Covid-19: Tái khởi động [Phần 1]
Giáo sư Klaus Schwab, cha đẻ của Diễn đàn kinh tế thế giới (World Economic Forum), chia sẻ tại Townhall trực tuyến do cộng đồng Global Shapers tổ chức về mức độ ảnh hưởng to lớn của Đại dịch Covid-19 bằng cụm từ “The Great Reset” (Một cuộc tái khởi động to lớn) giúp dịch chuyển hành vi con người theo cả hai chiều top-down (từ tầm chính sách xuống dưới) và down-top (từ thói quen/góc nhìn cá nhân lên trên), thúc đẩy số hóa diện rộng, đạp nhiều doanh nghiệp xuống bùn đen nhưng cũng đem đến cơ hội to lớn cho những ai nhanh chóng thích nghi như cách đại dịch SARS đưa Alibaba thành gã khổng lồ thương mại trực tuyến trị giá 470 tỷ $. Board of Innovation, một tổ chức tư vấn, cũng có cho ra mắt một Báo cáo về “Kinh tế Low-Touch” (tiếp xúc thấp) trong đó phân tích sâu hơn về “The Great Reset” đi kèm một số đúc kết đáng suy ngẫm mà mình chia sẻ sau đây:
Quá trình cách ly xã hội diện rộng cùng những ảnh hưởng liên đới (như mất việc làm) do Covid-19 là nguyên cớ thúc đẩy gia tăng sự trầm cảm, cô độc và bất an trong lòng xã hội. Để chống sự cô quạnh, nhu cầu trị liệu, tư vấn tâm lý và nuôi vật cưng sẽ gia tăng đột biến (therapy and coaching). Ngoài ra các công cụ giúp con người kết nối cũng dần có chỗ đứng vững chắc: mạng xã hội, trò chơi trực tuyến, họp trực tuyến.
Ngôi nhà đang dần mang một ý nghĩa mới, không chỉ là nơi nghỉ ngơi thư giãn cùng gia đình mà trở thành văn phòng làm việc do nhu cầu làm việc tại nhà, đòi hỏi chúng ta phải tái tư duy sự cân bằng giữa công việc – cuộc sống. Những công ty có hầu bao tiền mặt hạn chế chắc chắn sẽ tiết giảm không gian văn phòng (hay hạ tầng). Các thiết lập văn phòng tại nhà không chỉ bao gồm một màn hình (có ứng dụng họp trực tuyến) mà bao gồm các thiết bị, máy móc đặt biệt để đáp ứng sự thay đổi trong phong cách làm việc. Nhiều chính sách và công cụ bảo hiểm mới sẽ theo đuôi chuyển đổi này.
Niềm tin vào “tình trạng vệ sinh” (hygiene) của con người và sản phẩm sẽ thay đổi hoàn toàn. Tính lây lan của virus vô hình đã chuyển hóa cách thức con người tương tác với nhau và giữa con người với hàng hóa, gia tăng yêu cầu về các chứng nhận vệ sinh hay các cam kết tình trạng sức khỏe. Kéo theo đó, các công ty sản xuất phải thay đổi cách thức đóng gói, chia sẻ các bảng đo lường/theo dõi sức khỏe (nhiệt độ). Ở Trung Quốc, một số ứng dụng giao hàng ở Trung Quốc đã cho hiển thị nhiệt độ cơ thể người giao vận trên nền tảng hay các cảnh sát mang mũ bảo hiểm có kết hợp tính năng đo nhiệt. Ngành bán lẻ và khách sạn buộc phải cung cấp thêm dịch vụ “vệ sinh khử trùng” miễn phí. Ngoài ra còn có một số chuyển đổi liên đới như: ưu tiên các sản phẩm “đã can thiệp/kiểm soát khoa học” thay vì “tự nhiên”, giao hàng “không tương tác” (contact-free) hay đặt tại cửa (drop-off)
Du lịch là ngành bị ảnh hưởng khủng khiếp nhất trong đại dịch, Covid-19 thúc đẩy nhận thức mới trong địa hạt “lữ hành xuyên quốc gia”: liệu khách hàng có thể quay trở về quê nhà hay không, hoặc liệu hệ thống lữ hành có đảm bảo họ không bị kẹt lại ở nước ngoài khi đại dịch nào đó xảy đến. Do đó, nếu thực sự muốn ra nước ngoài, các chuyến đi sẽ phải kéo dài hơn thường lệ bởi bao hàm trong đó là thời gian cách ly bắt buộc (có lẽ phải kết hợp giữa du lịch và công việc). Do đó, du lịch địa phương sẽ bùng nổ trở lại bởi nhu cầu đi lại, nghỉ dưỡng của con người là điều bất biến. Các chuyến đi về miền quê hay những nơi xa xôi, gần gũi thiên nhiên dần trở thành sản phẩm cao cấp (sang chảnh) do được chăm chút đầu tư. Một ví dụ về ứng phó dịch trong địa hạt “du lịch địa phương” ở Việt Nam (Quảng Bình) mà các bạn có thể tham khảo là Chay Lap Farmstay & Resort
Gia tăng căng thẳng và mâu thuẫn ở nhiều cấp độ trong lòng các tổ chức và cấu trúc xã hội bởi họ đang hoạt động ở chế độ sống còn, nhiều đơn vị sẽ buộc phải xé rào các hợp đồng và quy định. Một xu hướng mà nền tảng Google Search đã chỉ ra là sự gia tăng của “Force Majeure” (superior force) – thuật ngữ mô tả tình huống vượt ngoài tầm kiểm soát của bất cứ ai. Cuộc chiến pháp lý sẽ diễn ra khắp mọi nơi, cùng một lúc các luật sư phải chuyển đổi cách làm việc (tiếp xúc khách hàng) sang nền tảng số, nhiều công cụ hỗ trợ mới sẽ được phát triển để tự động hóa một phần công việc pháp lý ở quy mô lớn.
Mức độ thất nghiệp toàn cầu sẽ tái định hình lại sự nghiệp của nhiều người bởi mạng lưới nhân sự sẽ không còn nhiều cơ hội chuyển đổi qua lại giữa các công ty đối thủ. Quá trình huấn luyện và cải thiện kỹ năng từ xa sẽ tăng trưởng. Nhiều người sẽ dấn thân vào những ngành nghề tay trái (như kinh doanh qua mạng) để cải thiện ngân sách của gia đình – nhiều kinh nghiệm, nhận thức mới về “công việc” sẽ theo đuôi đại dịch (làm việc tại nhà, chân trong chân ngoài, đa nhiệm).
Doanh nghiệp bán lẻ/phân phối sản phẩm sẽ tiến hành chuyển đổi, ưu tiên công việc vận chuyển từ xa (remote). Các giải pháp giao hàng được chuyên biệt hóa song hành cùng chuỗi cung ứng được tối ưu hóa – ví dụ như mỗi ngôi nhà có thể thiết kế một điểm để “dropoff” (thả sản phẩm) sản phẩm thức ăn đông lạnh. Trong tương lai xa – mua sắm thực tế ảo (VR) và vận chuyển quy mô bằng drone sẽ vào cuộc.
Chuyển đổi đau lòng nhất của đại dịch Covid-19 là việc gia đình phải hạn chế tiếp xúc với thế hệ già hơn. Cho đến khi vắc xin được tìm ra, tương tác với người trên 65 tuổi sẽ đặc biệt bị hạn chế. Nhân loại phải tái tư duy hoàn toàn về các cuộc tụ tập gặp gỡ. Song hành cùng quá trình số hóa được tăng tốc, cuộc sống hàng ngày của gia đình sẽ được thiết kế lại, như các sự kiện giỗ chạp, ma chay, cưới hỏi. Quá trình chia rẽ cộng đồng thành các nhóm theo tuổi hay cần sự chăm sóc đặc biệt lại càng được tăng cường.
Đối với nhiều người, vai trò trong xã hội/nghề nghiệp góp phần quan trọng định hình họ là ai. Tuy nhiên sự hòa trộn giữa cuộc sống riêng tư và công việc trong mùa Covid-19 sẽ phá bỏ lớp bề mặt trên, cụ thể các đồng nghiệp trong tổ chức giờ đây đã có cơ hội chạm sâu hơn vào cuộc sống riêng tư của bạn (như một livestream từ giường ngủ chẳng hạn). Khi đến công sở, bạn có thể gây ấn tượng với sếp và đồng nghiệp bằng một bộ đồ thời trang thời thượng – nhưng khi quá trình tiếp xúc vật lý dần hạn chế, cách thức phản ứng của bạn qua màn hình video lại đóng vai trò quyết định, nhiều thực nghiệm về cách “môi trường số” tác động đến “ego/bản ngã/cái tôi” đang diễn ra. Đến một lúc nào đó, “danh tính” (identity) trực tuyến của bạn sẽ còn đóng vai trò cao hơn cả công việc/hay vai trò xã hội.
Nếu mô hình kinh doanh của bạn quá phụ thuộc vào việc phải đưa nhiều người vào trong cùng một địa điểm thì sẽ rất khó để thấy được ánh sáng ở cuối đường hầm (như du thuyền, nhà hát, tổ chức sự kiện, lễ hội âm nhạc, cuộc thi chạy). Một số chuyển đổi thích nghi sẽ diễn ra như các booth/buồng ăn một người (solo), thay người phục vụ bằng robot (không có tương tác con người) nhưng lối ra rõ ràng nhất cho mô hình trên là một tầng lớp khách hàng mới có mang trên mình bảng theo dõi sức khỏe đi kèm cam kết tình trạng miễn dịch. Bạn chỉ có thể cung cấp dịch vụ cho lớp khách hàng này, một điều chưa từng được biết đến trong nhiều ngành công nghiệp. Mặc dù trước đó, đòi hỏi này từng được đưa ra trong ngành công nghiệp người lớn (tình dục – adult entertainment) vì nó có thể cung cấp một bằng chứng “ngoại phạm” (alibi) cho khách hàng (trong nhiều thập kỷ ngành này đã xoay sở để chống lại một con virus nổi tiếng không kém HIV/STDs)