Akhnaten
Anthony Roth Costanzo bước từ từ xuống 12 bậc thang trong bộ dạng khỏa thân hoàn toàn, không chút ngượng ngùng anh xoáy sâu ánh mắt vào hàng ngàn khán thính giả tại nhà hát Met Opera để dẫn dắt họ vào các nghi lễ của triều đại thứ 18 trù phú nhất trong lịch sử Ai Cập Cổ Đại.
Giọng ca “phản nam” (countertenor) thoát tục “đẳng cấp thế giới” nhập tâm trong vai một trong những nhà cải cách “tôn giáo” đầu tiên trên thế giới, Pharaoh Akhnaten (thế kỉ 14 TCN). Bằng cách đưa hệ tư tưởng độc thần (monotheism) vào nền văn minh Ai Cập, thậm chí trước cả tổ phụ Moses 200 năm (người đặt nền móng cho 3 tôn giáo độc thần có sức ảnh hưởng nhất trên thế giới Do Thái Giáo, Công Giáo và Hồi Giáo), Akhnaten đứng lên thách thức lại truyền thống đa thần (polytheism), cụ thể hướng con dân thờ lạy một thượng đế duy nhất – thần mặt trời (Aten).
Tất nhiên, mọi “kẻ phá bĩnh” (disruptor) đều phải đối chọi với sự bảo thủ tư tưởng gay gắt do giới giáo sĩ “cũ” dẫn dắt, kết cục sau 17 năm cầm quyền của Akhnaten rất bi thảm: bị tước đoạt tính mạng, đô thành Amarna (nơi thờ Aten) do ông xây dựng bị phá hủy, danh tính của ông trong sử Ai Cập bị xóa bỏ trong một thời gian dài (chỉ phát hiện lại vào thế kỷ 19), xã hội Ai Cập quay ngược về đa thần giáo.
Nhân loại ngày nay biết đến di sản của Akhnaten thông qua nỗ lực khai quật Amarna cùng hai nhân vật nổi tiếng trong gia đình ông: nữ hoàng Nefertiti (vợ) và Pharaoh Tutankhamun (người con trai nổi tiếng với mặt nạ mai táng trong lăng mộ nguyên vẹn được phát hiện năm 1922 – một biểu tượng văn hóa Ai Cập).
“Akhnaten” (1983) nằm trong bộ ba kiệt tác “opera” khắc họa chân dung (Trilogy Portait) các vĩ nhân do Philip Glass sáng tạo, một sự nối tiếp với “Satyagraha” (1980) và “Einstein trên bờ Biển” (1976), hai tác phẩm lần lượt mô tả cách cha đẻ Ấn Độ hiện đại Mahatma Ganhdi dẫn dắt phong trào bất bạo động và Einstein trong thời đại “nguyên tử”. Một sự khép vòng ba khía cạnh của nhân loại: Tôn Giáo, Chính Trị và Khoa Học.
Philip Glass là nhà soạn nhạc người Mỹ gốc Do Thái có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến dòng chảy âm nhạc đương đại, người cùng một lúc tự nhận mình thuộc về nhiều tôn giáo: Do Thái, Đạo giáo, Ấn Giáo, Toltec (Văn hóa Maya), Phật Giáo – nguồn cội cho các sáng tạo của ông. Cụ thể Akhnaken được gợi cảm hứng từ hai tác phẩm “Moses và Tôn giáo độc thần” của nhà phân tâm học Sigmund Freud và “Opedipus và Akhnaton” của Immanuel Velikovsky – nguồn tri thức giúp kết nối giữa văn hóa Hy Lạp (Opedious), Ai Cập (Akhenaten) và Do Thái (tổ phụ Moses).
Chân dung Pharaoh Akhnaken được đặt vào một thể nghiệm opera rất đặc biệt, Glass, người theo trường phái tối giản (minimalism), lược bỏ bớt diễn dãi bằng lời (libretto) truyền thống để thay bằng chuỗi hoạt cảnh (tableaux) chuyển động như những thước phim quay thật chậm kết hợp với âm thanh đầy tính thiền qua kỹ thuật “arpeggios” (hay broken chord) – một sự lặp đi lặp lại liên tục nhóm hợp âm (cường độ tăng dần hoặc giảm dần) nhưng đi kèm những thay đổi “rất nhỏ” nhịp điệu (changing rhythms) và syncopation (nhấn lệch beat). Một ma trận âm thanh tuy “lược giản” nhưng “tinh vi phức tạp” thách thức cả chính bản thân countertenor Costanzo trong việc làm chủ thời gian phát âm thanh – như các phân cảnh nghệ sĩ chỉ phát ra một tiếng duy nhất “Ah”. Để tăng thêm ngụ ý nghệ thuật, Glass bổ sung thêm trong khung cảnh “chậm rãi” các chuyển động liên tục của những quả bóng qua kỹ thuật tung hứng – một biểu trưng cho sự cân bằng quyền lực của vị Pharaoh nhằm bảo vệ cấu trúc “tư tưởng” mới mà ông cài cắm vào văn minh Ai Cập.
Khi quả bóng rơi xuống đất, vị thế “chính trị” của ông xáo động đòi hỏi một ngưỡng cân bằng mới. Trong chương “Phá Hủy” (Ruin) khi gia đình hoàng gia khóc thương Akhnaten, những quả bóng nằm rải rác khắp khán phòng sau đó dần được dẹp sang một bên – hình ảnh gợi nhắc ngưỡng cân bằng đã biến mất kéo theo toàn bộ ký ức và di sản của Akhnaten bị xóa bỏ.
Anthony Roth Costanzo trong bài phỏng vấn với The Guardian đã chia sẻ thông điệp rất thú vị: “Phần sản xuất được chúng tôi thực hiện trước khi sự kiện Brexit và Trump diễn ra, biến cố trên đã kiến chúng tôi đặt ra câu hỏi mới cho tác phẩm. Liệu Akhnaten là một nhà viễn kiến vĩ đại người chuyển đổi thế giới, hay chỉ là một nhà lãnh đạo lợi dụng sùng bái cá nhân thâu tóm quyền lực về một mối (thông qua cái gọi là tôn giáo)? Liệu ông ta có thống nhất đất nước mình vào mối quan tâm chung hay chia rẽ nó sâu sắc hơn bằng lời hùng biện của mình? Mọi câu hỏi còn để ngỏ.”
Trailer:
MET đang tiến hành chiếu trực tuyến các tác phẩm Opera kinh điển trong mùa Covid, hy vọng họ sẽ sớm đưa Akhnaten lên: