Alexander Hamilton

[US – New York]

Mục đích chính tới phố Wall của mình là để đi thăm ngôi mộ khiêm nhường của Alexander Hamilton tọa lạc ở Nhà thờ Trinity. Ông là một trong các cha già lập quốc Hoa Kỳ, Bộ trưởng Ngân Khố đầu tiên, tác giả của chính sách kinh tế Hoa Kỳ dưới thời George Washington – người đã giúp George xây dựng một nền kinh tế thương mại mạnh mẽ, hệ thống ngân hàng quốc gia giúp nuôi dưỡng kinh tài của liên bang. Ông cùng với James Madison và John Ray đã soạn thảo một văn bản mang tên “Luận cương liên bang” với trí tuệ uyên thâm và viễn kiến sâu sắc – giúp Hoa Kỳ định hình những giá trị cao quý của hình thức liên bang. Một văn bản đã lấy động mình sâu sắc.

Bài viết dưới đây mình tóm lược lại lịch sử tài chính sơ bộ của Hoa Kỳ từ thời Alexander đến cuộc đại suy thoái – qua lát cắt bài thuyết trình thánh giá vàng nổi tiếng của nghị sĩ Bryan – sẽ giúp các bạn có cái nhìn sơ bộ về di sản của Alexander:

Vào những năm đầu lập quốc, Alexander Hamilton (bộ trưởng Ngân khố đầu tiên) được Quốc hội yêu cầu phác thảo ra một bức tranh chung của hệ thống tài chính – ngân hàng Hoa Kỳ. Thời kì ấy nước Mỹ chưa có đồng tiền riêng nên mọi việc trao đổi mua bán đều được thực hiện thông qua tiền kim loại nước ngoài (foreign coin). Tháng 1/1791, ông đề xuất một hệ thống tiền tệ mới dựa trên chế độ song bản vị (bimetallism) trong đó lượng (giá trị) tiền tệ mới được tạo ra (currency) phải bằng đúng lượng kim loại vàng hoặc bạc mà quốc gia nắm giữ. Ông đề xuất thành lập ngay các sở/xưởng đúc tiền (mint) để các công dân có thể đem vàng hoặc bạc tới để đổi lấy tiền (dollar coin). Ngày 2/4/1792 Quốc hội thông qua Đạo luật Đúc Tiền (Mint Act of 1792) trong đó nêu rõ tên gọi tiền kim loại mới là dollar (Đô – la) và một đơn vị tiền mới sẽ tương đương với 1,6 g vàng hoặc 24 g bạc phù hợp với tỉ lệ vàng : bạc thời điểm đó là 1:15. Nhánh hành pháp cũng đồng thời thiết lập Cục Đúc Tiền Kim Loại Hoa Kỳ (Mint of The United States).

Sang tới thế kỉ 19, nhiều biến cố lịch sử đã dần kéo nhánh “bạc” của hệ thống trên sụp đổ. Đầu tiên cuộc chiến tranh Napoleon (1803-1815) cùng khủng hoảng kinh tế sau đó đã làm cho đồng tiền vàng của Hoa Kỳ tăng giá trị lên chóng mặt, người dân không còn xem chúng là tiền lưu thông nữa mà đem cất đi như vàng nén (bullion). Quốc hội Hoa Kỳ khi đó lúng túng giải quyết khủng hoảng bằng cách điều chỉnh tỉ giá vàng:bạc hai lần 15.8:1 năm 1830 và 16.002:1 năm 1834 (điều này giúp ngăn chảy máu tiền kim loại). Một thập kỉ sau đó, công cuộc đổ xô tìm vàng ở Cali (California Gold Rush 1848 – 1855) bùng phát khiến cho giá trị bạc tăng lũy tiến theo vàng. Khi ấy việc đúc các tiền kim loại bạc trở nên tốn kém hơn mệnh giá thực sự (face value) của nó, bạc bị sở đúc tiền kinh rẻ và bị đem dần ra nước ngoài nấu chảy. Cả hai biến cố trên đều cho thấy sự bấp bênh của hệ thống tiền tệ neo theo kim loại quí vì giá trị thị trường của chúng thay đổi thất thường theo thời gian.

Năm 1873, cả châu Âu và nước Mỹ bị rơi vào Trường suy thoái (Panic of 1873/Long Depression). Có 3 nguyên nhân chính yếu dẫn đến điều này: sự khan hiếm hàng hóa sau cuộc nội chiến Mỹ (1861-1865) khiến nền kinh tế Hoa Kỳ rơi vào giai đoạn lạm phát cao độ; quá trình đầu cơ tích trữ lan tràn (đặc biệt là trong lĩnh vực hỏa xa); sự ra đời của Đạo luật đúc tiền năm năm 1873 (Coinage Act 1873) nhằm loại bỏ hoàn toàn bản vị bạc mà theo nhiều thuyết âm mưu cho rằng đây là do sự can thiệp của gia tộc Rothschild vào chính trường Mỹ (khi ấy họ đang nắm nhiều mỏ vàng và nguồn cung vàng trên thế giới). Giá bạc lúc này bị kéo xuống đáy.

Các nhà sản xuất bạc cùng nhiều người Mỹ (đặc biệt nông dân được lợi từ lạm phát) phẫn nộ gọi Đạo luật đúc tiền 1873 là Tội Ác 1873 (Crime 1873) đồng thời kêu gọi quay về tình trạng trước đây (Pre 1873 Law) của chế độ song bản vị nhằm tạo áp lực cho sở đúc tiền phải chấp nhận bạc được gửi đến và chuyển hóa thành tiền kim loại bạc (dollar). Điều này ở một khía cạnh nào đó sẽ thổi phồng nguồn cung tiền giúp cho đất nước thoát khỏi khủng hoảng và thịnh vượng trở lại. Lúc này có rất nhiều nghị sĩ tên tuổi trong nhánh hành pháp ủng hộ chủ trương trên (advocate) và tìm mọi cách để đấu tranh cho họ tại Quốc hội (còn gọi là đấu tranh cho tự do bạc/free silver). Nỗ lực đầu tiên của nghị sĩ Richard P. Bland từ Missouri và William B. Allison từ Iowa đã dẫn đến sự ra đời của Đạo luật Bland – Allison 1878. Đạo luật yêu cầu Bộ tài chính Mỹ mỗi tháng phải mua vào một lượng bạc trị giá từ 2 đến 4 triệu $, giữ lại tỉ giá trao đổi vàng bạc như cũ 1:16 đồng thời đảm bảo tiền vàng hay bạc đều có hiệu lực pháp lý như nhau và có thể dùng chi trả cho các khoản nợ. Nhưng điều này vẫn chưa đủ để đạt được “free silver” theo như yêu cầu của giới khai mỏ bạc và nông dân, năm 1890 chính phủ nhượng bộ cho ra đời Đạo luật Mua Bạc Sherman (Sherman Silver Purchase Act – do Thượng nghị sĩ Sherman từ Ohio ủng hộ) nhằm thu mua thêm 4,5 triệu ounce bạc đồng thời chính phủ cũng cam kết đứng sau việc chuyển hóa tiền dollar bạc và trái phiếu chính phủ thành vàng. Ngay lập tức dữ trự vàng của chính phủ bị suy giảm khiến hai phe vàng và bạc ngày càng chia rẽ sâu sắc trong Quốc hội Hoa Kỳ.

Năm 1893 – 1896 lại một cuộc suy thoái khác xảy ra (Panic of 1893) gây tác động khủng khiếp tới đại đa số người Mỹ: Tỷ lệ thất nghiệp lên cao tới 25%, những người nông dân hầu như phá sản và phải bán đi nông trại của mình, có 500 ngân hàng đóng cửa, 15000 doanh nghiệp phá sản, nhiều người bị bần cùng hóa đến mức tự sát hoặc chết vì đói khát, bệnh tật. Trong thời kì kinh tế thảm hại như vậy, các chính đảng của Hoa Kỳ bị người dân ghét bỏ. Nội bộ của hai Đảng phái bắt đầu chia rẽ nghiêm trọng. Đa số thành viên Đảng Dân chủ dần chuyển sang ủng hộ Đảng cánh trái Dân Túy (Populist Party – thuộc phe bạc sau này hợp nhất lại vào Đảng Dân chủ). Nhiều thành viên Cộng Hòa ở các bang miền tây không tán thành với các bang miền Nam (phe vàng) nên cũng có xu hướng thành lập Đảng mới. Đạo luật mua bạc Sherman và Đạo luật bảo hộ McKinley (Tariff of 1890) được xem là một trong hai nguyên nhân chính dẫn tới nỗi đau đớn (panic) trên. Vì lượng vàng dự trữ trong Ngân khố tiếp tục giảm xuống mức nguy hiểm, Tổng thống Cleveland (phe vàng) buộc phải mượn 65 triệu $ từ vàng của Đại tư bản tài chính phố Wall J.P. Morgan và gia đình Rothschild ở Anh nhằm bảo vệ tiêu chuẩn vàng (gold standard). Ông kêu gọi chính phủ hủy bỏ Đạo luật Sherman và được Quốc hội phê chuẩn tuy nhiên tình trạng kinh tế quốc gia không được cải thiện ngay.

