Bên trong cuộc chiến tìm kiếm nguồn gốc Covid-19
Tạp chí TIME số mới nhất đã dành một bài viết chủ đạo để đào sâu vào quá trình tìm kiếm nguồn gốc của virus đang gây bão toàn cầu Covid-19, một nỗ lực hệ thống hóa các thành tựu mà mạng lưới chuyên gia dịch tễ học, sinh vật học và virus học đạt được (trong 8 tháng qua) song song với sự trợ lực của chính quyền các nước cùng các tổ chức quốc tế như WHO, mạng lưới viện nghiên cứu và hệ thống trường đại học. TIME bắt đầu cuộc điều tra bằng cách đi sâu vào một hang động ở Trung Quốc sau đó lướt qua các điểm nóng của đại dịch trên khắp thế giới, từ Vũ Hán, vùng bắc Ý đến nhiều địa điểm khác nhau của nước Mỹ (như Seattle, New York, Santa Clara) để lý giải căn nguyên bùng phát của dịch bệnh. Bài cũng phân tích cách nhóm chuyên gia sử dụng các công cụ phân tích gen (mà cụ thể là genetic sequencing – giải trình tự gen), một môn khoa còn mới mẻ để thu thập, đối chiếu các dữ liệu liên quan đến hành trình phát tán ra toàn cầu đi kèm các quá trình đột biến nguy hiểm (mutations). Hành trình tìm kiếm virus cũng giúp công chúng nhận rõ chuyển dịch địa chính trị toàn cầu, đặc biệt là mối quan hệ Mỹ – Trung (như cách mạng lưới tình báo Five Eyes phơi bày bộ mặt các điệp viên Trung Quốc ở Mỹ), sự thay đổi mạnh mẽ của cấu trúc các ngành trong thế giới kinh tế, như việc Covid-19 đè bẹp hay làm suy yếu ngành buôn bán động vật hoang dã (trị giá 74 tỷ $) và y học cổ truyền Trung Quốc (trị giá 420 tỷ $) vốn nuôi sống nhiều người châu Á. Bài viết do mình lược dịch dưới đây rất dài nhưng cực kỳ đầy đủ về đường đi nước bước của virus Covid-19 qua góc nhìn của các chuyên gia, rất đáng đọc và nghiền ngẫm, đặc biệt là trong bối cảnh xuất hiện các ca nhiễm mới ở Đà Nẵng:
Li Rusheng dắt theo khẩu súng săn (shotgun) và đi sâu vào hang động Shitou, không phải theo tiếng gọi của tính tham lam, hay nỗi tò mò mà là để duy trì sự sống còn. Trong suốt giai đoạn tập thể hóa cao độ dưới thời Mao đầu những năm 70, thức ăn đã trở nên cực kỳ hiếm hoi trong vùng thung lũng màu mỡ ở tỉnh Vân Nam (Yunnan), phía Tây Nam Trung Quốc. Những người nông dân giống như Li, nếu may mắn, chỉ có thể trông đợi được chạm đến món thịt một lần trong năm. Do đó, để nạp thêm protein vào người, Li và những người bạn buộc phải đi vào hang để săn những sinh vật ẩn bên trong, thứ phát ra tiếng kêu the thé cùng chuyển động dập dờn: những chú dơi.
Li đi sâu vào trong màn đêm, nổ súng vô chừng vào trần hang và thu nhặt bất cứ con mồi nào rơi xuống, trong khi đó những người bạn đồng hành tiến hành treo một tấm lưới ngay miệng hang để bắt lấy những con dơi bỏ trốn. Họ nấu thành phẩm theo cách truyền thống của tộc người Yi ở Vân Nam: luộc sôi để tách da và tóc, lấy nội tạng ra ngoài sau đó nướng lên. Li, lúc này đã 81 tuổi, ngồi trên thành một bức tường hướng ra cánh đồng cây thuốc lá (tobacco) hồi tưởng:” Có con gầy và có con mập. Thịt của chúng rất vừa miệng, nhưng tôi đã không còn đi vào hang động đó trong suốt 30 năm qua.” Ông lắc đầu buồn bã “Đó là khoảng thời gian quá khó khăn.”
Trung Quốc ngày nay chỉ còn phảng phất rất ít hình ảnh quốc gia nghèo đói trong tuổi trẻ của Li. Kể từ khi Đặng Tiểu Bình tiến hành cải cách thị trường năm 1979, Vương Quốc Trung Tâm (Middle Kingdom) đã ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn. Ngày nay, quốc gia này là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới đồng thời cũng là đơn vị giao thương hàng đầu (trading nation). Họ có nhiều tỷ phú hơn nước Mỹ và nhiều đường sắt tốc độ cao hơn toàn thế giới gộp lại. Dưới sự lãnh đạo mạnh mẽ hiện tại của Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc đang tiến hành chiến dịch tham vọng nhằm dành lại “vị trí trung tâm của thế giới”. Những người nông dân giống như Li sẽ không còn phải săn “dơi” để tồn tại.
Điều này không có nghĩa Hang động Shitou đã chìm vào dĩ vãng. Ngày nay, độ sâu “ẩm mốc” của hang không còn liên đới đến nguồn thức ăn nuôi dưỡng dân địa phương mà với một hiểm họa toàn cầu (global peril). Shitou là nơi Shi Zhengli, nhà khoa học hàng đầu của Viện Nghiên Cứu Virus Vũ Hán (WIV), làm việc với các mẫu phân dơi vào năm 2011 và 2012, thứ mà bà đã cách ly ra các con virus tương tự như SARS, nguyên nhân gây ra đại dịch cách đó một thập kỷ. Shi được biết đến ở Trung Quốc là “người dơi” bởi nỗ lực nghiên cứu không mệt mỏi loại động vật có vú biết bay này đồng thời đưa ra các cảnh báo, cụ thể là bệnh truyền nhiễm xuất phát từ dơi có thể dễ dàng dịch chuyển sang loài người một lần nữa. Bảy năm sau đó, nỗi sợ của cô đã được xác nhận. Trong báo cáo tháng 2, Shi tiết lộ một khám phá mà cô gọi là “mối liên hệ gần nhất” với SARS-Cov-2, chủng virus gây ra Covid-19, thứ cũng bắt nguồn từ hang Shitou.
Được gọi là RaTG13, virus của Shi có mức độ tương đương với con virus đã lấy đi mạng sống của gần 600 ngàn người trên khắp thế giới (bao gồm 140 ngàn ở Mỹ) là 96,2%. Khám phá của Shi cho rằng Covid-19 bắt nguồn từ dơi, cũng như virus “bệnh dại”, Ebola, SARS, MERS, Nipah cũng như nhiều loại gây nguy hại khác.
Nhưng làm thế nào mà con virus này lại có thể du hành từ một cộng đồng dơi đến thành phố Vũ Hán, nơi bùng phát dịch được ghi nhận đầu tiên? Và từ đó, làm thế nào mà nó lặng lẽ đi theo các tuyến đường cao tốc hay các chuyến bay để ra tay thảm sát các y bác sĩ ở Ý, nông dân ở Brazil và những người nghỉ hưu ở Seattle? Làm thế nào mà virus này có thể thâm nhập vào loài người để gây ra con số thương vong to lớn, đẩy biến cố này trở thành một vấn đề khoa học toàn cầu. Việc tìm kiếm “bệnh nhân số 0” – hoặc “trường hợp đầu hệ” (index case), người đầu tiên nhiễm Covid-19, trở nên đặc biệt quan trọng, không phải để bắt lỗi hay chỉ trích cá nhân này, mà để khám phá ra cách con quái vật virus thâm nhập vào loài người đồng thời theo dõi cách nó phát triển. Điều này sẽ giúp cộng đồng khoa học và y tế hiểu rõ hơn dịch bệnh và cách thức phòng tránh biến cố tương tự hay tồi tệ hơn trong tương lai.
Trong khi mạng sống của hàng triệu người còn đang lơ lửng hay không chắc chắn (hang in the balance), Đại học Cambridge đã đưa ra con số chi phí đại dịch trong năm năm tới đối với nền kinh tế toàn cầu là gần 82 nghìn tỷ $. Nhân loại dường như không thể chịu nổi một cơn đại dịch nào khác nữa.
Nguồn gốc của Covid-19 không chỉ là một câu hỏi khoa học. Chính quyền Trump cũng xem đây là một công cụ chính trị để chống lại Bắc Kinh. Khi nước Mỹ thất bại trong việc kiểm soát dịch bệnh và bảo vệ nền tảng kinh tế, tổng thống Trump buộc phải đỗ hết tội lỗi lên đầu Trung Quốc.
Trump cùng với chính quyền của mình đã xem Covid-19 là “virus Trung Quốc” và “Virus Vũ Hán”. Ngoại trưởng Mike Pompeo tiết lộ “có nhiều bằng chứng” chứng minh virus đã thoát ra khỏi phòng thí nghiệm của Shi trong thành phố Vũ Hán (ông vẫn chưa tiết lộ bằng chứng thuyết phục nào). “Đây là một cuộc tấn công tồi tệ nhất mà chúng ta từng đối mặt, tệ hơn cả Trân Châu Cảng, tệ hơn cả cuộc tấn công World Trade Center (vụ 9/11)”. Tổng thống Trump khi nói về đại dịch hồi tháng năm đã không ngần ngại chỉ thẳng mặt Trung Quốc. Ngược lại, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) cáo buộc Tổng thống Mỹ đã thúc đẩy một cuộc chiến tranh lạnh mới qua “những lời dối trá và thuyết âm mưu”.
Nguồn gốc của virus rõ ràng là một chủ đề cần phải tiếp cận thận trọng. Dù thế nào đi chăng nữa, thế giới thực sự cần dũng cảm đối diện. Úc và Liên minh châu Âu EU đã tham gia vào lời kêu gọi điều tra nguyên nhân bùng phát đại dịch của Washington. Vào ngày 19 tháng 5, ông Tập đã phản hồi trước áp lực phải thể hiện sự ủng hộ nỗ lực nghiên cứu toàn cầu của các nhà khoa học quanh nguồn gốc và con đường lây nhiễm virus, dưới sự giám sát của Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO).
Nhưng Trump đã cáo buộc WHO quá thân Trung Quốc (Chinacentric) đồng thời thề ngưng tài trợ cho tổ chức này. Cuộc tấn công của ông có thể dựa trên một vài tiền đề cơ bản. Tổ chức này đã từ chối trạng thái quan sát viên (observer status) của chính quyền tự trị của Đài Loan dưới áp lực của Bắc Kinh. Ngoài ra, còn có thông tin các viên chức WHO tức giận với tốc độ tiết lộ thông tin rùa bò từ chính quyền Trung Quốc mặc dù họ đã công khai tuyên bố ủng hộ minh bạch (theo các ghi nhận của Associated Press).
Thái độ bè phái lặt vặt cùng chủ nghĩa quốc gia đang phủ bóng lên nỗ lực nghiên cứu khoa học, thứ không thể thay thế để tìm ra nguồn gốc thực sự của virus. Thời gian lúc này đã cực kỳ cấp bách (of the essence), trong lúc vắc xin SARS đã gần trong tầm với (within touching distance) cùng công việc nghiên cứu khoa học đang được minh chứng là cực kỳ quan trọng thì bị đứt quãng bởi đại dịch mới. “Một khi dại dịch này được giải quyết, chúng ta chỉ có một cửa sổ cơ hội cực kỳ nhỏ bé để lấp vào đó các hạ tầng cần thiết để ngăn nó không xảy ra một lần nữa”. Tiến sĩ dịch tễ học Maureen Miller, thuộc trường Columbia tiết lộ.
Công cuộc tìm kiếm nguồn gốc của virus phải bắt đầu phía sau những gian hàng với cửa chớp xanh tại chợ hải sản Huanan ở Vũ Hán, nơi đại dịch mà chúng ta biết với cái tên Covid-19 bùng phát lần đầu vào giữa tháng 12. Ca nhiễm đầu tiên là một thương lái tên Wei Guixian, 57 tuổi, người đến khu chợ này làm việc mỗi ngày, cụ thể là bán tôm ở trong các thùng chứa lớn. Vào giữa tháng 12, cơn sốt cao xuất hiện bất ngờ cùng những triệu chứng đi kèm khiến bà nghĩ rằng mình đã mắc cúm mùa (theo tiết lộ trên tờ báo quốc doanh Thượng Hải the Paper). Một tuần sau đó, bà rơi vào trạng thái nửa tỉnh nửa mê trong phòng bệnh viện.
Trong số 41 bệnh nhân đầu tiên được đưa đến bệnh viện ở Vũ Hán, 13 người không có kết nối gì đến chợ trời, bao gồm cả những ca bệnh được ghi nhận đầu tiên. Do đó, việc kết tội khu chợ này là điểm khởi đầu của đại dịch hay lây nhiễm (zoonotic jump) là không cần thiết, mặc dù chúng ta không biết chắc chắn bao nhiêu ca nhiễm Covid-19 lúc đó chưa phát triệu chứng (asymtomatic), những nhà nghiên cứu cho rằng con số có thể lên đến 80%. Và cho dù chợ Huanan không phải là nơi virus lần đầu lây cho người, nó chắc chắn đóng một vai trò quan trọng như một nguồn ủ bệnh truyền nhiễm (incubator). Tại họp báo ngày 26 tháng một, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe Hồng Kong tiết lộ có 33 trong tổng số 585 mẫu xét nghiệm “môi trường” lấy khỏi chợ ngay sau khi nó đóng cửa vào ngày 1 tháng 1, có kết quả dương tính với virus. Trong đó, có 31 mẫu lấy từ khu vực có buôn bán động vật hoang dã.
