Có giáo dục (Educated)
Tara Westover sinh ra trong một gia đình theo đạo Mặc Môn (Mormon – Giáo hội Thánh Hữu ngày sau của Chúa Jesus Christ) theo “chủ nghĩa sống còn” (survivalism) ở một nông trại tại Idaho (năm 1986). Thế giới quan của cha mẹ cô (Val và LaRee) bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi những lời linh thiêng của kinh thánh Mặc Môn, những viễn cảnh ám ảnh của ngày tận thế và một chuỗi các lý thuyết âm mưu. Các nhân tố trên cấu thành nên lối sống mang màu sắc “thần bí” của tư duy “sống còn” (survivalist) và ly khai (secessionism): không tin tưởng bác sĩ, bệnh viện, trường học công và chính quyền liên bang. Tara do đó có một tuổi thơ vô cùng khác biệt, cô được sinh ở nhà (là đứa nhỏ nhất trong gia đình 7 đứa con: 5 trai 2 gái), đỡ đẻ bởi một bà mụ, không bao giờ đi bác sĩ hay y tá (mẹ cô dùng các phương pháp chữa trị “tai nạn” dược thảo thay thế cho cách thông thường), không có giấy khai sinh cho đến năm 9 tuổi (không được tiêm vắc xin). Cô cùng các anh chị em của mình được giáo dục tại nhà theo cách thức khá ngẫu hứng: các anh lớn dạy cô cách đọc và nguồn tri thức chủ yếu đến từ kinh thánh của Mormon. Ngoài sự hướng dẫn cách tư duy và cách học từ ba mẹ, trước năm 17 tuổi, cô không bao giờ tham dự các bài giảng, viết luận hay thi cử. Nguyên tắc của gia đình: “Tách rời khỏi những ảnh hưởng và sự thao túng của chính quyền sẽ làm đẹp lòng Thiên Chúa và nuôi dưỡng sự độc lập mạnh mẽ của mỗi cá nhân” không ngăn cản Tara tự học môn đại số, vượt qua kì thi chuẩn thuận ACT, đậu vào trường BYU (Brigham Young University) và rời bỏ ngôi nhà của mình. Một cách cửa mới đầy thách thức mở ra cho cô gái bé nhỏ: đại diện của một nền giáo dục gia đình cục bộ ở nông thôn dấn thân vào dòng chảy học thuật chính thống.
Cụ thể hơn, khóa học lịch sử nghệ thuật trong năm học đầu tiên tại BYU (lúc cô 17 tuổi) đã đẩy cô vào “xung đột tri thức” giữa hai nhánh giáo dục chính thống và tại nhà. Trong một buổi học, cô giơ tay đặt câu hỏi khi phát hiện một từ ngữ trong sách mà mình không hiểu như nhiều sinh viên khác: “Từ này có nghĩa là gì?”. Đột nhiên có một không khí im lặng bao trùm cả căn phòng, vị giáo sư của ngôi trường Mormon có một chút ngập ngừng sau nhanh chóng lướt nhanh sang câu hỏi của sinh viên khác. Kết thúc giờ học, người bạn thân duy nhất của Tara, Vanessa kéo cô ra góc phòng và giận dữ nói: “Có những thứ cậu không nên đùa cợt như vậy” và bỏ đi sau đó không kèm theo lời giải thích. Tara hốt hoảng đi đến thư viện để tìm hiểu xem từ ngữ không quen thuộc đó là gì trên Google. Lời giải thích trên mạng đã giúp cô dần dần hiểu phản ứng của mọi người – đó là từ “Holocaust” – tên gọi của thảm họa diệt chủng Do Thái ở châu Âu do chính quyền Nazi tiến hành. (Sau Holocaust, cô còn gặp khó khăn khi hiểu về các Phong trào Dân quyền của Hoa Kỳ – như vụ việc Rosa Parks).
Lỗ hổng trong nhận thức của Tara về thế giới đã khiến cô rơi vào những cú shock tư tưởng to lớn – những lát cắt “nhận thức” trong quá khứ trôi ngược trở về xung đột với những hiểu biết hiện tại. Cô nhận ra mình quá thờ ơ, ngu ngốc và kém cõi. Nhiều năm sau đó khi cắt đứt quan hệ với gia đình cùng các anh chị em của mình, cô đã đến đại học Cambridge để hoàn thành tiến sĩ về lịch sử tri thức (luận văn của cô viết về đề tài trách nhiệm gia đình trong bốn phong trào của thế kỉ 19, bao gồm tư tưởng Mặc Môn – Mormonism), và sau đó đến Harvard trong một chương trình fellow. Không thể tưởng tượng một cô bé dành phần lớn thời gian tuổi thơ để nấu chảy kim loại, làm rỗng các bình đựng khí của xe hơi tại bãi phế liệu gia đình đã chuyển hóa thành một học giả hàng đầu thế giới. Tara đã truyền tải câu chuyện học hành phi truyền thống của mình trong quyển sách “Có giáo dục – Educated” mà mình không thể rời mắt trong suốt một tuần qua. Cuốn sách truyền tải thông điệp về sự chia rẽ và phân cực được tạo ra do các dòng kẻ hay đường biên giáo dục.
Tư duy của những người có giáo dục và những người phi giáo dục xung đột mạnh mẽ do chảy theo cách thức khác nhau. Hai nhóm thường có thái độ thù địch: người có học coi thường người vô học. Hai chữ “giáo dục” kỳ lạ thay lại góp phần hình thành nên thái độ “xã hội” phân biệt. Trong thực tế, việc tiếp cận giáo dục không bao giờ là quyền phổ quát mà bị phân rẽ sâu sắc: có người tiếp cận nhiều, có người tiếp cận ít (nông thôn hay thành thị). Nếu nhìn nhận giáo dục là quá trình phát triển sự hiểu biết cho bản thân và cách thức tư duy thì trường học (cho dù là Harvard) đang trở thành công cụ của sự chia rẽ và bộ máy đánh bóng “hình ảnh thuần khiết” của các cá nhân.
Quyển sách của Tara cũng mô tả các xung đột tư tưởng giữa các thế hệ mà mình có ít nhiều đồng cảm. Cha của cô – Val người mang tư tưởng bảo thủ Mặc Môn pha cùng chủ nghĩa sống còn (survivalism) luôn dành thời gian để chuẩn bị cho “Ngày Cuối Cùng”. Val có một người bạn tên Randy Weaver, một người Công Giáo mộ đạo (đồng thời là cựu binh của chiến tranh Việt Nam) cùng chia sẻ ý tưởng về “Tận Thế”, một người luôn sống độc lập khỏi chính quyền và hoàn toàn tự cung tự cấp. Trong thập niên 80, Weaver tham gia một cuộc tuần hành do một nhóm tân Nazi (tân Phát xít) tổ chức nhằm cổ súy cho quốc gia thượng đẳng Aryan (Aryan Nations) và rơi vào tầm ngắm của FBI. Năm 1992, FBI xâm nhập vào nhà của Weaver để tìm kiếm vũ khí phi pháp, cuộc hỗn loạn nổ ra và FBI đã bắn chết vợ và con trai 14 tuổi của ông. Sự kiện trên đã khiến Val hình thành một góc nhìn cực đoan về vai trò của chính phủ và FBI – cha của Tara tin rằng rồi cũng sẽ đến lượt gia đình mình rơi vào bi kịch trên và trường học chính là cỗ máy tẩy não trẻ con.
Gia đình Tara gợi nhắc cho mình một cộng đồng biệt lập khác đang sinh sống ngay trong lòng thành phố sầm uất giàu có nhất thế giới – New York: người Do Thái Chính Thống Hasidic. Một tập hợp các cá nhân tuân thủ nghiêm ngặt 613 điều răn (mitzvot) của kinh Torah – những điều luật quy định trách nhiệm đạo đức cũng như tinh thần, dẫn dắt mối quan hệ của họ với Thượng đế, cộng đồng hay thiên nhiên. Mitzvot quy định cách họ làm từ thiện, ăn chay, nghỉ ngày Sabbath, yêu kính Chúa, thậm chỉ cả “tình dục”. Họ hình thành nên một cộng đồng “thần bí” tại Brooklyn, New York cách ly hoàn toàn với dòng chảy thế tục: nam để râu dài và mặc áo choàng, nữ đeo tóc giả và quàng khăn – một cuộc sống chỉ quanh quẩn trường đạo, nhà cầu nguyện, bể tắm mikveh, hàng xóm láng giềng. Những đứa trẻ Hasidic không học tiếng Anh, không xem tivi, không gia nhập hệ thống giáo dục chính thống (chỉ đến trường đạo) và chìm đắm trong ám ảnh “Holocaust” do thế hệ trước truyền lại (một cuộc sống bên bờ tuyệt chủng thúc đẩy họ phải kiên quyết giữ lại truyền thống cổ xưa).
Quay trở tại trường hợp của Val, ông đã hình thành một nền giáo dục gia đình mang màu sắc của sự phân biệt chủng tộc cùng các thuyết âm mưu. Nền tảng gia đình mà Tara thừa hưởng đã xung đột mạnh mẽ với dòng chảy “tri thức” chính thống như các quan điểm về bài Do Thái, phi chính phủ, Sắc tộc hay Đồng tính – cô con gái của ông đã phải từ bỏ một số quan điểm quen thuộc và tin vào những điều tốt đẹp hơn đang chờ đón. Tương tự như nhiều một số cá nhân tìm kiếm “tự do học thuật” trong cộng đồng Hasidic. Những kinh nghiệm của Tara lấp lánh phản ánh “sự học” của bất cứ ai trên hành tinh này, dù là đi theo dòng chảy chính thống hay không – mà sự trưởng thành bao hàm quá trình xung đột tư tưởng giữa cái mới và cái cũ, giữa truyền thống và hiện đại, giữa thần bí và thế tục. Một quyển sách quá đáng đọc và suy nghiệm