Nghị sĩ Dân chủ bang Nebraska – Williams Jenning Bryan (nhà diễn thuyết có tiếng về vấn đề “Free silver” và thương mại mậu dịch) là một trong những người chống lại quyết định hủy bỏ đạo luật Sherman và đấu tranh cho “free silver” quyết liệt. Ông xem bối cảnh suy thoái và chia rẽ này là một cơ hội để mình đứng ra hợp nhất sự bất bình của công chúng vào một chiến dịch ủng hộ “bạc” mạnh mẽ hơn và biến nó thành một nước cờ chiến lược để đến gần hơn với chiếc ghế quyền lực “hành pháp”. Cơ hội đến với ông khi Đại hội Đảng dân chủ 1896 ở Chicago tìm kiếm các ứng viên cho bài phát biểu chính yếu. Không chỉ tìm kiếm các ứng cử viên tranh cử Tổng thống, đại hội còn là diễn đàn cho sự tranh luận (debate) và phô diễn sức mạnh giữa hai phe vàng – bạc trong đảng. Sức hút cá nhân cùng sự ủng hộ của phe bạc đã khiến Ủy ban ủy nhiệm (Committee on Credentials) của hội nghị quyết định dành cho ông một chiếc ghế tranh luận (debate) tại đại hội. Bryan sẽ tham gia với tư cách là một trong những người đại diện cho Ủy Ban Nghị Quyết của Nebraska (Committee on Resolutions) hay còn gọi là Ủy ban nền tảng (platform) và là người phát biểu cuối cùng.

Bài diễn thuyết sắc bén của Bryan tại đại hội đã kích động sự cuồng nhiệt của công chúng cao độ và ngay lập tức đưa ông trở thành ứng cử viên cho chức vụ Tổng thống. Ông đứng ra bảo vệ tính chính đáng của bản vị “bạc” bằng lời mở đầu nhẹ nhàng:

“Tôi có lẽ đã quá tự phụ khi tự thân mình đứng lên chống lại những quí ông quyền quý (phe vàng) nơi đây. Những người mà các bạn đã nghe qua quan điểm họ và bắt đầu dùng nó làm cơ sở đánh giá khả năng của tôi. Đây không phải là cuộc chiến đấu giữa các cá nhân. Thưa tất cả những công dân khiêm tốn nhất trên mảnh đất này, khi tôi đứng ra bảo vệ những nguyên cớ chính đáng (clad in the armor) thì điều này luôn mạnh mẽ hơn tập hợp vô số của những nguyên cớ sai lầm (hosts of error). Tôi đến đây chia sẻ với các bạn nhằm bảo vệ một nguyên cớ (cause) cũng thiêng liêng không kém sự tự do (liberty) – đó chính là tính nhân bản (humanity)”.

Sau đó ông chuyển sang phân tích những động lực và lịch sử của phong trào “bạc” cùng sự tương tàn huynh đệ của cuộc nội chiến. Lợi ích của hai phe “vàng” và “bạc” va chạm vào nhau cũng như sự tương phản giữa những công dân bình thường và tầng lớp tinh hoa thành phố:

“Có một điều này chúng tôi cần phải chia sẻ, định nghĩa về một doanh nhân (business man) của các bạn quả thực thiếu sót và giới hạn. Một người làm công ăn lương cũng có giá trị không kém gì một doanh nhân trong vai trò ông chủ; một luật sư hành nghề trong thị trấn cũng có giá trị không kém gì một doanh nhân đóng vai trò chủ tịch hãng luật ở các đô thị lớn; một người buôn bán (merchant) ven đường cũng có giá trị không kém gì một doanh nhân trong vai trò một thương gia lớn ở New York; người nông dân một nắng hai sương, người mà phải dậy sớm và cày bừa cả ngày trên cánh đồng, người mà phải bắt đầu vào mùa xuân và cực nhọc gặt hái trong suốt mùa hè, người mà phải dốc cả sức và trí lực của mình nhằm tạo ra của cải từ nguồn tài nguyên tự nhiên dồi dào của quốc gia thì cũng có giá trị không kém gì một doanh nhân trong vai trò một thành viên quyền lực của Ban Thương Mại (Board of Trade) đang quyết định giá hạt gạo; những người thợ mỏ đang cặm cụi làm việc ở độ sâu hàng ngàn feet trong lòng đất, hoặc phải trèo cao hàng ngàn feet trên mép vực nhằm đem về những tài nguyên kim loại quý giá mà chúng cuối cùng sẽ được đưa vào vòng xoay thương mại thì cũng có giá trị như những doanh nhân trong vai trò những ông trùm tư bản tài chính đang ngồi ở một căn phòng sang trọng kiểm soát toàn bộ dòng tiền thế giới. Chúng tôi đến đây để nói về ý nghĩa rộng lớn nhiều tầng nhiều lớp của từ “doanh nhân” (business man).”

