Bán khống và Wirecard
The Economist thông qua sự cố của Wirecard đã hệ thống hóa lại cuộc so găng khá thú vị giữa nhóm bán khống (short sellers), các công ty niêm yết và nhà làm luật (hay chính phủ). Wirecard được thành lập vào năm 1999 trong giai đoạn bong bóng dot-com. Khi CEO Markus Braun gia nhập công ty 2002, ông đã vực Wirecard khỏi bờ vực đóng cửa nhờ đẩy mạnh cung cấp dịch vụ thanh toán internet cho các trang web trò chơi trực tuyến và phim ảnh đồi trụy (porn). Từ đó, công ty dần trở thành một trong những nền tảng số phát triển nhanh nhất thế giới ở địa hạt thương mại tài chính (financial commerce) hay mảng thanh toán số (B2B2C). Không ai ngờ, bằng thủ đoạn tinh vi, WireCard đã hô biến gần “2 tỷ $” khỏi tài khoản công ty mà EY, đơn vị phụ trách kiểm toán, phản pháo “không hề hay biết”, biến mình thành một “scam” điển hình của điển hình (case study). Bài phân tích do mình lược dịch dưới đây:
Người Đức xem Wirecard là một đối trọng công nghệ đáng ghen tị với Hoa Kỳ, họ đã chìm đắm trong niềm tự hào khi công ty này dành được một chỗ trong chỉ số DAX năm 2018, đưa giá trị thị trường chứng khoán vượt lên 24 tỷ euro (28 tỷ $). Do đó, Wirecard dường như trở thành nhà vô địch fintech của châu Âu: một hãng cung cấp dịch vụ thanh toán số đang hướng đến chiến thắng toàn cầu. Tuy nhiên, bộ mặt công ty hiện tại đang dần đỏ lên bởi nỗi xấu hổ. Wirecard đã thừa nhận có một lỗ hổng trị giá 1,9 tỷ euro trong các tài khoản kế toán của họ. Người sáng lập kiêm ông chủ của Wirecard, Markus Braun, vốn từng được xem là nhà viễn kiến, đã nghỉ việc vào ngày 19 tháng 6, sau đó bị bắt giữ do nghi ngờ làm giả sổ sách cùng các động thái thao túng thị trường (market manipulation). Công ty này đang phải đối diện với phá sản hoặc phải bán tống bán tháo đi (fire-sale).
Sự thăng trầm của Wirecard là bài học điển hình (case study) về sức tàn phá (carnage) khủng khiếp đến từ sai lệch trong các hoạt động “kế toán” kết hợp với sự thờ ơ của các những người làm luật (regulator – thuộc nhà nước) cùng nhà đầu tư “cỡ bự” – họ bị quyến rũ quá mức trước một viễn cảnh đóng khung (narrative), vốn che mờ đi bản chất thực sự của công ty. Đây cũng là lời nhắc nhở cho chúng ta cái cách mà thị trường thu lợi từ các nhà bán khống (short sellers) – những người cố gắng kiếm tiền bằng cách đặt cược vào những công ty niêm yết, bán cổ phần vay mượn được (borrowed shares) và mua lại chúng sau khi giá cổ phiếu lao dốc. Nếu lắng nghe những lời cảnh cáo từ Cassandras, tổ chức đánh hơi thấy mùi thối từ Wirecard cách đây nhiều năm, có lẽ việc mất mát hàng tỷ đô la, mà nhiều trong số đó là các nhà đầu tư thuộc quỹ hưu trí (pension-fund), đã tránh được.
Nỗi băn khoăn về hành vi kế toán của công ty bắt đầu dậy sóng vào 2015. Đề tài trên được khai thác mạnh mẽ trong suốt 18 tháng qua chuỗi bài báo của Financial Times, thực hiện bởi những nhà bán khống (short-sellers) và người thổi còi (whistle blowers – ám chỉ những người tiết lộ bí mật đen tối trong tổ chức). Thay vì xem xét nó một cách nghiêm túc, nhà làm luật hay điều phối thị trường Đức, BaFin, có vẻ như lại càng đặt niềm tin vào Wirecard, họ ra sức phản pháo những người tấn công. Cụ thể, nhóm này tạm thời cấm đoán việc bán khống (shorting) chứng khoán Wirecard, đồng thời mở ra các vụ kiện hình sự chống lại nhóm nhà báo tọc mạch (với lý do nghi ngờ họ tiếp tay thao túng thị trường).
