Bánh Doughnut của Việt Nam
Giáo sư kinh tế Kate Raworth từ đại học Oxford đã đưa ra một khái niệm rất thú vị “Kinh tế bánh Doughnut”. Trong đó bà đưa ra một mô hình kinh tế (được minh họa như hình chiếc bánh donut) cân bằng giữa những gì mà con người cần và các giới hạn chịu đựng của hành tinh (Planetary boundaries – trong đó có 9 giới hạn). Nói cách khác, chúng ta cần đảm bảo không thiếu hụt các nhu cầu thiết yếu (như thức ăn, nhà ở, chăm sóc sức khỏe, tiếng nói chính trị) nhưng cũng không được phép tạo thêm áp lực lên hệ thống hỗ trợ sự sống của Trái Đất (nơi chúng ta hoàn toàn phụ thuộc) như sự ổn định khí hậu, thổ nhưỡng đất đai, đa dạng sinh học và tầng bảo vệ khí quyển ozone. Quan sát chiếc bánh Donut, chúng ta sẽ có một khung tư duy để tiếp cận các thách thức của thế kỉ 21 và sử dụng nó như một la bàn cho việc đảm bảo sự phát triển cân bằng và bền vững của nhân loại.
Nhân sự kiện G20 tổ chức ở Argentina, bà đã đề cập trên trang cá nhân một nghiên cứu ứng dụng mô hình Donut của Đại học Leeds (Anh Quốc) mang tên “Cuộc sống tốt đẹp cho tất cả/ A Good life For All” do các nhà khoa học Dan O’Neil, Andrew Fanning, Julia Steinberger và Will Lamb tiến hành. Họ đã thu thập dữ liệu so sánh của hơn 150 quốc gia (chỉ tập trung vào những quốc gia có dữ liệu đạt độ tin cậy cao – trong đó không có Saudi Arabia và các nước EU28) và mô hình hóa các dữ liệu thành bánh donut quốc gia theo phương pháp Kate. Trong đó, các bánh donut này sẽ mô tả chi tiết việc đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của công dân nhưng vẫn đảm bảo duy trì các nguồn lực của Trái Đất ở mức độ cho phép theo các tiêu chuẩn chung về giới hạn hành tinh. Các bạn có thể xem xét các dữ liệu này khi truy cập vào đường link sau:
Theo nghiên cứu này hiện tại không có một quốc gia nào trên thế giới có thể đảm bảo được các nhu cầu cơ bản của công dân mà vẫn đảm bảo sử dụng các nguồn lực của hành tinh một cách bền vững. Theo tính toán của nghiên cứu, để đảm bảo nhu cầu cơ bản cho công dân của hơn 150 quốc gia chúng ta sẽ phải trả một cái giá rất lớn gấp nhiều lần giới hạn cho phép của hành tinh căn cứ theo cách khai thác nguồn lực hiện tại để thõa mãn nhu cầu của con người. Căn cứ theo la bàn này thì tất cả các quốc gia trên thế giới đều phải xếp vào là các nước đang phát triển – thậm chí tất cả các thành viên của G20 – có nghĩa là không một quốc gia nào có khả năng duy trì sự cân bằng trong mô hình. Quan sát dữ liệu tương quan giữa yếu tố xã hội (Social Threshold) và giới hạn lý sinh của hành tinh (Biophysical Boundary), quốc gia đạt được sự cân bằng tốt nhất khá bất ngờ lại chính là Việt Nam. Mình đã truy cập và theo dõi chỉ số chi tiết, hóa ra khả năng tiêu thụ và sử dụng nguồn lực tự nhiên của Việt Nam vẫn chưa là gì so với các nước tư bản phát triển mặc cho các chỉ số xã hội thấp lẹt đẹt (như dinh dưỡng, vệ sinh, chăm sóc sức khỏe, thu nhập). Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là liệu đây có phải là là nỗ lực của Việt Nam trong việc theo đuổi mô hình Doughnut hay chỉ là ngưỡng để quốc gia này đi qua giới hạn cân bằng thật nhanh. Mong các bạn kinh tế gia có thể giúp mình giải thích cái này rõ hơn.
Các bạn có thể truy cập vào link sau để so sánh giữa Việt Nam và Mỹ :
Các nước thu nhập cao, bao gồm các nước G20 như Mỹ, Anh, Pháp, Đức và các nước EU28 theo mô hình nay sẽ không còn được gọi là nước phát triển nữa bởi sự tiêu thụ nguồn lực của các quốc gia này đã vượt quá giới hạn chịu đựng của Trái Đất và làm ảnh hưởng luôn sự phát triển bền vững của các quốc gia khác. Do đó không có cách nào khác họ buộc phải kiềm sự phát triển của mình lại để trở về đúng biên độ cho phép.