturn (vị thần ăn chính con của mình), Zeus (vị thần ném những tia sét xuống trần gian) hay Jupiter (người ném các quả cầu lửa).

Hãy nhìn vào sự tương đồng về thông điệp giữa Martin Rees, nhà vũ trụ học và sách Khải Huyền (hai thông điệp cách nhau 2000 năm). Cụ thể, Rees trong tác phẩm "Thế kỷ cuối cùng của chúng ta" nhận định: "mối đe dọa hạt nhân sẽ bị che phủ bởi những thứ khác cũng mang tính hủy diệt không kém nhưng ít được quan tâm kiểm soát hơn. Những công nghệ nâng cao mới sẽ cung cấp các công cụ khủng bố và hủy diệt quyền năng hơn; thêm nữa khả năng giao tiếp gần như tức thì ngày nay sẽ khếch đại ảnh hưởng xã hội của nó". Ngoài ra chúng ta có thể gặp phải "các tai nạn hủy diệt, như việc phát tán ngoài dự định các khí độc chết người. Tôi cho rằng xác suất 50-50 chúng ta chỉ còn sống sót vào cuối thế kỷ này." Còn sách Khải Huyền (Revelation 16:16) lại đề cập: "Ý chí ma quỷ (devils) sẽ tập hợp các vị vua (hay các nhà lãnh đạo trên trần thế) lại tại một nơi gọi là Armageddon (cuộc chiến cuối cùng giữa thiện ác trong tiếng Do Thái/ Hebrew)" nhấn mạnh vào một sự kiện hủy diệt cuối cùng (final cataclysmic event).

Bỏ qua khía cạnh thần học (theology), hãy nhìn thực tế vào những mối nguy tồn vong đến từ các phát kiến hiện tại: bom hạt nhân, vũ khí sinh học (kiểu như các con virus được tạo ra trong phòng thí nghiệm), AI, robot hủy diệt, các hệ thống vũ khí tự động (do AI kiểm soát) hay từ môi trường (không chỉ biến đổi khí hậu mà còn các chiều kích khác, kiểu chúng ta chỉ có một hành tinh xanh và phải hết sức cẩn trọng). Henry Kissinger (ngoại trưởng quá cố của Hoa Kỳ, người có tầm ảnh hưởng bậc nhất trong thế kỷ 20) trong cuốn sách viết cùng Eric Schmidt (cựu CEO Goolge) đã nhấn mạnh: "hãy hình dung về một cuộc chiến giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ với các vũ khí AI. Chưa một ai từng thử nghiệm những thứ như thế này ở quy mô toàn cầu do đó không thể nói chính xác điều gì diễn ra khi máy bay AI của hai bên chiến đấu với nhau. Biết đâu kết quả cuối cùng là sự hủy diệt toàn diện." Hãy thử đào sâu vào khía cạnh trí tuệ nhân tạo (AI), một khái niệm rất rộng, nó có thể là các thế hệ máy tính tiếp theo hay là thế hệ máy tính cuối cùng hoặc những gì đứng ở giữa. Định nghĩa cổ điển của AI là một cỗ máy có thể vượt qua được bài kiểm tra Turing và có thể lừa chúng ta tin rằng nó cũng có cảm nhận như con người (fool you), một thách thức rất lớn mà mãi đến 2023 mới giải được, cụ thể là sự xuất hiện của ChatGPT. Một phát kiến bứt phá lớn có thể so với bom nguyên tử 1945 hay Internet trong thập niên 1990. Khi tham gia vào các tranh luận tại thung lũng Silicon (trung tâm công nghệ của Hoa Kỳ), Thiel không đứng về phe "Luddite" (nhóm chống đối công nghệ) mà ngả sang phía "Protect" (thúc đẩy công nghệ). Ông cho rằng phe trắc ẩn hiệu quả (effective altruists) đang dành phần thắng trong tranh luận: kiểu như luôn có cách ngóc ngách nguy hiểm của công nghệ mà chúng ta phải hết sức cẩn trọng, dòng chảy công nghệ có thể không chạm đến một hình thức trí tuệ nào đó mang tầm vóc của Chúa (god-like intelligence) hay tạo ra siêu nhân phi lý trong tương lai (futuristic transhumanist) nhưng lại hướng đến việc tạo ra hệ thống vũ khí tự động (autonomous weapon) gắn trên drone chẳng hạn (cần phải tự động để tránh thiệt hại về người). Các tranh luận cũng có thể quay quanh cuộc chạy đua vũ trang điên rồ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Những người lo lắng về các rủi ro sinh tồn (existential risks) thường ở hai thái cực, chối bỏ công nghệ (Luddies) hoặc không nhìn nhận đủ sâu về hiểm họa tận thế. Cụ thể khi bàn về vũ khí hạt nhân mọi người đa phần vẫn tập trung vào các đầu đạn (nukes), tuy nhiên với những người như Greta (nhà hoạt động môi trường tuổi teen nổi tiếng), cô bé không quan tâm đến AI hay đầu đạn (nukes) mà chỉ hướng sự tập trung của mình vào môi trường. Các cực tranh luận tương tự cũng xảy ra quanh đề tài như liệu virus Covid có được tạo ra trong phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Thiel cho rằng mọi người đều có chút sự thật trong đó, cần cho tất cả cùng ngồi vào bàn thảo luận để có góc nhìn đa chiều.

Bên cạnh mối nguy vũ khí hạt nhân, vũ khi sinh học, và hệ thống vũ khí tự động (chạy bằng AI) thì còn có một rủi ro khác chính là việc hình thành chính phủ toàn cầu toàn trị (totalitarian one-world government), thứ rất khó đo lường thống kê. Chúng ta chỉ có duy nhất một thế giới, một khi chính phủ kiểu như thế này hình thành, sẽ rất khó đảo ngược. Dường như các giải pháp cho rủi ro tồn vong (dù dưới hình thức nào) đều hướng đến thứ gì đó rất phi dân chủ (non-democratic), một nhà nước toàn cầu với sự kiểm soát cao độ hay tìm cách chấp dứt tiến trình phát triển công nghệ, viện lý do nó có thể dẫn đến hiểm họa tồn vong. Rõ ràng, cô bé Greta chỉ có thể giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu triệt để bằng cách buộc mọi người trên hành tinh đều chạy xe đạp (một yêu cầu mang tính chất toàn trị).

2> Tiến triển công nghệ và lực Katechon

Các tiến triển diễn ra trong địa hạt máy tính, Internet và thậm chí trong AI đang chạy theo một hình nón hẹp (narrow cone). Nếu công nghệ nghĩa là tạo ra nhiều hơn với công sức ít hơn (more with less), thì chúng ta đáng lẽ phải đón nhận một chuyển biến kinh tế ngoạn mục, tuy nhiên điều này đã không diễn ra. Thiel cho rằng tốc độ phát triển công nghệ của thế hệ Millenials không đóng góp tốt hơn thế hệ cha mẹ họ (boomer) Cái tinh thần lạc quan trong thập niên 50 và 60 (thời của thế hệ boomer) như mô tả trong tiểu thuyết viễn tưởng Star Trek (Chiến tranh giữa các vì sao) của Jensen đã mất dần: viễn cảnh xe bay, máy bay siêu thanh phổ biến khắp nơi và mọi bệnh tật đều được chữa lành. Mặc dù chúng ta đạt được nhiều thành tựu lớn trong thế giới bit (máy tính) nhưng không quá nhiều trong thế giới nguyên tử (atoms). Tốc độ khai phá khoa học công nghệ chậm đi giai đoạn hậu hiện đại dễ khiến ta có cảm giác mọi thứ đã ngừng trệ (stagnant).

Là người theo chủ nghĩa tự do/ libertarian), Thiel nhận định nguyên nhân thứ nhất có thể là do mọi thứ đang được kiểm soát quá chặt (regulated), kiểu như cách FDA kiểm soát ngành dược. Nếu ngành game mà đặt dưới bàn tay FDA thì có lẽ đến giờ chúng ta vẫn chơi Pong (một trò chơi nỗi tiếng ra đời năm 1972). Thứ hai là hệ thống giáo dục không còn dạy sinh viên cách thức trở thành nhà khoa học, các định chế giáo dục đang ngày càng vụn vỡ đào tạo ra những bộ óc máy móc. Lý do thứ ba đến từ Tyler Cowen, giáo sư của trường Mason, ông nhận định những quả ngọt phía dưới thấp đã được gặt hái (low-hanging fruit) hay những phát kiến "dễ" đã được khai phá, giờ đây để có thành tựu khiêm tốn ta phải trèo lên rất cao. Có một lát cắt đáng báo động như sau, số lượng người có bằng Tiến sĩ/PhD hiện nay tăng lên gấp 100 lần so với năm 1924 nhưng tiến triển khoa học lại đi ngang, có nghĩa là 99% người có bằng PhD hiện nay kém hiệu quả hơn người có cùng bằng cấp 100 năm trước đây. Hệ sinh thái khoa học đã trở nên ốm yếu. Còn một lý do quan trọng khác theo Thiel là nhân loại đang đối diện với các rủi ro sinh tồn nên tốt nhất là tiến triển công nghệ nên chậm lại thay vì cùng chạy đua đến Armageddon.

Chào đời vào năm 1967, bản thân Thiel lớn lên với cảm giác mắc kẹt giữa các bức tường văn phòng trong những tòa nhà cũ kĩ, bên ngoài xã hội mọi thứ có cảm giác tê liệt, thay đổi chậm chạp, năng lượng èo uột, testosterone (chất kích thích ham muốn cạnh tranh) thấp - ông đã nhiều lần băn khoăn liệu có phải chúng ta đang sống trong thế giới kiểu Jetsons (một chuỗi hoạt hình nói về thế giới hậu hiện đại xa rời thiên nhiên và kiểm soát bởi các ngành công nghiệp) đang tự hủy hoại chính mình. Thiel bông đùa tổng thống JFK (Kennedy) mà sử dụng chất kích thích thần kinh (amphetamines) để đối đầu cùng với Khrushchev (lãnh đạo của Xô Viết) thì có lẽ mọi thứ đã khác. Khi chiến tranh lạnh kết thúc (Cold War), lẽ ra phải thế giới phải tiến triển khác đi. Nga lẽ ra phải có một nền dân chủ chẳng hạn (giờ họ lại có Putin và cuộc chiến với Ukraine), hòa bình phải lan rộng khắp Trung Đông và Trung Quốc cũng phải đi theo các mô hình như Đài Loan và Nam Hàn. Tăng trưởng kinh tế lẽ ra phải thúc đẩy kỳ vọng bao hàm trong đó các đòi hỏi tự do như tự do ngôn luận, tuy nhiên thế giới không vận hành 100% như vậy, ngược với những gì ta kỳ vọng.

Cảm giác thất vọng tương tự cũng chảy xuyên suốt giới công nghệ. Facebook, một nền tảng mà Thiel đầu tư trong giai đoạn sơ khởi, đã có khoảng 10 năm đóng vai trò báo chí truyền thông rất tốt (good press), một thập kỷ đầy lạc quan. Tuy nhiên giờ đây vai trò này cỏ vẻ đã bị hoen ố hay mọi người bắt đầu có cái tiêu cực về nền tảng này. Chính bản thân Thiel đã rời khỏi ban điều hành Facebook vào năm 2022 sau một loạt bất đồng về chính sách quảng cáo chính trị trên nền tảng với các nhà quản lý khác (cụ thể Thiel không đồng tình với việc kiểm duyệt các chiến dịch quảng cáo chạy bởi các chính trị gia). Trí tuệ nhân tạo cũng bị công chúng hoán chuyển thái độ từ lạc quan sang bi quan chỉ sau vài tháng. Thiel nhận định: "Có rất nhiều lý giải cho sự suy thoái trong giới công nghệ, tôi tin là ngành đang sợ hãi (got scary) trước viễn cảnh công nghệ hủy diệt loài người".

Thiel nhắc đến môt khái niệm bí ẩn "Katechon", mang nghĩa một lực siêu nhiên (force) nào đó chống lại sự hỗn loạn và các thế lực ma quỷ, một khái niệm đã có từ thời Thánh Paul (Pao Lô Tông Đồ). Khái niệm này xuất hiện từ thời đế chế La Mã (một khía cạnh tốt của thể chế này), thậm chí katechon còn là một khía cạnh chính trị của Nhà Thờ Công Giáo La Mã, của các cá nhân hay định chế/ tổ chức đang cố gắng kiềm chế con đường đi đến kết cục hỗn loạn của xã hội. Nó không phải là một hình thức phản kháng đơn thuần, hãy hình dung về các chính sách của Vương công Metternich, là một chính khách và nhà ngoại giao bảo thủ người Đức, phục vụ cho Đế quốc La Mã Thần thánh và sau là cho Đế quốc Áo. Hậu hỗn loạn Napoleon, ông đứng ra cân bằng cán cân quyền lực của các cường quốc châu Âu và được xem là nhạc trưởng của nền chính trị châu lục này trong 3 thập kỷ - các nước đi của ông có thể xem là gắn với katechon (katechomatic), nó hoạt động hiệu quả trong giai đoạn lịch sử đó (nhưng không nhất thiết hiệu quả ở các giai đoạn khác). Đức Hồng Y Newman, một nhà thần học có sức ảnh hưởng bậc nhất thế kỷ 20 từng nhận xét: "Các lời tiên tri đã chỉ cho chúng ta thấy cấu trúc hiện tại của xã hội và chính phủ phải được kiềm hoãn lại (withholdeth/ katechon).

Khi công nghệ hủy diệt hướng nhân loại đến tận thế Armageddon, thì lực cản lại xu hướng này luôn xuất hiện một cách rất tự nhiên. Cụ thể là sự xuất hiện của một nhà nước toàn cầu có sức mạnh và công cụ để kiểm soát gắt gao (Kinh thánh gọi nhà nước này là Antichirst - chống lại Christ). Người Công Giáo luôn có trực giác chống lại sự xuất hiện của cả Antichrist và Armageddon, họ thường sẽ tìm kiếm một con đường hẹp đứng giữa hai ngả đường để khỏi phải chọn một trong hai. Cụ thể, họ đứng lưng chừng giữa hai thái cực: phản kháng đơn thuần và lựa chọn Benedictine đơn thuần (trốn vào trong một tu viện nào đó né tránh sự đời). Theo Thiel, nếu người tốt không hành động thì đây là điều kiện hoàn hảo để ma quỷ thống lĩnh và theo lời của nhà quí tộc thành viên thượng viện Anh Lord Acton: “Quyền lực làm con người tha hóa. Quyền lực tuyệt đối sẽ dẫn đến tha hóa tuyệt đối”. Trong cuốn sách của tay viết bảo thủ Rod Dreher, lựa chọn Benedictine của người Công Giáo hay tách biệt bản thân khỏi dòng chảy xã hội (đang đi theo đường hướng mà mình cho là sai trái) nhằm bảo vệ linh hồn mình hay theo đuổi con được thánh hóa bản thân (personal sanctification) nghịch lý thay, lại có thể thúc đẩy việc tạo ra Antichrist và Armageddon.