Vào tháng 5, Trung Quốc chấp nhận yêu cầu điều tra độc lập từ hơn 100 quốc gia khác, nhóm ủng hộ một giải pháp do Liên minh châu Âu (EU) soạn thảo. Tuy nhiên, chủ tịch Tập nhấn mạnh nó phải có “tính toàn diện” (comprehensive) – không chỉ tập trung vào Trung Quốc mà còn dõi theo cách thức các quốc gia khác phản ứng trước lời cảnh báo của WHO – và đặc biệt không thể tiến hành tại Trung Quốc cho đến khi đại dịch được đẩy lùi. Tập nhấn mạnh trước Đại hội đồng Y Tế Thế giới: “Nguyên tắc khách quan và công bằng cần được đề cao”. (Cần lưu ý, các cuộc điều tra virus cúm lợn H1N1 năm 2009 và đại dịch Ebola Tây Phi năm 2014 đều được bắt đầu trước khi khủng hoảng kết thúc). Theo các nguyên tắc điều tra trong quá khứ, đơn vị tiến hành là một nhóm các chuyên gia y tế độc lập cùng cựu nhân viên WHO do chính WHO chỉ định dưới sự đề xuất của các thành viên. Ở góc độ thực tiễn, dù sao mọi hoạt động bên trong Trung Quốc đều cần có sự hợp tác của Bắc Kinh, đồng thời chưa chắc chắn khi nào Mỹ sẽ chấp nhận tìm kiếm các bằng chứng (body) chống đỡ cho cáo buộc của Trump về chính quyền Tập: “quản lý tồi tệ và che dấu sự lan truyền virus”.
Peter Ben Embarek, một chuyên gia dịch bệnh có nguồn gốc động vật và an toàn thực phẩm ở WHO, tiết lộ các cuộc điều tra sắp tới phải tập trung vào việc phỏng vấn tất cả các ca nhiễm đầu tiên, cố gắng đi tìm bằng chứng về những nguồn lây bệnh ban đầu quanh họ hàng, các mối liên hệ, và những nơi họ đã đi qua trước khi bị ốm theo thang thời gian tính bằng ngày hay tuần. Đi cùng với đó, cần xác định các những người đi săn hay nông dân cung cấp động vật hoang dã. Ông cho rằng: “với một chút may mắn và năng lực phân tích dịch tễ, chúng ta có thể tìm được những thông tin có giá trị.”
Có rất nhiều người đang tìm kiếm nơi Covid-19 bùng phát đồng thời quan sát xem có sự kiện gì không đơn thuần xảy ra ngẫu nhiên. Vào năm 2017, Trung Quốc đã xây dựng một phòng nghiên cứu y sinh cấp độ 4 đầu tiên (bsl-4) – mức độ cao nhất để nghiên cứu các virus lây lan qua không khí mà chưa tìm được vắc-xin – ở Vũ Hán. Kể từ đó, những chuyên gia nghiên cứu virus có nguồn gốc từ dơi của nước này đều tìm những tòa nhà vuông xám xịt của WIV (Viện nghiên cứu virus Vũ Hán). Thật ra, theo tiết lộ trên Scientific American, khi Shi nghe đến đại dịch lần đầu, cô đã suy tư:” Liệu virus có đến từ phòng thí nghiệm của chúng tôi?” Việc lưu trữ cẩn thận các mẫu virus đảm bảo điều này không thể xảy ra, cô nhấn mạnh dù lý luận này không ngăn công chúng nghi ngờ.
Lỗi lầm luôn xảy ra. Trường hợp rò rỉ virus đậu mùa gần nhất từ một phòng thí nghiệm của Anh là vào năm 1978. SARS cũng rò rỉ từ phòng thí nghiệm Trung Quốc ít nhất hai lần, trong khi đó các nhà khoa học Mỹ phải chịu trách nhiệm cho việc thiếu kiểm soát một số mầm bệnh, bao gồm Ebola. Hiện tại chỉ có khoảng 70 phòng thí nghiệp cấp độ 4 ở trên 30 quốc gia. Sự hoài nghi hướng đến bản chất của công việc nghiên cứu mà phòng thí nghiệm Vũ Hán tiến hành. Theo một nhà nghiên cứu virus hàng đầu, người được yêu cầu ẩn danh vì sợ ảnh hưởng đến các mối quan hệ nghề nghiệp và nguồn tài trợ: “Nếu bạn hỏi tôi nơi nào là địa điểm thích hợp nhất trên thế giới để virus corona từ dơi nhảy khỏi phòng thí nghiệm, Vũ Hán sẽ nằm trong top 10.”
Cho đến nay, cả WHO cùng mạng lưới tình báo của Five Eyes – bao gồm năm nước Mỹ, Anh, Canada, Úc và New Zealand – đều không tìm thấy bằng chứng cho thấy virus Covid-19 bắt nguồn từ phòng thí nghiệm của Shi. Canberra (Úc) đã từ chối tiếp cận các hồ sơ của Mỹ nhằm thuyết phục công chúng Úc tin rằng mạng lưới Five Eyes có tiến hành điều tra quá trình che đậy đại dịch của Trung Quốc (thông tin được tiết lộ trên các tài liệu mở). Cùng lúc đó, cộng đồng các nhà khoa học lại đứng ra bảo vệ Shi khỏi mọi nghi ngờ. “Cô ấy có đầy đủ các phẩm chất mà một nhà khoa học cần có.”, Miller, người hợp tác với Shi trong một vài nghiên cứu, chia sẻ. Viện nghiên cứu Virus Vũ Hán (WIV) không phản hồi những bình luận trên.
Một vài bằng chứng cho thấy Covid-19 nhảy từ động vật hoang dã sang người. Việc theo dấu chính xác là cực kỳ quan trọng. Nó cho phép chính phủ lắp đặt các hàng rào bảo vệ phù hợp liên quan đến ngành chăn nuôi và giết mổ động vật nhằm tránh lặp lại biến cố trên. Một ví dụ như virus SARS, bắt nguồn từ dơi sau đó lây sang cầy vòi mốc (Palm civer), một động vật có vú trông giông giống mèo, sinh sống ở phía Nam và Đông Nam châu Á. Các con vật này sau đó được bán ở chợ trời cùng thịt tươi, cá mú, và một vài động vật sống khác. Chính ở Quảng Đông (Guangdong), virus này đã nhảy sang người. Ở giai đoạn đỉnh cao của đại dịch, khiến ít nhất 774 người chết trên thế giới, cầy vòi mốc bị cấm buôn bán và tiêu thụ ở Trung Quốc. Dơi rất có thể là nguồn lưu trữ cho SARS-CoV-2, nhưng có vẻ như còn có một trung gian khác trước khi đến với con người, đó có thể là nơi virus phát triển lên. Nhìn kỹ sẽ thấy dơi cũng chia sẻ hang Shitou với các động vật khác như chim sáo (starlings), phía bên trên hang cũng có một vài ổ chim cú (owl). Các đàn dê trắng và đen cũng gặm cỏ xung quanh miệng hang, cùng lúc đó tộc người Yi cũng có truyền thống nuôi và ăn thịt chó. Phân dơi theo truyền thống cũng được dùng làm phân bón trên đồng ruộng.
Cách Shitou một vài dặm, các khách hàng của nhà hàng Baofeng Horse Meat ngồi quanh những dãy bàn tròn, nhấp từng ngụm trà được rót từ một bình lớn, trong khi đó than được đun để nướng những khúc thịt chó (thứ có thể rất ghê tởm với phương Tây) hay sản phẩm “hoang dã” đặc biệt được cắt khúc đều. Chủ quán Wang Tao chia sẻ: “Tất cả động vật mà chúng tôi bán đều được nuôi gần đây.” Thực hành/thói quen văn hóa cùng các nhân tố lan truyền bệnh dịch khác thường quện xoắn với nhau. Như việc virus MERS tiếp tục nhảy từ lạc đà qua những người du hành trên sa mạc ở Bán đảo Ả Rập. Thói quen ăn động vật hoang dã “quý hiếm và khác thường” nhằm chữa bệnh của nông dân Trung Quốc rất có thể đã góp phần lan tỏa dịch bệnh. Thêm nữa, mặc dù phần lớn Y học Cổ Truyển Trung Quốc (Traditional Chinese Medicine – TCM) chỉ bao gồm các bài thuốc lành tính (benign), như kết hợp mát xa (massage), bấm huyệt cùng dược thảo đắng, nhưng cũng đồng thời sử dụng (fetishization) một số chất liệu từ động vật hoang dã. Đã có nhiều bằng chứng cho thấy TCM có thể đóng vai trò lớn trong việc lây lan bệnh dịch. Miền liên kết thụ thể (RBD – receptor-binding domain – một khái niệm y sinh học) thuộc các sợi protein của SARS-CoV-2 là công cụ mà virus dùng để bám vào vật chủ – thứ trước đó xa lạ với việc bám vào các tế bào con người. Các virus mới khám phá ở tê tê Mã Lai (pangolins) đã cho thấy nhóm này có cùng thụ thể với SARS-CoV-2 (receptor binders). Edward Holmes, nhà nghiên cứu virus và sinh học thuộc đại học Sydney, đã chia sẻ: “Một vài cấu thành của SARS-Cov-2 ban đầu có thể trông rất bất bình thường, nhưng bây giờ lại tìm thấy trong tự nhiên.”
Việc Covid-19 bắt nguồn từ dơi, sau đó nhảy sang người thông qua trung gian tê tê là một trong các giả thuyết thông dụng nhất hiện tại, theo một số nghiên cứu (mà một số chuyên gia virus không đồng ý). Có đến 2,7 triệu cá thể động vật có vú vảy cứng trên được đưa khỏi nơi hoang dã ở châu Á và châu Phi đến Trung Quốc để tiêu thụ. Nhiều người tin rằng lớp vảy cứng trên có thể trị được mọi thứ bệnh từ thấp khớp (RA – Rheumatoid arthritis) đến viêm trong cơ thể (inflammation). Thịt của tê tê cũng được xem là có nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Vào ngày 24 tháng 2, Trung Quốc tuyên bố cấm hoàn toàn việc giao thương và tiêu thụ động vật hoang dã, đè bẹp một ngành kiếm cơm của gần 14 triệu người mà trị giá lên đến 74 tỷ $, theo một báo cáo năm 2017 của Chinese Academy of Engineering. Một lần nữa, đây là vấn đề cực kỳ nhạy cảm. Chủ tịch Tập là một người ủng hộ nhiệt thành cho TCM (Y học cổ truyền) và đã quảng bá nó ra toàn cầu. Tổng giá trị của ngành TCM của Trung Quốc được kỳ vọng đạt đến 420 tỷ $ vào cuối năm nay, theo một nghiên cứu 2016 của Hội Đồng Nhà Nước Trung Quốc (China’s State Council). Tuy nhiên, thay vì nêu ra khả năng lạm dụng TCM sai lầm gây bùng phát dịch bệnh, truyền thông nhà nước Trung Quốc lại cổ súy – mà không có bằng chứng – việc TCM đã đóng vai trò quan trọng như thế nào trong điều trị bệnh nhân Covid-19. Trong một nỗ lực rõ rệt để chặn đứng các chỉ trích liên quan đến bệnh dịch, một bản phác thảo pháp lý được tung ra vào cuối tháng năm nhằm cấm các cá nhân hay tổ chức chỉ trích hay làm lu mờ hình ảnh của TCM. Việc xóa bỏ buôn bán động vật hoang dã phi pháp có thể giúp phòng chống dịch bệnh trong dài hạn nhưng chính nhu cầu tiêu thụ thịt ngày càng tăng cao ở châu Á, Phi, Mỹ La Tin mới là thứ góp phần đẩy mạnh khả năng virus nhảy vào loài người.
Có lẽ việc Li và những người bạn của ông miễn nhiệm với bệnh khi đi săn trong hang Shitou không phải là một may mắn ngẫu nhiên. Nghiên cứu của Miller tại đại học Columbia (kết hợp cùng Shi của WIV), công bố năm 2017, cho thấy người dân địa phương có khả năng chống chọi với virus giống như SARS một cách tự nhiên. Việc nghiên cứu thói quen hàng ngày cùng kháng thể của họ có thể giúp tìm ra các phương pháp điều trị khả dĩ hay các yếu tố giúp giảm nhẹ bệnh, cùng lúc đó có thể xác định chính xác loại virus nào có xu hướng lây nhiễm sang người, từ đó các nhà khoa học có thể thiết kế vắc-xin phù hợp. Miller chia sẻ:” Họ là chim yến trong mỏ than” (canary in a coal mine) (thành ngữ phương Tây ám chỉ nhóm người địa phương trên giúp cảnh báo nguy hiểm sắp đến gần).
