Ballet Kiều
Lần đầu đi xem tác phẩm Kiều của đại thi hào Nguyễn Du dưới ánh sáng của ngôn ngữ múa do hai biên đạo Tuyết Minh – Phúc Hùng tạo dựng với HBSO. Truyện Kiều hay “Đoạn trường tân thanh” ra đời từ giữa thế kỷ 18 hay đầu thế kỷ 19 kể về cuộc đời đầy hỉ, nộ, ai, lạc, ái, ố của nhân vật “Thúy Kiều”, người phải bán mình chuộc cha rồi rơi vào vòng quay của những kẻ buôn người, sau đó bị ép làm kĩ nữ chốn lầu xanh. Cốt truyện quá quen thuộc đã đi vào tâm khảm nhiều thế hệ và trở thành một nguồn văn hóa của người Việt.
Nhìn chung ballet Kiều là một món lẩu thập cẩm pha trộn giữa “ballet phương Tây”, múa dân gian, ca trù, hát xẩm, đương đại (đu dây) pha kĩ xảo “hiện đại” Hologam. Sân khấu của Ballet Kiều đong đầy các chất liệu văn hóa xưa như chiếu cói, cờ ngữ sắc (cờ thần), áo tứ thân, mặt nạ chèo mà mình tin những ai yêu văn hóa truyền thống (như Chau Nguyen Huyen) sẽ rất thích. Tất nhiên để chuyển tải 15 năm lưu lạc đồ sộ của Kiều đi kèm nhiều tuyến nhân vật trong gần 1 tiếng rưỡi đồng hồ là thách thức khá lớn cho HBSO cùng hai biên đạo.
Tổng thể tác phẩm của Nguyễn Du được giữ nguyên vẹn trong Ballet Kiều, cách thức đóng và mở vở diễn bằng phân cảnh Kiều trầm mình xuống sông Tiền Đường xen giữa những chi tiết đắt giá trong cuộc đời Kiều, là một cấu tứ khá thông minh. Nhưng với chất liệu “nghệ thuật” ngồn ngộn, khán giả dễ bị ngộp và khó tìm thấy một ngôn ngữ “nghệ thuật chủ đạo” trong tổng thể tác phẩm, đôi chỗ mình thấy có phần hơi “sến” (như bóng bay chẳng hạn). Do vở ballet trôi khá nhanh và không có cao trào rõ rệt. Sùng A Lùng, người đóng vai Tú Bà, có diễn xuất còn nổi bật hơn cả nhân vật chính - với chất "đanh đá" rất riêng. Nghe đồn Ballet Kiều đã cháy vé những show diễn tới.