Chủ nghĩa bộ lạc
PBS News Hour hôm nay trích dẫn thông điệp của tờ The Washington Post: “Đối với nhiều người, trụ cột của nền dân chủ Hoa Kỳ – các buổi tranh luận Tổng Thống (presidential debate) – đã chuyển hóa thành một biểu tượng của sự suy thoái dân chủ” đồng thời tìm kiếm lý giải buổi tranh luận hỗn loạn giữa Trump và Biden qua phỏng vấn giám đốc điều hành Trung tâm Edmond J Safra về Đạo Đức, giáo sư Danielle Allen thuộc đại học Harvard và Pete Peterson, trưởng khoa chính sách công của trường Pepperdine. Đây là tóm lược thông tin rất thú vị từ PBS News Hour:
Nền dân chủ phụ thuộc vào ngôn ngữ (ngôn ngữ là công cụ của một chính quyền tự do), hay cụ thể hơn chất lượng ngôn ngữ. Tuy nhiên, ngày nay, không có nhiều người trong chúng ta thực hành nghiêm túc công việc tranh luận hay gắn các cuộc hội thoại với các quy định có cấu trúc (như việc nhường lời cho người khác). Rất lâu trước kia, tranh luận đã được thực hành mạnh mẽ xuyên suốt hệ thống giáo dục của Hoa Kỳ. Điều này đã dần dần biến mất.
Chính trị, nhìn rộng ra hơn, ngày nay đã không còn chấp nhận sự bất đồng quan điểm, tranh luận hay thuyết phục. Tất cả những kỹ năng gắn với lúc khởi tạo quốc gia như “xem xét thận trọng” (deliberation) và “năng lực thuyết phục” (persuasion) nhằm xử lý bất đồng, tìm kiếm thỏa thuận chung trong các chính sách quan trọng đã từng là một phần quan trọng của hệ thống quản trị quốc gia Hoa Kỳ. Quan sát diễn biến chính trị trong những năm qua, cụ thể các buổi tranh luận, đều thể hiện một văn hóa chính trị đã vụn vỡ ngay trong lòng cường quốc này.
Nguyên nhân thứ nhất xuất phát từ quá trình rút vốn đầu tư khỏi các chương trình giáo dục về dân sự (civic education). Trong cơ cấu chi tiêu liên bang: có 54$ chi cho giáo dục STEM hàng năm, nhưng chỉ 5 cent cho giáo dục dân sự. Đó là dấu chỉ thực sự cho mức độ ưu tiên của Hoa Kỳ. Các hiệp đoàn “về tranh luận” (debate leagues) vốn lan rộng khắp đất nước, nay đã biến mất đáng kể. Tương tự như vậy, các khóa học về dân sự (civic), vốn từng được coi là một trong ba bộ môn bắt buộc ở trung học, nay bị loại bỏ. Thời gian trong trường học dành cho tranh luận rút ngắn lại, và những người trẻ có ít cơ hội đã thực hành và phát triển các kĩ năng này.
Thứ hai là từ hệ sinh thái truyền thông (như mạng xã hội). Chúng ta đã có một bước chuyển đổi lớn trong thập kỷ vừa qua từ một nền văn hóa dựa trên “câu chữ văn bản” (text-oriented culture) – hay văn hóa đọc sang nền văn hóa nói (oral culture). Các quan điểm tranh luận (argument) thể hiện rất khác biệt trong văn hóa “oral”. Chúng ta vẫn chưa thực sự xây dựng được một tập các lề lối lành mạnh (healthy norms) cho việc tranh luận trong nền văn hóa nói vốn “vắn tắt” hơn nhiều so viết lách (sound-bitey).
Lý do thứ ba là sự gia tăng cảm giác cô đơn trong xã hội, một vấn đề diễn ra trước khi Covid-19 xuất hiện. Điều này khiến kết nối giữa công chúng với nhau và giữa công dân với các định chế dân sự (từ nhà thờ đến xã hội dân sự) dần dần mờ nhạt. Khi đó, họ thường định vị danh tính “chính trị” của mình rõ ràng hơn (explicitly), sau đó gắn chặt với một phe (completely). Khi chạm đến trạng thái “complete”, xu hướng bộ lạc (tribalism) hay sự trung thành tận tụy với một phe nhóm chính trị mặc cho mọi lời ong tiếng ve trở nên mạnh mẽ (chia rẽ).
Các tác động trung hòa (mediating forces) danh tính (identity) mà công dân thường tiếp xúc trong lòng Hoa Kỳ, từ các cộng đồng địa phương, nhà thờ, hay tổ chức tôn giáo, hay mở rộng ra xã hội dân sự dần yết ớt. Các kết nối xã hội mà con người luôn tìm kiếm, thật không may, bị “danh tính chính trị” chi phối nhiều hơn lý lẽ.
Amy Chua, tác giả của cuốn sách ““Khúc chiến ca của mẹ Hổ” từng viết về mối nguy của “Chủ nghĩa bộ lạc” rất hay trên Atlantic, các bạn có thể đọc thêm ở đây: