Dan Dauer và mạng xã hội
Dan Dauer là nhân vật tâm điểm của mạng xã hội trong mấy ngày qua. Anh là một giáo viên Mỹ dạy tiếng Anh ở Việt Nam, một vlogger nổi tiếng với những video hướng dẫn học ngoại ngữ hài hước. Vụ việc của Dan bắt nguồn từ một nhóm “bựa” kín trên facebook gồm các thành viên là những người nước ngoài đang làm việc ở Hà Nội (expats). Trong một thảo luận về chiến thắng của các cầu thủ bóng đá U23, Dan đã buông lời bỡn cợt đề cập đến hình ảnh một anh hùng dân tộc Việt Nam một cách “thô tục”. Không biết bằng cách nào, lời bình luận đã được chụp lại và chia sẽ rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, đây chính là nguồn cơn khiến cộng đồng mạng Việt Nam dậy sóng.
Chỉ sau đó vài giờ, hàng nghìn lượt chia sẻ và bình luận phản đối câu nói trên lan tỏa trên khắp mạng xã hội. Dan ngay lập tức nhận ra vấn đề, anh đăng một một video trên trang cá nhân nhằm gửi lời xin lỗi và biện hộ cho câu bông đùa của mình bằng sự khác biệt văn hóa giữa Mỹ và Việt Nam. Nhưng video trên đã không được chấp nhận, nhiều người phát hiện ra câu bình luận khác của anh trong nhóm kín Hanoi Massive Arseholes (cũng rất “bựa”): “Này mọi người, nếu tôi bị giết chết ở trên đường (vì câu nói đùa trên) thì chí ít tôi sẽ là thánh tử đạo cho một câu đùa châm biếm chứ không phải là một kẻ dân tộc chủ nghĩa điên khùng cực đoan.”, lời lẽ trên đã biến video xin lỗi trở nên không thật lòng và như dầu đổ thêm vào lửa. Vụ việc thực sự nghiêm trọng, nhiều lời kêu gọi tẩy chay, trục xuất thậm chí đe dọa giết hướng tới Dan đã xuất hiện trên mạng xã hội mà các bạn có thể dễ dàng tìm thấy ở trang cá nhân của Dan.
Có một câu chuyện khác về nữ giám đốc Jasmine Sacco mà mình cho là có nhiều điểm tương đồng với Dan. Jasmine Sacco, (30 tuổi) một giám đốc cấp cao về truyền thông của tập đoàn IAC, đang trên đường về thăm gia đình mình trong kì nghỉ, một chuyến hành trình dài từ New York đến Nam Phi. Cô là người có bản tính hài hước bông đùa táo bạo và thường dùng Twitter (với 170 người theo dõi) như một nơi để thể hiện cá tính của mình. Và cô bắt đầu ca thán về những bất tiện trong chuyến đi. “Gã người Đức điên rồ: Mày đang ở khoang hạng nhất, và đây là năm 2014. Làm ơn xải lăn khử mùi. – Đó là suy nghĩ của tôi khi hít nước hoa, tạ ơn Chúa vì đã sinh ra chúng”. Cô mỉm cười và tweet về gã trai lạ trong chuyến bay đầu khởi hành từ sân bay quốc tế John F. Kennedy, không có bất cứ một hồi đáp nào sau đó. Internet thực sự không tán thưởng tính hài hước của cô. Khi quá cảnh ở Healthrow, cô tweet: “Siêu lạnh ! Bánh kẹp dưa chuột, răng run lập cập … Đã trở lại London”. Và trước khi đáp chuyến bay cuối đến Cape Town, Nam Phi cô tweet một dòng châm biếm khác: “Đang đến châu Phi. Hy vọng là tôi sẽ không bị mắc bệnh AIDS. Tôi chỉ đùa thôi. Tôi là người da trắng mà”.
Sacco gật gù với ý tưởng có vẻ hài hước kiểu Randy Newman của mình và bấm nút gửi lên Twitter, cô dạo vòng quanh sân bay Healthrow trong vòng nửa giờ, thỉnh thoảng kiểm tra điện thoại và không lấy làm ngạc nhiên khi không có ai hồi âm cho cô. Sau đó cô lên chuyến bay và ngủ thiếp đi, một chuyến bay kéo dài 11 tiếng đồng hồ. Cô hoàn toàn không biết rằng dòng tweet trên sẽ thay đổi và xé toạc cuộc đời của cô mãi mãi.