Các ngân hàng lớn và nhà đầu tư, bao gồm Deutsche Bank và DWS (nhánh quản lý tài sản), là những người bảo trợ cho Wirecard, vẫn giữ niềm tin thậm chí còn đặt cược thêm (doubling down), ngay cả khi nhiều dấu hiệu báo động nổi lên. Những người liên quan đã không tiến hành thẩm định cẩn thận (due diligence), thay vì thế chủ yếu dựa vào những mẩu tin tâng bốc tạo ra từ các nhà phân tích ở phía bên bán (sell-side): một nửa tá trong nhóm đó vẫn còn dựa vào “lời khuyên mua cổ phiếu” (buy recommendations) khi quý ngài Braun từ nhiệm. Đơn vị đứng ra kiểm toán cho Wirecard là EY (Big4) cũng có khả năng đối diện với điều tra (scrutiny). Giới truyền thông của Đức, đại đa số cho rằng Wirecard là nạn nhân của một âm mưu hiểm ác tạo bởi nhóm cướp bóc Anglo-Saxon.
Khi mà những người thông minh cũng có thể mắc sai lầm thì những gì giúp bơm thêm nghi ngờ đều được chào đón. Các đối trọng (counterweights) với tính đồng thuận của thị trường (market consensus) trở nên đặc biệt có ích khi các chính trị gia và ngân hàng trung ương đều hào hứng với giá trị tài sản cao (asset prices), một điển hình của não trạng tập đoàn (corporatist mindset). Thậm chí ngay cả khi nước Đức cởi mở đón nhận khái niệm “chủ nghĩa tư bản hướng cổ đông” (shareholder capitalism), thì quan điểm cho rằng các nhà quản lý công ty (managers) đáng tin cậy hơn cổ đông vẫn còn tồn tại dai dẳng.
Những người đặt cược vào các công ty niêm yết (để bán khống) đã từng bị soi xét dưới con mắt nghi ngại. Việc cấm bán khống (short-selling bans) ngắn hạn đã từng bắt nguồn từ thế kỷ 17 ở Amsterdam nhưng chính quyền lại cho rằng việc bán khống nhằm gây bất ổn (instability) sẽ không thể đứng vững (hold water): những cuộc khủng hoảng tài chính thường gây ra bởi các nhà đầu tư vay mượn để tính đường dài (long – chờ cổ phiếu lên) chứ không phải bán khống (short – chờ cổ phiếu xuống). Thỉnh thoảng, các nhà bán khống cũng liều lĩnh sai lầm, khi chạy theo các phỏng đoán trần trụi (speculative naked shorting) (đặt cược mà trước tiên không dựa trên vay mượn chứng khoán). Tuy nhiên, hầu hết nhóm “bán khống” này thường có những khám phá quan trọng. Trong vòng một năm vừa qua, họ đã phát hiện nhiều vụ lừa đảo lớn, từ việc điều chế số liệu bán hàng của Luckin Coffee, đối trọng của Starbuck ở Trung Quốc (nằm trong nhóm các công ty Trung Quốc lừa đảo bị đạp đổ bởi những người đi ngược dòng chảy chung (contrarians)) tới gã bịp bợm che dấu nợ NMC Health, công ty trong danh sách FTSE100.
Bán khống bên cạnh việc tìm ra các doanh nghiệp “nực cười” (funny), nó cũng giúp trau chuốt lại quá trình hình thành giá (price discovery) khi các công ty hợp pháp (legitimate firms) thường bị định giá quá mức. Các nhà bán khống có xu hướng làm bài tập “về nhà” bởi họ có nhiều lựa chọn trong tay. Chứng khoán có thể tăng nhiều hơn rớt xuống và bán khống có thể làm rò rỉ tiền (mất tiền) nếu các chứng khoán trong tầm ngắm duy trì mức giá lên trong những năm tới (buoyant). Họ cũng có thể phải đối mặt với trát hầu tòa và các chiến lược phi pháp, như việc Wirecard bị nghi ngờ đã đặt hàng các cuộc tấn công trên mạng hướng tới những người chỉ trích.
Điều đáng tiếc là khi nỗ lực bảo hộ thương mại (protectionism) gia tăng, chính phủ ngày càng mù quáng ve vuốt các tập đoàn con cưng gà nhà. Việc lừa đảo (frauds) đã trở thành một yếu tố toàn cầu – Wirecard tuyên bố sai lệch về việc số tiền mặt bị mất nằm ở Philippines; NMC có các nhà cho vay tín dụng (creditors) ở Đài Loan và Oman (trong nhiều nước khác nhau); và việc Luckin được đăng ký kinh doanh ở Cayman Islands. Tuy nhiên, chiến tranh thương mại và sự phân mảnh của các quy định kinh doanh trên toàn cầu sẽ khiến những người hoài khi khó có thể thực hiện công việc “bóc mẽ kỳ diệu” của họ. Nhiều công ty Trung Quốc có lẽ cuối cùng sẽ dịch chuyển niêm yết (chính yếu) từ New York về lại đại lục, nơi hành vi bán khống ít được dung thứ. Các nhà phê bình chuyên nghiệp trên (naysayers) sẽ không bao giờ mong muốn nổi tiếng, bởi họ kiếm tiền từ nỗi thống khổ của người khác. Nhưng cuối cùng nếu họ không thể giữ sự thành thật của thị trường (markets honest), sẽ không có ai chiến thắng.