Đà Lạt, bác sĩ Yersin, và hội kín của A Dục Vương (Ashoka)
Người dân xóm Cồn tại Nha Trang luôn khắc sâu hình ảnh giản dị của ông Tư (hoặc theo một số người địa phương khác là ông Năm), vị thầy thuốc tài ba thường xuyên băng rừng vượt suối chữa bệnh cho người dân vùng sâu vùng xa. Ông đã dành gần năm thập kỷ sinh sống và làm việc tại Nha Trang (Việt Nam) cho đến cuối đời (được chôn cất tại Cam Lâm, Khánh Hòa vào năm 1943, chỉ sau đó 2 năm miền Bắc Việt Nam dành độc lập). Ông Tư/ Năm là người Thụy Sĩ, sinh ra tại vùng núi Aubonne, Vaud trong một gia đình tri thức theo truyền thống Calvin, nhánh Kháng Cách/Tin Lành được đặt tên theo nhà thần học Jean Calvin. Thần học Calvin nhấn mạnh công việc, thực hiện bởi bàn tay khối óc, chính là cách thức con người bắt chước Thiên Chúa tạo dựng nên cuộc sống (thật là sỉ nhục cho những ai lười biếng). Tinh thần chăm chỉ kết hợp với thái độ dè dặt của cải (không tiêu sài hoang phí), cùng khả năng tái đầu tư một phần lợi nhuận mình, đã giúp tín đồ Calvin tạo nên “lối ứng xử cần thiết” trong xã hội tư bản (do đó thần học Calvin được nhiều học giả như Max Weber xem là nguồn gốc của chủ nghĩa tư bản).
Người Calvin, sau những bức hại của nhóm Công Giáo, đã lan tỏa khắp thế giới trong thế kỷ 16 và 17, một hình thức tứ tán/diaspora của tín đồ Tin Lành tương tự như những gì xảy ra với người Do Thái. Một nhóm Calvin ở Pháp (còn gọi là Huguenot) đã đi xa đến Tân Thế Giới, họ là tổ tiên của những người lập quốc của Hoa Kỳ như John Jay, George Washington và Alexander Hamilton và cả tổng thống Obama. Một nhánh khác của phái Calvin đến Scotland và chuyển hóa thành Giáo hội Trưởng Lão (Presbyterianism), tôn giáo chủ đạo ở đây. Ông Tư cũng chính là một Huguenot, người thừa hưởng trọn vẹn tinh thần khai phá và thái độ chăm chỉ của tổ tiên: “tôi luôn luôn mơ ước được khám phá những miền đất mới lạ, bởi trí tưởng tượng của tuổi trẻ được bồi đắp qua những chuyến thám hiểm, những điều kỳ lạ và những mục tiêu phi thường cũng xuất hiện trên đường”. Ông chính là Alexandre Emile Jean Yersin, nhà vi khuẩn học, nhà thám hiểm, nhà thiên văn học, và bác sĩ, một nhân cách cao cả được người Việt Nam tôn vinh là "công dân danh dự".
Chàng trai trẻ Yersin bắt đầu sự nghiệp của mình tại phòng nghiên cứu của Louis Pasteur, một cây đại thụ trong ngành vi sinh học (cha đẻ của vi sinh học hiện đại), người mà tên tuổi đã được khắc "bất tử" trong cụm từ "pasteurization" (thanh trùng) sau những cống hiện trong việc ngăn chặn vi khuẩn xâm nhập vào các sản phẩm sữa và rượu. Trước đó, Yersin theo học ngành y tại Lausanne, Marburg và Paris (từ 1884-1886). Tuy nhiên, công việc ổn định nơi tháp ngà (ivory tower) không thể chế ngự tinh thần khám phá khắc sâu trong cốt tủy, ông đăng ký tham gia vào những chuyến viễn dương của công ty Messageries Martimes đến Đông Dương (đồng thời làm bác sĩ trên tàu), cụ thể theo chân các chuyến tàu đi từ Sài Gòn đến Manila (Phillipines) và từ Sài Gòn đến Hải Phòng. Ngoài ra, ông còn dự phần vào những chuyến khám phá của Auguste Pavie, người đóng vai trò then chốt trong kế hoạch kiểm soát Lào của đế quốc Pháp. Dưới sự bảo trợ của Pasteur và toàn quyền Đông Dương Paul Doumer (người sau này thành Tổng Thống Pháp và là một thành viên cộm cán của Hội Tam Điểm Pháp, Tổng Thư Ký của Grand Orient de France, tổ chức có ảnh hưởng bậc nhất đến một số sự kiện lịch sử xảy ra trong thế kỷ 19 và 20), Yersin đã thực hiện song song hai vai trò nhà vi sinh học và nhà thám hiểm tại châu Á.
Khi bệnh dịch hạch lan truyền tràn lan khắp miền Đông Trung Quốc, đe dọa các cảng biển có giao dịch thương mại với khu vực này, bao gồm cảng Hải Phòng của Đông Dương, Yersin đã đi đến Hồng Kông vào năm 1894 (theo lời yêu cầu của Albert Calmette, một nhà vi khuẩn học khác) để nghiên cứu và điều tra về căn nguyên của dịch bệnh. Bằng óc quan sát, ông đã phát hiện ra những xác người trên phố, khu vườn, ghe thuyền, hay cống rãnh luôn có rất nhiều chuột. Yersin là người đầu tiên trên thế giới xác định được trực khuẩn (pathogen) xuất hiện trong chuột và xác người chết vì dịch hạch là một. Ngay sau đó ông đã trở về Paris để cùng với các nhà vi sinh vật học khác như Emile Roux, Albert Calmette và Armand Borrell chế tạo thành công huyết thanh chống dịch hạch đầu tiên trên thế giới. Dịch hạch từng là căn bệnh khủng khiếp nhất trong lịch sử loài người, nó từng làm suy giảm 2/3 dân số châu Âu (như trong Cái Chết Đen vào thế kỷ 14) và 1/3 dân số Trung Quốc, do đó phát kiến của Yersin đóng vai trò vô cùng quan trọng trong lịch sử y khoa cũng như vi khuẩn học của thế giới. Sau đó hai năm (1896), Yersin thành lập một phòng thí nghiệm nhỏ tại Nha Trang để sản xuất huyến thanh, cơ sở này đến năm 1905 đã chuyển hóa thành chi nhánh của Viện Pasteur. Thành quả "huyết thanh" từ Nha Trang sau đó đã được đưa đến thử nghiệm tại Quảng Châu, Trung Quốc và thu được thành quả mĩ mãn. Ông trở thành người thầy thuốc đầu tiên cứu sống bệnh nhân dịch hạch và trở thành ân nhân của nhân loại, tên của con vi khuẩn đã được đặt theo tên ông để ghi nhớ công lao “Yersinia pestis”. Yersin sau đó còn du hành tiếp qua Hạ Môn (Trung Quốc), Formosa (Đài Loan) và Bombay (Mumbai, Ấn Độ) để phổ biến huyết thanh.
Yersin thể hiện vai trò nhà thám hiểm chủ yếu trên mảnh đất Việt Nam. Ông từng cập bến Nha Trang vào năm 1891 sau đó lần đầu di chuyển dọc miền duyên hải đến Phan Rí sau đó bám theo các con đường mòn đi đến tận Di Linh (cao 1200m) sau đó quay ngược lại (do không có nhiều thời gian). Chuyến đi ngắn ngủi làm quen với vùng đất Lâm Đồng đã kích thích ông phải khám phá sâu hơn. Nhờ sự khuyến khích của Pasteur và Doumer, ông tiếp tục dành hai năm tiếp theo khai phá các vùng đất lân cận Nha Trang, cụ thể đi từ Ninh Hòa dọc theo hướng Tây đến Stung Treng, Campuchia sau đó tiếp tục đi dọc theo dòng chảy sông Đồng Nai để chạm đến cao nguyên Lâm Viên (Langbian, nơi thượng nguồn của dòng sông). Vào ngày 29/03/1893, ông dừng chân trước thác Prenn và tiếp tục đi sâu vào Lang Biang, Yersin thổ lộ: "Trên đường đi, cao nguyên nhấp nhô cao từ 900 mét đến 1200 mét khoảng từ 15 km đến 20 km trước khi đến chân núi. Tôi đã đặt chân đến một vùng đất trơ trụi cỏ cây. Đất đồi mấp mô khiến như những cơn sóng khổng lồ xao động trên đại dương. Núi Lang Biang đứng sừng sững như một hòn đảo và khuất tầm mắt dần khi tôi đến gần. Đất có màu đen và đầy than bùn tại những chỗ trũng. Một đàn nai để yên cho chúng tôi đến gần vài trăm mét và vụt chạy ra xa khi thấy bất an, những không quên ngoái cổ lại tò mò nhìn những du khách xa lạ." Yersin đã khai phá ra vùng đất mới với tên gọi Đà Lạt, nơi mình sinh ra và lớn lên. Ông trở thành cha đẻ mến yêu của thành phố Đà Lạt (Yersin sau đó còn đi tiếp vào cao nguyên Đắk Lắk rồi rẽ hướng đến Attapeu, Lào rồi đến Đà Nẵng).
Sau những vinh quang và thăng trầm trong nghề, Yersin về ẩn dật tại Nha Trang. Ông mua một khu đất rộng 500 ha ở Suối Giao (nay là Suối Dầu) để làm nông nghiệp, nơi vị bác sĩ hình thành một số viễn kiến cho Việt Nam.
Trước hết, ông mang đến Đông Dương nhiều loại cây trồng mới như cao su, ca cao, cà phê, điều (từ Brazil), và tiêu đen (từ Ấn Độ) để thử nghiệm. Yersin trở thành người đầu tiên nhập giống cao su về trồng tại Việt Nam, đồn điền cao su rộng 100 ha của ông đã kiếm đủ tiền nuôi sống cả Viện Pasteur. Andre Michelin, người sáng lập tập đoàn Michelin (nhà sản xuất lốp xe lớn nhất thế giới, đồng thời đưa ra tiêu chuẩn đánh giá nhà hàng Michelin nổi tiếng) đã hợp tác cùng với Yersin để khai thác cao su tại Đông Dương, biến Yersin thành triệu phú (đồng thời là cổ đông tại ngân hàng HSBC). Ngoài ra, ông còn cùng bạn bè mình mang đến Đông Dương nhiều loại rau quả ôn đới (như cà chua, xà lách, su su, cà rót, súp lơ) đang được trồng rộng rãi ở Đà Lạt hiện nay và thử nghiệm nuôi cừu ở Phan Rang hay đà điểu ở Ninh Hòa. Chính nhờ những nền tảng do Yersin xây dựng mà ngày nay Việt Nam chúng ta có hàng tỷ đô la xuất khẩu nông sản (như ngành cà phê chẳng hạn). Quá trình dấn thân ngành nông nghiệp của Yersin được lý giải qua tâm sự với mẹ mình: "Mẹ hỏi con có thích ngành y không. Có và không. Con rất vui được chữa bệnh cho những ai đến nhờ, nhưng không muốn biến y học thành một nghề, nghĩa là con không bao giờ có thể đòi một bệnh nhân trả tiền vì đã điều trị cho họ. Con coi y học là thiên chức, là nhiệm vụ. Đòi chi phí từ bệnh nhân chẳng khác nào nói với họ rằng: tiền hay mạng sống". Do đó, ông phải có cách thức khác để kiếm tiền. Tài sản của ông vẫn còn tồn tại đến ngày hôm nay và bí mật chuyển đều đặn về các quỹ từ thiện và nghiên cứu khoa học do ông chọn.
Thứ hai, Yersin còn tham gia vào quá trình hình thành những khu nghỉ dưỡng quan trọng tại Việt Nam như Sapa, Đà Lạt và Bà Nà (Đà Nẵng). Ông tham vấn cho quá trình quy hoạch các khu đô thị trung tâm của Sài Gòn, Hà Nội, Nha Trang, Đà Nẵng và Hải Phòng nhờ vậy góp phần vạch ra ranh giới các tỉnh thành. Tận dụng sự tín cẩn của các quan chức Pháp, Yersin đưa viễn kiến của mình vào các chương trình nghị sự của chính quyền thuộc địa, từ xây dựng trường học đến tuyến đường sắt Bắc - Nam, từ hệ thống đường quốc lộ đến các trạm khí tượng. Những gì ông quan sát đúc kết được qua cuộc đời phi thường của mình đều được dành cho Việt Nam, nỗ lực này đã góp phần không nhỏ chuyển hóa một quốc gia thuần nông lạc hậu thành "hòn ngọc Viễn Đông".
Một thông tin ít người biết về Yersin mà mình tình cờ khám phá ra trong chuyến đi Ấn Độ vừa rồi chính là giai thoại ông bí mật đi đến Madras/Chennai (Ấn Độ) để gặp gỡ các bậc trí giả của một hội kín đã tồn tại cả nghìn năm tại Ấn có tên gọi "9 người vô danh" (9 Unknown Men), một nhóm cố vấn được thành lập bởi Hoàng đế A Dục Vương (Ashoka) vào khoảng năm 270 trước Công nguyên (người có công phổ biến Phật Giáo tại Ấn Độ). Đây là nhóm 9 người thân cận vua A Dục Vương giữ nhiệm vụ bảo vệ những hiểu biết quan trọng của nhân loại chứa đựng trong 9 cuốn sách: Sinh lý học (Physiology, làm sao có thể giết người chỉ bằng một cú chạm), Giao tiếp (Communication, làm sao để giao tiếp hiệu quả, thậm chí với người ngoài hành tinh), Trọng lực (Gravity, bí mật của trọng lực, làm thế nào để xây dựng phi thuyền), vi sinh vật (microbiology, chứa đựng các hiểu biết về công nghệ sinh học), tuyên truyền (propoganda, nghệ thuật chiến tranh tâm lý), vũ trụ học (cosmology, hiểu biết về vũ trụ), thuật giả kim (alchemy, làm sao để chuyển hóa kim loại), ánh sáng (light, cấu thành của ánh sáng, tốc độ anh sáng và làm sao biến chúng thành vũ khí), xã hội học (sociology, hiểu biến về tiến trình xã hội và các phương pháp tiên đoán thảm họa). Tổ chức bí mật này của A Dục Vương đã kích thích trí tưởng tượng của rất nhiều học giả phương tây, điển hình như Talbot Mundy, Jacques Bergier và Louis Pauwels. Cụ thể, cuốn sách "Buổi sáng của ma thuật gia" đã mô tả về chuyến đi bí mật của đức Giáo Hoàng đầu tiên của Pháp Sylvester II đến Ấn Độ gặp hội kín và mang về một cỗ máy hình đầu người có thể trả lời "Có/Không" được xem là sản phẩm AI đầu tiên của nhân loại. Quay trở lại trường hợp Yersin, giai thoại mô tả ông đến Ấn ngay trong lúc bệnh dịch tả đang hoành hành dữ dội tại đây và may mắn được một thành viên của hội này (hậu duệ của những cố vấn xưa kia của A Dục Vương) chia sẻ những hiểu biết về vắc xin. Trước nỗi sợ dịch bệnh sẽ tiêu hủy toàn nhân loại, bí kíp từ hội kín đã trao cho người được chọn Yersin. Nếu giai thoại này có thật thì đây có lẽ là điểm chấm thú vị nhất của người sáng lập nên thành phố Đà Lạt, bác sĩ Alexandre Emile Jean Yersin.
Thành tựu của Yersin đã vượt qua mọi biến động lịch sử, ý thức hệ và dòng chảy chính trị, ông được tôn trọng trong giai đoạn thuộc địa, được thế giới xem là anh hùng, được người Việt Nam độc lập xem là công dân danh dự và được người dân xóm Cồn gọi trìu mến giản dị là "ông Tư/Năm". Ông sống khiêm nhường đến cuối đời và ra đi trong nỗi niềm thương tiếc vô bờ của người dân địa phương cũng như nhân loại. Người dân Nha Trang chỉ vài ngày trước đây đã tổ chức long trọng lễ giỗ kỷ niệm 81 năm ngày mất của ông ngay tại quảng trường Yersin và mộ phần ở Suối Dầu. [Vài dòng viết vội để tưởng nhớ người đã khai phá ra vùng đất nuôi dưỡng tâm hồn mình]