Khi máy bay đáp xuống Nam Phi, và đang chạy trên đường băng. Sacco mở điện thoại và ngay lập tức cô nhận được tin nhắn từ một người bạn thời phổ thông đã lâu rồi không liên lạc: “Tôi rất xin lỗi vì những gì đã xảy ra với bạn”. Sacco bắt đầu hoang mang. Lúc sau đó cô nhận một tin nhắn khác từ bạn thân nhất của cô Hannah: “Bạn cần gọi cho tôi ngay lập tức”. Và sau đó điện thoại cô bùng nổ tin nhắn và cảnh bảo từ khắp nơi gửi tới. Hannah gọi cho cô: ” Mày đang là xu hướng số 1 hiện nay trên Twitter đó Sacco”. Điều gì đã xảy ra với tài khoản Twitter của cô trong suốt chuyến bay. Một trong 170 người bạn của cô trên mạng xã hội đã gửi thông tin đến nhà báo Gawker, và anh đã retweet đến 15000 người theo dõi của anh ta và thông tin có thể lan truyền từ đó: ” Và bây giờ, một lời bông đùa hóm hỉnh trong kì nghỉ từ sếp của IAC”. Từ một dòng ngắn trên Twitter cuối cùng đã biến thành một bộ phim bi kịch của cuộc đời cô.
Phản hồi đến trước tiên từ những nhà nhân đạo kiểu như thế này “Trong khi những dòng tweet ghê tởm phân biệt chủng tộc của Sacco được viết ra, bạn hãy đóng góp cho @care ngay hôm nay” và “Làm thế nào mà Sacco có thể kiểm được một công việc PR ? Mức độ phân biệt chủng tộc của bà ta cần phải được đưa lên Fox News.#AIDS có thể ảnh hưởng tới mọi người.”, từ các đồng nghiệp ở IAC: “Tôi là một nhân viên của IAC, và tôi không muốn cô ta làm bất kì công việc gì liên quan đến truyền thông trên danh nghĩa của chúng tôi nữa” như thế làm cho cô mất việc là trách nhiệm của họ. Hay cả các hãng bay như Gogo “Lần sau nếu bạn định tweet điều gì ngu ngốc, hãy chắc là bạn đang ở chuyến bay của Gogo.” Cơn giận dữ thậm chí còn đi xa hơn: “Tất cả những gì tôi muốn trong Giáng sinh này là khuôn mặt của Sacco khi cô ta đáp xuống chuyến bay và đọc những phản hồi trong hộp thư của mình” và “@JustineSacco có lẽ sẽ có một khoảng khắc mở điện thoại đau đớn nhất khi chuyến bay đáp”, “Chúng tôi muốn con điếm Sacco phải bị thiêu trụi …” “Mọi người hãy đi kiện ả nhà giàu kệch cỡm này” “Ai đó mắc AIDS hãy hãm hiếp con mụ để xem nó còn ngoa ngoắt được hay không”. Những dòng giận dữ khôn cùng này lại khiến mọi người cảm thấy bình thường và không gặp phải nhiều chỉ trích.
Cơn cuồng nhiệt phát sinh từ dòng feed của Sacco không chỉ là nơi để những nhà tư tưởng về chủng tộc, các nhà đạo đức bày tỏ những quan điểm phản đối và còn chuyển hóa thành một trò đùa tiêu khiển ngắn hạn trên mạng xã hội. 11 tiếng trên máy bay khi bị cách ly khỏi thế giới mạng và không thể tự bảo vệ mình của Sacco khiến cho bộ phim này trở nên kịch tính một cách lố bịch kệch cỡm và trò tiêu khiển hời hợt. Khi chuyến bay của Sacco đang đi dọc châu Phi, một đoạn hashtag đã thành xu hướng trên toàn thế giới: #HasJustineLandedYet (#Justine đã đáp xuống chưa) . “Nghiêm túc, tôi đã định đi ngủ nhưng một ai đó đã tạo ra dòng #hasjustinelandedyet và tôi không thể rời mắt khỏi nó.” “Kìa, vẫn không có ai ở Cape Town tới chụp hình cô ta ở sân bay cơ à, cộng đồng Twitter, làm ơn, một bức ảnh thôi cũng được.”
Một người dùng Twitter thực sự đã đi tới sân bay và tweet về cô ấy. Anh ta chụp hình và đưa lên mạng. “@JustineSacco đã đáp xuống sân bay Cape Town, cô ta quyết định đeo kính mát để ngụy trang.” Ngay khi cô vừa đáp xuống, tổng cộng đã có 10000 dòng tweet giận dữ hướng về cô, dù cho bạn của Sacco, Hanna đã cố xóa các dòng tweet và tài khoản của cô những mọi thứ đã quá muộn. “Xin lỗi Sacco, dòng tweet của mày sẽ tồn tại mãi mãi.” một người dùng Twitter phản hồi. Cuối cùng cô bị sa thải (vì mạng xã hội muốn thế), đánh mất chính bản thân mình (nhiều khi thức dậy vào giữa đêm và quên mất mình là ai) và cuộc đời tươi đẹp sau chuyến bay định mệnh bị hủy hoại hoàn toàn.
Jon Ronson, nhà báo phong cách gonzo nổi tiếng xứ Welsh, người chia sẻ về Jasmine Sacco trong bài diễn thuyết TED của mình đã phân tích về hiện tượng “dậy sóng” Twitter, Facebook nói riêng hay mạng xã hội nói chung được đề cập ở trên. Ông cho rằng các công cụ mạng xã hội về cơ bản là những cỗ máy tạo dựng sự tán thành lẫn nhau, chúng giúp chúng ta được bao quanh bởi những người có cùng cảm nhận và nếu ai đó có ý tưởng trái ngược thì chúng ta có quyền chủ động loại bỏ. Và nhờ vậy trên cái nền tảng mạng xã hội ấy, chúng ta tận dụng để tạo cho mình một vỏ bọc thanh cao nhưng thực ra là đi ngược với những giá trị “dân chủ” hay tôn trọng “sự khác biệt”. Chúng ta muốn chứng tỏ tinh thần dân tộc (như vụ Dan) hay quan tâm những người bị AIDS ở châu Phi (như vụ Jasmine), lòng trắc ẩn cùng những đức tính tốt đẹp khác lại là điều dẫn đắt chúng ta đến hành động rất tàn nhẫn: tìm cách tiêu diệt một con người dù thực ra khi nhìn lại ta thấy họ không xứng đáng phải bị như vậy.
Nhiều người ở cùng hoàn cảnh như Jasmine hay Dan đều phải trả một cái giá rất đắt cho phút bốc đồng tếu táo của mình. Trước tiên là phải chịu đựng sự trầm cảm, lo lắng, mất ngủ sau đó là ý nghĩ tự cô lập bản thân mình với xã hội hay thậm chí kết liễu cuộc đời mình. Quan sát những gì diễn ra trong mấy ngày qua trên mạng xã hội, mình dễ dàng cảm nhận được những dòng công kích Dan đã chuyển hóa thành một thứ văn hóa làm nhục trên mạng nơi đại đa số chúng ta “lên đồng” (với sự góp sức của kền kền “báo chí”) và đánh mất khả năng đồng cảm cũng như phân biệt điều gì là nghiêm trọng và không nghiêm trọng. Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, tác giả quyển sách “Bức xúc không làm ta vô can” cũng đã từng phân tích: “Văn hoá làm nhục được nuôi dưỡng bởi gì? Nguồn cơn của nó là khái niệm công lý dựa trên báo thù và cái thiện cuồng tín; là cái tôi dễ bị tổn thương và cơn giận không kiềm chế; là hiệu ứng đám đông và nền giải trí làm nhục mua vui. Và tất cả được phóng đại bởi mạng xã hội.”
Nó cũng đồng thời là nguồn cơn “tư tưởng” như Ronson mô tả, trên mạng xã hội nơi các nhà tư tưởng thắng thế họ tạo ra một sân khấu liên tục diễn những vở kịch kịch tính giả tạo nơi tất cả mọi người đều là anh hùng vĩ đại hoặc là kẻ hung ác xấu xa cho dù chúng ta biết điều đó không hề đúng với người xung quanh chúng ta. Điều đúng ở đây là chúng ta vừa thông minh và vừa ngốc nghếch khi đặt suy tưởng của mình trong những vùng xám (nơi chúng ta không bao giờ hiểu được thực sự điều gì đang diễn ra). Thật tuyệt vời khi truyền thông đại chúng hay mạng xã hội mang đến tiếng nói cho tất cả mọi người, kể cả những người yếu thế. Dù vậy, cái nền xã hội tưởng tự do ấy lại khiến chúng ta thực sự bị kiểm soát nhiều hơn và thậm chí có thể bị tiêu diệt chỉ vì một vài câu nói. Thế nên cách thông minh nhất để tồn tại và giữ được mình là im lặng, im lặng và im lặng. Như Dan, hậu quả đắt giá trước mắt anh phải gánh chịu là việc bị chính quyền chính thức mời lên làm việc, các trung tâm tiếng Anh chấm dứt hợp đồng cùng sự phẫn nộ tẩy chay của các bậc phụ huynh và học sinh.