Đám mây bất an xung quanh nguồn gốc của virus có lẽ sẽ không bao giờ biến mất. Việc xác định “bệnh nhân số không”, nguồn đầu tiên mà virus nhảy từ động vật sang có thể xem là bất khả bởi khả năng lan truyền phi thường của virus này ngay cả khi chưa có triệu chứng rõ rệt. Điều quan trọng nhất là chúng ta phải vẽ ra bản đồ rộng lớn cách thức virus lan truyền đi kèm quá trình thay đổi gen tương ứng. Về mặt lý thuyết, các hình thức giám sát gen (genetic surveillance) có thể hỗ trợ việc phát triển vắc xin diện rộng và ngăn chặn lây lan (antivirals), điều này có thể hiệu quả trong việc chống lại các đợt bùng phát dịch trong tương lai. Việc nghiên cứu “giải phẫu học” (anatomy) virus nhằm đào sâu vào khả năng di chuyển giữa các sinh vật có thể giúp tiên đoán nguồn của dịch bệnh sắp đến, đồng thời trang bị cho chúng ta khả năng ứng biến các sự cố trong tương lai mà không thể tránh khỏi. Đó chính là nỗ lực của đội ngũ gồm 40 thành viên thuộc Trung Tâm Y Tế Khu Vực Everett, Wash. Nơi các cảnh báo nguy hiểm như một phần của công việc kiểm tra (test) định kỳ hàng tháng đã trở thành sự thật.
Cũng cần chú ý đến ca bệnh Covid-19 đầu tiên ở Mỹ. Bệnh nhân là cư dân của bang Washington, người trở về thăm gia đình ở Vũ Hán vào thời điểm bệnh dịch đã lan tỏa rất nhanh. Nhận thấy rủi ro mắc bệnh ngày càng cao và lo lắng khi bắt đầu có triệu chứng sốt, người đàn ông 35 tuổi (mong muốn được ẩn danh) đã đến khám ở một trung tâm y tế khẩn cấp, nơi anh buộc phải khai báo lịch trình di chuyển với các nhân viên y tế. Thông tin sau đó được đưa đến bộ phận y tế liên bang và mẫu xét nghiệm được gửi ngay cho CDC (Trung Tâm Phòng Chống và Kiểm Soát Dịch Bệnh) ở Atlanta – nơi có phòng thí nghiệm duy nhất kiểm tra được Covid-19. Khi kết quả cuối cùng là dương tính, các nhà khoa học CDC đã khuyến cáo bệnh nhân trên nên đi đến bệnh viện để theo dõi thêm. Đó là cách mà Đội ngũ của bác sĩ Diaz bắt đầu chiếm sóng mặt báo (người khám phá ca bệnh đầu).
Một đội ngũ cứu thương chạy đến trước cửa nhà bệnh nhân, đưa anh vào một buồng cách ly di động được thiết kế đặc biệt, sau đó lái tầm 20 phút đến Providence Regional. Ở đó, bệnh nhân không thể biết được ai đến gặp anh vì bất cứ ai làm nhiệm vụ chăm sóc đều phải bao quanh mình lớp thiết bị bảo vệ phủ kín người. Khi ở trong phòng, anh chỉ có thể giao tiếp với các nhân viên y tế qua một con robot chăm sóc y tế từ xa (tele-health) được trang bị màn hình hiển thị khuôn mặt của người ngồi bên ngoài phòng.
Một y tá cẩn thận lau bên trong mũi và họng (pharynx) anh bằng miếng gạc để lấy mẫu virus, nguyên cớ đưa anh đến bệnh viện. Anh không chỉ là người đầu tiên nhiễm virus được xác nhận ở Mỹ, mà cũng là trường hợp đầu tiên trong nước mang virus được giải “trình tự gen” (virus genetically sequenced). Là bệnh nhân đầu đầu tiên ở Mỹ, trình tự gen của anh được đặt tên là WA1 (Washington 1), căn cơ (seed) giúp các chuyên gia truy tìm cây gen (genetic tree) mà SARS-CoV-2 tạo ra trong quá trình di chuyển từ người sang người trong các cộng đồng, quốc gia và toàn cầu, liệu nó có đột biến, chết đi hay lan truyền với sức mạnh mới (renewed vigor) để lây nhiễm đến nhiều người hơn.
Giải trình tự gen (genetic sequencing – việc xác định được trình tự DNA của các gen cụ thể) là một công cụ quyền năng để chống lại sức mạnh đột biến của virus. Con virus này rất ích kỉ và xảo trá, nó không dựa vào cơ chế bên trong để tái tạo mới mà cần một tế bào vật chủ để tiến hành – khiến họ phải trả một giá đắt. Quá trình sao chép rất luộn thuộm, và thường mắc lỗi, hay xảy ra đột biến. Nhưng thỉnh thoảng virus có thể lợi dụng biến cố trên, một vài biến dị giúp virus có cơ hội hoàn thiện năng lực lây lan, rất khó phát hiện từ vật chủ này sang vật chủ khác. SARS-CoV-2 có vẻ như đã trải qua một đợt thay đổi gen như vậy khiến những người mắc bệnh có thể lan truyền virus ngay cả khi họ không có triệu chứng gì.
Khám phá ra cách thức vẽ bản đồ những thay đổi trên hoàn toàn là một ngành khoa học mới. Khi dịch Ebola bùng phát ở Tây Phi năm 2014, các nhà khoa học đã vẽ lại bộ gen (genomes) của khoảng 1600 mẫu virus, thu thập từ lúc dịch bệnh mới bắt đầu lan truyền và đại diện cho khoảng 5% tổng ca mắc bệnh. Công việc này giúp có thêm nhiều hiểu biết về cách Ebola di chuyển giữa các địa điểm và đột biến. Nhưng nó không được công bố mãi đến 2017, bởi đại đa số dữ liệu trên được thực hiện sau khi dịch bệnh đạt đỉnh, theo tiết lộ của phó giáo sư Trevor Bedford, thuộc trung tâm Nghiên Cứu Ung Thư Fred Hutchingson, đồng sáng lập của Nextstrain.org, một dữ liệu mã nguồn mở về trình tự bộ gen của SARS-CoV-2. Với Covid-19, ông cho rằng “mọi thứ đang diễn ra quá nhanh”, khiến thông tin càng trở nên có hiệu quả ngay lập tức.