Và quyền của những người ủng hộ bạc: “Chúng tôi không đến đây để gây hấn. Cuộc chiến này của chúng tôi không phải là cuộc chiến chinh phục (conquest). Chúng tôi chiến đấu để bảo vệ ngôi nhà của chúng tôi, gia đình của chúng tôi và con cháu của chúng tôi. Chúng tôi thỉnh cầu (petitioned) và lời thỉnh cầu của chúng tôi đã bị coi kinh. Chúng tôi khẩn nài (entreated) và lời khẩn nài của chúng tôi đã bị coi thường. Chúng tôi đã kêu van và họ đã chế nhiễu (mock) khi tai ương của chúng tôi kéo đến. Chúng tôi không muốn van xin nữa, không muốn khẩn nài nữa, không muốn thỉnh cầu nữa. Chúng tôi thách thức họ ! “

Bryan còn nhất mạnh ý tưởng chính quyền phục vụ mọi tầng lớp nhân dân: “Có hai ý tưởng cho chính quyền. Có những người tin rằng, chúng ta nên tạo dựng (legislate) cơ sở thịnh vượng bắt nguồn từ những người tinh hoa/quyền quí (well), sự giàu có sau đó sẽ chảy xuống những tầng lớp thấp hơn. Riêng ý tưởng của phe Dân chủ (và dân túy), chúng ta lại nên tạo dựng sự thịnh vượng phủ đầy lên số đông, sau đó sự giàu có sẽ tìm cách chảy đi xuyên suốt mọi tầng lớp nằm sâu trong hệ thống. Bạn đến đây và chia sẻ với chúng tôi rằng các công việc vĩ đại ở thành phố sẽ theo đuổi bản vị vàng, chúng tôi lại tin rằng ý tưởng vĩ đại trên lại bắt nguồn từ những cánh đồng cỏ rộng lớn và tươi tốt của chúng tôi. Hãy thiêu trụi “thành phố” của các bạn và rời khỏi nông trại của chúng tôi và thành phố của các bạn sẽ tự hồi phục một cách kì diệu; nhưng nếu các bạn tiêu diệt nông trại của chúng tôi, cỏ dại chắc chắn sẽ mọc đầy trên khắp mỗi con phố của các bạn.

Chế độ song bản vị không những vậy còn gắn liền với tính độc lập của nước Mỹ : “Cần nhắc lại những tiền đề 1776 một lần nữa. Tổ tiên của chúng ta, khi đó chỉ có khoảng 3 triệu người, đã rất dũng cảm tuyên bố sự độc lập chính trị của họ với các quốc gia khác. Vậy thì chúng ta, hậu thế, bây giờ đã lên tới 70 triệu, lại dám tuyên bố rằng chúng ta ít độc lập hơn cha ông mình. Không đâu, thưa các bạn thân mến, điều này sẽ không bao giờ là nhận định/mong muốn của chúng ta (verdict). Vậy thì cuộc chiến vàng – bạc này có ý nghĩa gì? Tổ tiên của chúng ta đã khẳng định hệ thống song bản vị là tốt đẹp, vậy thì tại sao lại phải loay hoay đi tìm một mô hình với những ảnh hưởng và can thiệp của nước ngoài, nước Mỹ thay vì chạy theo tiêu chuẩn vàng vì nước Anh cũng có nó, thì chúng ta sẽ khôi phục chế độ song bản vị, và để cho nước Anh ngược lại phải theo đuổi hệ thống song bản vị của chúng ta. Và nếu nước Anh dám cởi mở đứng ra bảo vệ tiêu chuẩn vàng là một điều tốt, chúng ta sẽ chiến đấu với họ đến cùng.”

Và cuối cùng, Bryan kết thúc bài thuyết trình bằng hình ảnh ám ảnh:

“Các bạn không thể đè nặng lên trán những người lao động bụi gai này. Các bạn cũng không thể đóng đinh một cách đau đớn cả nhân loại lên cây thập giá bằng vàng được nữa.” Ông đã áp dụng hình ảnh biểu tượng của tôn giáo – Đức Jesus bị đóng đinh câu rút trên thánh giá đầu đội mũ gai nhằm liên kết với vấn đề bản vị vàng – quá đó gây cho công chúng một cảm xúc mạnh mẽ. Sau khi những lời cuối cùng cất ra một khoảng lặng kéo dài khoảng 5 giây, và sau đó cả hội trường như rơi vào phấn khích hỗn loạn. Họ ném mũ, áo và khăn mùi xoa lên trên trời và khi ông bước xuống, họ công kênh ông lên trên vai.

Dù vậy cuộc chiến đấu của ông và phe dân túy đã thất bại, ông thua trong cuộc chạy đua Tổng thống với ứng cử viên William McKinley năm 1896. Nước Mỹ hoàn toàn chuyển sang bản vị vàng vào năm 1900 và sau đó cũng bỏ luôn hệ thống này năm 1933 để chuyển sang tiền pháp định