3> Quan trắc Lịch sử

Cách hiểu về lịch sử của các học giả giai đoạn Greco-Roman (Hy Lạp - La Mã) như Thucydides và Herodotus rất khác với Daniel, nhà tiên tri thời đồ sắt. Thucydides viết về cuộc chiến tranh Peloponnesian giữa Athen và Sparta với các nhân vật bất hủ (được người đời nhắc đến mãi mãi), trong đó quyền lực vừa trỗi dậy (Athen) chống lại quyền lực đương vị (Sparta). Ông tạo ra khái niệm gọi là "bẫy Thucydides", ám chỉ việc một cường quốc lâu năm bị thách thức bởi một thế lực mới lên, điển hình như nhà nước Wilhelmine ở Đức (giai đoạn nước này trị vì bởi vua Wilhelm II từ 1890 and 1918) chống lại Anh vào năm 1914 hay Trung Quốc chống lại Hoa Kỳ hiện nay. Các xung đột kiểu như vậy diễn ra liên tục theo dòng lịch sử, mang màu sắc riêng, trường hợp cụ thể này không thể áp dụng cho nơi khác (cũng những bài phát biểu hay diễn ngôn đi kèm). Thucydides đem đến một góc nhìn tự nhiên, mang tính chu kỳ của lịch sử, không có lịch sử cụ thể đóng khung nào (specific history).

Ngược lại, Daniel nhìn lịch sử trong một tổng thể thời gian (one time) phủ bởi các sự kiện lịch sử to lớn bước ngoặc (world historical) như tạo thế (creation), sụp đổ (fall) và mặc khải kiểu Mose (Chúa truyền thông điệp xuống cho những người được chọn như Mose, vị ngôn sứ quan trọng nhất của Do Thái Giáo, Kitô Giáo và Hồi Giáo). Trong khung lịch sử tổng thế đó, những nhân vật kiệt suất xuất hiện như đấng Kitô, người xây dựng một sự nghiệp huy hoàng (Christ's ministry) cùng câu chuyện phục sinh (chết đi sống lại), một khoảng khắc huy hoàng kỳ lạ của lịch sử.

Thiel cũng nhắc đến triết gia Hegel, người xem lịch sử là quá trình một Tinh Thần lớn (Spirit hay Geist) của lịch sử đang giải bày bản thân mình, một "thượng đế" (providence) rất khác với Thiên Chúa trong truyền thống Cơ Đốc - Do Thái (Judeo Christian) (nhóm này coi lịch sử chảy tuyến tính/linear, sự kiện này nối tiếp sự kiện kia để hoàn thành các mục tiêu của Thiên Chúa cho nhân loại, không ngẫu nhiên và cũng không theo chu kỳ). Sự xuất hiện của vị Thiên chúa Tân Ước (Chúa Kitô) mang đến tính thần cấp tiến, cái mới hiếm hoi có thể xuất hiện thay thế cái cũ trong dòng chảy lịch sử. Có thể nói lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, cái mới xuất hiện thu hút và hoán chuyển lịch sử bởi chính nội tại mới mẻ của nó (just by virtue of it being new).

Các góc nhìn đa dạng phức tạp của lịch sử nhắc nhở chúng ta phải quan sát diễn tiến lịch sử với tâm thế thận trọng. Nếu dòng chảy lịch sử trở nên quá cấp tiến, chúng ta sẽ có những người như Marcion (người phát triển hệ thống đức tin nhị nguyên, thuyết này phân biệt hai vị thần - một vị siêu việt cao cấp hơn và một vị thấp hơn chính là đấng tạo hóa và cai trị thế giới này) hay Karl Marx (cha đẻ của chủ nghĩa xã hội), nhóm này gần như phủ nhận một số quan điểm của Cựu Ước. Thiel không tin rằng lịch sử sẽ lặp đi lặp lại (Groundhog Day) hay đi theo chu kỳ (hay sự vô nghĩa của các sự kiện lịch sử). Lịch sử có khởi đầu, đi theo hướng nào đó và sẽ có điểm kết thúc (end point) vợi các sự kiện quan trọng sẽ chảy vào ở giữa. Nếu muốn cảm nhận tốt hơn về thời đại mà chúng ta đang sống - thế kỷ 21 - chúng ta có thể tham khảo quá khứ (rõ ràng, có nét tương đồng nào đó giữa sự suy thoái của Hoa Kỳ hiện nay với sự sụp đổ của đế chế La Mã), tuy nhiên cần phải chân nhận rõ các khác biệt của từng giai đoạn lịch sử. Thời điểm Chúa Kitô ra đời dĩ nhiên phải khác xa thế giới hiện đại với vũ khí hạt nhân và giao tiếp tức thời. Góc nhìn về lịch sử cần rộng hơn, đừng chỉ áp dụng các cách thức cổ điển (kiểu Thucydides) mà cần nhìn vào mình triết (mang tính tiên tri) của các học giả cổ xưa như Daniel.

4> Kẻ chống Chúa (Anti-Christ)

Thiel nhìn nhận sự xuất hiện của AntiChrist một cách rất nghiêm túc, hòa cùng dòng chảy tư tưởng của những nhân vật kiệt suất như nhà tiên tri Daniel của Cựu Ước (thời đồ sắt), Kinh Thánh Thessalonians và Khải Huyền (Revelation) xuất hiện cách đây 2000 năm cũng như Đức Hồng y Newman. Sách của Daniel trong chương 7 đã đề cập đến AntiChrist như sau: "trong năm đầu tiên dưới triều đại vua Belshazzar ở Babylon, Daniel có một giấc mơ. Đứng trước mặt ông là một con quái vật hung dữ, đáng sợ và rất mạnh mẽ. Nó có hàm răng bằng sắt và ăn sống nạn nhân, xé toạc họ và dẫm nát phần còn lại của cơ thể họ dưới chân mình." Thánh Paul đề cập trong chương 2 Thessalonians : "Điều này (tận thế) không thể xảy ra cho đến khi có một kẻ băng hoại xuất hiện, một người đã đánh mất bản thân mình, kẻ thù của nhân loại. Hắn ta nâng bản thân mình lên cao hơn bất cứ đấng đang thờ phụng nào và tôn xưng mình là Chúa". Tiếp theo trong chương 13 sách Khải Huyền: "Tôi nhìn thấy một con quái vật trỗi dây từ biển khơi, mọi người ai cũng phủ phục dưới chân. Ai có thể sánh với quái vật này? Ai có thể chống lại chúng? Và loài người khắp nơi đều thờ phụng nó". Chúng ta cũng cần lưu ý đến lời nhắn nhủ của Đức Hồng Y Newman: "Trách nhiệm của các tín đồ phải canh phòng tận thế, trên hết cả phải luôn lưu ý về các dấu hiệu to lớn và đáng sợ mà Thánh Paul đã nhắc đến trong Thessalonians về sự trỗi dậy của hình ảnh Satan, một kẻ chống Chúa rất đáng sợ và đáng ghét".

Ivan Ilich, một linh mục Công Giáo (nổi tiếng với hai cuốn sách Deschooling Society và Medical Nemesis), nhấn mạnh trước khi đấng Kitô ra đời đã có những kẻ chống lại đường hướng của ngài và khi Kitô bước đi trên mặt đất thì những kẻ chống đối đương thời mới được gọi là AntiChrist. Hoàng đế Nero của Đế chế La Mã hay Napoleon có thể xếp vào một hình thức (type) chống Chúa, một ai đó tham vọng muốn thống lĩnh thế giới (world domination) hay mong muốn tạo ra một nhà nước toàn cầu. Có thể nói Hoàng Đế Alexander Đại Đế, người đã chinh phạt gần như toàn bộ thế giới mà người châu Âu thời đó biết đến, cũng là một kiểu hình AntiChrist (xuất hiện trước khi Kitô ra đời khoảng 300 năm). Vị vua kiệt suất này cũng mất năm 33 tuổi (giống Đấng Kitô), ông chinh phạt thế giới và Kitô xuất hiện để cứu rỗi nó. Khái niệm AntiChrist đầy bí ẩn cũng bao hàm trong đó rất nhiều tầng nghĩa. Antichirst là kẻ cố gắng bắt chước Kitô (Christ), tỏ vẻ mình vĩ đại hơn Christ (hyper Christian hay ultra Christian) hoặc chỉ đơn giản là chống lại người Công Giáo một cách sâu sắc. Chúng ta cũng có thể xem Antichrist là một hệ thống chiếm lĩnh toàn cầu hay ý thức hệ toàn cầu (ideology) hay như Hồng Y Newman đề cập, nhà tộc tài lãnh đạo nhà nước toàn cầu. Do đó chữ antichrist có thể xem là một hình thức (type), hệ thống (system) hay cá nhân (person).

Trong hai tác phẩm "Câu chuyện ngắn về kẻ chống Chúa" (A Short Story of the AntiChrist) của nhà huyền học Nga Vladimir Soloviev và "Chúa tể thế giới" (Lord of the World) viết bởi linh mục nhà thờ Công Giáo Robert Hugh Benson, Antichrist hiện lên như một nhân vật đầy tính thu hút, một siêu nhân (charismatic). Cụ thể Soloviev viết: "có một người kiệt suất, nhiều người gọi anh ta là siêu nhân. Bề ngoài anh ta tin vào Chúa nhưng tận sâu trong tâm hồn anh ta chống lại điều đó." Soloviev và Benson đều tiên đoán đúng những gì diễn ra 100 năm sau đó, Soloviev nói về sự ra đời của Liên minh Châu Âu còn Benson lại nhắc đến một thượng nghị sĩ Do Thái theo chủ nghĩa xã hội đến từ Vermont, trông giống giống chính trị gia Bernie Sanders. Tuy nhiên, hai ông không giải thích cơ chế mà các nhân vật Antichrist của mình đạt đến đỉnh cao danh vọng hay chiếm lĩnh thế giới. Thiel đưa ra lời giải thích lấp đầy lỗ hổng này (plot hole), cơ chế thâu tóm quyền lực không phải là deus ex machina/ God out of machine (thế lực linh thiêng nào đó hay Chúa can thiệp tác động) mà là daimonium ex machina/ demons out of machine (ma quỷ can thiệp tác động). Antichrist đưa ra những bài thuyết trình mê hoặc mà công chúng không ai có thể nhớ từng từ, sau đó hắn có thể kiểm soát linh hồn người nghe để họ phải phục tùng nhà nước toàn trị (hay các kiểu hình tương tự), kĩ thuật mà antichrist dùng là lợi dụng viễn cảnh Armageddon (giờ đây nỗi sợ về vũ khí hủy diệt gây tận thế như bom nguyên tử đã được gieo vào lòng công chúng).

5> Chính phủ toàn cầu

Triết gia hiện sinh Nick Bostrom trong tác phẩm "Giả thuyết về thế giới vụn vỡ (Vulnerable World Hypothesis)" đã nhận xét: "Các vấn đề đòi hỏi hợp tác và năng lực điều phối toàn cầu như đại dịch và các mối đe dọa công nghệ kiểu như bom hạt nhân hay AI (techno threats) chỉ có thể giải quyết bằng một nền quản trị toàn cầu hiệu quả" (global governance). Sau khi thế chiến II kết thúc, Tổng thống Hoa Kỳ Franklin D. Roosevelt đã thiết kế ra Liên Hiệp Quốc (UN) đóng vai trò như một nghị viện toàn cầu (world parliament) nhằm giải quyết các vấn đề chung của thế giới hậu thế chiến 2 dù mức độ hiệu quả còn rất thấp, có lẽ quý ngài Roosevelt đã đi trước thời đại. Vào năm 1946 bộ phim ngắn được sản xuất bởi Ủy Ban Quốc Gia về Thông Tin Hạt Nhân (chỉ vài tháng sau thảm họa bom nguyên tử ở Hirosima và Nagasaki) với tựa đề "Chọn thế giới hợp nhất hay diệt vong" (One World or None) đã gửi đến công chúng những cảnh báo về mối nguy hạt nhân. Bộ phim đưa ra lựa chọn nhị nguyên One World/ None tương tự như cặp Antichrist/ Armageddon - đều là các lựa chọn tồi mang tính đe dọa. Dĩ nhiên chúng ta không thể chọn "None" (mang nghĩa là nhân loại không còn tồn tại) nên buộc phải chọn "One World". Thiel cho rằng không nhất thiết phải chọn theo lối nhị nguyên tồi tệ như vậy, biết đâu có một con đường thứ ba nào khác thì sao.

Quan điểm của Thiel trái với Giáo sư Adiran Vermeule tại trường luật Harvard, người cổ súy mô hình chính phủ to bự, liên lục địa và hướng đến nền quản trị toàn cầu. Ông phát triển lý thuyết "chủ nghĩa hiến pháp vì phúc lợi chung/ common-good constitutionalism", trong đó cho rằng trật tự hiến pháp (constitutional order) cần thúc đẩy nền cai trị tốt (good rule) thay vì bảo vệ tự do. Chính phủ to bự này cần lan tỏa nền đạo đức Công Giáo và đảm bảo nó chảy đến các nhánh con (subsidiarity) và mọi vấn đề nên được giải quyết bởi chính các đơn vị/ nhánh nhỏ nhất nếu có thể. Thiel không tán thành với góc nhìn này, anh tin vào lời của Lord Acton: "Quyền lực tuyệt đối sẽ dẫn đến tha hóa tuyệt đối”. Quyền lực to lớn không có ai kiểm soát này sẽ thu hút một đám đông cuồng nộ khổng lồ, một quả bong bóng (bubble) quyền lực được bơm lên to lớn chưa từng có. Thiel nhấn mạnh đây có lẽ khác biệt lớn trong góc nhìn giữa tinh thần duy lý khai sáng (enlightened rationality), tin sự thông tuệ của đám đông (wisdom of crowds, cổ suý chính phủ toàn cầu) và Kinh Thánh (Bible), tin vào sự điên rồ của đám đông (madness of crowds/ global mob).

Trực giác về bản chất vấp ngã của con người (fallen nature of man) và tội lỗi nguyên thủy/ tội tổ tông (original sin, ám chỉ đến tình trạng mắc tội ngay từ khi sinh ra của tất cả mọi người, xuất phát từ sự sa ngã của Adam do ăn trái cấm trong Vườn Địa Đàng) khiến Thiel cực kỳ lo lắng. Các nhánh nhỏ (subsidiarity) trong hệ thống toàn cầu trông có vẻ hiệu quả về mặt lý thuyết và thực tiễn, tuy nhiên sẽ có rất nhiều vấn đề "ma quỷ" nếu đi sâu vào chi tiết (the devil is in the details). Một khi quyền lực tuyệt đối ngự trị ở tầng cao thì các quyết định liên quan đến những vấn đề tối quan trọng như biến đổi khí hậu và kiểm soát vũ khí hạt nhân đều nơi vào đỉnh tháp (top echelon), các lớp chi nhánh hay Palo Alto (trung tâm công nghệ Hoa Kỳ) hầu như không thể ảnh hưởng. Ngoài ra, Trực giác còn nói với Thiel rằng thuế suất biên (marginal tax rate) trong nhà nước toàn cầu sẽ khá cao (vì con người không thế di chuyển sang nơi khác để né thuế), môi trường kinh doanh có thể trông giông giống nhà nước Đông Đức (trước khi hợp nhất). Lúc này, các công ty công nghệ không thể chuyển đến Texas hay Florida để tận dụng tỷ lệ thuế thu nhập bằng 0 nữa.

Đào sâu vào góc nhìn của Bostrom, chúng ta sẽ nhận ra chính phủ toàn cầu buộc phải cực kỳ hiệu quả và phải đưa ra những chính sách toàn cầu siêu hoàn hảo (extremely effective global policing). Các công nghệ khó kiểm soát như AI buộc phải ngừng lại và phải ra lệnh cấm với những ai tham gia lập trình AI. Nhà nước này có thể tạo ra một kế hoạch theo dõi bất cứ phím bấm nào của công dân trên máy tính để kiểm soát xem họ dính líu đến AI hay không. Đó là một thứ quyền lực tuyệt đỉnh. Nhà nước toàn cầu như vậy rất dễ chuyển thành một nhà nước giám sát khổng lồ (global surveillance state). Thiel cho rằng viễn cảnh này rõ ràng không có gì hấp dẫn, tại sao chúng ta cần phải có một hình thái điên rồ như vậy kiểm soát mình. Thiel đưa ra phỏng đoán, một khi nỗi sợ về tận thế Armageddon chảy vào tâm trí công chúng thì đó là lúc Antichrist bắt đầu thâu tóm quyền lực dần dần. Khi công chúng bị đe dọa đủ nhiều thì một nhân vật sẽ xuất hiện để cứu rỗi họ. Thiel trích dẫn Kinh thánh "1 Thessalonians 5:3" với lời khuyên răn:"khẩu hiệu của Antichrist là hòa bình và ổn định" còn không nhân loại sẽ phải đón nhân sự hủy diệt của mọi thứ kiểu Armageddon. Đòi hỏi có vẻ "đẹp đẽ" xuất phát từ một trạng thái o ép trong một hình thái xã hội mà nguồn lực toàn cầu bị nắm tuyệt đối đến mức cực đoan bởi một nhóm nhỏ, cái giá phải trả cho trạng thái hòa bình và ổn định lớn hơn chúng ta tưởng.

Antichrist thường sẽ xuất hiện như một nhà nhân đạo vĩ đại, người điều phối và tái phân phối lại của cải hay áp dụng trắc ẩn hiệu quả (effective altruist), giống như những gì Triết gia Rene Girard (thầy của Thiel) cảnh báo trong tác phẩm "Tôi nhìn thấy Satan rơi xuống như một tiếng sét": "Antichrist lợi dụng việc mang hòa bình và bao dung đến cho nhân loại, một lời hứa mà Kitô Giáo đưa ra nhưng dường như hiện tại vẫn chưa đạt được." Họ lợi dụng suối ngồn Phúc Âm: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ" (trong Bài giảng trên núi/ Sermon on the Mount). Thiel nhắn nhủ đừng hiểu nhầm các hình thức nhân đạo là chống lại Công Giáo (anti-Christian), nhưng sẽ rất sai trái nếu kết hợp quá mức với quyền lực nhà nước. Chúa Kitô luôn muốn hợp nhất thế giới bằng tinh thần hão hữu như câu chuyện của người samaritan tốt bụng, kêu gọi giúp đỡ người khác một cách vô tư, kể cả những người không có quan hệ huyết thống với mình ở ngoài gia đình, bộ tộc hay quốc gia. Tuy nhiên, vấn đề lớn sẽ xảy ra nếu chúng ta ép tất cả mọi người đều trở thành Samaritan tốt bụng, một lực đối nghịch sẽ xuất hiện.

6> Scylla và Charybdis

Peter Thiel nhận định: "mọi người đều đang lo lắng về Scylla của Armageddon những thứ như đầu đạn hạt nhân (nukes), đại dịch và AI. Tuy nhiên chúng ta không dành mối quan tâm đủ cho Charybdis đến từ chính quyền toàn cầu, chính là antichrist". Scylla và Charybdis là hai con quái vật trong thần thoại Hy Lạp chuyên gieo nỗi sợ hãi cho các thủy thủ đi trên biển, chướng ngại mà vị anh hùng Odysseus phải đối đầu. Scylla có 6 cái đầu chuyên ăn thịt các thủy thủ còn Charybdis lại một xoáy nước có thể nuốt chửng toàn bộ con thuyền. Một số mối nguy tồn vong (existential risks) hay Scylla được lựa chọn một cách cẩn thận để gieo rắc nỗi sợ cho quần chúng, nó khiến cho mối e ngại về chính quyền toàn cầu (Charybdis) bị giảm nhẹ, bởi thay vì là mối đe dọa nó đã trở thành giải pháp. Giải pháp của Armageddon như Nostrom đề cập một hình thức tự quản trị (vô thần), một nhà nước toàn cầu siêu hiệu quả với chính sách hoàn hảo, chặn đứng mọi đường phát triển của công nghệ nguy hiểm. Lực toàn cầu này sẽ giới hạn góc nhìn đa dạng của công chúng bởi góc nhìn đa dạng, đa chiều sẽ khiến các nhà khoa học nhảy vào phát triển những công nghệ mà họ không được phép tham gia. Thiel nhấn mạnh lặp đi lặp lại chúng ta phải để ý cả Scylla và Charybdis và cần nhớ rằng Antichrist thường xuất hiện trước Armageddon.

