Đại gia Mỹ ở Chi Lê
[Chi Lê] [Đức]
Hôm rùi ngồi tám với bạn mình ở Đà Nẵng, một cặp Đức và Rumani rất thú vị – sinh sống ở Hà Lan, không tin vào tôn giáo, không tin vào ràng buộc hôn nhân, hoàn toàn cởi bỏ tâm trí khỏi mọi ràng buộc từ các thiết chế xã hội: tự do bay nhảy và cởi mở với mọi sự khác biệt (và đã bên nhau được hơn 11 năm). Hai bạn đều là nhà thiết kế đồ họa cùng phi công chuyên nghiệp. Họ cùng lập một công ty chuyên về thiết kế sáng tạo ở Hà Lan- sự linh động và tự do trong công việc cho phép họ có thể vừa đi du lịch vừa vận hành công ty và cùng chia sẻ sở thích đặc biệt – chinh phục máy bay tư nhân và tàu lượn (gliders) . Bạn Đức là chủ tịch câu lạc bộ bay VAP ở Đức nơi hàng trăm hội viên cùng chia sẻ kinh nghiệm và thực hành lái nhiều mô hình máy bay tư nhân khác nhau – một trải nghiệm có vẻ chỉ dành cho giới xa xỉ – nhưng sở thích này lại được dân chủ hóa ở các nước châu Âu qua mô hình câu lạc bộ bay nơi chi phí được chia sẻ cho các hội viên – giúp cho nhiều người trong giới trung lưu tiếp cận được thú vui đặc biệt này. Ở Hà Lan và một số nước châu Âu, bay bằng máy bay tư nhân là một hoạt động văn hóa cộng đồng rất thú vị, nhiều gia đình tập hợp ở bãi đáp các câu lạc bộ, nướng thịt, uống rượu vang, trò chuyện giao lưu với nhau về nhiều chủ đề, học về các mẫu máy bay mới và sau đó thực hành lái máy bay đến nhiều địa điểm khác nhau xuyên biên giới như hệ thống các bãi đáp được đặt rải rác khắp các bãi biển phía Bắc của Hà Lan, nơi họ đến để tắm biển sau đó chiều lại bay về nhà hoặc thăm thú qua các vùng núi tuyệt đẹp ở Đức và các nước châu Âu lân cận xung quanh.
Hai bạn đều yêu thích cảnh đẹp thiên nhiên kỳ vĩ xuyên suốt chiều dài của Việt Nam và cùng mình quan ngại sâu sắc sự xâm chiếm ồ ạt của các địa điểm du lịch đại trà. Một đề tài đã lái buổi nói chuyện đề cập đến nhiều khía cạnh như “nouveau riche”, “bourgeoise”, chính sách quốc gia, tư bản hoang dã, phát triển bền vững cùng một câu chuyện khá thú vị ở Chi Lê mà mình sẽ chia sẻ lại trong status ngắn này.
Có hai thương hiệu đồ mặc ngoài trời rất nổi tiếng mà chắc hẳn người Việt nào cũng biết là North Face và Esprit. Người sáng lập của các thương hiệu này là Doug Tompkins, người New York và vợ ông, Kristine là cựu giám đốc điều hành của thương hiệu Patagonia. Từ thập niên 90, Doug bằng gia sản khổng lồ của mình đã tiến hành mua lại gần 42000 acres đất (đa phần là rừng mưa nhiệt đới) ở khu công viên quốc gia Pumalin của Chi Lê nhằm bảo vệ vùng này thoát khỏi sự đe dọa của quá trình khai thác du lịch. Năm 1992, ông thành lập Quỹ Tương Hỗ Bảo Tồn Đất (Conversvation Land Trust) để tạo nền tảng cho hoạt động bảo tồn của mình. Sau đó từ năm 1993 đến năm 2015 ông cùng vợ mình Kristine di chuyển đến sống tại Patagonia và trong suốt 22 năm đã tiến hành thu gop hết đất đai có tầm nhìn ra khu công viên quốc gia chỉ với mục đích duy nhất để bảo tồn và khôi phục sự đa dạng sinh học của khu vực này.
Công việc của Doug và Kristine là nhằm mục đích bảo vệ sự đe dọa hệ sinh thái vùng này trước động thái thu gom đất đai của các nhà đầu tư nhỏ lẻ cho việc phát triển du lịch đại trà. Họ đã cùng làm việc với cư dân bản địa, chính quyền địa phương ở đây để tạo ra nhiều việc làm hơn đồng thời khuyến khích du lịch thuận tự nhiên (ecotourism). Với mục đích cuối cùng là tạo ra một lối tư duy du lịch bền vững cho cộng đồng địa phương sau đó sẽ trao lại hoàn toàn cho chính phủ Chi Lê như là một phần của hệ thống công viên quốc gia. Sau cái chết của chồng vào năm 2015, Kristine vẫn tiếp tục công việc bảo tồn của ông trong suốt hai thập kỉ: “Tôi tự hào về công việc của chồng mình cùng tầm nhìn của ông, thứ mà vẫn luôn dẫn dắt công việc của đội ngũ chúng tôi – đã giúp kiến tạo hai khu vực công viên quốc gia cùng mạng lưới mở rộng – một thành tựu cao quý trong suốt 25 năm.” ” Tôi sẽ tiếp tục quảng bá cho mô hình công viên quốc gia này và tìm mọi cách để bảo vệ chúng qua các nỗ lực bảo tồn, các dự án đa dạng sinh học ở Chile và Argentina để bảo vệ, khôi phục hệ sinh thái rộng lớn, hoang dã và đầy tính kết nối ở khu vực châu Mỹ La Tin này.”
Chính phủ Chi Lê đầu năm 2018 đã cho ra mắt 5 công viên quốc gia mới ở Patagonia và đồng thời công bố sự mở rộng của ba khu vực khác. Qua đó, đất nước Chi Lê đã có tổng cộng 17 trục công viên kéo dài đến nửa phía Nam của mũi Cape Horn – mũi Sừng (điểm cực Nam của quần đảo Tierra del Fuego, Chi Lê – điểm tận cùng phía Nam của châu Mỹ). Đây là một chiến thắng bảo tồn vang dội cho gia đình Doug – một nỗ lực kéo dài nhiều thập kỉ. Vợ của Doug – Kristine, qua tổ chức bảo tồn (NGO) của Tompkins, nối tiếp công việc của chồng sau cái chết đột ngột của ông do tai nạn kayak ở phía Nam Chi Lê năm 2015. Đầu năm 2018, bà đã trao lại một triệu acres đất cho chính phủ Chi Lê đồng thời trả lại Pumalin và Patagonia vào hệ thống công viên quốc gia ở đây. Một sự chuyển nhượng đất đai tư nhân có quy mô lớn nhất trong lịch sử thế giới cho một chính quyền với một mục đích cao đẹp. Như vậy quỹ của Doug đã góp một phần vào quỹ đất 10 triệu acres mà chính phủ đưa vào làm công viên quốc gia, nơi được đặt dưới sự bảo vệ nghiêm ngặt (giúp tăng diện tích lên 38,5%, gần như là bằng diện tích của cả nước Thụy Sĩ)
Các bạn có thể theo dõi buổi bàn giao đất ở video sau:
Hai vợ chồng bạn mình từng lái máy bay dọc theo sườn Patagonia và hết sức cảm kích nỗ lực của Doug và Kristine trong việc bảo vệ di sản thiên nhiên quý báu của Chi Lê. Sự giàu có và tích tụ tư bản của gia tộc Tompkins đã được sử dụng vào những mục đích thật cao đẹp và đem đến lợi ích bền vững và lâu dài cho Chi Lê, một quốc gia mà với họ chỉ như một du khách dừng chân mang lòng cảm mến. Ở Đà Lạt quê mình, cũng có câu chuyện tương tự của một tỷ phú Mỹ (lấy vợ Việt) đến đây mua gom một khu đất nhỏ ở vùng đồi Robin – đồng thời bỏ tiền ra cho dân cư xung quanh cải tạo nhà cửa, khuyến khích họ bảo vệ các giá trị bền vững của Đà Lạt và tạo một cảch quan đẹp xung quanh vùng đồi này – một nỗ lực để hạn chế phần nào sự phát triển tràn lan vô tội vạ từ chính quyền, dân chúng và các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Tuy nhiên mục tiêu của ông đã không thành do sức ép phát triển thiếu kiểm soát của thành phố (hoặc ông phải bỏ nhiều tiền hơn nữa).