Ấn Độ và Chấp trì chân lý

[Ấn Độ - Hyderabad]

Ấn Độ có nhiều đặc tính cuốn hút mình: cấu trúc xã hội phức tạp, lịch sử huy hoàng, sự va chạm (gồm xung đột và hòa hợp) của nhiều tôn giáo – tín ngưỡng – sắc tộc, một nền văn hóa đậm sâu cùng những triết lý cổ xưa –  nơi con người có thể bị đẩy đến đáy cùng nhưng cũng là cái nền thăng hoa của những bộ óc thông thái nhất hành tinh này. Ấn tượng đầu tiên về Ấn Độ là qua một bộ phim sử thi công phu “Ghandi” được thực hiện bởi đạo diễn Richard Attenborough (1982) mà mình xem hồi nhỏ. Bộ phim tràn ngập những khung cảnh lịch sử huy hoàng để kể về một “linh hồn” vĩ đại, người đã khởi xướng phong trào đấu tranh “bất bạo động” giành lại độc lập cho quê hương mình trước đế quốc Anh – Mahatma Ghandi. Tâm hồn và lẽ sống cao thượng có sức ảnh hưởng phi tôn giáo phi quốc tịch của Ghandi được khắc hoạ trên phim đã chạm đến những cảm xúc sâu nhất của khán giả khiến bộ phim trở thành một tượng đài điện ảnh sừng sững sánh ngang với “Cầu sông Kwai” (1957) và “Lawrence xứ Arabica” (1962) (với thành công vang dội: 11 đề cử Oscar và chiến thắng 8 giải).

Mãi đến tháng 11 năm ngoái mình mới có cơ hội đến trải nghiệm bối cảnh “thật” của bộ phim nhờ dịp hội ngộ của mạng lưới alumni IEA (thành viên của các chương trình trao đổi quốc tế với Hoa Kỳ) tại hội nghị Doanh nhân toàn cầu GES ở Hyderabad. Chuyến hành trình đã đưa mình xuyên suốt Ấn Độ từ Hyderabad, Bangalore đến New Delhi. Một chuyến đi đã giúp thay đổi sâu sắc nhân sinh quan của mình cùng việc thấu hiểu những ảnh hưởng của Ghandi lên Ấn Độ hiện đại trong thế kỉ 21.

Kết nối đầu tiên với Ghandi là qua Jagan, một doanh nhân dễ mến, một nhà hoạt động chính trị nhiệt thành của một đảng nhỏ ở bang Tenlangana (Nam Ấn Độ), đồng thời cũng là người có cảm tình quí mến với Việt Nam. Anh hẹn gặp mình ở Hyderabad qua lời giới thiệu của một người bạn. Nhờ sự hiếu khách của anh, mình có cơ hội đi thăm nhiều công trình thú vị của thành phố “ngọc trai”, gặp gỡ cộng đồng doanh nhân địa phương, thưởng thức món Biryani danh bất hư truyền đồng thời giải đáp được nhiều thắc mắc quan trọng về sự va chạm văn hóa nơi đây. Anh đã đưa mình đến Hạ viện bang Tenlangana nơi anh vào ra không ít lần, một công trình biểu tượng cho những ảnh hưởng của Ghandi ở Hyderabad. Công trình với lối kiến trúc Ba Tư (Persian) đặc trưng pha những ảnh hưởng của vùng Rajasthan được xem là trái tim và tâm hồn của tiểu bang miền Nam Ấn. Vốn trước đây từng là một cung điện của các ông vua thuộc dòng dõi Nizam cai quản Telangana khi vùng đất này còn là một vương quốc độc lập khỏi Ấn Độ (chỉ sáp nhập sau này khi chính phủ Ấn tiến hành chiến dịch Polo năm 1948 cùng thời điểm Ấn Độ tách ra độc lập khỏi Anh), công trình được chuyển hóa thành tòa nhà hành chính của bang nơi quá trình lập pháp diễn ra và các luật lệ bang được ban hành. Nét đẹp cổ kính khiêm cung hòa cùng khu Vườn Công Cộng (Public Garden) tuyệt đẹp của Hạ viện tạo thành một tổng thể lộng lẫy huy hoàng tương phản hoàn toàn với phần bừa bộn, nhớp nhúa còn lại của thành phố gần bảy triệu dân sinh sống này. Ngay ở lối vào của Hạ viện, một bức tượng đồng đen của thánh Ghandi cao khoảng bảy mét được đặt một cách trang trọng và ngay dưới chân tượng là dòng chữ khắc nổi tiếng: “Cuộc đời tôi chính là thông điệp của tôi”. Bức tượng như một lời nhắc nhở về những giá trị và ảnh hưởng mà ông để lại đến cơ cấu chính quyền hiện tại của Ấn Độ.

Gandi dẫn dắt Ấn Độ dành độc lập bằng một nguyên tắc rất đơn giản mang tên “Chấp trì chân lý”: “Nếu một ai đó làm tổn thương ta vì sự vô minh, thì ta đáp lại họ bằng năng lực của tình thương. Người thực hành chấp trì chân lý sẽ không bao giờ sử dụng bạo lực.” Bất tuân dân sự phi bạo động (nonviolent civil disobedience) chính là chìa khóa để giải phóng Ấn Độ, nó đòi hỏi quảng đại quần chúng cần phải có một trái tim yêu thương và một ý chí kiên cường để chống lại sức hấp dẫn của việc đáp trả bất công bằng bạo lực, một lối mòn cho bi kịch của nhiều dân tộc. Tư tưởng đấu tranh của ông bị ảnh hưởng bởi tác phẩm văn học cổ của Ấn mang tên “Tirukkural” (được viết bằng tiếng Tamil)  trong đó coi trọng sự Kiên Cường Chân Lý (Satyagraha): Satya – dấn thân cho sự thật hay tình yêu thương và graha – sự kiên cường hay sức mạnh theo đuổi tinh thần phi bạo động. Tư tưởng này có sức ảnh hưởng sâu rộng đến các phong trào đấu tranh toàn cầu trong đó có phong trào dân quyền ở Mỹ do Martin Luther King Jr và James Bevel khởi xướng.

Cậu bé Mohandas Karamchand Gandhi sinh ra (1869) và lớn lên tại Porbandar (thuộc Kathiawad xa xôi phía Tây Ấn Độ) trong một gia đình thuộc đẳng cấp thứ ba nghèo khó (Baniya – một trong bốn đẳng cấp được quy định trong Ấn giáo). Ông trải qua tuổi thơ bình dị và lấy vợ sớm (13 tuổi) theo truyền thống tôn giáo vùng Kathiawad. Nhờ lời khuyên của một tu sĩ Brahmin cùng sự hỗ trợ của người thân, ông đã tìm đến London, thành phố lớn nhất thế giới khi đó (1888) để học luật. Môi trường tư bản phương Tây đã giúp định hình một phần con người ông nhưng không thể xóa bỏ truyền thống Ấn giáo trong huyết quản của ông (như việc thực hành tôn giáo, không ăn thịt, uống rượu). Ông học hành chăm chỉ, vượt qua các kì thi chuẩn thuận luật sư và được gọi về thực tập ở tòa tối cao Ấn năm 1981. Bước ngoặt lớn trong cuộc đời ông chính là khi được hội luật sư Ấn gửi sang Nam Phi nhằm gỡ rối cho các tranh chấp thương mại giữa doanh nhân hai nước. Mối duyên tình cờ đã đẩy đưa ông làm việc suốt 10 năm (1983 đến 1914) ở Nam Phi và trải nghiệm sâu sắc sự phân biệt chủng tộc khắt khe của chế độ cầm quyền ở đây, đặc biệt là đối với người Ấn. Khi ông đến Nam Phi năm 1983, chủ đề người nhập cư Ấn Độ là một đề tài nóng bỏng, ông nhanh chóng nhận ra sự kì thị dành cho cộng đồng người Ấn ở Durban bởi những người da trắng đang nắm chính quyền thuộc địa ở đây. Tất cả bắt nguồn từ một đạo luật kì thị được ban hành ở Nam Phi từ năm 1907, người Ấn cũng như người da đen ở Nam Phi phải đăng ký và lăn dấu tay để chịu sự kiểm soát gắt gao của nhà cầm quyền. Những gì ông trải nghiệm đã thôi thúc ông dấn thân đấu tranh bằng sự bất tuân dân sự và bằng ngòi bút sắc sảo trên nền tảng Satyagraha. Năm 1984, ông thành lập Hội nghị dân tộc Ấn – nhiều bài phát biểu của ông bắt đầu gây ấn tượng mạnh với công chúng Nam Phi và cả ở quê nhà xa xôi. Thực dân Anh đã tìm mọi cách có thể để hạn chế ảnh hưởng của ông qua bắt bớ và tù đày nhưng không thể chống lại sức lan tỏa mạnh mẽ tư tưởng bất bạo động đến quần chúng. Nam Phi đã giúp chuyển hóa ông thành một con người hoàn toàn khác: một nhà dân tộc chủ nghĩa, nhà thuyết giáo, nhà tổ chức phong trào và một biểu tượng đấu tranh.

Năm 1915, đáp lời kêu gọi của quảng đại quần chúng, Gandhi quay trở về quê hương để trực tiếp dẫn dắt phong trào đấu tranh tại đây. Ấn Độ chào đón ông bằng sự bất bình đẳng sâu sắc trong lòng xã hội giữa giàu – nghèo, trí thức – mù chữ, quý tộc – cùng đinh cùng một loạt các vấn đề nội tại phức tạp trong cấu trúc xã hội Ấn (như sự kì thị dân Dalit, giáo dục, vệ sinh, y tế). Ông trở thành một chất keo để gắn kết những bất đồng và mâu thuẫn sâu sắc giữa các nhóm tôn giáo khác nhau: người Hồi, người Sikhs, người Hindu, người Phật giáo, người Kito Giáo, người Kỳ Na giáo và nhiều tín ngưỡng thiểu số khác. Ông đã tước bỏ đi bộ Âu phục chỉnh chu, khoác lên mình một chiếc khố giản dị và đi khắp Ấn Độ để kêu gọi “đoàn kết dân tộc” dưới ánh sáng của tinh thần Satyagraha nhằm đấu tranh chống lại thực dân Anh. Từ phong trào “Chấp trì chân lý” ở Champaran-Kheda nhằm đòi lại quyền lợi cho tầng lớp nông dân nghèo khổ (chống lại các điền chủ), phong trào bất hợp tác (tẩy chay các sản phẩm của người Anh) đến chấp trì chân lý Muối (1930) với cuộc tuần hành “muối” (Salt March) phi thường từ Ahmedabad đến Dandi (400km) để phản đối thuế Muối của thực dân Anh, Gandhi gây một tiếng vang rộng khắp quốc gia và buộc đế quốc Anh phải nhượng bộ và mở rộng quyền tự trị cho Ấn Độ. Tuy nhiên việc chống lại căn tính “nổi loạn và bạo lực” của những người đi theo ông đòi hỏi một nỗ lực phi thường – ông thường tuyệt thực để ngăn cản căn tính này của con dân mình. Ông quan điểm: “Chúng ta có thể không bao giờ đủ mạnh mẽ để hoàn toàn bất bạo lực trong tư tưởng, ngôn từ và hành động. Nhưng chúng ta sẽ phải giữ bất bạo lực làm mục tiêu và nỗ lực mạnh mẽ để vươn tới nó”. Năm 1930, nỗ lực của Gandhi được đền đáp – ông được mời đến Anh để trình bày về việc trao trả quyền tự trị cho Ấn Độ trước gia đình hoàng gia. Tuy nhiên chính quyền Anh vẫn lằng nhằng không trao trả kèm theo đó là nhiều sự kiện rối ren của thế chiến II khiến quyết định này bị trì hoãn. Mãi đến tháng 8 năm 1947, Anh Quốc  mới chính thức trao trả một Ấn Độ độc lập hoàn toàn cho chính quyền Ganhdi sau khi cơn suy kiệt kinh tế do ảnh hưởng của thế chiến II. Có một điều rất thú vị, Gandhi sau khi nắm quyền đã giữ nguyên cơ cấu nền tảng của chính quyền quân chủ lập hiến theo mô hình Anh (kẻ thù của mình) chứ không phá hủy hoàn toán dấu ấn thực dân, một lựa chọn rất có “ý thức” bởi ông phân tách rất rõ đâu là thứ mình phải đấu tranh đòi hỏi, đâu là những giá trị tốt đẹp cần giữ lại. Sau khi dành độc lập, Ganhdi lại phải giải quyết tiếp một vấn hệ trọng cấp bách của quốc gia: mâu thuẫn quyền lợi sâu sắc giữa người Hindu và người Hồi mà kéo theo đó là sự phân vùng đẫm máu của Ấn Độ (1947 – một phần Ấn Độ phải tách ra cho phe Hồi Giáo – một đất nước mới với tên gọi Pakistan) do việc chia sẻ quyền lực thất bại giữa hai thủ lĩnh Muhammad Ali Jinnah (người sáng lập nên đất nước Pakistan – phe Hồi Giáo) và Nehru (thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ – phe Hindu) – mặc dù cả hai đều là những người bạn luật sư thân thiết của Gandhi.  Tuy nhiên, vào tháng 1 năm 1948, khi đang nỗ lực hòa giải bất đồng giữa hai phe, Gandhi bị ám sát ngay tại thủ độ New Delhi bởi viên đạn của một tên Ấn giáo cuồng tín. Một cuộc đời thật đẹp đã kết thúc.

