Cuối cùng, Fintech cũng đến Mỹ
The Economist dành một bài viết ngắn phân tích về những hạn chế của thị trường fintech tại Hoa Kỳ, cùng ảnh hưởng độc quyền nguy hại của hai đại gia thẻ tín dụng VISA và Mastercard. Nhờ đại dịch Covid-19, chính phủ Mỹ đã tiến hành những chuyển dịch có lợi hơn cho mảng fintech kết hợp với dòng vốn mạo hiểm chảy vào mảng startup fintech, cụ thể như 4 công ty: Paypal, Square, Stripe và Adyen – đang dần thay đổi mạnh bức tranh tài chính của Mỹ. Rất thú vị:
Mỹ là nơi khai sinh ra cả Thung Lũng Silicon và phố Wall, tuy nhiên trong lĩnh vực thanh toán số nước này dường như vẫn còn trong thời kỳ tăm tối (dark ages). Mãi đến 2018, việc mua thẻ tại Mỹ vẫn đòi hỏi ohải có chữ ký tay, trong khi châu Âu đã chuyển qua sài thẻ chip (chip-and-pin) được 15 năm. Hai đại gia thẻ tín dụng, VISA và Mastercard, cùng làm việc với các ngân hàng để phát hành thẻ trong một thị trường nhị quyền với rất ít cạnh tranh và biên lời cao (sky-high profit margins). Trong địa hạt fintech, châu Á đã dẫn trước một bước, với các dịch vụ thanh toán nhanh chóng, rẻ và hiệu quả do thế hệ mới các công ty fintech dẫn dắt với quy mô ngày càng mở rộng. Dòng chảy tài chính số đắt đỏ và lỗi thời không còn là vấn đề kỹ thuật đơn thuần: khi các cửa hàng trực tuyến đóng vai trò ngày các lớn hơn trong chi tiêu hàng ngày, trở ngại trên sẽ tạo ra gánh nặng cho quá trình sáng tạo, khiến cho quá ít người, đặc biệt là các hộ gia đình nghèo, có khả năng tiếp cận các công cụ tài chính đơn giản và rẻ tiền.
Tuy nhiên, bức tranh trên ở Mỹ đang dần thay đổi tốt hơn nhờ đại dịch Covid-19. Biến cố này đã tạo ra tăng trưởng (surge) đột biến trong mảng thanh toán trực tuyến và thúc đẩy khách hàng thử nghiệm dịch vụ mới tạo ra bởi các công ty thanh toán số (digital-payments firms). Trong quý vừa qua, tổng khối lượng giao dịch trên Paypal tăng cao hơn 36% so với năm trước đó. Số lượng người sử dụng ứng dụng Cash App của Square tăng 50%, đạt 36 triệu người dùng trong 2020. Các nhà đầu tư hiện tại đang đặt cược nhiều hơn vào hai công ty trên, cùng với Stripe và Adyen (một công ty Hà Lan), hình thành nhóm bộ tứ (Paypal, Square, Stripe, Adyen) rất có thể sẽ chiếm lĩnh dần hệ thống tài chính cũ nặng nề của Hoa Kỳ. Chủ tịch tập đoàn đứng phía sau tạp chí The Economist cũng giữ vai trò giám đốc tại Square. Paypal hiện tại đã đạt đến giá trị 275 tỷ $, gần với Bank of America, nhà cho vay lớn thứ hai ở Mỹ.
Tuy nhiên vẫn còn có một trở ngại. Mặc cho sự trỗi dậy của các công ty sáng tạo công nghệ tài chính, chi phí cho người tiêu dùng Hoa Kỳ vẫn chưa giảm nhiều. Square tính phí trung bình 2.6% cho mỗi giao dịch. Phí của Stripe là gần 3%. Trong khi đó, các công ty fintech tại Trung Quốc chỉ tính phí dưới 0.5%, giá này được duy trì thấp bởi sự cạnh tranh cao độ. Phần nhiều nguyên nhân là do thay vì hướng quá trình mua bán (purchases) đến các ống thanh toán cạnh tranh nhau (payment pipes), các công ty fintech ở Mỹ vẫn có quá ít lựa chọn, họ buộc phải dựa trên mạng lưới thẻ tín dụng của Mỹ để kết nối với các nhà buôn (merchants), ngân hàng và người tiêu dùng. Các công ty thẻ tín dụng (credit-card firms) vẫn tiếp tục đẩy chi phí thuê hạ tầng lên gần 2% (high rent). Trong khi đó các quỹ khác phải mất vài ngày mới xử lý xong giao dịch. Điều này thể hiện quyền lực và vị trí độc tôn của VISA và Mastercard, hai công ty này chiếm đến 86% mảng thanh toán thẻ nhờ mạng lưới khổng lồ các cửa hàng và công ty đã có ràng buộc hợp đồng.
Câu trả lời cho vấn đề trên có thể đến từ nỗ lực chống độc quyền của các công ty thẻ tín dụng, cụ thể quá trình giám sát cạnh tranh ở Mỹ đang diễn ra sục sôi (competition watchdogs). Tháng 11 vừa qua, Bộ Công Lý đã ngăn cản VISA mua lại Plaid với giá 5,3 tỷ $ sau khi ông chủ VISA mô tả nỗ lực trên như một “chính sách bảo hiểm” để dung hòa (neutralise) “mối đe dọa đến mảng kinh doanh debit của chúng tôi tại Mỹ”. Hai công ty buộc phải chấm dứt thỏa thuận. Vào ngày 19/03, tạp chí Wall Street Journal tiết lộ Bộ Công Lý đã bắt đầu điều tra liệu VISA có đang cấm các nhà buôn (merchants) chuyển sang các dịch vụ rẻ hơn. Nhưng đừng đặt hy vọng quá nhiều. Phía tòa án, nơi ra phán quyết cuối cùng về các vụ việc chống độc quyền ở Mỹ, thường mất nhiều thời gian để hành động và có xu hướng hiền từ với nhóm “đại gia tài chính” này, như trường hợp chống độc quyền nhắm đến American Express rơi rụng trong năm 2017.
Thay vì vậy, mấu chốt của việc tạo ra môi trường thanh toán số cạnh tranh hơn ở Mỹ chính là tạo ra mạng lưới ống dẫn tài chính mới: một hệ thống thanh toán liên ngân hàng “theo thời gian thực” cho phép quá trình chuyển tiền tức thời và rẻ hơn. Phần lớn châu Âu và châu Á đã tiến hành điều này. Một khi các ống này xuất hiện, ngân hàng và các công ty fintech có thể xây dựng các sản phẩm, tiêu chuẩn và dịch vụ dựa trên nền mới. Lấy ví dụ như ở Singapore và Hà Lan, các ống thanh toán hiệu quả đã mở ra sân chơi cho các ví điện tử (digital wallets), nhóm có thể xử lý quá trình thanh toán chỉ sau vài cú nhấp chuột, chạm màn hình hay quét mã QR.
Mỹ cũng nỗ lực tạo dựng hệ thống thanh toán tức thời, với tên gọi FedNow do Cục Dự Trữ Liên Bang (Fed) bảo trợ, dự tính ra mắt trong năm 2023. Nhưng ngay trong lúc này, các ngân hàng lớn và công ty thẻ tín dụng truyền thống đang cố gắng trì hoãn hệ thống mới bởi nó có thể phá vỡ thế cạnh tranh hay nền móng vững chắc hiện tại của họ. Chính phủ và Fed không chỉ nên bỏ qua lời càm ràm của nhóm này mà còn phải thúc đẩy mọi thứ tiến về phía trước. Đại dịch đã chứng minh kỷ nguyên thanh toán số đã đến đồng thời cho thấy khu vực công nếu cần thiết có thể phản ứng rất nhanh. Các công cụ thanh toán nhanh và rẻ là thứ xứng đáng được ưu tiên.