Bộ óc của cha đẻ "Sapiens"
Giáo sư Do Thái Yuval Noah Harari là một trong những bộ óc kiệt xuất trong giới sử gia. Các tác phẩm của ông lần lượt đưa người đọc đi qua hàng chục ngàn năm tiến hóa của nhân loại từ khởi thủy loài người (Sapiens) để đi đến tương lai nơi công nghệ và cách mạng dữ liệu chiếm ưu thế. Ông có khả năng đơn giản hóa sự phức tạp của lịch sử và tìm ra sợi dây để liên kết mọi thứ xuyên suốt chiều dài của nó, khiến người đọc dù không trong giới học thuật cũng cảm thấy thích thú và truyền cảm hứng.
Bài phỏng vấn giáo sư người Yuval Harari dưới đây do Ezra Klein từ Vox tiến hành xoay xung quanh việc thiền định của ông nhưng qua đó phóng chiếu rất nhiều quan điểm và góc nhìn của ông về sự “tiến hóa” của nhân loại được thể hiện trong các cuốn sách nổi tiếng của ông như Sapiens: Lược sử loài người (2014) hay Homo Deus: Lược sử tương lai (2016) là một sự bổ sung hiểu biết tuyệt vời cho những ai say mê những cuốn sách của ông. (Bài phỏng vấn do mình lược dịch)
Cuốn sách đầu tiên của Yuval Noah Harari, Sapiens là một hiện tượng toàn cầu. Chuyến hành trình “khải hoàn” phức tạp của giống loài Homo Sapiens do nhà sử học Do Thái dẫn dắt đã thu hút sự quan tâm và yêu thích của nhiều người, trong đó có Bill Gates, Mark Zuckerberg và tổng thống Barack Obama. Trong cuổn sách mới nhất của ông, Homo Deus: Lược sử của tương lai, ông đã đưa ra những thảo luận sâu sắc về những gì sẽ diễn ra sắp đến cho nhân loại – cùng những mối đe dọa đến cho trí thông minh cũng như khả năng sáng tạo mà con người phải đối diện trong tương lai. Một lần nữa, nó cũng thật thú vị.
Tôi đã rất muốn được trò chuyện với Hahari khi đọc qua cuốn Sapiens của ông. Một băn khoăn lớn cần được giải đáp: Điều gì tạo nên bộ óc của cha đẻ Sapiens? Và bây giờ nhờ nói chuyện với ông, tôi đã biết một cách rõ ràng hơn.
Rõ ràng những gì Harari chia sẻ trong buổi thảo luận của chúng tôi đều rất thú vị. Nhưng điều mà tôi không ngờ là cách mà phương pháp thiền Vipassana được đặt trọng tâm trong cuộc đời ông – bao gồm việc dành 60 ngày mỗi năm để ẩn dật (retreat) trong thinh lặng – để từ đó hiểu sâu sắc hơn các tác phẩm nghiên cứu lịch sử và tương lai học của ông. Trong đoạn trích phần thảo luận của chúng tôi dưới đây với phần biên tập kĩ lưỡng, chúng tôi đã đào sâu hơn vào phương pháp thiền định của Harari và cách mà nó đã giúp ông quan sát những câu chuyện tự kể của nhân loại.
Ezra Klein
Ông đã từng chia sẻ với The Guardian rằng nếu không có thiền định có lẽ ông sẽ vẫn tiếp tục công việc nghiên cứu về lịch sử quân sự thời trung cổ – chứ không phải là về người Neanderthal (giống loài xuất hiện trước Homo Sapien) và các sinh vật cơ giới hóa/cyborgs. Điều gì của thiền định đã giúp thay đổi công việc của ông với tư cách nhà sử học?
Yuval Harari
Có hai điều. Trước hết là khả năng tập trung. Khi bạn huấn luyện trí não tập trung vào một thứ gì đó giống như hơi thở, nó cũng sẽ giúp bạn rèn tính kỉ luật để tập trung vào những thứ lớn hơn và có thể nhận biết được sự khác biệt giữa những thứ thực sự quan trọng và mọi thứ khác. Đây là khả năng kỉ luật mà tôi mang vào trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học của mình. Nó thực sự rất khó, đặc biệt là khi vấn đề mà bạn xử lý thuộc về chiều kích lịch sử rất dài, bạn rất dễ bị cản trở bởi những chi tiết nhỏ vụn vặt và bị phân tâm bởi hành triệu mẫu chuyện nhỏ và mối quan tâm khác nhau. Thật khó để luôn nhắc nhở bản thân điều gì quan trọng nhất đã xảy ra trong lịch sử và điều gì quan trong nhất đang xảy ra trên thế giới. Tính kỉ luật để có được sự tập trung này là điều tôi có được qua việc thiền định.
Một đóng góp quan trọng khác, tôi nghĩ, tổng thể việc thực hành thiền định Vipassana là hướng đến học hỏi sự khác biệt giữa những câu chuyện hư cấu và hiện thực, điều gì là thật và điều gì chỉ là những câu chuyện mà chúng ta sáng tạo và xây dựng trong tâm trí của mình. Hầu như 99% những gì mà bạn nhận biết được chỉ là những câu chuyện trong tâm trí. Điều này cũng đúng cho lịch sử. Đa số mọi người, họ đều bị cuốn hút bởi những câu chuyện tôn giáo, hay những câu chuyện do những nhà dân túy kể, hay những câu chuyện kinh tế ngày nay, và họ xem những câu chuyện này là hiện thực.
Tham vọng chính của tôi với tư cách một nhà sử học là khả năng nêu ra được sự khác biệt giữa những gì đang thực sự xảy ra trên thế giới này và những câu chuyện hư cấu mà con người đã tạo dựng qua hàng ngàn năm qua nhằm giải thích hay kiểm soát những gì đang xảy ra trên thế giới.
Ezra Klein
Một trong những ý tưởng trọng tâm của cuốn sách Sapiens mà ông đề cập là về sự ưu việt của giống loài Homo Sapiens, điều giúp chúng ta thống trị trái đất này, là khả năng kể những câu chuyện và tạo dựng những điều hư cấu qua đó cho phép chúng ta tạo sự kết nối và hợp tác trên diện rộng mà các giống loài khác không thể làm được. Và ông đã đề cập đến những thứ mà ông xếp vào vùng hư cấu như những câu chuyện thần thoại thuở xa xưa đến Hiến pháp của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ.
Tôi không thể kết nối được cái cách mà thiền định giúp thay đổi cách ông nhìn mọi thứ là sự thực hay không, nhưng điều có ý nghĩa với tôi ở đây là rõ ràng nếu chúng ta quan sát cách mà tâm trí tạo ra những câu chuyện tưởng tượng, có lẽ trước sau gì nó cũng sẽ rơi vào những danh mục (vùng hư cấu) đó hơn là những gì bạn nghĩ lúc đầu.
Yuval Harari
Vâng, đúng như vậy. Chúng ta ít khi nhận ra được điều đó, nhưng hầu như mọi sự hợp tác trên quy mô lớn của con người đều được dựa trên những câu chuyện hư cấu. Điều này được thể hiện rõ ràng trong trường hợp của tôn giáo, đặc biệt là ở tôn giáo của những người khác niềm tin chúng ta. Bạn có thể dễ dàng hiểu được điều này, vâng, hàng triệu người đến với nhau để hợp tác trong những cuộc thập tự chinh hay jihad – thánh chiến hồi giáo hoặc để xây giáo đường công giáo hoặc một nguyện đường Do Thái bởi vì tất cả họ đều tin vào những câu chuyện ít nhiều hư cấu về Thiên Chúa, thiên đàng và địa ngục.
Điều mà khó nhận biết hơn nữa chính xác là các động lực phía sau của tất cả các hình thức hợp tác khác của nhân loại. Nếu bạn suy nghĩ thật kĩ về quyền con người, vâng, quyền con người cũng là một câu chuyện hư cấu giống như Thiên chúa hay thiên đàng. Nó không phải là một hiện thực mang tính sinh học. Về mặt sinh học mà nói, con người không có quyền gì cả. Nếu bạn đem Homo sapiens và nhìn vào bên trong, bạn sẽ tìm thấy trái tim, gan và DNA. Bạn sẽ không tìm thấy quyền gì cả. Chỉ có duy nhất một nơi mà quyền tồn tại đó là trong các câu chuyện mà con người sáng tạo ra.
Một ví dụ rất tốt khác chính là đồng tiền. Đồng tiền có lẽ là một trong những câu chuyện thành công nhất từng được kể ra. Nó không có một giá trị cụ thể nào cả. Nó không giống như một quả chuối hay một trái dừa. Nếu bạn lấy đồng 1 đô la nhìn vào nó, bạn không thể ăn nó. Bạn cũng không thể uống nó. Bạn cũng không thể mặc nó. Nó thực sự không có giá trị gì cả. Chúng ta nghĩ rằng nó đáng giá vì chúng ta tin vào một câu chuyện. Chúng ta luôn có những chuyên gia kể chuyện sành sỏi trong xã hội của mình, các thầy tu/shaman- họ là những chủ nhà băng, những người hoạt động tài chính và chủ tịch của Quỹ Tiền Tệ, họ đến với chúng ta để kể cho chúng ta nghe một câu chuyện tuyệt vời: “Bạn có nhìn thấy tờ giấy nhỏ màu xanh này không? Chúng tôi tiết lộ với bạn, nó đáng giá một trái chuối đấy.”
Nếu như tôi tin vào nó, bạn tin vào nó và mọi người đều tin nó, nó sẽ hoạt động. Nó thực sự làm việc. Tôi có thể đem tờ giấy nhỏ vô giá trị này, tới gặp một người xa lạ mà tôi chưa từng gặp trước đó, đưa cho anh ta tờ giấy này, và anh ta sẽ đổi cho tôi một trái chuối thật mà tôi có thể ăn.
Điều này thật tuyệt vời, không một giống loài động vật nào có thể làm được điều đó. Các loài động vật khác thỉnh thoảng cũng có giao thương. Như loài tinh tinh, chúng có giao thương. Bạn đưa tôi một trái dừa, tôi sẽ đưa bạn một trái chuối. Điều này đúng với giống loài tinh tinh nhưng nếu bạn đưa tôi một tờ giấy vô giá trị và trông chờ tôi đưa bạn một trái chuối. Điều này không bao giờ đúng với tinh tinh.
Đó là lý do tại sao chúng ta kiểm soát thế giới này, chứ không phải giống tinh tinh.
Erza Klein
Nhưng có những tình huống thực tế khiến những câu chuyện (hay niềm tin) hiện tại trên trở nên mong manh dể vỡ. Có thể lấy ví dụ như cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009. Sự cố xảy ra là vì thị trường tài chính toàn cầu khiến công chúng tin vào một câu chuyện. Khiến cho họ nhủ thầm với bản thân câu chuyện về rủi ro (kèm lợi nhuận) như thế nào, cụ thể hơn là về các khoản nợ dưới chuẩn (subprime mortgage debt). Và niềm tin đó đã bị chứng minh là sai. Qua những đột biến đó, họ phải tự xây dựng một câu chuyện khác, và sau đó tất cả những câu chuyện khác được xây trên nền câu chuyện trước đó sụp đổ – những câu chuyện và chứng khoán trong ngành gỗ, bao nhiêu người kiếm được việc làm trong năm đó. Và cuối cùng thay đổi hoàn toàn hiện thực.
Sự vụn vỡ ở đây xảy ra khi bạn bắt đầu nhầm lẫn giữa câu chuyện của bạn và hiện thực, bạn đánh giá quá cao sự ổn định trong câu chuyện của mình cùng sự khó khăn mà nó có thể bị thay đổi hay di chuyển.
