Cách fintech ăn vào miếng bánh của ngân hàng
The Economist nhận định: “Ngân hàng, từng là ông vua của dòng vốn, có thể bị phế truất bởi các nền tảng thanh toán”. Bài viết dưới đây lướt qua những chuyển đổi trong lịch sử hệ thống tài chính thế giới, đặc biệt là vai trò của nhóm các công ty công nghệ tài chính (fintech), nhóm phi ngân hàng (non-banks) và thị trường tiền tệ (money market) đang dần thay đổi cách đánh giá “tín dụng” (credit), cụ thể như việc: “Dữ liệu có thể thay thế thế chấp”. Rất đáng đọc
Ricardo trích thông điệp được quý ngài Walter Bagehot (nhà báo Anh) viết năm 1873: “Chức năng chuyên biệt (distinctive function) của nhóm ngân hàng thể hiện qua năng lực dùng tiền của người khác, nếu dùng tiền của bản thân thì họ chỉ được xem là các nhà tư bản (capitalist)”. Sự phân chia này có vẻ như đã lỗi thời. Các nhà đầu tư định chế (như quỹ đầu cơ, quỹ tương hỗ, quỹ hưu trí, đầu tư tư nhân) đều dùng tiền của người khác. Nhưng ý đồ trích dẫn của Ricardo vẫn đáng lưu tâm.
Các định chế tài chính hiện đại (modern institutions) là giao diện (interface) tương tác giữa các cá nhân và vốn của họ. Trong đó, thành công (gains) hay thua lỗ (losses) đều được trả về cho cá nhân. Bằng cách đầu tư theo kiểu như vậy, công chúng xem các quỹ vận hành như một công cụ thuần túy (mere tool) để gửi tiền vào đánh cược. Ngân hàng cũng sử dụng tiền gửi (deposits) hay tiền của người khác để mở rộng các khoản vay (loans). Tuy nhiên, khách hàng luôn kỳ vọng sẽ lấy lại được toàn bộ số tiền gửi: họ không mong muốn phải đứng ra chịu các khoản thua lỗ của ngân hàng trong những năm tháng tồi tệ, cũng như gặt hái phần thưởng lớn hơn trong những năm tháng tươi đẹp. Do đó, chỉ có ngân hàng đứng ra đón nhận các khoản lợi nhuận cũng như thua lỗ (losses & gains).
Chu trình trên khiến ngân hàng trở nên bất ổn định nhưng cũng đồng thời đem đến cho họ một lợi thế lớn trong mảng dịch vụ tài chính, bởi việc nhận tiền gửi (deposit-taking) và cho vay (lending) tương hỗ lẫn nhau. Ngân hàng từ đó trở thành nhà cung cấp nhiều loại hình dịch vụ tài chính mà khách hàng cần, từ thẻ tín dụng (credit card) đến thế chấp (mortgage) và các lời khuyên đầu tư (investment advice). Tuy nhiên, địa hạt trên có vẻ đang bị đe dọa. Nhóm công ty tài chính phi ngân hàng (non-bank) đang tăng trưởng rất nhanh, khiến cho bảng cân đối kế toán (balance-sheets) mà ngân hàng dùng hỗ trợ ra quyết định cho vay ngày càng ít có giá trị. Những gã khổng lồ công nghệ cũng sử dụng sức mạnh đầy tính cạnh tranh trên nền tảng của mình để nhảy vào mảng kinh doanh chính yếu của ngân hàng. Nếu bị ép chặt tứ bề, một ngày nào đó rất có thể toàn bộ ngành ngân hàng sẽ bị đè bẹp.
Hãy xem xét trường hợp ứng dụng công nghệ Grab ở Singapore hay Gojek ở Indonesia, cả hai đều khởi đầu bằng việc cung cấp dịch vụ gọi xe, hay Mercado Pago, nhánh tài chính của MercadoLibre, trang thương mại điện tử lớn nhất châu Mỹ Latin. Mô hình dịch vụ tài chính của họ được xây trên nền cung cấp dịch vụ mà khách hàng sử dụng hàng ngày. Trường hợp đáng quan tâm nhất có lẽ là AliPay và WeChat Pay ở Trung Quốc. Ant Group, đứa con tài chính của Alibaba, được tạo ra vì thiếu các giải pháp thanh toán an toàn cho người mua sắm trên nền tảng Alibaba. AliPay ban đầu hoạt động như một tài khoản ủy thác (escrow account) để chuyển tiền đến Nhà Bán Hàng (Sellers) sau khi Người Mua (Buyers) nhận hàng, nhưng sau đó dần chuyển hóa thành ứng dụng trên điện thoại di động. Năm 2011, AliPay ra mắt mã QR “thanh toán”, thứ được tạo ra dễ dàng để giúp các chủ cửa hàng nhận tiền.
Được đón nhận nồng nhiệt, phương thức thanh toán trên đã góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng thần tốc của Alipay. Hiện tại ứng dụng này đã có hơn 1 tỷ ngưởi dùng tích cực và xử lý khoảng 16 nghìn tỷ $ cho mục đích thanh toán trong năm 2019. Con số này cao hơn Paypal, nền tảng thanh toán trực tuyến lớn nhất ngoài Trung Quốc, 25 lần. Năm 2013, gã khổng lồ Tencent tạo ra chức năng thanh toán trên WeChat (ứng dụng nhắn tin phổ biến ở Trung Quốc) như đối trọng với AliPay. Hai ứng dụng này đã cùng nhau xử lý gần 90% giao dịch trên điện thoại di động ở Trung Quốc.
Tác động đầu tiên ảnh hưởng đến các ngân hàng là cả hai ứng dụng trên đều chỉ kiếm 0.1% cho mỗi giao dịch, ít hơn khoản phí các ngân hàng thu được từ thẻ ghi nợ (debit). Các công ty fintech như vậy đã ảnh hưởng mạnh đến phí thanh toán thẻ (interchange fees) ở khắp nơi trên thế giới. Aakash Rawat từ ngân hàng UBS chia sẻ: “Nhóm fintech nhảy vào cạnh tranh chi phí để dành lợi thế”. Tuy nhiên, mối đe dọa lớn hơn nữa là các nền tảng thanh toán có thể trở thành cổng (gateway) giúp các nền tảng công nghệ khác thu hút thêm người dùng. Dựa trên dữ liệu mà giao dịch thanh toán cung cấp, Ant, Grab và Tencent có thể đánh giá được mức độ khả tín của người cho vay (creditworthiness). Ant bắt đầu mảng cho vay tiêu dùng vào năm 2014 (consumer lending). Đến 2020, công ty này đã tăng trưởng đến mức chiếm được một phần mười thị trường cho vay tiêu dùng ở Trung Quốc, mặc dù các nhà làm luật đã cầm cương họ.
Ngân hàng có cách thức truyền thống để đánh giá mức độ khả tín của người đi vay, như lịch sử tín dụng (credit history) hay mức độ giàu có hiện tại (current wealth). Thông thường họ đưa ra các khoản vay dựa trên thế chấp, như nhà và xe, nhằm giảm thiểu nhu cầu giám sát cá nhân người cho vay. Nhà hài kịch Bob Hope từng nói:”ngân hàng là nơi cho bạn vay tiền nếu bạn chứng minh được bạn không cần nó.”
Agustin Carstens, sếp tại Ngân Hàng Thanh Toán Quốc Tế (Bank for Internaitonal Settlements), câu lạc bộ các ngân hàng trung ương, từng chia sẻ trong tháng 3 vừa qua :”Dữ liệu có thể thay thế cho thế chấp.” Thông tin mà các nền tảng thanh toán thu thập từ người dùng rất phong phú, một phần do các quy định thu thập thông tin khá lỏng lẽo ở Trung Quốc trước khi các đề xuất hạn chế được được đưa ra gần đây (crackdowns). Markus Brunnermeier thuộc trường Princeton đã bàn về “sự đảo nghịch bất xứng thông tin” (an inverse of the information asymmetry), nghĩa là người cho vay hiểu người đi vay còn hơn cả bản thân họ. Chỉ trong vòng năm năm, các công ty fintech và bigtech đã cho vay khoảng 450$ trên một đầu người ở Trung Quốc, chiếm khoảng 2% tín dụng.
Ngân hàng được thành lập cách đó vài thập kỷ, nơi luôn có sự hiệp lực (synergies) giữa các khoản vay (loans) và các sản phẩm tài chính khác (financial products), giống như mảng quản lý tài sản (asset management) và bảo hiểm (insurance). Ant Financial nhảy vào mảng quản lý tài sản vào năm 2013 bằng cách ra mắt Yu’eBao, nơi những người mua sắm bằng tiền mặt trên Alipay có thể kiếm một khoản lợi nhuận nhỏ bằng cách đặt tiền của mình vào các quỹ thị trường tiền tệ (money-market fund). Đến năm 2019, Yu’eBao đã trở thành quỹ thị trường tiền tệ lớn nhất thế giới về quy mô, trước khi ngân hàng trung ương tạo ra áp lực buộc Ant phải đóng cửa mảng này. Ant bổ sung thiếu hụt này bằng các lựa chọn đầu tư khác và đồng thời mở rộng sang mảng bảo hiểm nhân thọ, xe và y tế bằng cách hợp tác với các hãng khác.
Các hãng công nghệ sử dụng nền tảng của họ để bóc tách địa hạt ngân hàng hay áp dụng kĩ thuật đảo ngược (reserve-engineer). Kỹ thuật đảo ngược là quá trình tìm ra các nguyên lý kỹ thuật của một phần mềm ứng dụng hay thiết bị cơ khí hay mô hình kinh doanh qua việc tháo dỡ từng cấu thành, phân tích cấu trúc, chức năng và hoạt động bên trong. Quá trình này đang dần phổ biến ở Mỹ, nơi các nhà cung cấp thẻ tín dụng tìm mọi cách níu chân người dùng và các công ty công nghệ thanh toán hoạt động cực kỳ chậm chạp. Chính đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy mối quan tâm đến các nền tảng thanh toán, bởi người dùng buộc phải mua sắm trực tuyến. Paypal gần như tăng gấp đôi giá trị thị trường trong suốt năm vừa qua lên hơn 310 tỷ $, trở thành một nền tảng thanh toán có giá trị lớn nhất thế giới.
Stripe, một nhà cung cấp giải pháp thanh toán hướng đến doanh nghiệp, nay đã đạt đến giá trị 95 tỷ $, biến thành một công ty công nghệ tư nhân có giá trị nhất nước Mỹ. Thành công của Stripe (như một nền tảng hướng doanh nghiệp) đã minh chứng cho thấy không chỉ mảng “bán lẻ” (phục vụ công chúng) của ngân hàng đang bị đe dọa (retail banking) mà cả mảng “doanh nghiệp/tập đoàn” (Corporate banking). Stripe dành được sự ưu ái của các công ty nhỏ lẻ bởi việc tích hợp dễ dành mảng thanh toán vào trong website của họ. Công ty này hiện cũng đang mở rộng sang mảng dịch vụ quản lý lương và tiền mặt (payroll & cash-management).
Hiểu biết có thể trở thành sức mạnh
Các nền tảng công nghệ trên không thể làm tất cả mọi thứ mà ngân hàng đang triển khai, bởi họ không nắm thông tin các bảng cân đối (balance -sheet) dùng để đảm bảo khoản vay. Lợi thế của ngân hàng nằm ở việc nắm các khoản tiền gửi (deposits) để khai thác, thậm chí ngay cả khi không biết nên cho ai vay tiền. Lợi thế của các công ty công nghệ là hiểu biết rất rõ ai là người nên cho vay tiền, thậm chí ngay cả khi họ không nắm tiền (funds). Do đó một số nền tảng đã quyết định dấn thân đi tìm bảng cân đối tài chính. Grab, công ty sẽ niêm yết công chúng với giá trị vào khoảng 40 tỷ $, đã lấy được giấy phép ngân hàng. Nếu một loạt các công ty công nghệ khác cũng đi theo con đường này, thì dù các ngân hàng vẫn duy trì vị trí trung tâm của hệ thống tài chính, nhưng miếng bánh lớn nhất lúc này sẽ thuộc về Ant, Grab, hoặc Mercado Pago chứ không phải HSBC, DBS, hay Santander Brasil.
Tuy nhiên, đại đa số công ty công nghệ không chọn xin giấy phép ngân hàng. Thay vì vậy họ quyết định hớt lấy phần kem trên mặt (skimming the cream off the top). Phần “ngân hàng lõi” (Core banking), được kiểm soát cực kỳ chặt chẽ và gắn với hoạt động liên quan đến vốn (capital) của ngân hàng, kiếm gần 3 nghìn tỷ $ doanh thu trên toàn thế giới, và tạo ra 5-6% lợi nhuận trên vốn (ROE). Xử lý thanh toán (payments) và phân phối sản phẩm (product distribution), mảng kinh doanh của các công ty công nghệ, chiếm 2,5 nghìn tỷ $ bán hàng nhưng có ROE đến 20%.
Ant ban đầu tạo ra các khoản vay (loans) và đóng gói chúng thành các chứng khoán (securities) để bán cho các định chế tài chính khác. Tuy nhiên nhà sáng lập Jack Ma đã thất bại trong thương thảo với chính phủ và các nhà làm luật. Do đó chính quyền đòi hỏi người tạo ra các chứng khoán (originators) này phải giữ phần vốn bảo đảm cho khoản vay, khiến phần lợi nhuận biên (margins) Ant thu được từ mảng này suy giảm. Hướng đi tiếp theo của Ant là biến mình thành trung gian (conduit), kết nối người vay với ngân hàng, nơi tạo ra khoản vay. Tuy nhiên, các nhà làm luật cũng e ngại Ant có cam kết (skin) quá mỏng trong trò chơi này, do đó đòi hỏi hãng phải giữ vốn nhiều hơn (hold more capital). Ant buộc phải tái tư duy về mô hình kinh doanh của mình.
Không phải chỉ có nhóm ngân hàng là các định chế có thể chào bán (bid) các khoản vay (loans) hay chứng khoán mà các nền tảng công nghệ muốn dành phần (flog), cán cân quyền lực đang chuyển dịch về hướng phi ngân hàng (non-banks). Theo Ủy Ban Ổn Định Tài Chính (Financial Stability Board – một nhóm các nhà làm luật), các nhà tư bản thường là người chơi lớn hơn. Trong năm 2007, tổng tài sản toàn cầu của nhóm tài chính phi ngân hàng đã chạm đến mốc 100 nghìn tỷ $, tương đương 172% mức GDP toàn cầu và chiếm 46% tổng tài sản. Vào năm 2019, khối lượng tài sản này đã đạt đến mốc 200 nghìn tỷ $, chiếm 228% mức GDP toàn cầu (gross world output) và chiếm nửa tổng tài sản (50%). Jamie Dimon, sếp của JPMorgan Chase chia sẻ: “Hệ thống ngân hàng đang trở nên nhỏ hơn, trong miếng bánh tài chính toàn cầu, so với trước kia.”
Ngân hàng vẫn tiếp tục thống trị mảng tín dụng (credit) và tài sản cho vay (lending assets), chỉ có khoảng 40% tài sản tín dụng, bao gồm chứng khoán và các khoản vay, được nắm bởi nhóm phi ngân hàng, mặc dù phần này đang tăng trưởng nhanh: cụ thể, tăng gần 9% trong năm 2019, trong khi đó tài sản tín dụng (credit assets) của nhóm ngân hàng chỉ tăng 4,6%. Tuy nhiên, ngân hàng vẫn duy trì vị thế nguồn cung cấp lớn nhất các khoản vay cụ thể (specific loans), chiếm 83% tổng tài sản cho vay toàn cầu (global lending assets) vào cuối năm 2019.
Quá trình chuyển đổi đang diễn ra rất rõ rệt ở Hoa Kỳ, quốc gia có lịch sử phát triển thị trường vốn khởi động từ những năm 1940, thời điểm các hũ tiền (pots of money) kêu gọi được từ các nhà quản lý quỹ tương hỗ (mutual fund) luôn đầy ắp. Thập niên 80 chứng kiến cuộc chạy đua phát hành nợ, đặc biệt là các trái phiếu giá rẻ (junk bonds), từ rất nhiều công ty. Đồng thời có một sự tăng trưởng nợ hộ gia đình (household debt) thông qua chứng khoán hóa (securitisation), một quá trình gói gém (bundling) các khoản vay vào trong trái phiếu để có thể thuận tiện mua và bán. Sau khủng hoảng tài chính, sự hoài nghi về chứng khoán hóa đã khiến chỉ có 20% tài sản tài chính ở Mỹ năm trên bảng cân đối tài chính của các ngân hàng.
Các nước khác đang đi theo chân Hoa Kỳ bởi các nhà làm luật mong muốn ngân hàng giảm thiểu việc nắm giữ các tài sản có tính rủi ro cao. Trong khu vực châu Âu, phần tài sản tài chính nắm bởi ngân hàng đã rơi từ con số 60% trong năm 2007 đến dưới 40% năm 2019. Tuy nhiên, con đường còn dài phía trước cho phần còn lại của thế giới. Nhà kinh tế trưởng của World Bank, Carmen Reinhart chia sẻ: “Trong các thị trường mới nổi, câu chuyện lại hoàn toàn khác. Họ có tính phụ thuộc rất cao vào hệ thống ngân hàng với phần vốn thị trường hạn chế. Một vài thị trường vốn vẫn còn đang ở trong trứng nước (infancy)”.
Sự trỗi dậy của các hãng công nghệ và thị trường vốn thường là tin tức tốt lành cho công chúng, bởi tiếp cận ngân hàng có thể rất tốn kém. Có khoảng 7 triệu hộ gia đình ở Mỹ vẫn chưa tham gia vào hệ thống ngân hàng (unbanked), họ phụ thuộc vào các công ty chuyên đổi séc thành tiền mặt (cheque-cashing firms), tiệm cầm đồ (pawn shops) và các nhà cho vay ngắn hạn (payday lenders). Thẻ ghi nợ (debit) và tín dụng (credit) tính phí từ 1-4% cho các nhà kinh doanh/thương nhân (merchants), những có phần giảm đi cho người giàu, dựa trên số dặm bay và điểm thẻ tín dụng của họ. Điều này có nghĩa là các hộ gia đình sử dụng tiền mặt thực tế phải trả 149$một năm cho nhóm sử dụng thẻ và mỗi hộ gia đình sử dụng thẻ nhận 1133$ từ nhóm sử dụng tiền mặt, một phần dưới dạng các phần thưởng. Đây là vấn đề được nêu ra trong một nghiên cứu năm 2010 bởi các nhà kinh tế tại Ngân hàng dự trữ liên bang Boston.
Hệ thống thanh toán mới cũng dễ sử dụng hơn, như UPI ở Ấn Độ, giúp kết nối giữa số điện thoại tới dữ liệu sinh trắc học (biometric) và tài khoản ngân hàng, nhờ vậy đem đến các dịch vụ tài chính rẻ hơn cho hàng triệu người. Giữa năm 2014 và 2018, 315 triệu người Ấn chưa từng tiếp cận ngân hàng đã mở tài khoản lần đầu, bỏ vào số tiền (deposit) hơn 800 tỷ rupee (gần 12 tỷ $), và nhận khoảng 237 triệu thẻ ghi nợ (debit cards).
Đại đa số nhóm phi ngân hàng (non-banks) không xử lý (undertake) các chuyển đổi về kỳ hạn (maturity) và thanh khoản (liquidity), hai yếu tố làm lung lay quá trình vận hành của ngân hàng. Theo FSB, chỉ 29% trong tổng 200 nghìn tỷ tài sản nắm bởi các định chế tài chính phi ngân hàng đón nhận các rủi ro tiêu biểu như nhóm ngân hàng, mặc dù phần bánh của họ đang tăng lên. Đại đa số tài sản được nắm bởi các quỹ đầu tư đều hứa hẹn có tính thanh khoản cao hơn. Họ cũng cố gắng để phù hợp với kỳ hạn thanh toán (match maturities): một quỹ hưu trí nhằm chi trả thu nhập nghỉ hưu trong 30 năm tới sẽ vui vẻ đưa tiền vào quỹ đầu tư tư nhân trong vòng một thập kỷ tới hoặc hơn.
Chiến thắng của nhóm đối thủ cạnh tranh mới (competitors) đem đến các lợi ích rõ rệt cho khách hàng, nhưng cũng đi kèm một số rủi ro. Cần xét đến yếu tố quy mô kinh tế (economies of scale) của các ngân hàng và công ty công nghệ. Các ngân hàng lớn rải chi phí cố định của mạng lưới chi nhánh và marketing qua nhiều khách hàng. Nền tảng thanh toán rải chi phí qua nhiều người dùng. Cam kết giá trị (value proposition) tăng lên theo quy mô, cụ thể khi có nhiều khách hàng, ngân hàng có thể cung cấp các sản phẩm rẻ hơn. Còn đối với các nền tảng thanh toán, cam kết giá trị tăng theo cấp số nhân nhờ mạng lưới, mỗi người dùng mới lại góp phần tăng thêm giá trị cho hệ thống.
Các nhà làm luật thường than phiền về mức độ tập trung (concentration) của hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ, nhưng thực ra có bốn ngân hàng lớn và hàng ngàn nhóm nhỏ hơn. Lợi thế cạnh tranh của các nền tảng thanh toán khiến các doanh nghiệp trên có thể chạm đến địa vị thống lĩnh thị trường, người chiến thắng dành hết cả miếng bánh (winner-take-it-all) (giống như Facebook).
Độc quyền công nghệ
Các tranh luận ngày nay về vai trò của những nhóm độc quyền công nghệ (technologigal monopolists) thường tập trung xoay quanh khái niệm “tương tác” (interoperability), cụ thể với dữ liệu người dùng (user data). Nếu các hành vi trực tuyến giúp bóc tách nhiều thông tin hữu ích về chất lượng khách hàng cho các khoản vay, nó sẽ trở nên hữu dụng nếu có thể được tiếp cận bởi các nhà cung cấp tài chính tiềm năng. Ý tưởng của việc chia sẻ dữ liệu theo cách như vậy, gọi là “ngân hàng mở” (open banking), đã được thực hiện bởi các nhà làm luật ở châu Âu. Mối lo ngại khác nằm ở việc các nền tảng có thể khai thác vị thế chiếm lĩnh thị trường để tạo ra các thùng chứa khiến họ dễ dàng thực hiện một số công việc bên trong nền tảng, nhưng hầu như không thể dùng tiền lưu trữ tại đây ở những nơi khác.
Các nhà làm luật Trung Quốc đã đánh một đòn sắc bén chống lại các gã khổng lồ fintech. Vấn đề của Ant bắt đầu từ cuối tháng 11 khi họ chặn đứng (kiboshed) nỗ lực niêm yết công chúng của Ant. Ant cùng các công ty tương tự buộc phải rút lại một số sản phẩm tín dụng, phải lấy được một số giấy phép kinh doanh mới và kêu gọi thêm vốn – nói ngắn gọn để hành xử giống như một ngân hàng truyền thống. Các nhà làm luật châu Âu cũng có mối lo tương tự: “Nhà cầm quyền đang đối diện với viễn cảnh một khối lượng dữ liệu gia tăng được thu thập từ các nền tảng thanh toán cho mục đích sử dụng khác.” Jean-Pierre Landau, cựu phó thống đốc của Banque de France. “Và cũng thật khó có thể hình dung về một tổ chức thanh toán mà không nghĩ đến các ưu tiên dữ liệu (data priorities), trong bối cảnh Châu Âu ra sức tập trung bảo vệ dữ liệu cá nhân.”
Rủi ro của việc trỗi dậy các thị trường vốn thì rất khác biệt. Điều này có thể khiến bảng cân đối của ngân hàng chỉ tham gia góp phần cho vay nhỏ hơn trong tương lai, nhưng vì ngân hàng là định chế duy nhất có quyền nhận tiền gửi (deposit), vai trò của họ sẽ không hoàn toàn biến mất. Tuy nhiên, sự xuất hiện những nhóm “tài chính” mới đến từ nhiều ngóc ngách đã khiến các nhà làm luật lúng túng. Trong giai đoạn 2007-2009, Cục Dự Trữ can thiệp vào thị trường vốn, nhưng đi quá xa để bảo vệ các ngân hàng thương mại và đầu tư. Trong tháng 3/2020 ngân hàng vẫn được bảo vệ an toàn dù thị trường vốn dừng lại. Thay vì hành động như nhà cho vay cuối cùng của các ngân hàng, Fed trở thành nhà kiến tạo thị trường (market-maker), can dự trực tiếp vào thị trường vốn. Quy mô của khoản nới lỏng định lượng (quantitative easing)trị giá 23,5 nghìn tỷ $ gần đây đã vượt qua bất kỳ con số nào trước đó trong lịch sử của Fed. Nỗ lực nhằm bình ổn thị trường tài chính khiến Fed khó khăn hơn trong việc né tránh việc lựa chọn kẻ thắng (người thua) và ảnh hưởng tín dụng. Khi thế giới thay đổi, công cụ của các nhà làm luật cũng buộc phải thích ứng.