Chuyện cái Toilet
Vào ngày đầu năm 2019, mình có cơ hội được nói chuyện rất tình cờ với giáo sư vật lý lý thuyết (A. Prof) Phần Lan Michal. B hiện đang làm việc tại viện LAC của Pháp, một chuyên gia về sự va chạm của các chòm sao nertron, nhân chuyến du lịch solo của ông tại Đà Lạt. Một cơ hội hiếm hoi để hiểu hơn về công việc của các nhà thiên văn học cũng như các tư tưởng “tháp ngà” phương Tây. Khi trao đổi về sự khác biệt giữa tư tưởng Phương Đông và phương Tây – giáo sư đã giúp mình có một góc nhìn sâu hơn về vai trò của sự đa dạng “ý thức hệ”, đặc biệt là ngay trong lòng châu Âu, cụ thể là ở bộ tam Đức – Anh – Pháp qua ví dụ “diễn giải toa lét” kinh điển (hermeneutics of toilets). Mình thấy đây là một “hiểu biết” khá thú vị nên xin được lược dịch đoạn trích về chủ đề này từ Goodreads trong note ngắn này.
Trong cấu tạo của toa lét truyền thống Đức, lỗ để thoát chất thải thường được để ở phía trước mặt để khi chất thải thoát ra chúng ta có thể quan sát, ngửi thấy và để theo dõi các dấu hiệu của bệnh lý. Ngược lại, toa lét Pháp lại có lỗ thoát chất thải được đặt ở phía sau – chất thải do đó được người dùng xả đi càng nhanh càng tốt khỏi tầm mắt. Trong khi đó, toa lét của nhóm Anglo Saxon (Mỹ hay Anh) lại hướng tới một phương pháp tổng hợp – một sự dung hòa giữa hai đối trọng này: lòng cầu của toa lét chứa đầy nước, giúp cho chất thải có thể dập dềnh bên trong, có thể quan sát từ xa nhưng cũng không mang tính giám sát trực diện. Nếu chưa có kinh nghiệm về sự khác biệt này, nhiều người Mỹ hay Anh khi đến Đức có thể bị shock. Rõ ràng những phương pháp trên không đơn thuần chỉ dựa trên tính hiệu dụng (hay thuyết vị lợi) của toa lét mà mỗi ý tưởng đều gắn liền với nhận thức rất khác nhau về cách mà chất thải (excrement) cần được xử lý hay ý thức hệ của ba quốc gia. Triết gia Hegel là người có thể nhận ra sự khác biệt giữa 3 nước Đức, Pháp và Anh dựa trên ba thái độ tiếp cận khác biệt nhau: Tính kĩ lưỡng phản ánh (reflective thoroughness – Đức), tính gấp gáp thay đổi/cách mạng (revolutionary hastiness – Pháp) và tính thực dụng và vị lợi (utilitarian pragmatism – Anh). Trong ngôn ngữ chính trị, bộ tam có thể được chia như sau: sự bảo thủ, siêu hình và thi vị Đức (convervatism, poetry, metaphysics), tính cách mạng cấp tiến, đặc quyền Pháp (revolutionary radicalism, privilege domain) và tính dung hòa, chủ nghĩa tự do, thiên về kinh tế Anh (middle of the road, liberalism, economy). Góc nhìn về vấn đề Toa lét cho phép chúng ta không chỉ nhận thức bộ tam trong một phạm vi sâu sắc, mà còn để xác định một cơ chế ngầm ẩn trong ba thái độ của ba quốc gia khác nhau vượt lên trên vấn đề chất thải tới mọi ngóc ngách trong xã hội: sức hấp dẫn của sự trầm ngâm tư duy (Đức), thái độ giải quyết vấn đề nhanh chóng nhất (Pháp) và sự thực dụng để xử lý mọi vấn đề theo cách có lợi (Anh). Thật dễ cho các nhà học thuật tuyên bố tại bàn tròn rằng chúng ta đang sống trong một vũ trụ không liên quan mấy đến ý thức hệ, nhưng khoảng khắc mà họ đi thăm nhà vệ sinh sau một buổi tranh luận căng thẳng, chính họ một lần nữa phải quỳ gối sâu trước sức ảnh hưởng của hệ tư tưởng thâm căn cố đế đó.
Diễn giải trên về toa lét được mô tả trong cuốn sách: “Sự tai hại của thế giới tưởng tượng” (The Plague of Fantasies) của triết gia Slovenia Slavoj Zizek, người được xem là một trong những nhà tư tưởng nguy hiểm của phương Tây do những chỉ trích trực diện của ông tới đường hướng phát triển của thế giới tư bản. Toa lét là một trong những ví dụ về sự khác biệt hệ tư tưởng của quốc gia bên cạnh những so sánh khác như về tình dục trên mạng (cybersex), phản ứng của giới trí thức đến chiến tranh Bosnia và âm nhạc của Robert Schumann được ông nêu ra trong cuốn sách. Ông phân tích mối quan hệ giữa thế giới tưởng tượng (fantasy) và ý thức hệ (ideaology), cái cách mà trong đó thế giới tưởng tượng (fantasy) vẽ ra những điều vui thú cùng những giới hạn của nó, sự liên hệ của tôn giáo thờ vật (fetishism) với sức hấp dẫn của thế giới tưởng tượng, đồng thời với cái cách mà sự số hóa và không gian mạng ảnh hưởng tới khả năng nhận thức thế giới của con người.