Đàn gãy tai trâu
[Chia sẻ] [Anh Pham]
Joshua Bell khởi đầu sự nghiệp huy hoàng của mình năm bốn tuổi, cụ thể ông thu thập các sợi dây cao su quanh nhà, cột vào các ngăn tủ, kéo vào kéo ra để tạo ra âm nhạc. Sinh trưởng trong một gia đình tri thức, pha trộn dòng máu Scotland và Do Thái, thần đồng âm nhạc được bố mẹ cho tiếp cận nhận người thầy giỏi nhất, ví dụ như đại sư Josef Gingold (nghệ sĩ vĩ cầm gốc Belarus - Do Thái) có ảnh hưởng bậc nhất nước Mỹ. Năm 14 tuổi, ông đã được trình diễn ở Philadelphia Orchestra dưới sự dẫn dắt của nhạc trưởng Riccardo Munti, 17 tuổi tại thánh đường âm nhạc Carnegie Hall sau đó lan tỏa ảnh hưởng ra khắp thế giới. Bài luận "âm nhạc" của tờ Bưu Điện Washington cùng bài dịch của anh Anh Phạm (mình có hiệu đính chút xíu), người phiên dịch cho Tổng Thống Obama trong chuyến công du Việt Nam, rất thú vị và xúc động. Tài năng âm nhạc của Joshua Bell được đưa vào một thí nghiệm xã hội về năng lực cảm nhận nghệ thuật hay cái đẹp của công chúng, đề từ đó chân nhận ra những mặt tối của cuộc sống hối hả hiện tại.
Lời đề từ
Bài này em dịch ngày 13/4/2007 tức là gần 6 năm trước và post lên tnxm.net, hôm nay nhân thấy có một bạn post video giới thiệu câu chuyện này từ trang The Idealist nên em mới nhớ ra đã từng có lúc xoắn xuýt với nó và quyết định sửa lại bản dịch cũ nhiều câu nói bậy bạ, thông tục và gửi lại lên đây. Nếu còn sót chỗ nào cười đùa kiểu chơi diễn đàn mọi người thông cảm.
Em mới tìm được bài báo này trên Bưu điện Hoa Thịnh Đốn (The Washington Post), đọc xong thì thấy mắt hơi ươn ướt không hiểu sao. Thấy bài báo quá hay và nhân hôm nay công việc cả ngày đã làm xong, còn buổi chiều rảnh rỗi em sẽ ngồi dịch phục vụ các bạn TL (Thăng Long). Bài dài chừng 7000 từ nên chưa biết có xong được trong buổi chiều không. Mà cứ biết thế đã. Đọc xong chúng ta sẽ cùng thảo luận nhé.
Tên bài là Pearls before Breakfast. Các bác đừng vội tìm link vì trong đó có một đoạn video nên xem sau khi đọc bài này. Pearls before breakfast nghĩa đen là "Ngọc trai trước bữa sáng" là một cách chơi chữ từ thành ngữ Pearls before swine – Ngọc trai (mà) bỏ ra trước mũi lợn. Lợn tất nhiên chả quan tâm gì đến ngọc trai – thành ngữ này tương đương với thành ngữ Đàn gảy tai trâu của Việt Nam mình. Chữ before – trước ở đây trong câu thành ngữ gốc là trước mặt, trong tên bài báo lại là đứng trước, được đặt lên trước, ở trước. Cách chơi chữ này cũng không có gì đặc sắc lắm nhưng lại khó dịch nên em sẽ cứ để thế thôi, các bác hiểu được thế là ổn rồi.
Cách đây mấy tháng em có nhảy dù vào blog của Cavenui phát biểu chê trách bọn Việt Nam nhà mình đa phần “mê” nhạc cổ điển là mê theo kiểu bầy đàn, thấy người ta mê mình cũng mê, thấy mê nhạc cổ điển là hoành tráng thì cũng mê theo. Em cũng nói thẳng là em chỉ thích thú say mê cái gì mà em hiểu và đa số nhạc cổ điển dạng nặng ký là em chẳng hiểu mẹ gì. Em chỉ thích những thứ giai điệu mượt mà dễ hiểu như đa số người khác. Bài báo này giúp em khẳng định lại những gì em đã phát biểu trước đây, rằng là đa số người ta bố láo ba xiên về những thứ như nhạc cổ điển, tranh trừu tượng lập thể, lý thuyết tương đối của Einstein ... và ... chứ thực ra người ta chả hiểu gì cả kể cả khi những thứ tốt lành đấy được dí vào tận sát mũi.
Người ta tuyên bố say mê những thứ "hàn lâm" trên là bởi vì hoàn cảnh, chạy theo những gì đã được người khác bày sẵn ra đấy bảo là ngon đấy ăn đi chứ không phải người ta có cái mũi thính để cảm nhận ngay được cái gì là hay là tốt để tự thân thích thú. Do đó trên đường đời người ta thường bỏ lỡ hay không nhận ra nhiều thứ tuyệt vời mà nếu được trưng bày hoàn hảo xứng đáng người ta sẽ chết mê chết mệt. Nhận định này của em được tóm tắt lại trong đoạn thơ sau em làm tặng một người con gái ngày xưa.
Có những lúc trên đường đời tấp nập
Em vô tình đi lướt qua anh
Có đâu biết tình cờ em bỏ lỡ
Một anh chàng trai lớn nhất năm châu
Vậy là xong phần khai lộ – khai lộ những gì lớn nhất 5 châu.
Pearls before swine
Tác giả Gene Weingarten - Washington Post - Staff Writer
Chủ nhật, 8/4/2007
Chàng ta đi lên từ tàu Metro ở ga L'enfant Plaza và lựa thế đứng dựa vào một bức tường cạnh thùng rác.
Dù có xem xét mọi góc độ thì chàng trai này trông cũng không có gì nổi bật: một gã da trắng trẻ tuổi mặc quần jeans, một cái áo T-shirt dài tay và đội một cái mũ có biểu tượng của đội bóng Washington Nationals. Từ một cái hộp đàn nhỏ chàng ta lấy ra một cây vĩ cầm. Đặt cái hộp đàn đã mở ở ngay dưới chân, quẳng vào đó mấy đô và một vài xu lẻ để làm tiền mồi, xoay cái hộp để hướng về phía dòng người đi bộ qua lại, và rồi chàng bắt đầu chơi.
Lúc đó là 7:51 phút sáng ngày thứ Sáu, 12 tháng Giêng, vào giữa giờ cao điểm buổi sáng. Trong 43 phút tiếp theo, trong khi nghệ sỹ vĩ cầm chơi 6 bản nhạc cổ điển, đã có 1.097 người đã đi qua. Gần như tất cả đều đang trên đường đi làm, cũng có nghĩa là đa số họ làm một công việc gì đó cho chính phủ. Ga L’Enfant Plaza là tâm điểm của Washington - thủ đô hành chính liên bang, và những người này phần nhiều là những tay cạo giấy bậc trung với những chức danh tương đối khó hiểu và trêu tức như phân tích chính sách, quản lý dự án, quản lý ngân sách, chuyên gia, điều phối viên, tư vấn viên.
Mỗi người đi qua đều đứng trước các lựa chọn nhanh, điều khá quen thuộc với người đi làm tại Hoa Kỳ bởi nhạc công đường phố đã trở thành một phần của cảnh trí đô thị: Anh có dừng lại để nghe không? Hay anh đi vội qua với cảm giác lẫn lộn của tội lỗi và sự khó chịu, nhận thức được cảm xúc ham muốn của mình nhưng lại khó chịu rằng tự nhiên lại có một cái đòi hỏi không dưng lên thời gian và ví tiền của mình? Anh có quẳng một đồng cho người ta chỉ vì phép lịch sự? Quyết định của anh có thay đổi không nếu như âm nhạc của anh nghệ sỹ kia thực sự rất tồi? Thế nếu anh ta chơi thực sự hay thì sao? Anh có thời gian cho cái đẹp không? Những tính toán đạo đức nào chạy qua đầu anh lúc đấy?
Vào ngày thứ Sáu của tháng Giêng đó, những câu hỏi riêng tư này đã được trả lời một cách công khai rất lạ lùng. Không ai biết điều này, nhưng tay kéo đàn đứng dựa vào một bức tường không quét sơn trong khu sảnh chờ trên đỉnh một chiếc thang cuốn bên ngoài trạm tàu Metro là một trong những nghệ sỹ nhạc cổ điển tuyệt vời nhất thế giới, anh ta chơi loại âm nhạc thuộc dạng đỉnh cao của tất cả âm nhạc đã từng được sáng tác, trên một trong những cây đàn giá trị nhất đã từng được làm ra trên đời này.
Báo Bưu điện Washington (The Washington Post) đã thiết kế buổi biểu diễn này như một thí nghiệm về hoàn cảnh, nhận thức, và những ưu tiên cũng như đưa ra đánh giá lạnh lùng về khả năng cảm thụ nghệ thuật của công chúng: Trong một khung cảnh tầm thường và tại một thời điểm không thuận tiện, cái đẹp có thể được truyền tải hay không? Người nghệ sỹ không chơi những giai điệu được nhiều người ưa thích vì suy luận rằng bản thân sự quen thuộc của thứ âm nhạc này cũng có thể cuốn hút người ta. Đó không phải là những gì cần được thử nghiệm. Những gì được chơi hôm nay chính là các tuyệt phẩm đã tồn tại hàng thế kỷ chỉ nhờ vào sự xuất sắc của chính bản thân chúng, thứ âm nhạc bay bổng xứng đáng được chơi trong khung cảnh uy nghi của các giáo đường và phòng hòa nhạc.
Rất ngạc nhiên là tính trợ âm của nơi biểu diễn không đến nỗi tồi. Mặc dù sảnh chờ này được thiết kế lấy tiêu chí tiện dụng làm thước đo chính, vì nó chỉ là khoảng đệm giữa các thang cuốn của trạm metro với bên ngoài, có cái gì đó đã giúp nó bắt được âm thanh rồi làm vang vọng tròn trịa và đầy âm hưởng. Đàn vĩ cầm có thể tạo ra âm thanh giống như tiếng người, và trong bàn tay bậc thầy này, nó đã khóc, cười, hoan hỉ, đau buồn, thúc giục, thán phục, cười cợt, trách móc, đùa vui, tán tỉnh, hân hoan, chiến thắng, hào nhoáng và cảm giác no đủ.
Vậy bạn nghĩ điều gì đã xảy ra?
Khoan đã, để bọn tôi cho bạn ít trợ giúp của chuyên gia
Leonard Slatkin, giám đốc âm nhạc tại Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia (National Symphony Orchestra), đã được hỏi cùng một câu hỏi. Quý ngài ấy đã nghĩ điều gì sẽ xảy ra, trong trường hợp giả định: một trong những nghệ sỹ vĩ cầm vĩ đại nhất thế giới biểu diễn kiểu vi hành trước một đám đông trên dưới 1000 người đang vội vã đi lại vào giờ cao điểm?
“Giả sử thế này nhá,” Slatkin nói, “rằng người ta không nhận ra và xem anh như một nhạc công đường phố bình thường... Dù thế đi nữa, tôi vẫn nghĩ rằng nếu anh ta thực sự giỏi thì công chúng sẽ phải để ý tới. Nếu tình huống này diễn ra bên châu Âu thì khán thính giả sẽ còn đông hơn đấy ... nhưng, thế này, trong 1000 người tôi đoán chắc cũng phải có 35-40 người nhận thức được chất lượng tốt là gì. Có lẽ khoảng 75 tới 100 người sẽ dừng lại và dành chút thời gian lắng nghe.”
Thế có nghĩa một đám đông sẽ tập trung lại sao?
“Phải phải.”
Anh ta sẽ kiếm được bao nhiêu tiền?
“Chắc khoảng $150.”
Xin cảm ơn Đại Nhạc Sư. Nói đúng ra thì đây không phải là giả định mà có sự như thế đã xảy ra thật.
“Tôi đoán đúng hay sai?”
Chờ chút nữa chúng tôi sẽ nói cho Thầy biết.
“Thế nhạc sỹ đấy là ai vậy?”
Joshua Bell.
"Ối giời ơi!!”
Từng là thần đồng thuở ấu thơ, vào tuổi 39 Joshua Bell đã trở thành một nghệ sỹ tài danh được tôn vinh trên trường quốc tế. Ba ngày trước khi anh ấy xuất hiện tại bến Metro, Bell đã kéo người ta đến ngồi chật cả khán phòng Symphony Hall hoành tráng của Boston, nơi mà mấy ghế hạng tàm tạm cũng có giá 100 đô. Hai tuần sau đó, ở Music Center ở Strathmore, Bắc Bethesda, anh ấy đã biểu diễn cho một đám đông khán giả chỉ có vé đứng, những người này trân trọng tài năng nghệ thuật của anh ấy đến mức họ phải nén ho chờ đến khoảng lặng giữa các đoạn. Ấy thế nhưng vào ngày thứ Sáu của tháng Giêng đó, Joshua Bell chỉ là một nghệ sĩ xin tiền khác đang cố chiến đấu để dành giật sự chú ý của một đám đông bận rộn đang trên đường đi làm.
Chúng tôi trình bày ý tưởng "thử nghiệm xã hội" này cho Bell không lâu trước dịp Giáng sinh, trong lúc ngồi uống cà phê tại một cửa hàng sandwich trên Đồi Capitol. Sinh sống ở New York, Bell đến DC để biểu diễn và ghé thăm khu lưu trữ (vaults) tại Thư viện Quốc hội để chiêm ngắm một báu vật: cây vĩ cầm thế kỷ 18 từng một thời thuộc về nghệ sỹ thiên tài và nhà soạn nhạc Áo Fritz Kreisler. Các quản thủ viên thư viện (curators) đã mời Bell chơi thử cây đàn; tiếng nó vẫn còn rất tốt.
“Tôi đang nghĩ thế này,” Bell bày tỏ lúc làm một ngụm cà phê. “Tôi nghĩ tôi có thể thực hiện một tour diễn mà tôi sẽ chơi nhạc của Kreisler ...”
Anh cười.
“...trên chính cây vĩ cầm của Kreisler.”
Đấy là một ý tưởng bốc đồng nửa cảm hứng nửa mưu mẹo rất điển hình kiểu Bell, dù cho nghề nghiệp vỹ cầm của anh ấy ngày càng sáng giá thì anh vẫn không ngần ngại bao thêm sân của "nhà quảng cáo" (showmanship) để câu kéo lấy lời khen. Anh ấy đã từng độc tấu với những dàn nhạc tốt nhất tại Mỹ và nước ngoài nhưng cũng đã xuất hiện trên Sesame Street, và chương trình phỏng vấn truyền hình buổi đêm muộn và biểu diễn trong các bộ phim. Chính Bell đã chơi nhạc nền cho bộ phim Cây Vĩ Cầm Đỏ hồi 1998. (Anh còn đóng thế và chơi nhạc cho nhân vật khỏa thân Greta Scacchi.). Khi John Corigliano nhận giải Oscar cho thể loại Nhạc nền Viết riêng cho Phim xuất sắc nhất, ông ấy đã bày tỏ sự biết ơn tới Bell, người mà, như ông ấy nói, chơi nhạc như một vị thánh.
Khi chúng tôi hỏi Bell có sẵn lòng mặc quần áo đường phố và chơi vào giờ cao điểm không, anh ấy nói:
“Hả, trò giật gân à?”
À, thì ừ. Trò giật gân. Liệu anh ấy có cho là làm thế có được không?
Bell uống cạn cốc cà phê.
“Nghe vui đấy,” anh ấy nói.
Bell có thể làm tim người ta đập loạn nhịp. Cao và đẹp trai, anh ấy có những nét duyên dáng kiểu Donny Osmond, và trên sân khấu thì duyên dáng sẽ biến thành gợi tình. Khi biểu diễn, anh ấy thường là người duy nhất dưới ánh đèn không đeo nơ trắng và mặc áo đuôi tôm, anh đi ra với một đám đông đang đứng mắt chữ Ô mồm chữ A, trông giống hệt Zorro mặc quần đen và áo sơ mi đen không cắm thùng, vạt áo lửng lơ. Cái mái tóc xinh kiểu Beatles kia cũng là một dạng tài sản chiến lược: bởi vì kỹ thuật biểu diễn của anh ấy gom trọn cả cơ thể — vừa thể thao lại vừa cuồng nhiệt. Anh ấy như nhảy múa với nhạc cụ và tóc cũng bay theo.
Anh ấy còn độc thân và không phải người đồng tính luyến ái, một sự thực mà người hâm mộ không thể quên. Ở Boston, lúc anh biểu diễn bản Concerto cho Violon cung G thứ rất khô khan của Max Bruch thì một vài phụ nữ trẻ trong số khán giả như bị chìm đi trong một biển các mái đầu bạc (những khán giả lớn tuổi). Ấy thế mà vẻ gần như tất cả bọn họ – tinh chất của những gì gọi là "trẻ và đẹp" đều mon men đến cửa sân khấu sau buổi diễn để xin chữ ký.
Với Bell thì lần biểu diễn nào cũng giống lần nào, dồn dập nhận được những lời khen bốc lên tận mây xanh, ngay từ thuở vị thành niên. Tạp chí Interview có lần nói về cách chơi nhạc của anh: tập trung duy nhất vào một việc - thổ lộ cho nhân loại biết ý nghĩa của cuộc sống. Anh ấy đã học cách né tránh sự quan tâm quá mức của công chúng một cách duyên dáng, với một cái lắc đầu hơi mắc cỡ và một tiếng tặc lưỡi (pshaw).
Đối với buổi biểu diễn vô danh này, Bell chỉ có một điều kiện để gật đầu tham gia. Thí nghiệm xã hội này trước đó được mô tả cho Bell như một phép thử: liệu trong hoàn cảnh không hài hòa (hoàn hảo) thì những người thường có chân nhận ra thiên tài hay không. Điều kiện của anh ấy: "Tôi không thấy thoải mái khi các anh gọi cái này là thiên tài."
Thiên tài là một từ bị lạm dụng nhiều nên thành ra quá lố, anh ấy nói: "Nó có thể được dùng để gọi một vài nhà soạn nhạc đã soạn ra những bản nhạc kỳ diệu mà anh ấy chơi, chứ không phải để dùng cho bản thân anh ấy." Kỹ năng của anh ấy phần nhiều là kỹ năng bình giải, anh ấy nói, và nếu có hàm ý gì khác thế thì sẽ thành ra không đúng đắn và không chính xác.
Đây là một lời đề nghị thú vị, và trong trường hợp này, chính xác một lời đề nghị sẽ được chuẩn y. Từ giờ về sau trong bài này từ thiên tài sẽ không được dùng nữa.
Tuy thế không có quy tắc nào bị vi phạm nếu từ "thiên tài" gây nhiều băn khoăn trên được áp dụng cụ thể trong địa hạt âm nhạc nhằm mô tả sự xuất sắc bẩm sinh, khả năng tuyệt kỹ, sẵn có, tự nhiên và biểu lộ ra sớm, thường theo một cách đầy kịch tính.
Quá trình nhận được những bài học âm nhạc đầu tiên vào năm bốn tuổi ở Bloomington, Indiana là chi tiết gây chú ý trong tiểu sử Bell. Cha mẹ của anh, hai tâm lý gia, đã quyết định con mình cần phải được học nhạc tử tếsau khi quan sát thấy đứa bé căng giây chun trên các ngăn kéo tủ và bắt chước chơi các giai điệu cổ điển dù trước đó chỉ nghe bằng tai, đồng thời kéo đẩy các ngăn kéo để thay đổi cao độ nốt nhạc.
Để tới trạm Metro từ khách sạn, cách chừng ba quãng phố, Bell gọi một taxi. Không phải vì sĩ diện hay lười, anh làm thế là để bảo vệ cây vĩ cầm mình mang theo.
Bell luôn biểu diễn trên cùng một nhạc cụ. Anh từ chối dùng một cây đàn khác cho buổi biểu diễn này. Cây đàn tùy thân này được gọi là Gibson ex Huberman, nó được chế tác bằng tay bởi chính Antonio Stradivari trong thời hoàng kim của nghệ nhân người Italia, gần cuối đời nghề của ông ấy, khi ông có thể kiếm được những loại gỗ vân sam, gỗ thích, gỗ liễu hảo hạng nhất, và trong thời điểm mà kỹ thuật chế tác của nghệ nhân đã đạt đến mức hoàn hảo.
Kiến thức của chúng ta về âm thanh khi đó vẫn còn chưa toàn hảo, Bell nói, nhưng ông ấy, ông ấy thế nào đó cứ tự nhiên mà biết.
Bell không gọi Stradivari bằng tên. Chỉ là ông ấy. Khi nghệ sĩ vĩ cầm cho công chúng xem cây Strad của mình, anh cầm cổ cây đàn hào hứng, đặt nó lên trên một bên đầu gối. "Nghệ nhân tài ba ấy đã làm nó với độ dày hoàn hảo ở mọi phần", Bell nói, xoay xoay cây đàn. "Nếu người ta xén đi chỉ cần chừng một milimét gỗ ở bất kỳ chỗ nào, thì âm thanh sẽ bị lệch lạc đi hoàn toàn." Đến giờ vẫn chưa có cây vĩ cầm nào có được âm thanh tuyệt hảo như một cây Strad từ thời 1710.
Mặt trước cây vĩ cầm của Bell trông gần như hoàn hảo với thớ gỗ và nước bóng dầy, sâu. Mặt sau thì trông rất loạn, nước sơn bóng hơi đỏ đậm đã bị nhạt mầu đi thành một mầu nhạt và nông hơn, và có chỗ đã trơ ra cả gỗ.
"Cây này chưa từng được sơn lại," Bell nói. "Nước sơn này là nước sơn nguyên thủy của ông ấy". Đã có những bàn tán rằng chất lượng âm thanh phụ thuộc vào nước sơn. Mỗi người chế tác lại có một công thức bí mật của riêng. Stradivari đã làm nước sơn của ông ấy từ một hợp chất cân bằng tuyệt vời của mật, lòng trắng trứng, và nhựa gum arabic từ các cây vùng hạ-Sahara.
Cũng như nhạc cụ trong bộ phim Cây Vĩ Cầm Đỏ, cây vĩ cầm này có một quá khứ đầy bí mật và trò xấu xa. Nó từng bị trộm hai lần từ người chủ cũ nổi tiếng, nghệ sỹ vĩ cầm Ba Lan Bronislaw Huberman. Cụ thể, lần đầu bị lấy cắp khỏi phòng khách sạn của Huberman ở Viên vào năm 1919 nhưng được trả lại ngay sau đó. Gần 20 năm sau, lại tiếp tục bị lấy trộm từ phòng thay đồ của ông ở Cung biểu diễn Canergie Hall. Người nghệ sĩ tài danh không bao giờ nhận lại nó được nữa. Mãi đến tận năm 1985 thì tay trộm, một tay chơi vĩ cầm ít tên tuổi ở New York, lúc cuối đời, mới thú thật với vợ mình và đưa cây đàn ra lại với đời.
Bell đã mua cây đàn vài năm trước. Anh ấy đã bán một cây Strad khác của mình và đi mượn số tiền còn lại. Người ta đồn là giá trị cây đàn là 3,5 triệu đô.
Tất cả những điều này là một lời giải thích dài để độc giả biết tại sao, trong buổi sáng giá lạnh tháng Giêng đó, Josh Bell lại đi taxi có ba quãng phố để đến tuyến Metro mầu Cam và đi một chặng tàu để đến bến L’Enfant.
Lấy chuẩn các trạm tàu Metro mà xét thì L'enfant Plaza tầm thường hơn phần lớn các nơi khác. Ngay cả trước khi bạn đi đến nơi, bến này cũng có vẻ tôn trọng tí nào, mấy tay lái tầu gần như không bao giờ phát âm được tên bến cho chính xác: nào là “Leh-fahn.” “Layfont.” “El’phant.”
Trên đỉnh các thang cuốn là một quầy đánh giầy, một ki-ốt bận rộn bán tạp chí, vé số và một tường dán đầy các tạp chí với các tên gọi như Mammazons và Girls of Barely Legal. Mấy tạp chí khiêu dâm bán khá tốt, nhưng chính cái máy bán vé số mới thực sự bận rộn nhất. Khách hàng xếp hàng dài để mua lotto Daily 6 và Powerball cũng như những tờ giấy in các tổ hợp số ngẫu nhiên trông có vẻ dễ trúng nhất để làm mồi nhử cho bọn dốt nát. Mấy tờ đó bán chạy lắm. Tại đây cũng có một cái máy kiểm tra kết quả nhanh để người ta thò vé vào sau khi quay số xem mình có trúng sốhay không. Dưới đất là một đống vé nhàu nát trông thật bi thương.
Vào hôm thứ Sáu, 12 tháng Giêng, những người đứng đợi trong hàng chờ mua vé số "nhắm bắn một phát thực xa tới giải đặc biệt" sẽ nhận được một món quà may mắn là một chiếc vé miễn phí, đứng sát gần một buổi biểu diễn của một trong những nhạc sỹ nổi tiếng nhất thế giới nhưng với một điều kiện là họ phải là kiểu người chịu khó để tâm quan sát. Bell quyết định bắt đầu chơi với bản “Chaconne” từ giao hưởng Partita Số 2 cung D Thứ của Johann Sebastian Bach. Bell gọi bản nhạc này không chỉ là một trong những bản nhạc vĩ đại nhất đã từng được viết ra, mà còn là một trong những thành quả vĩ đại nhất mà con người tạo ra trong lịch sử. Nó là một bản nhạc hào hùng cả về mặt tâm linh và cảm xúc, với cấu trúc hoàn hảo. Hơn nữa, nó được viết dành cho độc tấu vĩ cầm nên tôi sẽ khó bị coi là "lừa dối" với một phiên bản nửa chừng xuân hay nửa vời (half-assed version).
Bell không nói ra nhưng bản Chaconne của Bach còn được coi như một trong những bản nhạc dành cho vĩ cầm khó có thể chơi thành thục nhất. Nhiều người đã thử nhưng ít kẻ thành công. Bản nhạc này dài chết người - tổng cộng 14 phút tất cả — và bao gồm chỉ một trường đoạn duy nhất, tách biệt được chơi đi chơi lại hàng chục biến thể khác nhau để tạo ra một kiến trúc âm thanh phức tạp kinh hồn. Được sáng tác vào năm 1720, vào đêm trước của Kỷ nguyên Khai sáng Âu châu, nó được coi như một kỷ niệm chương cho sự quảng bác hay độ rộng (breadth) của khả năng con người.
Nếu bạn cho rằng lời tán dương của Bell về bản nhạc Chaconne nghe có vẻ hơi bị bốc phét quá thì hãy nghe những lời tự sự sau đây của nhà soạn nhạc thế kỷ 19 Johannes Brahms, trong một bức thư gửi tới Clara Schumann: "Trên cùng một khuông nhạc (stave) dành cho nhạc cụ nhỏ (vĩ cầm), ông ấy đã viết ra cả một thế giới những suy tưởng sâu sắc nhất cùng những tình cảm mạnh mẽ nhất. Nếu chỉ trong trí tưởng tượng, tôi có thể tạo hay khai sinh ra giai điệu này, thì chắc chắn cảm giác vui mừng thái quá và trải nghiệm sụt đất dưới chân (earth-shattering) sẽ làm tôi phát điên lên mất."
Và đó chính là bản nhạc mà Bell sẽ chơi khởi đầu.
Khi hứa không coi rẻ buổi biểu diễn này, Bell rõ ràng đã có thành ý: Anh đã chơi với sự nhiệt thành của diễn viên biểu diễn thăng bằng trong rạp xiếc, toàn thân anh ấy chìm đắm vào trong dòng nhạc và uốn cong lên trên mũi bàn chân với các nốt cao. Âm thanh gần giống như một dàn nhạc giao hưởng, ngập tràn mọi chốn của khu chờ với mái vòm giản đơn trong khi khách bộ hành vẫn diễu qua diễu lại.
Ba phút đầu trôi qua, có tổng cộng sáu mươi ba người đã bước ngang qua Bell trước khi có điều "đột phá" xảy ra. Một người đàn ông trung niên xoay người trong một khoảnh khắc, ngoảnh đầu lại và có vẻ như để ý một ai đó đang chơi nhạc. Vâng, mặc dù ông ta lại đi tiếp nhưng đây vẫn đáng được xem là tín hiệu có ý nghĩa.
Chừng nửa phút sau, Bell nhận được món tiền đóng góp đầu tiên. Một phụ nữ quăng xuống một đô la rồi biến mất. Phải đến chừng sáu phút sau khi buổi biểu diễn bắt đầu thì mới có một người đứng lại, dựa vào tường và lắng nghe. Tuy nhiên không có cải thiện nào hơn nữa. Trong 3/4 giờ đồng hồ mà Joshua Bell đã chơi nhạc, bảy người đã dừng việc mình đang làm để đứng quẩn quanh dự phần vào buổi biểu diễn trong ít nhất một phút. Như thế là còn 1070 người khác đã vội vã đi qua, thờ ơ, nhiều người chỉ đi cách có một mét, rất ít người thèm quay đầu lại dù chỉ để nhìn.
Không, thưa Thầy Slatkin, không hề có lúc nào có một đám đông cả, dù chỉ là một giây. Tất cả đều được chứng minh bằng thước phim quay bằng camera giấu kín.
Dù chỉ xem đoạn băng này một lần hay tới 15 lần thì cũng không dễ dàng tiếp nhận thông điệp từ đó. Cứ thử cho đoạn phim chạy nhanh lên, nó sẽ trở thành một trong những đoạn phim câm thời Đệ nhất Thế chiến: khách bộ hành di chuyển một cách hài hước, nhảy nhảy đi đi, tay cầm cốc cà phê, điện thoại dí sát vào tai, thẻ ID va va vào bụng, một điệu nhảy quỷ quái nhẫn tâm của sự thờ ơ, sự trì trệ, và sự vội vàng mầu xám, cuốn chặt vào thành một khối của đời sống hiện đại.
Dù thế nào đi nữa thì với tốc độ nhanh này, những chuyển động của nhạc công kéo đàn vẫn hài hòa và duyên dáng; anh ấy có vẻ như tách biệt với khán giả — không thấy được, không nghe được, như ở một thế giới khác – đến mức bạn sẽ tự hỏi là anh ấy có thực là đang ở đó không. Một hồn ma? Chỉ khi đó bạn mới nhận thấy điều này: Anh ấy mới là người thực. Những đám đông kia mới là những hồn ma.
Nếu một nhạc sĩ vĩ đại chơi một thứ âm nhạc tuyệt vời nhưng không ai nghe thấy thì anh ta có thực sự là một nghệ sĩ giỏi hay không?
Đây là một tranh luận lâu đời về nhận thức luận, còn lâu đời hơn là câu đố về cái cây ở trong rừng. Plato đã suy nghĩ nhiều về nó, cũng như các triết gia của hai thiên niên kỷ sau đó: Cái đẹp là gì? Nó phải chăng là một thứ có thể đo được (Gottfried Leibniz), hay chỉ là một quan điểm (David Hume), hay là mỗi thứ một ít đồng thời được tô điểm bởi trạng thái hiện thời của tri giác người quan sát (Immanuel Kant)?
Hãy tin Kant, ông ấy có vẻ đúng, bởi góc nhìn này đưa chúng ta đến khá trực tiếp với Joshua Bell, đang ngồi trong nhà hàng của một khách sạn, gẩy gẩy mấy đồ ăn sáng, và gắng gượng để hiểu xem cái quái khỉ gì đã xảy ra ở ga Metro lúc trước.
"Lúc đầu," Bell nói, "Tôi chỉ tập trung vào chơi nhạc. Tôi không thực sự quan sát xem có gì đang xảy ra ở quanh tôi..."
Chơi vĩ cầm trông như một việc phải tập trung làm hết sức, cả về tinh thần cả về thể chất, nhưng Bell nói rằng đối với anh thì những cơ chế của việc chơi nhạc đã trở thành một phần của bản năng thứ cấp, được củng cố nhờ thực hành và trí nhớ của bắp thịt: Giống như một người làm trò tung hứng, anh ấy nói, có thể vừa tung hứng liên tục những trái bóng vừa giao tiếp với đám đông. Bell tiết lộ khi chơi nhạc, anh ấy tập trung chủ yếu vào việc nắm bắt cảm xúc của câu chuyện ẩn trong đó: bằng cây vĩ cầm, anh trở người kể chuyện.
Với bản Chaconne, đoạn mở đầu chứa đầy một cảm giác ngạc nhiên tăng dần. Cái này làm cho anh ấy bận rộn một lúc. Nhưng rồi cuối cùng thì anh ấy cũng bắt đầu kiếm cớ liếc ngang chút ít.
"Đấy là một cảm giác lạ, khi thấy rằng người ta thực sự là..."
Câu từ không đến dễ dàng.
“. . . đang lờ tôi đi.”
Bell đang cười. Tự cười anh ấy.
"Trong một phòng hòa nhạc, tôi sẽ thấy khó chịu nếu ai đó ho hoặc nếu điện thoại của họ đổ chuông. Nhưng tại khung cảnh này, kỳ vọng của tôi giảm đi nhanh chóng. Tôi bắt đầu thấy cảm kích bất kỳ một sự công nhận nào, dù chỉ là một cái liếc nhìn nhanh. Tôi cảm thấy biết ơn một cách kỳ lạ khi ai đó ném vào một đồng đô la thay vì mấy đồng xu lẻ." Tất cả điều này được nói bởi một người mà tài năng có thể giúp kiếm được 1000 đô mỗi phút.
Trước khi bắt đầu, Bell không biết phải chờ đợi cái gì. Điều mà anh ấy biết, vì một lý do nào đó, một cảm giác lo lắng chạy xuyên qua.
"Không chắc là nỗi lo phải lên sân khấu, nhưng tôi vẫn thấy trong bụng hơi run," anh ấy nói. "Tôi cảm thấy hơi căng thẳng một chút."
Bell đã từng chơi, theo đúng nghĩa đen, trước những cái đầu mang vương miện của châu Âu. Vậy tại sao lại có cái sự lo lắng đó ở một bến Metro của Washington DC?
"Khi chơi cho những người mua vé," Bell giải thích, "anh đã được khẳng định rồi. Tôi không có cảm giác là tôi cần phải được người ta chấp nhận. Tôi đã được chấp nhận rồi. Ở đây thì khác vì tôi có ý nghĩ kiểu như: Nếu như họ không thích mình thì sao? Nếu họ ghét cái sự hiện diện của tôi ở đó thì sao..."
Nói ngắn gọn lại thì anh ấy đã giống như một bức tranh không có khung. Điều này, như chúng ta sẽ thấy, liên quan rất nhiều đến những gì đã xảy ra hay nói cho đúng nhất là những gì đã không xảy ra vào ngày 12 tháng Giêng đó.
Mark Leithauser đã từng cầm trên tay nhiều tuyệt phẩm nghệ thuật hơn bất kỳ vị vua, giáo hoàng hay lãnh chúa nào đã từng cầm.
Là quản thủ cao cấp (curator) tại Phòng tranh Quốc gia (National Gallery), ông quản lý việc đóng khung các bức tranh. Leithauser cho rằng ông có thể giải thích phần nào những gì đã xảy ra ở bến Metro.
"Giờ cứ cho là tôi sẽ lấy một trong những tuyệt tác trừu tượng, ví dụ như một bức của Ellsworth Kelly, và bỏ nó ra khỏi khung, đi xuống 52 bậc cấp mà công chúng dùng để đi vào Phòng Tranh Quốc gia, qua mấy cây cột lớn, và mang nó vào treo trong một nhà hàng. Đây là một bức tranh có giá 5 triệu đô. Còn nhà hàng kia là một trong những nơi bán những bức tranh nguyên bản được vẽ bởi mấy cậu trẻ chăm làm học ở Corcoran. Tôi sẽ treo bức tranh Kelly đó trên tường phía dưới có biển đề giá 150 đô. Sẽ không một ai để ý đến nó. Một quản thủ nghệ thuật có lẽ sẽ nhìn lên và nói: Này, cái tranh kia trông hơi giống tranh Ellsworth Kelly. Đưa giùm tôi lọ muối."
Ý của quý ngài Leithauser là chúng ta đừng quá vội đánh giá những người qua lại bến tầu hôm đó là một lũ ngu dốt không biết thưởng thức nghệ thuật.
Hoàn cảnh có ảnh hưởng riêng của nó.
Kant cũng nói đúng điều đó. Ông đã nghiên cứu cái đẹp một cách nghiêm túc: Trong cuốn Phê bình Quan điểm Mỹ học, Kant đã lập luận rằng khả năng cảm thụ cái đẹp của mỗi người liên quan đến khả năng của người đó trong việc đưa ra quan điểm về đạo đức. Nhưng ở đây có một điều cần lưu tâm. Paul Guyer, thuộc trường Đại học Pennsylvania, một trong những học giả hàng đầu về Kant của Mỹ, chia sẻ: đối với triết gia Đức thế kỷ 18 này, để có thể cảm thụ trọn vẹn cái đẹp thì điều kiện quan sát phải tối ưu.
"Tối ưu," Guyer nói, "không có nghĩa là đang trên đường đi làm, chú tâm vào bản báo cáo sắp phải nộp cho ông sếp, hay có thể giầy của anh không vừa chân lắm."
Vậy nếu Kant đứng ở bến Metro xem Joshua Bell biểu diễn cho một ngàn người thờ ơ đi qua thì sao?
"Ông ấy chắc chắn," Guyer nói, "sẽ không đưa ra kết luận gì hết về bọn họ."
Và chỉ thế thôi.
Mỗi tội không phải chỉ thế thôi. Để thực sự hiểu xem điều gì đã xảy ra, bạn cần phải xem lại đoạn băng ghi hình, bắt đầu từ lúc mà cây mã vĩ của Bell lần đầu chạm vào các dây đàn.
Da trắng, quần kaki, áo da, xách cặp. Ngoài 30 tuổi. John David Mortensen đang đi chặng cuối cùng của tuyến đường đi làm bằng xe bus và Metro hàng ngày từ Reston. Anh ấy đang đi lên trên cái thang cuốn. Đó là một quãng đường dài 1 phút 15 giây nếu ta cứ đứng yên để thang chạy. Vì vậy, giống như phần lớn những người đi qua Bell ngày hôm đó, Mortensen đã nghe thấy rất nhiều tiếng nhạc trước khi anh ấy nhìn thấy người nghệ sỹ. Như phần lớn bọn họ, anh ấy để ý rằng tiếng nhạc nghe khá hay. Nhưng khác với rất ít người trong số họ, khi anh ấy đến đỉnh của thang cuốn, anh ấy không phi vội qua như kiểu Bell là một thứ khó chịu cần phải tránh. Mortensen là người đầu tiên dừng lại, người đến ở cái điểm mốc của phút thứ sáu đó.
Không phải là anh ấy không có việc gì khác cần phải làm. Anh ấy là một người quản lý dự án cho một chương trình quốc tế ở Bộ Năng Lượng; vào ngày hôm đó Mortensen phải tham gia vào một cuộc họp hàng tháng về ngân quỹ, không phải là phần việc thích thú nhất trong công việc của anh ấy: Chúng tôi phải xem xét lại những chi tiêu của tháng trước đó, anh ấy kể, dự toán những chi tiêu cho tháng tiếp sau, nếu như chúng tôi có X đô la thì số tiền đó sẽ được chi cho việc gì, đại loại thế.
Trong băng video, bạn có thể thấy Mortensen đi lên khỏi thang cuốn và nhìn xung quanh. Anh ấy nhìn thấy người chơi vĩ cầm, dừng lại, rồi lại đi nhưng rồi lại bị kéo lại. Anh ấy nhìn điện thoại xem lúc đó mấy giờ — còn 3 phút nữa anh ấy mới phải đến chỗ làm – sau đó đứng tựa vào một bức tường và lắng nghe.
Mortensen chẳng biết gì cả sất về nhạc cổ điển; rock cổ điển (classic rock) là thứ cổ điển nhất mà anh ấy biết chút ít. Nhưng có gì đó về thứ âm nhạc mà anh ấy tình cờ nghe gợi nên cảm giác thích thú.
Vào cái lúc mà anh ấy đến thì Bell đã bắt đầu chuyển sang phần thứ nhì của bản Chaconne (Là cái lúc mà, Bell nói, khi bản nhạc chuyển từ một cung thứ trầm rợn sang một cung trưởng. Đoạn đó có một cảm giác siêu thoát, tôn giáo). Cây vĩ cầm của người nghệ sỹ bắt đầu nhảy múa, nhạc trở nên nhộn nhịp, vui tươi, biểu lộ, rộng lớn hơn.
Mortensen không biết gì về các cung trưởng hay thứ cả. Chẳng biết là cái gì, anh ấy nói, nhưng nó làm tôi cảm thấy thanh thản. Thế là lần đầu tiên trong đời Mortensen đứng lại để nghe một nhạc sỹ đường phố biểu diễn. Anh ấy đã ở lại đúng khoảng thời gian 3 phút mà anh ấy còn trong khi 94 người khác đi nhanh qua. Khi anh ấy phải đi để giúp lập kế hoạch ngân sách dự phòng cho Bộ Năng Lượng, có thêm một thứ lần đầu tiên xảy ra nữa. Lần đầu tiên trong đời, dù không biết có gì đã xảy ra nhưng cảm giác được đó là một điều đặc biệt, John David Mortensen đã cho tiền một nhạc công đường phố.
Trong băng Video có sáu thời điểm mà Bell cảm thấy đặc biệt đau đớn khi nhớ lại: "Mấy lúc trớ trêu", anh ấy gọi những thời điểm đấy như vậy. Đó là những gì xảy ra ngay sau khi mỗi bản nhạc kết thúc: chẳng có gì xảy ra cả. Nhạc ngưng. Những người không để ý anh ấy đang chơi nhạc, giờ cũng không để ý anh ấy đã ngừng chơi. Không có ai hoan hô, không có một sự công nhận nào cả. Thế nên Bell mới tạo (saws out) ra một hợp âm ngắn và thô – đối với một nghệ sỹ đang ngượng thì tương đương với kiểu nói, "À, vâng, thôi tôi đành chơi tiếp vậy nhá..." – và anh ấy bắt đầu chơi bản tiếp theo.
Sau bản Chaconne là bản "Ave Maria" của Franz Schubert, một bản nhạc đã làm cho những nhà phê bình ngạc nhiên khi nó được trình tấu lần đầu vào năm 1825: Schubert gần như không bao giờ bày tỏ những tình cảm tôn giáo trong các nhạc phẩm của mình, thế nhưng Ave Maria lại là một tuyệt phẩm chứa đầy lòng sùng kính đối với Đức Mẹ Đồng Trinh. Ở đâu ra cái sự sùng đạo bất ngờ đó thế? Schubert trả lời giản dị: "Tôi nghĩ rằng lý do nằm ở việc tôi không bao giờ bắt ép tôi phải có cảm giác tôn sùng và không bao giờ sáng tác ra những bản thánh ca hay nhạc cầu nguyện trừ phi sự sùng kính đó tràn vào lòng tôi khi tôi không để ý; nhưng chính lúc đó thì nó mới là một sự sùng kính chân thành và đúng đắn." Bản nhạc nguyện cầu này trở thành một trong những bản nhạc tôn giáo quen thuộc và trường tồn nhất trong lịch sử.
Sau khi Bell đã bắt đầu chơi bản này được chừng vài phút, có một điều khai mở đã xảy ra. Một phụ nữ đi cùng đứa con "tuổi tiền học đường" của bà ấy đi lên từ thang cuốn. Người phụ nữ rảo bước đi và vì thế đứa trẻ cũng phải bước nhanh cho kịp mẹ. Bà ấy cầm tay đứa trẻ.
"Lúc đấy tôi đang vội," Sheron Parker, giám đốc IT của một cơ quan chính phủ, nhớ lại. "Tôi có một lớp học lúc 8:30, nhưng đầu tiên tôi phải đưa Evvie đến chỗ cô giáo của nó, rồi lại phải chạy vội về cơ quan, sau đó phải đi xuống chỗ khu đào tạo ở dưới tầng hầm."
Evvie là con trai của bà ấy, tên đủ là Evan. Evan 3 tuổi.
Bạn có thể nhìn thấy Evan rất rõ trong đoạn băng video. Đấy là cái cậu nhỏ da đen xinh xắn mặc áo gió cứ gắng xoay sang để nhìn Joshua Bell trong khi mẹ cậu lôi cậu đi ra phía cửa.
"Có một nhạc công ở đó," bà Parker kể, "và con tôi chắc thấy thích. Nó muốn kéo tôi lại để nghe, nhưng mà lúc đấy tôi làm gì có thời gian."
Vì thế Parker làm đúng cái việc mà bà ấy phải làm. Bà ấy khéo léo chèn người vào giữa Evan và Bell, chặn luôn tầm nhìn của con trai bà ấy. Khi họ ra khỏi khu sảnh chờ, ta có thể thấy Evan cố nghển cổ lên nhìn. Khi chúng tôi nói cho bà Parker biết bà ấy đã bỏ qua việc gì, bà ấy cười.
"Evan thông minh lắm cơ!"
Nhà thơ Billy Collins có lần nhận xét nửa đùa nửa thật là tất cả trẻ con đều được sinh ra với những hiểu biết về thơ, bởi vì những tiếng đập của tim mẹ trùng với nhịp của thể thơ iambic (iambic meter). Sau đó, Collins nói, đời cứ từ từ bóp cổ nàng thơ trong mỗi chúng ta. Điều này có lẽ đúng với cả âm nhạc nữa.
Không có một khuôn mẫu nào về chủng tộc (ethnic) hay nhân loại (demopgraphic) giúp phân biệt những người đã đứng lại xem Bell, hay những người đã cho tiền, từ số đông những người đã đi vội qua, hoàn toàn không để ý. Người da trắng, người da đen, hay người châu Á, trẻ hay già, nam hay nữ, đều được đại diện trong cả ba nhóm. Nhưng có một nhóm người mà hành vi luôn tuyệt đối nhất quán. Tất cả những lần nào một đứa trẻ đi ngang qua, cô hay cậu bé đó đều cố dừng lại để nhìn. Và tất cả những lần đó thì phụ huynh đều lôi đứa trẻ đi mất.
Nếu như hôm đó chỉ có một người nào đó quá bận rộn để chú ý đến nhạc công vĩ cầm, thì người đó chính là George Tindley. Tindley không vội vàng đi đến chỗ làm. Ông ấy đang ở chỗ làm.
Cái cửa kính mà phần đông người ta phải đi qua để ra khỏi ga L’Enfant dẫn đến một khu mua sắm nằm trong nhà, từ đó có các lối dẫn ra phố và các thang máy đi lên các tòa nhà văn phòng. Cửa hàng đầu tiên trong khu mua sắm này là hiệu Au Bon Pain, cửa hiệu bán cà phê và bánh sừng bò nơi mà Tindley, ở độ tuổi 40, mặc đồng phục trắng làm công việc dọn bàn, mang thêm ra các túi muối tiêu, đi đổ rác. Tindley làm việc dưới con mắt cú vọ của mấy người quản lý, và ông ấy có nhiệm vụ phải năng động đi đi lại lại, và ông ấy làm đúng như thế.
Nhưng cứ khoảng một phút hay hơn, cứ như bị lôi cuốn bởi một thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của ông ấy, Tindley lại đi ra phía rìa của cửa hiệu Au Bon Pain, chân vẫn đứng trong cái lằn ranh giới, tức là vẫn như đang làm việc. Và ông ấy dướn ra ngoài, xa hết mức có thể, để nhìn tay vĩ cầm ở bên kia cửa kính. Lượng người đi bộ qua khá đều đặn nên những cánh cửa thường là mở. Âm thanh vì thế truyền qua khá rõ.
"Chỉ cần một giây là người ta có thể biết chú đó giỏi, rõ ràng là loại chuyên nghiệp," Tindley nói. Ông ấy chơi đàn guitar, rất yêu âm thanh của nhạc dây, và coi thường một loại nhạc công nhất định.
"Đa số người ta, chơi nhạc nhưng không có cảm thấy gì về nhạc," Tindley nói. Ấy mà, cái cậu đó cảm thấy âm nhạc. Cậu ấy chuyển động chuyển động. Chuyển động luôn vào trong những âm thanh.
Cách đó chừng 30 mét, ở phía bên kia khu sảnh chờ, là hàng người chờ mua vé số, đôi lúc có đến 5-6 người xếp hàng. Những người này có thể nhìn Bell rõ hơn nhiều so với Tindley, nếu như họ chịu ngoảnh lại nhìn. Nhưng không có người nào làm được việc đấy. Không hề có ai trong suốt 43 phút. Họ cứ xếp hàng đi về phía cái máy đang nôn ra những con số. Mắt đắm đuối nhìn vào giải thưởng.
J.T. Tillman cũng đứng ở trong hàng đó. Là một kỹ sư máy tính làm việc cho Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị, anh ta nhớ từng số một mà anh ta đã chơi ngày hôm đó – 10 số tất cả, mỗi số hai đồng, tổng cộng là 20 đô. Vậy mà anh ta không nhớ được gì về người nghệ sỹ vĩ cầm đã chơi ở đó. Anh ta nói lại rằng nhạc đấy nghe như nhạc cổ điển nói chung, kiểu như cái loại nhạc mà dàn nhạc trên tầu đã chơi trong phim "Titanic", trước khi tầu đâm vào khối băng trôi.
"Tôi chẳng nghĩ chút gì về nhạc đấy cả," Tillman nói lại, "chắc chỉ là một chú nào đó đang cố kiếm vài đồng." Tillman có thể đã cho người nhạc công một hai đồng, anh ta nói, nhưng anh ta tiêu hết tiền mặt vào vé số rồi.
Khi được nói cho biết rằng anh ta đã keo kiệt với một trong những nhạc sỹ xuất sắc nhất thế giới, anh ta cười.
"Có bao giờ ông ấy đến chơi lại ở quanh đây không?"
"Có, nhưng cậu sẽ phải trả khối tiền để nghe anh ta biểu diễn đấy. "
"Chán thế."
Tillman cũng chẳng trúng xổ số nốt.
Bell kết thúc bản Ave Maria lại một lần nữa trong sự im lặng đáng sợ, anh chơi tiếp bản Estrellita tình cảm của Manuel Ponce, sau đó là một bản nhạc của Jules Massenet, và sau đó thì bắt đầu chơi một bản gavotte của Bach, một vũ điệu trữ tình, vui nhộn. Bản nhạc này có một chút phong vị ngọt ngào của Cựu Thế Giới; người ta có thể tưởng tượng ra cảnh nó mua vui cho những người khiêu vũ đeo tóc giả tại một vũ hội trong điện Versailles, hoặc khi được chơi với đàn lute, vĩ cầm, và sáo – là những người nông dân nhảy múa tung tăng trong một họa phẩm của Pieter Bruegel.
Khi xem lại đoạn băng video mấy tuần sau đó, Bell thấy có duy nhất một điều mà anh không hiểu được. Anh hiểu tại sao mình không thể thu hút được một đám đông vào cái giờ cao điểm buổi sáng ngày làm việc ấy. Nhưng: "Tôi ngạc nhiên vì số lượng những người không hề chú ý gì cả, cứ như là tôi vô hình. Bởi vì, anh biết không? Tôi gây ra vô số tiếng động!"
Quả đúng như vậy. Người ta không cần hiểu âm nhạc để nhận thức được việc đơn giản là có một người đang ở đó, chơi một cây vĩ cầm và tạo ra vô vàn thanh âm; có những lúc, trình kéo của Bell tài tình đến mức mà người ta có thể cảm thấy như có hai nhạc cụ đang cùng hòa tấu. Chính thế nên việc những kẻ đi qua bước nhanh đầu chúi về phía trước đấy thực sự là một việc quá lạ lùng.
Bell tự vấn không biết có phải sự lãng tâm (inattention) của họ là cố ý: Nếu như người ta không để ý nhìn một người nhạc công, người ta sẽ không cảm thấy tội lỗi khi không bỏ tiền cho anh ta; người ta sẽ không phải là đồng phạm trong một vụ cướp không công sức và thời gian của người nghệ sĩ đó.
Cách lý giải này có thể đúng nhưng không một ai đưa nó ra cả. Mọi người chỉ nói là họ bận rộn, trong đầu phải nghĩ đến nhiều thứ khác. Vài người đang nói chuyện điện thoại đã phải cố nói to hơn lên khi họ đi ngang qua Bell để át cái tiếng vĩ cầm rầm rộ đó.
Rồi thì còn có người như Calvin Myint. Myint làm việc cho Sở Dịch vụ Tổng hợp (General Services Administration). Anh đã đi lên tới đỉnh thang cuốn, rẽ phải và đi ra ngoài qua một trong những cái cửa dẫn ra phố. Một vài giờ sau, anh ta không còn nhớ một chút nào về việc đã có hay không có một nhạc công chơi nhạc trong tầm nhìn.
"Anh đấy đứng chỗ nào, so với chỗ tôi?"
"Cách khoảng mét hai. "
"Thế thôi à."
Myint không có vấn đề gì về thính giác cả. Lúc đó anh ta đang đeo tai nghe để nghe nhạc trên máy iPod.
Đối với nhiều người trong chúng ta, sự bùng nổ công nghệ, thật ngược đời, đã hạn chế chứ không mở rộng trải nghiệm. Càng ngày chúng ta càng nhận được thông tin từ những nguồn có cách suy nghĩ giông giống chúng ta. Nhờ máy nghe nhạc iPod, chúng ta chỉ nghe được những thứ chúng ta đã biết, cụ thể tự lập trình danh mục bài hát mà mình sẽ nghe.
Bài hát mà Calvin Myint đã nghe là bài Just Like Heaven, (Như chốn Thiên đường) của nhóm nhạc rock Anh quốc The Cure. Đấy thực sự là một bài hát hay. Lời bài hát này không có ý nghĩa rõ ràng và trên mạng có đầy những bài phân tích cố gắng giải mã nó. Có nhiều bài bình giải nghe như bàn chuyện trên giời mông lung, nhưng cũng có những bài nói trúng phóc: Bài hát này nói về sự hụt hẫng cảm xúc bi kịch. Một người đàn ông đã tìm được người phụ nữ mơ ước của anh ta nhưng không thể bày tỏ những tình cảm của anh ta dành cho cô ta cho tới khi cô ấy đã ra khỏi đời anh. Bài hát này viết về việc bỏ lỡ không nhìn thấy cái đẹp khi nó hiển hiện rành rành ở ngay trước mặt.
"Vâng, tôi nhìn thấy nghệ sĩ vĩ cầm", Kackie Hessian nói "nhưng không có gì về anh ta có thể thu hút tôi."
Thật khó ra kết luận như vậy khi quan sát băng ghi hình. Hessian là một trong những người đã nhìn Bell rất kĩ trước khi bước đi tiếp. Rõ ràng, cô ấy không quan tâm gì đến âm nhạc.
"Tôi thực sự không nghe thấy gì nhiều", cô nói, "tôi chỉ đang cố gắng tìm hiểu xem anh ta đang làm gì ở đó, liệu thứ âm nhạc này có giúp ích cho anh ta, anh ta có kiếm được nhiều tiền không, liệu nên để ít tiền lẻ làm mồi hay để trống để khơi gợi thương cảm? Tôi đang phân tích tình huống theo góc nhìn tài chính."
Bạn đang làm công việc gì, Jackie?
"Tôi là một luật sư chuyên về quan hệ lao động ở United States Postal Service. Tôi vừa thương thảo một hợp đồng cấp quốc gia."
Những chiếc ghế tốt nhất trong nhà hát được bọc da (upholstered) và có thể nói, nằm ngay vị trí ban-công (balcony). Vào ngày hôm đó, nếu trả 5 đô người ta có thể nhận được nhiều hơn một nước xi bóng trên giầy.
Chỉ có một người ngồi trên bục đánh giày gần chỗ Bell chơi nhạc hôm đó. Terence Holmes làm tư vấn viên cho Bộ Giao Thông (Department of Transportation), và dù anh cũng thích thứ âm nhạc này nhưng tâm trí lúc đó chỉ để vào nước xi bóng trên giầy: "Bố tôi luôn dặn là không bao giờ mặc complê mà lại đi giầy không được lau sạch và đánh bóng."
Để trông chỉnh chu trong bộ complê, Holmes thường trèo lên bục đó nhờ mối quen thân với bà đánh giầy. Anh hài hước (vui chuyện) lại cho tiền tip hậu hĩnh, dạng kỹ năng xã hội rất có lợi ngày hôm đó. Bởi dường như bà đánh giầy đang bực vụ gì trước đó và tiếng nhạc lại càng làm bà bực hơn. Anh cố làm bà ấy bình tâm khi nghe lời phàn nàn.
Edna Souza đến từ Brazil. Bà ấy đã đánh giầy ở bến L’Enfant Plaza được sáu năm và đã chịu đựng quá đủ bọn nhạc công đường phố; khi họ chơi bà không thể nghe được tiếng khách hàng và điều này không tốt cho việc kinh doanh. Vì thế nên bà rất bực.
Souza chỉ cho chúng tôi cái đường sơn phân cách ranh giới của bến Metro, ở đỉnh thang cuốn, và khu sảnh chờ nằm dưới quyền kiểm soát của công ty quản lý điều hành khu mua sắm. Bà Souza nói rằng đôi khi có tay nhạc sỹ đứng ở phần đất của ga Metro, lúc khác thì ở khu mua sắm. Đứng bên nào thì mày cũng chết với bà. Trong danh sách các số điện thoại gọi nhanh bà ấy lưu số của cả bảo vệ khu mua sắm và cảnh sát Metro. Bọn nhạc công thường ít có cơ hội nấn ná được lâu.
Thế Joshua Bell thì sao?
Gã đấy chơi cũng ầm, Souza nói. Rồi bà ấy cúi nhìn xuống nắm giẻ, hít một cái. Bà ấy ghét phải nói bất kỳ điều gì tốt về mấy cái bọn nhạc công khốn đấy, nhưng: "Cái tay đấy chơi hay ra phết. Đấy là lần đầu tiên tôi không gọi cảnh sát đấy."
Souza ngạc nhiên khi nghe kể rằng gã đấy là một nhạc sỹ nổi tiếng, nhưng không ngạc nhiên với việc người ta đi qua anh ta, bỏ qua, có mắt mà cứ như mù. Bà ấy nói việc đấy có thể đoán trước được. "Nếu có việc tương tự xảy ra ở Brazil, tất cả mọi người sẽ túm tụm lại mà xem. Ở đây thì đừng có hòng."
Souza hất hàm về phía một chỗ ở đỉnh thang cuốn: "Một hai năm trước có một tay vô gia cư chết đúng chỗ đó. Cứ nằm đấy thế là chết thôi. Cảnh sát đến, xe cứu thương đến, thế mà chẳng có được một ai dừng lại để xem hay đi chậm lại để nhìn."
"Mọi người đi lên thang cuốn, họ nhìn thẳng phía trước mặt. Ai biết việc người nấy mắt nhìn ra phía trước. Ai cũng căng thẳng hết cả. Anh hiểu không?"
Đời sẽ còn gì khi nhiều lo lắng quá
Ta sẽ không có thời gian dù chỉ để đứng nhìn
— từ bài thơ Rảnh rỗi, của W.H. Davies
Hãy cứ cho là Kant đúng. Hãy cứ chấp nhận là chúng ta không thể nhìn vào những gì đã xảy ra hôm 12 tháng Giêng và phán xét bất kỳ điều gì về sự tinh tế hay khả năng cảm nhận cái đẹp của công chúng. Thế còn khả năng cảm thụ cuộc sống của họ thì sao?
Chúng ta bận rộn. Người Mỹ chúng ta, với tư cách là một dân tộc, đã luôn bận rộn, chí ít là kể từ năm 1831 khi một nhà xã hội học người Pháp tên là Alexis de Tocqueville đã đến thăm Hợp Chủng Quốc và thấy ấn tượng, buồn cười, và có phần ngạc nhiên với mức độ mà người ta bị lôi cuốn, tới mức bỏ qua hết mọi thứ khác, bởi công việc nặng nhọc và việc thu vén của cải.
Không có nhiều thay đổi từ đó đến nay. Hãy thử mở đĩa DVD bộ phim “Koyaanisqatsi,” tác phẩm được sản xuất năm 1982 đầy tính cấp tiến, không có lời thoại, và xuất sắc phác họa góc khuất đen tối của đời sống hiện đại. Với nhạc nền theo hướng tối giản của Philip Glass, đạo diễn Godfrey Reggio đã lấy những đoạn phim ngắn về cách người Mỹ tiến hành công việc hàng ngày của họ, nhưng tăng dần tốc độ của những thước phim cho đến khi con người trông giống những cỗ máy ở băng chuyền lắp ráp, hay robot vai kề vai bước đến nơi vô định. Giờ hãy thử cùng xem băng video quay ở ga L’Enfant Plaza ở tốc độ nhanh. Nhạc nền của Philip Glass đồng điệu với nó một cách hoàn hảo.
"Koyaanisquatsi" là một từ Hopi. Nó có nghĩa là "cuộc sống trượt khỏi ngưỡng cân bằng."
Trong cuốn sách xuất bản năm 2003 với tên gọi, "Cái đẹp Vĩnh cửu: Trong Nghệ thuật và Cuộc sống Thường nhật", tác gia Anh John Lane đã viết về sự mất mát khả năng cảm thụ cái đẹp trong thế giới hiện đại. Thử nghiệm ở ga L’Enfant Plaza có lẽ là biểu hiện của sự mất mát đó, ông ấy nói – không phải vì mọi người không còn năng lực để hiểu cái đẹp, mà bởi vì cái đẹp đã không còn ý nghĩa với người ta nữa.
"Đây là vấn đề đặt ưu tiên sai," Lane nói.
Nếu như chúng ta không thể dành một chút thời gian trong đời mình để lắng nghe giai điệu của tác phẩm hay nhất từng được sáng tác chơi bởi một trong những nghệ sỹ giỏi nhất Trái đất; nếu như sự hối thúc của đời sống hiện đại đè bẹp chúng ta đến mức mà chúng ta trở nên điếc và câm trước một điều [tuyệt vời] như thế — thì chúng ta còn đã bỏ lỡ cả những thứ [quý giá, tốt đẹp] nào nữa?
Đây chính là cảnh báo của nhà thơ xứ Wales, W.H. Davies, khi ông xuất bản bài thơ chứa đựng "thông điệp" trên trong năm 1911. Những câu thơ đã làm ông nổi tiếng. Ý tưởng trông đơn giản, có lẽ là quá đơn giản, nhưng làm sao đó mà trước đó chưa từng có ai ghi lại xuất sắc như cách nhà thơ ấy ghi.
Dĩ nhiên là Davies đã có một lợi thế — một lợi thế về cảm nhận. Ông ấy không phải là một thương gia hay một công nhân hay một viên chức chính phủ hay một tư vấn viên hay một nhân viên phân tích chính sách hay một luật sư về lao động hay một quản trị viên dự án. Ông ấy là một gã lang thang (hobo).
Người hùng văn hóa của ngày hôm đó đã đến ga L'Enfant Plaza muộn, trong hình hài không có gì ấn tượng lắm. John Picarello, một người đàn ông nhỏ con với một cái đầu hơi hói.
Picarello lên đến đỉnh của thang cuốn ngay sau khi Bell vừa bắt đầu chơi bản nhạc cuối cùng của anh ấy, một hồi tấu của bản Chaconne. Trong đoạn băng video, bạn có thể thấy Picarello đứng sững lại giữa đường, nhìn quanh để tìm xem nhạc đến từ đâu, sau đó đi về phía đầu kia của khu sảnh chờ. Ông ấy kiếm một chỗ ở quá quầy đánh giầy, đối diện với hàng người mua vé số, và trong chín phút tiếp sau ông ấy không rời khỏi vị trí đó dù chỉ một mảy may.
Giống như tất cả những người đã đi qua và được phỏng vấn cho bài báo này, Picarello đã bị một phóng viên chặn lại khi ông ấy ra khỏi tòa nhà, và được hỏi xin số điện thoại.
Giống như tất cả những người khác, ông ấy chỉ được bảo là đây là một bài báo về quá trình đi làm. Lúc chúng tôi gọi ông ấy sau đó trong ngày, giống như những người khác, ông ấy cũng được hỏi ngay lúc đầu là có gì bất thường đã xảy ra trên đường ông ấy đi làm ngày hôm đó không. Trong số hơn 40 người được liên hệ, Picarello là người duy nhất ngay lập tức nói đến người chơi vĩ cầm.
“Có một nhạc công chơi nhạc ở ngay đầu thang cuốn ở ga L’Enfant Plaza.”
Ông đã từng thấy các nhạc công ở đó trước đây không?
"Không giống như người này."
Ý ông nói sao?
"Người này là một nghệ sỹ vĩ cầm siêu đẳng. Tôi chưa từng bao giờ được nghe bất kỳ ai có đẳng cấp như thế. Anh ta xuất sắc về kỹ thuật, với một lối diễn tấu rất tốt. Cây đàn của anh ta cũng tốt, tiếng lớn và đầy. Tôi phải đi cách xa một đoạn để nghe anh ta chơi. Tôi không muốn xâm phạm đến không gian riêng của anh ta."
Phải thế thật không?
"Đúng thế. Một kinh nghiệm loại như thế đấy. Đúng như một món quà, thật là một cách tuyệt vời, không thể tin được để bắt đầu một ngày mới."
Picarello biết về nhạc cổ điển. Ông ấy là một người hâm mộ Joshua Bell nhưng không nhận ra anh ấy; ông ấy chưa từng nhìn một bức ảnh nào mới đây của anh ấy, và ngoài ra thì trong suốt thời gian Picarello đứng cách khá xa. Nhưng ông ấy biết đây không phải là một tay một đồng mười chú đứng chơi nhạc ở đấy. Trong băng video, bạn có thể thấy Picarello thỉnh thoảng lại nhìn quanh ông ấy, gần như là không thể tin được.
“Vâng, những người khác chẳng cảm nhận thấy gì. Không có gì chạm đến hay đọng lại trong người ta cả. Tôi thấy thực không hiểu nổi.”
Khi Picarello lớn lên ở New York, ông ấy đã học đàn vĩ cầm rất nghiêm túc với dự định sẽ trở thành một nhạc sỹ biểu diễn. Nhưng ông ấy bỏ ngang lúc 18 tuổi lúc ông ấy quyết định rằng ông ấy sẽ không bao giờ đủ giỏi để có thể sống bằng nghề đàn. Cuộc sống đôi khi làm thế với người ta. Đôi khi người ta bị buộc phải làm những điều khôn ngoan. Vì thế ông ấy chuyển sang làm một công việc khác. Ông ấy là một quản lý viên ở Sở Bưu chính Hoa Kỳ. Giờ không còn chơi vĩ cầm nhiều được nữa.
Khi ông ấy đi, Picarello kể lại, “Tôi khiêm tốn bỏ xuống 5 đô.” Đúng là ông ấy đã tỏ ra khiêm tốn. Bạn có thể nhìn thấy điều này trong băng video. Picarello tiến lại, gần như không hề nhìn vào Bell, và bỏ tiền xuống. Sau đó, vẻ như ngượng, ông ấy đi nhanh khỏi cái người mà đã một thời ông ấy muốn được trở thành như thế.
Ông ấy có tiếc về cách mà cuộc đời đã xoay vần như thế không?
Ông quản trị viên bưu điện trầm ngâm suy nghĩ điều này.
“Không. Nếu như bạn yêu cái gì đó nhưng lựa chọn không theo nghiệp đó thì đó không phải là điều gì phí phạm. Bởi vì, anh biết đấy, anh vẫn còn nó. Anh vẫn còn nó mãi mãi.”
Bell nghĩ rằng anh ấy đã làm việc tốt nhất trong ngày ở những phút cuối cùng, tức là khi chơi khúc hồi tấu của bản “Chaconne.” Và đó cũng là lúc đầu tiên có nhiều hơn một người đứng nghe cùng một lúc. Với Picarello đứng ở phía cuối, Janice Olu đã đến và đứng cách Bell một vài bước chân. Olu, một nhân viên công tín làm việc cho Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị, cũng đã chơi vĩ cầm lúc còn là một đứa trẻ. Cô ấy không biết tên bản nhạc mà cô ấy đang nghe, nhưng cô ấy biết người nhạc sỹ chơi bản nhạc đó có một tài năng thiên phú.
Lúc đó Olu đang nghỉ để uống chút cà phê và cô ấy đã nán lại lâu hết mức có thể. Đến lúc phải đi, cô ấy nói thầm với người lạ ở bên cạnh, “Tôi thực sự không muốn đi chút nào.” Người lạ đứng cạnh cô ấy tình cờ lại là một nhân viên của tờ Bưu điện Washington.
Để chuẩn bị cho vụ này, các biên tập của Tờ Bưu điện (The Post Magazine) đã thảo luận xem nên giải quyết những hoàn cảnh có thể xảy đến như thế nào. Giả thiết được nhiều người ủng hộ nhất là sẽ rất có thể có khó khăn trong việc kiểm soát đám đông: Trong một nhóm dân cư tinh tế như ở Washington, người ta nghĩ, một vài người chắc chắn sẽ nhận ra Bell. Có nhiều tình huống “nếu thế thì sao” (what-if) đầy lo âu được nêu ra. Khi người ta tập trung vào đấy, nếu mà những người khác cũng dừng lại chỉ để xem có sự lạ gì thì sao? Tin đồn sẽ lan nhanh trong đám đông. Đèn máy ảnh sẽ giật chớp. Sẽ có thêm nhiều người kéo đến; sự đi lại của khách bộ hành giờ cao điểm sẽ bị tắc lại; mấy người khó tính sẽ cự nự nhau; Vệ quốc quân sẽ được gọi đến; hơi cay, đạn cao su, vân vân.
Sự thực là chỉ có đúng một người đã nhận ra Bell, và cô ấy gần lúc cuối cùng mới tới. Đối với Stacy Furukawa, một nhà dân số học làm việc cho Bộ Thương Mại, thì không còn gì phải nghi ngờ. Cô ấy không biết nhiều về nhạc cổ điển, nhưng cô ấy đã là một trong các khán giả ba tuần trước đó, tại buổi trình diễn miễn phí của Bell tại Thư viện Quốc hội. Sao rồi lúc này, anh ta, nhà đại nghệ sỹ quốc tế, lại ở đây cò cò cử cử để xin tiền. Cô ấy chịu không hiểu nổi cái quái khỉ gì đang xảy ra, nhưng gì thì gì cô ấy cũng không chịu để lỡ cơ hội này.
Furukawa đứng cách Bell khoảng 3 mét, hàng đầu, chính giữa. Trên mặt cô ấy trưng một quả cười hết cỡ cực tươi. Cái mặt cười đó, và cô Furukawa, cứ đứng mãi ở đúng chỗ đó đến tận lúc cuối cùng.“
"Đấy là điều ngạc nhiên nhất mà tôi đã từng thấy ở Washington,” Furukawa nói. “Joshua Bell đứng ở đó chơi nhạc vào giờ cao điểm, và mọi người không dừng lại, cũng chẳng thèm nhìn, đôi kẻ còn quẳng cho anh ấy mấy đồng 25 xu! Hai lăm xu, mẹ bố nó! Tôi không bao giờ làm thế với bất kỳ ai. Lúc đó tôi nghĩ, Giời là giời, tôi sống ở cái thành phố loại gì mà lại có cái việc thế này xảy ra?”
Lúc buổi trình diễn đã kết thúc, Furukawa tự giới thiệu mình với Bell, và bỏ xuống một tờ 20 đô. Nếu không đếm số tiền đó – nó bị ảnh hưởng bởi sự nhận diện – thì mẻ lưới của anh ấy trong 43 phút chơi nhạc thu được $32.17 đô. Vâng, một vài người cho cả mấy đồng một xu.
“Thực ra mà nói,” Bell vừa nói vừa cười, “thế cũng không đến nỗi tồi. Như thế là khoảng 40 đô một tiếng. Tôi có thể kiếm đủ sống ở mức đấy, lại còn không phải thuê người đại diện.”
Dạo này, ở ga L’Enfant Plaza, vé số vẫn bán rất chạy. Bọn nhạc sỹ thỉnh thoảng vẫn đến và họ vẫn làm Edna Souza khó chịu. Album mới nhất của Joshua Bell, “Âm thanh của Vĩ cầm,” đã nhận được những lời khen vẫn thế của giới phê bình. (“Sự thúc giục tinh tế.” “Sự gần gũi bậc thầy.” “Hay tuyệt không thể chê vào đâu.” “Một đỉnh cao âm nhạc.” “…sẽ làm tim bạn vừa khóc vừa cười cùng một lúc.”
Bell đã đi để thực hiện một tour biểu diễn ở các thủ đô châu Âu. Nhưng tuần này anh ấy sẽ về lại Mỹ. Anh ấy phải về. Hôm thứ Ba, anh ấy sẽ nhận giải Avery Fisher, giải thưởng vinh danh Kẻ Thất bại ở Ga L’Enfant Plaza là nghệ sỹ nhạc cổ điển giỏi nhất nước Mỹ.