Dân chủ kiểu Bhutan

[Bhutan]

Trường nghệ thuật truyền thống Thimpu tọa lạc ở thủ đô Bhutan nổi tiếng với một bức typography mang thông điệp: ” Tổng hạnh phúc quốc gia (GNH) thì quan trọng hơn Tổng sản phẩm quốc gia (GDP).”  nhằm truyền đạt triết lý phát triển độc đáo tới giới trẻ của quốc gia nhỏ bé này.

Một triết lý trong đó lấy chỉ số “hạnh phúc” của công chúng làm thước đo mức độ phát triển và điều này thậm chí còn được đưa vào trong hiến pháp năm 2008 của quốc gia này: “nhà nước cần hướng tới đảm bảo các điều kiện để thúc đẩy việc tìm kiếm và theo đuổi các chỉ số hạnh phúc của quốc gia.” Trong đó bao gồm bốn yếu tố: phát triển bền vững; bảo vệ môi trường; bảo tồn văn hóa bản sắc Bhutan và nâng cao năng lực quản trị quốc gia. Người lãnh đạo đất nước Rồng Sấm hiện tại ngoài nhà vua còn có thủ tướng Tshering Tobgay, ông là người đồng sáng lập và là lãnh đạo chủ chốt của Đảng Dân chủ nhân dân Bhutan (PDP). PDP cùng với BPPP (Đảng vì hòa bình và Thịnh vượng của Bhutan) là hai Đảng chính trị đối lập đầu tiên ở Bhutan được thành lập một cách chính thức cùng vào năm 2007. Trong đợt bầu cử 2013 vừa rồi, PDP đã dành được chiến thắng quan trọng với 32 ghế trong quốc hội (54,88%) trước BPPP (Đảng thân Trung Cộng) đưa Tshering vào chiếc ghế “thủ tướng” của Đất nước Rồng Sấm. Một chức vụ sẽ nắm nhiều quyền lực chuyển giao từ Hoàng Gia theo ý chí “dân chủ hóa” của vua Jigme Singye từ những năm 1998. Nền “Quân chủ lập hiến” của Bhutan hết sức đặc biệt, nhà vua Jigme Singye, Phật sống của Bhutan đã chấp nhận từ bỏ quyền lực chuyên chế của mình vì sự nhận thức cao độ của ông về “lợi ích quốc gia” và sự “chuyển biến không thể đảo ngược của thế thời”. Bhutan phải dân chủ hóa theo dòng chảy tiến bộ của thế giới, quyền lực quốc gia phải vào tay nhân dân thông qua việc bầu cử nghị viện chứ không phải thông qua cuộc “sổ số buồng trứng” của Hoàng Gia. Bản thân nhà vua và sau đó là con trai kế tục của ngài đã phải đăng đàn giải thích cho nhân dân của mình các khái niệm mới mẻ “bầu cử”, “dân chủ”, “đa nguyên đa đảng” và sự cần thiết của “Tổng hạnh phúc quốc gia GNH” trước tình cảm yêu mến quá lớn dành cho Hoàng Gia.
Nhờ dân chủ hóa, Bhutan đã có một thủ tướng với nền tảng giáo dục tuyệt vời, Tshering tốt nghiệp bằng cử nhân khoa học chế tạo máy tại Trường kĩ thuật Swanson thuộc hệ thống đại học Pittsburg sau khi nhận học bổng của Liên Hiệp Quốc, sau đó ông tiếp tục theo đuổi bằng thạc sĩ quản trị công tại trường Quản Lý Nhà Nước Kennedy thuộc đại học Harvard. Bài nói chuyện của ông đầu tháng 4, 2016 tại TED Talks truyền tải một thông điệp tuyệt vời về “phát triển bền vững: “Nền kinh tế của chúng tôi rất nhỏ bé nhưng đó lại là nơi điều thú vị diễn ra. Giáo dục được hoàn toàn miễn phí. Tất cả các công dân được đảm bảo một môi trường giáo dục tự do. Chăm sóc sức khỏe cũng hoàn toàn miễn phí. Tư vấn và điều trị bệnh, thuốc thang đều được cung cấp bởi nhà nước. Chúng tôi phải quản lý bởi vì chúng tôi chỉ có một nguồn tài nguyên hết sức giới hạn, và bởi chúng tôi đặt trọn niềm tin vào giá trị cốt lõi của GNH – có nghĩa là phát triển phải luôn đi kèm với giữ gìn các giá trị. Nền kinh tế của chúng tôi nhỏ nên chúng tôi phải củng cố nó một cách bền vững. Tăng trưởng kinh tế rất quan trọng nhưng nó không được phép tạo ra từ việc hạ thấp các giá trị văn hóa độc đáo và môi trường thuần khiết của chúng tôi”.