Anne Frank và Câu chuyện song song
"Anne, bạn là ai? Giấc mơ của bạn là gì? Bạn sẽ đưa tôi đến những đâu? Cô gái trẻ đi giày Ugg, đeo khuyên cá tính ở mũi, Martina Gatti, đến thăm Bergen-Belsen, nơi người bạn Do Thái trẻ Anne Frank, cách đó nhiều thập kỷ đã bỏ mạng dưới sự khắc nghiệt của trại tập trung Đức Quốc xã (khi chỉ mới 15 tuổi). Anne là một trong số gần một trăm ngàn người Do Thái bị trục xuất khỏi Hà Lan khi Hitler chiếm đóng quốc gia nhỏ bé này, trước đó cô cùng gia đình đã lẫn trốn gần hai năm ở tầng trên cùng tòa nhà 263 Prinsengracht, tọa lạc ngay trung tâm Amsterdam. Đây cũng là khoảng thời gian Anne dùng bút ghi lại những trải nghiệm "thống khổ" bằng một tâm hồn sâu sắc kỳ lạ, mà những dòng chữ trong đó đã trở thành thông điệp đanh thép của tuổi trẻ, nhân phẩm, ý chí, một tuyên ngôn về giá trị nhân văn - như lời của Tổng thống John F. Kennedy: ""Xuyên suốt dòng lịch sử đã có nhiều người nói đến nhân phẩm vào những thời điểm con người gánh chịu nhiều nỗi thống khổ và mất mát, nhưng không tiếng nói nào có sức thuyết phục bằng tiếng nói của Anne Frank.
Trái tim nhân văn, ngập tràn niềm hy vọng của cô gái nhỏ tựa như 'sự thanh tẩy' đến những kẻ đang bị bị đám mây của quyền lực và độc ác che mờ..." Sau Bergen-Belsen, Gatti tìm đến những đài tưởng niệm Holocaust, bảo tàng và những di tích lịch sử khác để hồi tưởng lại những trải nghiệm của Anne Frank, đồng thời ghi lại nhật ký hành trình bằng hashtag #AnneFrank trên mạng xã hội, một công cụ phổ biến của giới trẻ hiện đại (như cách Anne trò chuyện với nhật ký Kitty). Song song với hành trình của Gatti, nữ diễn viên gạo cội Helen Mirren ngồi trong căn phòng ở Amsterdam nơi khi xưa Anne cùng gia đình lẩn trốn Nazis để đọc lên những trích dẫn đặc sắc nhất trong nhật ký của Anne.
Cấu tứ trên của bộ phim "Anne Frank - Những câu chuyện song song" (Anne Frank - Parallel Stories, phát trên Netflix) là cái nền tuyệt vời để tái tạo lại những trải nghiệm của gái nhỏ bé Anne trong thảm họa Holocaust hay Shoah. Bộ phim thông qua Helen, dẫn lại câu chuyện song song của những nhân chứng Do Thái (rất lớn tuổi) cuối cùng của Holocaust, nhóm kinh qua trải nghiệm tương tự như Anne nhưng may mắn sống sót: họ bị bắt giữ, trục xuất, tra tấn trong các trại tập trung - qua đó lấp lánh soi sáng những dòng nhật ký của Anne. Martina Gatti và Helen Mirren cùng hội ngộ trong căn phòng tại Amsterdam ở phần cuối phim, khoảng khắc kết nối giữa hai thế hệ để cùng khắc ghi sai lầm lịch sử trong tâm khảm.
Bộ phim chạm đến rất sâu các giá trị hiện sinh, giúp mình hồi tưởng lại chuyến đi Amsterdam năm ngoái (khi cà phê dọc bờ kênh Prinsengracht, gần khu Westerkerk, chị Lê Anh Thúy Ngọc đã chỉ cho mình thấy căn nhà khi xưa Anne Frank ở, giờ đã chuyển hóa thành một bảo tảng thu hút du khách bậc nhất ở Hà Lan). Đây có lẽ là thông điệp quan trọng nhất: "Cuộc sống thật đau khổ những lúc như thế này: ý tưởng, ước mơ và hy vọng ấp ủ bùng cháy trong trí óc chúng ta, nhưng lại bị nghiền nát bởi thực tế nghiệt ngã. Điều phi lý là tôi vẫn không thể bỏ đi tất cả những suy nghĩ đó bởi nó có vẻ quá vô lý và không thể vứt bỏ. Tôi vẫn giữ những suy nghĩ đó, bởi vượt lên trên tất cả mọi thứ, tôi vẫn tin rằng trái tim con người rất ấm áp."