Kể từ lúc bộ gen đầu tiên của SARS-CoV-2 được công bố và cho công chúng tiếp cận trực tiếp vào tháng 1, các nhà khoa học đã theo dõi bộ gen của trên 70 ngàn (tiếp tục tăng) mẫu virus, từ bệnh nhân ở Trung Quốc, Mỹ, Liên minh châu Âu, Brazil và Nam Phi, cùng nhiều nước khác. Họ đưa thông tin giải trình tự gen (sequences) lên GISAID (Sáng Kiến Toàn Cầu về Chia sẻ dữ liệu Dịch bệnh – Global Initiative on Sharing All Influenza Data), một bộ cơ sở dữ liệu gen mà công chúng có thể tiếp cận, trong đó lưu trữ và chia sẻ bộ gen của virus cúm. Trong suốt đại dịch vừa qua, nền tảng này đã nhanh chóng trở thành một “clearing house” (trung gian) giúp theo dõi bộ gen của SARS-CoV-2, từ đó các nhà khoa học có thể vẽ ra lộ trình di chuyển xuyên lục đia cùng chi tiết các cuộc tấn công đa hướng trên thế giới.
Joel Wertheim, phó giáo sư y khoa thuộc Trường đại học California, San Diego, chia sẻ:” Chúng tôi có bộ gen do những nhà nghiên cứu và phòng lab trên khắp thế giới hay ở khắp 6 châu lục, thu thập và phân tích. Nó cung cấp cho chúng tôi những dữ liệu chuyên sâu độc đáo cùng sự tự tin về những loại dữ liệu dịch tễ chưa thể tìm ra.” Dựa vào dữ liệu giải trình tự (sequences) của GISAID, Nextstrain đã trở thành nguồn tri thức ảo (virtual watering hole) cho các nhà khoa học, cùng nhân sự trong ngành y tế công, những người muốn xem xét các xu hướng cùng khuôn mẫu thay đổi của virus, những dữ liệu giúp họ ra quyết định trong cách quản lý dịch bệnh.
Nếu việc giải mã gen là ngôn ngữ mới cho việc quản lý bùng phát dịch bệnh, thì các biến dị hay đột biến mà virus tạo ra chính là bảng chữ cái. Nó sẽ kết nối với thông tin về trạng thái của bệnh nhân như các triệu chứng hay mức độ nghiêm trọng, việc giám sát gen có thể tiết lộ nhiều manh mối về chủng loại virus nào liên đới đến những bệnh nghiêm trọng hơn. Nó sẽ giải thích điều bí ẩn của việc một số bệnh nhân phải nằm bệnh viện dài lâu với căn bệnh đe dọa tính mạng. Khi các quốc gia mở cửa trở lại, và trước khi có vắc-xin, thông tin gen sẽ giúp những người cung cấp dịch vụ y tế có kế hoạch tốt hơn khi nào và ở đâu họ cần có các đơn vị chăm sóc đặc biệt (intensive-care facilities) để chữa trị cho các ca mới trong cộng đồng.
Thông tin gen cũng rất quan trọng trong việc phát triển vắc-xin và thuốc điều trị. Hiểu biết về trình tự gen của SARS-CoV-2 đã giúp công ty Moderna Therapeutics sản xuất các liều thuốc có thể thử nghiệm trên người trong một thời gian ngắn kỷ lục: chỉ hai tháng kể từ khi trình tự bộ gen SARS-CoV-2 được công bố. Thậm chí ngay cả khi vắc-xin mới được chuẩn thuận và phân phối, việc tiếp tục theo dõi những thay đổi gen của SARS-CoV-2 nhằm đảm bảo không biến dị chống lại miễn dịch (do vắc-xin trên) là rất quan trọng. Những dữ liệu thu thập bởi Nextstrain là cực kỳ quan trọng giúp các nhà nghiên cứu vắc-xin chống lại các biến dị có khả năng diễn ra trong những năm tới. Nhóm này đã từng tư vấn cho WHO về những bộ gen tốt nhất phục vụ phân tích thuốc cúm mùa, giờ đây họ sẽ tiến hành nỗ lực tương tự với Covid-19. “Chúng ta có thể theo dõi những khu vực của virus mà vắc-xin có thể tấn công, đồng thời kiểm tra biến dị”.” Emma Hodcroft, người đồng phát triển Nextstrain, thuộc đại học Basel chia sẻ. “Chúng ta có thể tiên đoán những biến dị trên có mức độ phá hủy như thế nào với vắc xin và xác định khi nào vắc-xin cần cải tiến.”
Trong khi đó, việc giám sát gen giúp cung cấp dữ liệu thời gian thực về những nơi virus lan đến cùng cách thức thay đổi. Barbara Bartolini, nhà nghiên cứu virus thuộc Viện nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm Quốc Gia Lazzaro Spallanzani ở Rome, người đã giải trình tự hàng chục mẫu virus từ các bệnh nhân ở Ý tiết lộ:” Đây là lần đầu tiên trong suốt giai đoạn bùng nổ dịch, mà các nhà nghiên cứu cùng các định chế “tháp ngà” khác nhau chia sẻ dữ liệu giải trình tự gen.” Thông tin này giúp cho các chuyên gia y tế công có thêm thông tin chính xác hình thái của kẻ thù “có tính lây lan” này theo cách thức mà các phương pháp giám sát truyền thống không thể làm được.
Sau khi bệnh nhân của Diaz dương tính với SARS-CoV-2, các nhân viên y tế công của tiểu bang Washington đã theo dõi chắt chẽ những nơi bệnh nhân từng đặt chân đến cùng những người anh ta tiếp xúc trực tiếp. Cụ thể như, anh đã đón một cuốc xe đến phi trường, đi làm đồng thời thưởng thức bữa trưa tại một nhà hàng hải sản gần văn phòng với các đồng nghiệp. Nhưng bởi vì quá ít người biết về tác hại của con virus lúc đó, những người theo dõi chỉ chú tâm đến những ai có dấu hiệu ốm – trong khi những người mối liên hệ với bệnh nhân lại không chủ động trình báo. Với thông tin gen, câu chuyện có thể hoàn toàn khác.
Seattle đã từng ra mắt chương trình theo dõi cúm vào năm 2018 bằng cách thu thập mẫu từ các bệnh nhân ở bệnh viện, văn phòng bác sĩ, trường học, nhà lưu trú tạm cho người vô gia cư, phi trường và thậm chí cả từ các tình nguyện viên, những người các triệu chứng liên quan và đồng ý cho lấy mẫu trong mũi họ tại nhà. Những ca dương tính với cúm hay bệnh lây nhiễm khác sẽ được phân tích trình tự gen để theo dõi sự lan truyền bệnh dịch trong cộng đồng. Khi Covid-19 bắt đầu bùng phát ở khu vực Seattle vào cuối tháng 2, Bedford cùng các đồng nghiệp đã bắt đầu kiểm tra các mẫu thu được trong chương trình liên quan đến SARS-CoV-2, cho dù người được lấy mẫu có báo cáo triệu chứng hay du lịch đến Trung Quốc hay không, và không lâu sau đó Seattle đã trở thành điểm nóng của virus. Đó là cách họ tìm ra WA2, trường hợp đầu tiên của Washington không liên quan đến du lịch. Bằng cách so sánh mẫu WA1, WA2 cùng các ca nhiễm Covid-19 khác, họ khám phá ra SARS-CoV-2 đã lan truyền rộng rãi trong cộng đồng từ tháng Hai.