Tìm hiểu về Ấn Độ cũng như về Gandhi giúp mình cảm nhận sâu sắc hơn rất nhiều về “tiến trình phi thường của nhân loại” và những nguyên tắc của “chân lý” như lời ông nói trong “Tự truyện” của mình:

Nhưng đối với tôi, chân lý là một nguyên tắc căn bản bao gồm nhiều nguyên tắc khác. Chân lý này không chỉ là sự chân thật trong lời nói, mà cũng là sự chân thật trong tư duy, và cũng không chỉ là chân lý tương đối của khái niệm của chúng ta, mà là chân lý tuyệt đối, chân lý vĩnh hằng, và đó là Thượng đế. Có rất nhiều cách định nghĩa Thượng đế bởi vì Ngài có rất nhiều cách thể hiện. Chúng chinh phục tôi với sự kinh ngạc và kính trọng và tôi tê liệt trong một khoảnh khắc. Nhưng tôi chỉ tôn kính Thượng đế như chân lý. Tôi chưa tìm thấy Ngài, nhưng tôi tìm Ngài. Tôi sẵn sàng cống hiến những gì quý báu nhất của tôi để đi tìm. Ngay cả trường hợp sự cống hiến này đòi hỏi ngay sinh mệnh của tôi thì tôi hi vọng là sẽ sẵn lòng hiến dâng nó. Nhưng khi nào tôi chưa trực chứng chân lý tuyệt đối thì cho đến khi ấy, tôi phải nắm giữ chân lý tương đối như tôi hiểu nó. Trong thời gian này thì chân lý tương đối phải là ngọn đèn, tấm mộc và vật che chở của tôi.”