7> Toàn cầu hóa

Thiel mô tả ba viễn cảnh ta cần lưu tâm về toàn cầu hóa

(1) kết thúc quá trình toàn cầu hóa, hay kết thúc giao thương toàn cầu từ đó khiến cho tiêu chuẩn sống rơi rụng đáng kể

(2) cho phép toàn cầu hóa tiếp tục diễn ra mạnh mẽ nhưng có vẻ như nó sẽ dẫn tới một nhà nước toàn cầu

(3) cho phép toàn cầu hóa tiếp tục nhưng chỉ phải trong phạm vi cho phép và tạo ra ích lợi chung. Giới hạn giao thương lại vừa mức để đảm bảo nó không thể thay thế các quốc gia có chủ quyền (nation states).

Thiel nhận định: "Cơ hội duy nhất để chúng ta đạt được toàn cầu hóa hữu ích là phải nhìn nhận vấn đề này rất nghiêm túc, phải chân nhận ra con đường này nó hẹp như thế nào".

Rõ ràng chúng ta không thể hình dung mọi thứ vận hành như thế nào trong một thế giới phi toàn cầu hóa với các cánh cửa đóng, thế giới hoàn toàn bị chia tách, không có thương mại, không có dòng chảy các ý tưởng qua lại giữa các phần khác nhau trên thế giới (kiểu như xóa bỏ Internet cùng các tàu hàng container chuyển chở hàng hóa). Dù sao đi nữa làm sao có thể quay ngược kim đồng hồ của tiến trình toàn cầu hóa, giờ đây triệu chứng Stockholm đã chảy vào mỗi người trong chúng ta (thuật ngữ mô tả một loạt những trạng thái tâm lý của con tin bị bắt cóc. Khi bị giam giữ lâu ngày, con tin chuyển từ cảm giác sợ hãi, căm ghét sang quý mến, đồng cảm). Các băn khoăn lúc này: "toàn cầu hóa liệu mang đến cái tốt nhiều hơn cái xấu?" hay "Liệu cái rổ tham nhũng chỉ ở đâu đó như Bắc Hàn, nước xuất khẩu plutonium (nguyên liệu hạt nhân), làm giả tiền 100$ và nhập khẩu gái điếm từ Thụy Điển hay rượu whiskey?" Rõ ràng, nếu phi toàn cầu hóa không còn là một lựa chọn, góc nhìn Panglossian sẽ chảy vào chúng ta, cực kỳ lạc quan trong bối cảnh khó khăn. Thiel nhận định đó chính là lý do tại sao chúng ta có Fukuyama, Clinton, Bush và WTO - các tổ chức và cá nhân thúc đẩy toàn cầu hóa.

Có rất nhiều hình thức toàn cầu hóa tồi tệ và cơ hội duy nhất để chúng ta xây dựng được cái tốt là bản thân mình phải chân nhận ra khó khăn của việc này như thế nào. Chúng ta có thể có các hiệp ước thương mại (trade treaties) mà những người tham gia thương thảo cần có góc nhìn ngờ vực với trạng thái tự do thương mại thái quá (free trade) và sẵn sàng phản biện lại các điều khoản (có thể dẫn đến nhà nước toàn cầu). Hãy hình dung về Chimerica, nỗ lực hợp nhất thương mại "huyền bí" giữa Trung Quốc (China) và Hoa Kỳ (America) diễn ra xuyên suốt 28 năm kể từ nhiệm kỳ của Tổng Thống Bush đến Obama nhưng phải đối diện với tính chất phức tạp quá mức của mối quan hệ Mỹ - Trung. Dĩ nhiên, không ai muốn rơi vào cuộc chiến nguyên tử với Trung Quốc nhưng có vẻ như trực giác lạc quan Panglossian cho rằng mọi thứ sẽ tự động hài hòa có vẻ như không còn đúng nữa.

Norman Angel trong cuốn sách "Ảo tưởng vĩ đại" (The Great Illusion, ra đời vào giai đoạn tiền Thế Chiến I) đã mô tả một thế giới được kết nối qua thương mại và tài chính sẽ không thể xảy ra chiến tranh bởi nó sẽ tàn phá chính những thứ được tạo ra từ đó. Angel cũng là người đạt giải Nobel Hòa Bình vào năm 1933 dù những lời tiên đoán của ông đã hoàn toàn sai. Tác phẩm mô tả việc nước Anh gây chiến với Đức (tương tự như cách London xâm lược thị trấn Hertforshire kế bên) và khi thị trường chứng khoán rơi rụng quá sâu, nỗ lực xâm chiếm trên đã buộc phải ngừng lại. Tuy nhiên lịch sử đã chứng minh rằng cuối cùng Thế Chiến I đã diễn ra, nỗ lực toàn cầu hóa liến thoắng (glib globalization) đã không cản được tham vọng chiến tranh, rõ ràng càng đi vào chi tiết ma quỷ càng xuất hiện (the devil is in the details).