Nếu công việc giải trình tự gen trong cộng đồng được thực hiện sớm hơn thì có lẽ những ca nhiễm Covid-19 đã được nhanh chóng xác định bởi phương pháp theo dõi dịch bệnh truyền thống khi đó chỉ dựa trên các triệu chứng lâm sàng và lịch sử du lịch hay di chuyển. Điều này có thể giúp chính quyền ra quyềt định giãn cách xã hội sớm hơn, từ đó giúp ngăn ngừa hiệu quả sự lây lan virus. SARS-CoV-2 lan truyền nhanh nhưng quá trình biến dị lại xảy ra rất chậm, mỗi một con virus chỉ tạo ra hai biến dị mỗi tháng trong bộ gen. Đối với những người phát triển thuốc điều trị và vắc-xin, điều này có nghĩa là virus vẫn có thể chống lại cách thức điều trị mới vốn dùng để ngăn chặn nó. Những thay đổi “gen” chính là dấu đóng trên hộ chiếu cho phép chúng di chuyển xuyên qua nhiều sắc dân trên thế giới, điều này giúp tiết lộ lịch trình chuyến đi của virus cho các nhà nghiên cứu gen như Bedford. Những ca nhiễm đầu tiên ở Seattle, theo ông, dường như có kết nối trực tiếp đến một nguồn nào đó từ Trung Quốc đưa qua Mỹ vào trung tuần tới cuối tháng một. Cho đến tận cuối tháng Hai, đại đa số các phiên bản SARS-CoV-2 ở Mỹ được những người du lịch tự phát đến Trung Quốc mang trong người trở về. Nhưng khi đại dịch tiếp tục, điều này sẽ thay đổi.
Phân tích gen giúp xác nhận SARS-CoV-2 đã chạm đến một dấu mốc mới vào ngày 26 tháng 2, cụ thể là ca nhiễm đầu tiên được ghi nhận ở Santa Clara, Calif., một người chưa từng có lịch sử du lịch đến điểm nóng ở Trung Quốc hay liên hệ với bất cứ ai từng đến đó. Vẫn không rõ người này nhiễm bệnh như thế nào, nhưng trình tự gen cho thấy bệnh nhân đã chuyển virus này sang hai nhân viên y tế trong quá trình điều trị tại bệnh viện – và virus này đã lan truyền trong cộng đồng, mà không cần sự giúp sức của những ca nhập khẩu bên ngoài.
Đội ngũ của Bedford bắt đầu quan sát thấy biến dị trong các mẫu gửi đến từ Seattle trùng khớp với các mẫu từ châu Âu và vùng bờ Đông của Mỹ. Bedford chia sẻ:” Ngay từ đầu, chúng tôi dường như đã nhận ra mối liên hệ giữa chủng virus đang càn quét Trung Quốc với đồng nghiệp đang hoành hành ở Seattle. Sau đó, chúng tôi để ý thấy mẫu virus thu thập ở Trung Quốc có một vài biến đị đã từng được tìm thấy ở châu Âu, sau đó cũng tồn tại ở New York. Do đó, chúng tôi có thể vẽ một đường kết nối từ Trung Quốc đến châu Âu rồi chạy đến New York” và sau đó tới Seattle. Con virus này đã bắt đầu tấn công nước Mỹ ở nhiều hướng.
Các nhà virus học quan sát thấy những câu chuyện tương tự trong bộ gen của SARS-CoV-2 trên khắp thế giới. Vào tháng 1, một cặp đôi từ tỉnh Hồ Bắc (Hubei) hăng hái du lịch đến Rome để thăm quan một thành phố phủ đầy các di tích gắn với lịch sử châu Âu. Nhưng đến ngày 29 tháng 1, họ đã được chuyển đến thẳng bệnh viện của Viện Nghiên Cứu Dịch Bệnh Quốc Gia Lazzaro Spallanzani do mắc các triệu chứng sốt và khó thở. Kết quả xét nguyện cho thấy họ dương tính với SARS-CoV-2.
Bartolini, nhà virus học tại bệnh viện, và đồng nghiệp của cô đã so sánh trình tự gen từ mẫu của người vợ với các trình tự gen khác trên nền tảng GISAID. Các nhà nghiên cứu của Ý đã tìm thấy nó khớp với 5 mẫu khác từ các bệnh nhân ở những khu vực xa xôi như Pháp, Đài Loan, Mỹ và Úc. SARS-CoV-2 rõ ràng đã có một chuyến du hành xuyên suốt hành tinh.
Theo Harm van Bakel, phó giáo sư bộ môn khoa học phân tích gen (genetics and genomic sciences) tại Trường Y Icahn thuộc núi Sinai, không phải tất cả chủng (strains) của SARS-CoV-2 đều có mức độ nguy hại ngang nhau; một vài nhánh của cây gen (genetic tree) dường như phát triển lớn hơn và vươn ra bên ngoài, không khi nhiều nhánh khác lại tự triệt tiêu nhanh chóng. Đội ngũ của ông đã tiến hành các phân tích trình tự gen đầu tiên ở thành phố New York, nơi nhanh chóng trở thành điểm nóng của nước Mỹ; tầm tháng ba thành phố này đã xuất hiện gần chục ca rời rạc nhiễm SARS-CoV-2, những chỉ có khoảng hai ca gây ra sự lan truyền virus trong diện rộng. Những ca còn lại lan chậm dần sau chấm dứt mà gây lây nhiễm sâu rộng.
Tuy nhiên khi quan sát quá khứ, dường như không có cách nào chắc chắn để xác định liệu hai chủng trên có đơn giản chỉ là ở đúng nơi vào đúng thời điểm – như đi thăm một khu vực đông đúc dân cư nào đó chẳng hạn hay một nơi tập trung đông khách bộ hành rồi lan tỏa ra nhiều khu vực khác của thành phố – hoặc liệu có phải khả năng lan tỏa của nó mạnh hơn chủng khác. Nhưng việc xác định mã hóa gen của virus đang lây lan sớm sẽ giúp các nhà khoa học và chính quyền xác định chủng nào mà chúng ta cần lo lắng, chủng nào không nên để tâm.
Từ việc phân tích trình tự gen của 36 mẫu bệnh nhân ở Bắc California, bác sĩ Charles Chiu, giáo sư của phòng nghiên cứu y tế và dịch bệnh của trường California, San Francisco, tiết lộ dữ liệu trên có khả năng xác định các chủng lây lan chính yếu cùng khả năng theo dõi cách thức lây lan (nếu có thêm nhiều bộ xét nghiệm người nhiễm bệnh), đồng thời sử dụng thông tin này để hướng dẫn cách ly hay thực hành ngăn chặn. “Có một cửa sổ cơ hội mở ra nếu chúng ta tiến hành xét nghiệm rộng rãi đồng thời nâng cao năng lực theo dõi các mối liên hệ (contact) của bệnh nhận từ rất sớm, điều này sẽ giúp chúng ta ngăn chặn virus vượt tầm kiểm soát, ít nhất là ở California.”
Các cơ hội bị bỏ lỡ tương tự cũng diễn ra ở Chicago, nơi nỗ lực giải trình tự gen của 88 mẫu virus đã tiết lộ sự bùng phát dịch bệnh đến từ 3 chủng chính yếu. Một tương tự như virus đang phát tán ở New York, một gần với các ca bệnh ở Washington, và chủng thứ ba chưa từng phát tán ở bên ngoài Chicago. Điều này cho thấy việc giới hạn du lịch chặt chẽ hơn có lẽ sẽ giúp ngăn chặn sự xuất hiện và lan truyền Covid-19 ở bắc Illinois.
Quá trình bóc tách trình tự gen hiện tại cũng giúp chính quyền xác định các chiến lược ngắn hạn để ngăn chặn sự lan truyền của virus. Thời gian virus bùng lên một lần nữa vào tháng 6 không cách quá xa thời điểm Bắc Kinh mở cửa kinh tế trở lại sau hai tháng giãn cách xã hội. Bóc tách gen của các ca bệnh mới cho thấy virus đang phát tán có nhiều điểm tương đồng với virus tìm thấy ở các bệnh nhân châu Âu vào cùng thời điểm, điều này cho thấy đây là các ca gắn với chủng mới của SARS-CoV-2 và không liên quan đến virus lúc bắt đầu bùng phát đại dịch. Điều này khiến chính quyền Trung Quốc quyết định chỉ đóng cửa giới hạn một số khu vực đồng thời tiến hành xét nghiệm công dân ở một vài khu chung cư tọa lạc quanh chợ thực phẩm nơi có một cụm ca nhiễm bùng lên, thay vì phải giãn cách toàn thành phố.
Việc phân tích gen của SARS-CoV-2 cũng giúp tiên đoán việc bùng phát (surges) lại các ca nhiễm sau khi thành phố mở cửa kinh tế trở lại (dù không hiển hiện rõ ràng). Các nhà khoa học Ý đã lấy các mẫu nước thải từ các nhà máy xử lý chất thải ở các thành phố phía Bắc nơi dịch bệnh bùng phát, và tìm thấy bằng chứng về SARS-CoV-2 nhiều tuần trước khi ca nhiễm đầu tiên phát hiện ở các bệnh viện. Ở La Crosse, Wis., Paraic Kenny, giám đốc của Viện Nghiên Cứu Ung Thư Kabara thuộc Hệ thống chăm sóc Sức Khỏe Gundersen, đã áp dụng chiến thuật tương tự ở quê nhà ông vào mùa xuân. Một vài tuần sau đó, giữa tháng 6, khi các ca nhiễm Covid-19 mới xuất hiện cùng lúc với việc mở lại các quầy bar ở La Crosse, Kenny đã so sánh mẫu virus của người nhiễm với các bộ gen tìm thấy trong nước thải. Hai mẫu hoàn toàn trùng khớp với nhau. Một chủng SARS-CoV-2 tương tự đã phát tán trong cộng đồng nhiều tuần trước khi các ca bệnh được báo cáo. “Về nguyên tắc, cách tiếp cận như vậy có thể được sử dụng không chỉ để chắc chắc có bao nhiêu loại virus trong cộng đồng, mà có lẽ còn cung cấp cho các bệnh viện và cơ quan y tế những cảnh báo khi nào những đột bùng phát mới sẽ diễn ra.” Mục tiêu là để xác định không chỉ nơi ta cần đến hôm nay mà còn nơi ta sẽ đến trong một hoặc hai tuần sau đó.
Đã gần 100 năm kể từ khi một căn bệnh truyền nhiễm (Cúm Tây Ban Nha) có thể khiến cho cả nhân loại phải lẩn trốn với mức độ tương tự như Covid-19 (toàn cầu). Nhưng cách thức chủ yếu mà chúng ta đương đầu với sự trỗi dậy của con vi sinh vật mới này lại tương tự như cách thức cũ xưa cũ: giãn cách xã hội, giữ gìn vệ sinh và cách ly xã hội (đóng cửa kinh tế). Chúng ta có thể không bao giờ biết được chính xác SARS-CoV-2 đến từ đâu, và rõ ràng là đã quá trễ để ngăn chặn nó trở thành một bi kịch toàn cầu. Nhưng sự phát triển kỳ diệu của khoa học đã đem đến cho chúng ta những công cụ mới, giống như quá trình giải trình tự gen (genetic sequencing), thứ giúp chúng ta có hiểu biết toàn diện hơn về con virus hơn bất cứ ai có thể hình dung cách đây một hoặc hai thập kỷ. Đã có những manh mối cho thấy cách thức những virus như SARS-CoV-2 vận hành, quan trọng hơn cả, làm thế nào chúng ta có thể tiêu diệt nó bằng thuốc đặc trị và vắc-xin.
Hiểu biết này có thể cứu sống hành triệu người – miễn là khoa học phải trên cơ hay dẫn dắt chính trị. Đại dịch trông có vẻ ngạc nhiên này, về cả quy mô và cả tốc độ, không nên là một sự kiện gây bất ngờ với thế giới. Trong nhiều thế kỷ, các chuyên gia khoa học đã cảnh báo sự bùng phát của những chủng virus mới có thể đe dọa nhân loại ở cấp độ cao nhất. Holmes, một nhà sinh học nổi tiếng chia sẻ: “Nhưng mọi người vẫn tiếp tục sử dụng những cụm từ như ngoài mong đợi/hay ngạc nhiên. Tôi muốn nhắc lại một lần nữa, thực sự không có gì ngoài mong đợi cả, virus này vận hành đúng như cách một virus nên làm, đã từng và sẽ tiếp tục. Chúng ta càng chấp nhận điều này sớm, thì những hành động dựa trên kiến thức mới để kiểm soát bùng phát dịch càng đến nhanh và hiệu quả.