Yuval Harari
Vâng, nó sẽ đi theo hai cách. Bởi vì nó được dựa trên những câu chuyện, xã hội loài người thì có tính linh hoạt và năng động cao hơn hẳn các xã hội khác trên trái đất, và cùng với đó, nó cũng mong manh hơn rất nhiều.
Hãy suy nghĩ thật kĩ, lấy ví dụ, về các cuộc cách mạng. Giữa các giống loài động vật, rất khó để thay đổi hệ thống xã hội chỉ sau một đêm. Điều đó là hoàn toàn không thể. Nếu bạn nghĩ về đều đó, lấy ví dụ, một tổ ong, những con ong đã có một hệ thống xã hội qua hàng triệu triệu năm, và chúng không thể thay đổi nếu không trải qua một quá trình chậm chạp và phức tạp của chọn lọc tự nhiên và tiến hóa. Những con ong không thể chỉ thức dậy trong một buổi sáng, giết chết ong chúa và tạo dựng ngay một xã hội độc tài cộng sản của các con ong thợ.
Nhưng với loài người chúng ta, chúng ta có những cuộc cách mạng xã hội. Chính xác là một thế kỉ trước đây, vào năm 1917, cuộc cách mạng cộng sản ở ở Nga, nơi những người cách mạng đã thủ tiêu Nga Hoàng và thiết lập một trật tự xã hội hoàn toàn mới ở Nga chỉ trong một vài năm bằng cách thay đổi niềm tin của người Nga. Họ đã không còn tin vào quyền lực thần thánh của Nga Hoàng nữa. Thay vào đó, họ tin rằng quyền tự trị đến từ những người công nhân hay đến từ nhân dân.
Đây là lý do tại sao mà mỗi xã hội phải đổ nhiều công sức nỗ lực trong việc tuyên truyền và tẩy não quần chúng từ lứa tuổi rất nhỏ để họ tin vào các câu chuyện phổ biến của xã hội vì nếu họ không tin, mọi thứ sẽ sụp đổ.
Erza Klein
Trước khi chúng ta chuyển thiền định sang chủ đề khác, tôi có nghe nói về hành trình ẩn cư 60 ngày hàng năm của ông. Trải nghiệm này thật không thể hình dung được, vì vậy tôi muốn nghe ông chia sẽ về điều này có ý nghĩa như thế nào với ông và vai trò của nó đóng góp trong cuộc đời ông.
Yuval Harari
Trước tiên, nó thực sự rất khó khăn. Bạn sẽ không có bất cứ sự phân tâm nào, bạn không có truyền hình, bạn không có email, điện thoại hay sách vở. Bạn không viết. Bạn chỉ có từng khoảng khắc để tập trung vào những gì xảy ra trong hiện tại, vào những gì là hiện thực. Bạn sẽ đi qua và nghĩ về những thứ mà bạn không thích về bản thân mình, những thứ mà bạn không thích về thế giới này, bạn dành thời gian nhiều để học cách bỏ qua hoặc ngăn chặn tất cả mọi thứ.
Bạn sẽ bắt đầu với cái cảm giác rất cơ bản của cơ thể đó là sự vào ra của hơi thở, của những cảm giác trong dạ dày của bạn, trong đôi chân, và khi bạn kết nối với nó, bạn gia tăng khả năng quan sát những gì đang diễn ra. Bạn có được cái nhìn rõ ràng hơn với những gì đang diễn ra trong tâm trí mình. Bạn không thể thực sự quan sát sự giận dữ, sợ hãi hoặc chán nản nếu bạn không quan sát hơi thở của mình. Hơi thở của bạn thì dễ nhận biết hơn là sự giận dữ hay sợ hãi của bạn.
Mọi người đều muốn hiểu rõ về cơn giận của mình, hoặc hiểu về nỗi sợ của mình. Nhưng họ lại nghĩ quan sát hơi thở thực sự không có gì quan trọng cả. Nhưng nếu bạn không thể quan sát những thứ hiện hữu và đơn giản như là hơi thở vào và ra, bạn sẽ không có bất cứ cơ hội nào để quan sát thực sự cơn giận của mình, thường là quá mù mờ hoặc quá khó nắm bắt.
Những gì xảy ra trong 60 ngày sẽ khiến cho trí não của bạn trở nên tập trung hơn và rõ ràng hơn, bạn sẽ đi vào sâu hơn và sâu hơn, và bạn sẽ bắt đầu nhận ra nguồn cơn sự giận dữ của mình đến từ đâu, hay sự sợ hãi đến từ đâu, bạn chỉ việc quan sát. Đừng cố làm một điều gì cả. Bạn sẽ không kể ra câu chuyện hư cấu nào về cơn giận của mình. Bạn sẽ không cố chiến đấu lại nó. Chỉ quan sát thôi. Cơn giận là gì? Buồn chán là gì? Bạn đã sống năm này qua năm khác trải nghiệm sự giận giữ, sợ hãi, buồn chán mỗi ngày, và bạn không bao giờ thực sự quan sát, như thế nào là cảm nhận giận dữ thực sự? Bởi vì bạn quá bị cơn giận chi phối.
Trong 60 ngày thiền định, nó sẽ cho bạn một cơ hội. Bạn sẽ có những cơn sóng ngầm giận dữ, và thỉnh thoảng nó có thể kéo dài nhiều ngày, và trong nhiều ngày đó, bạn không làm gì cả. Bạn chỉ quan sát. Cơn giận là gì? Nó thực sự khiến cơ thể cảm thấy như thế nào? Điều gì thực sự đang diễn ra trong tâm trí khi tôi giận dữ? Đây là một trong những điều tuyệt vời nhất mà tôi đã từng quan sát thấy, đó là việc quan sát những hiện tượng ở sâu bên trong.
Erza Klein
Tôi rất ấn tượng khi ông đã thực hành và cam kết sẽ tiếp tục làm điều này. Sapiens là một tác phẩm bán chạy trên quy mô toàn cầu. Nó là một tác phẩm ăn khách ở Sillicon Valley. Khi tôi nói chuyện với Bill Gates, ông giới thiệu Sapiens tới tôi và các độc giả của tôi. Mark Zuckerberg cũng nói về Sapiens. Barack Obama cũng từng nói về Sapiens. Tôi có thể tưởng tượng về nhu cầu với quỹ thời gian của ông, các buổi nói chuyện (có trả tiền), buổi chia sẽ, hội thảo và gặp mặt mà ông được mời. Tôi tin rằng còn nhiều điều mà ông có thể tiếp tục làm. Tôi rất tò mò về mối quan hệ của ông tới thiền định liệu có thay đổi trong những năm qua sau thành công vang dội của ông.
Yuval Harari
Luôn có một chút cám dỗ dễ khiến tôi muốn tham gia một buổi nói chuyện hay hội thảo, nhưng tôi rất kỉ luật về việc “thiền định”, bởi vì tôi biết đây là điều rất quan trọng. Đây là suối nguồn cho sự thành công khoa học của tôi, do đó khi tôi lên kế hoạch cho một năm, điều đầu tiên tôi cần làm là – tôi đã biết rằng trong năm 2017 tôi sẽ đi tới Ấn Độ từ ngày 15 tháng 10 tới ngày 15 tháng 12 cho 60 ngày thiền định ẩn cư. Đó phải là điều đầu tiên tôi đưa vào trong lịch trình của mình. Mọi thứ khác đều phải được sắp xếp dựa theo đó. Năm 2016 của tôi cũng như vậy.
Thật ra tôi đã nghe về cuộc bầu cử của ngài Trump vào ngày 20 tháng 1, bởi vì tôi đã hoàn thành xong việc ẩn cư của mình. Tôi tham gia thiền định vào đầu tháng 11 và đã bỏ lỡ cuộc bầu cử. Như tôi đã nói, tôi hoàn toàn không có bất kì sự phân tâm nào. Tôi không có bất cứ kết nối nào với thế giới bên ngoài, không emails, không ti vi, không có gì cả, và tôi không biết điều gì đang xảy ra ngoài kia, và điều gì đang xảy ra bên trong cũng thú vị không kém.
Ezra Klein
Ngoài hai giờ thiền định mỗi ngày, làm cách nào để ông có thể cấu trúc lại các thông tin ông nhận cả ngày? Làm thế nào để phân tách cái gì là thực sự quan trọng và thực chất còn cái gì là bề nổi (phù du/ephemera) hay chuyện phiếm.
Yuval Harari
Tôi luôn sắp xếp lịch trình của mình và không cho phép công nghệ làm thay điều đó cho tôi. Tôi có xu hướng đọc sách, những quyển sách dài hơn là những đoạn văn ngắn hay dòng tweet. Tôi suy tư về việc trong thế kỉ qua chúng ta chuyển từ kỉ nguyên khan hiếm thông tin sang dư thừa thông tin. Trước đây, vấn đề chính với thông tin cho con người là không bao giờ có đủ do sự kiểm duyệt, và thông tin lúc ấy thì quá hiếm hoi và khó nắm bắt. Bây giờ thì lại ngược lại. Chúng ta chìm ngập trong biển thông tin.
Chúng ta hoàn toàn đánh mất khả năng tập trung của mình. Khả năng tập trung của chúng ta bị đánh cắp bởi các lực ảnh hưởng bên ngoài. Đối với tôi, không chỉ thiền định mà khi tôi làm việc, tôi luôn cố gắng phải thực sự kỉ luật với khả năng tập trung của mình và không cho phép các yếu tố bên ngoài kiểm soát sự tập trung của mình.
Ezra Klein
Thật khai sáng và kinh ngạc khi tôi đọc và hiểu hơn về các bối cảnh mà ông đề cập trong Homo Deus. Tôi sẽ đưa ra một tóm tắt cô đọng về cuốn sách này của ông:
Chúng ta đang tranh luận rằng nhân loại đã từng có một xã hội hướng sự tập trung đến những câu chuyện xung quanh Thượng Đế. Họ đã đi đến một xã hội khác hướng sự tập trung vào những câu chuyện mang yếu tố con người hơn. Và bây giờ họ sẽ đi đến một xã hội xoay quanh dữ liệu/data.
Đề cập đến mức độ chúng ta sẽ được vinh danh vì những đóng góp cho xã hội, ông đề cập đến việc những đóng góp đó của chúng ta sẽ thể hiện qua việc chúng ta tạo ra những dòng dữ liệu với sự hỗ trợ bởi các thuật toán của máy tính mà qua đó ta có thể đóng góp tạo ra giá trị và khả năng sản suất. Tôi có cảm giác, khi đọc cuốn sách đó, bối cảnh ông mô tả phù hợp hoàn toàn với cuộc sống của ông hơn là với tôi, bởi vì ông đã nhận biết được và tìm cách bước ra khỏi sự nhốn nháo hàng ngày này (cacophony). Rõ ràng, sự thay đổi cũng như mức độ mà mọi người ám ảnh cũng như hòa nhập vào trong dòng chảy dữ liệu của thời đại ngày càng rõ ràng hơn.
Yuval Harari
Yeah, tôi nghĩ đó là một tổng kết tốt cho quyển sách của tôi. Cách thức tôi sống ảnh hưởng lên cách tôi suy nghĩ, và hy vọng rằng những kết luận mà tôi đúc kết được trong nghiên cứu của mình sẽ phù hợp với cách mà tôi đã và đang sống – bởi vì nếu chỉ đưa ra những kết luận thuần túy lý thuyết mà không có một chút ảnh hưởng gì đến cách chúng ta sống hay hiện thực, thì liệu những kết luận ấy có ý nghĩa gì?