Das Forum
Đầu tháng 12 tới tại New York, World Economic Forum sẽ cho ra mắt công chúng Hoa Kỳ bộ phim Das Forum của đạo diễn Đức Marcus Vetter, người mình từng có cơ hội gặp tại trụ sở WEF ở Thụy Sĩ. Nội dung chính của phim được dựa trên các tranh cãi quanh chương trình nghị sự thường niên 2018 và 2019 mà WEF tổ chức ở thị trấn tuyết trắng tuyệt đẹp Davos – trong đó bao hàm quá trình “chất vấn” thông điệp gây tranh cãi “Cải thiện tình trạng của thế giới”.
Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) được giáo sư Klaus Schwab, một chuyên gia kinh tế Đức, thành lập như một tổ chức phi lợi nhuận của Thụy Sĩ (được đặt tại Cologny, Geneve) vào năm 1971, hoạt động dựa trên nguyên tắc “stakeholder approach” (tiếp cập tất cả các bên hay stakeholder theory) trong đó cho rằng sự thành công của một tập đoàn hay tổ chức phải bắt nguồn từ việc quan tâm đến lợi ích của rất nhiều bên: không chỉ các nhà đầu tư, khách hàng, đối tác mà đồng thời cũng phải chú ý đến nhân viên, cộng đồng nơi doanh nghiệp đặt trụ sở bao gồm cả chính quyền sở tại hay các tổ chức phi lợi nhuận. Do đó, WEF tin rằng nhiệm vụ gắn kết các nhà lãnh đạo kinh tế, chính trị, học thuật và nhiều lĩnh vực khác sẽ giúp định hình một cách tích cực nghị trình (agenda) cho thế giới.
Đạo diễn Vetter tiếp cận các tranh cãi quanh mục tiêu và ý định này của WEF nói chung và giáo sư Schwab nói riêng một cách trực diện cụ thể như: lối tư duy trắng đen rõ ràng (borderline magical), ngoại giao “kiểu cũ”, cân bằng các phe phái đối lập như Trump hay Jair Bolsonaro với nhà hoạt động môi trường trẻ tuổi Greta Thunberg, hay giữa các đại diện của tổ chức Greenpeace và người đứng đầu tập đoàn Nestle hay British Petroleum (Dầu mỏ Anh). DAS Forum đề cập đến cách mà WEF đối diện với sự chỉ trích và chất vấn nặng nề từ các tổ chức dân túy cùng các nhóm hoạt động chính sách đối lập về bản chất thực sự của các cuộc hội họp do mình khởi xướng. Tổ chức đối lập Transnational Institute đã từng dùng tới cụm từ Mafiocracy để mô tả wef như là một tổ chức tội phạm có tổ chức chỉ nhằm bảo vệ lợi ích của chính họ – tầng lớp tinh hoa.
Như trong một bài viết trước đây mình từng chia sẻ, WEF tạo ra diễn đàn mà đại đa số các nhà đại tư bản có mặt đều là những người đang tận hưởng tình trạng thế giới hiện tại thì cớ vì sao họ phải loay hoay tìm cách thay đổi thế giới cho khác đi. Tất nhiên giáo sư Schwab cũng là thành viên của giới tinh hoa Đức, cha của ông là bạn tốt của Thủ tướng Đức và nhà kinh tế Ludwig Erhand, người tiên phong cổ súy ý tưởng “kinh tế thị trường xã hội” (social market economy) hay còn gọi là chủ nghĩa tư bản Rhine (kết hợp giữa thị trường tự do tư bản và các chính sách xã hội) sau này được quảng bá rộng rãi ở Tây Đức bởi thủ tướng Konrad Adenauer. Ý tưởng này là nguồn cảm hứng ban đầu cho giáo sư Schwab xây dựng WEF – thứ mà ông giữ như một trục “giá trị” trọng tâm để giải đáp không ngần ngại các câu hỏi hóc búa được phỏng vấn trong Das Forum như tính đạo đức và hiệu quả của hợp tác chiến lược giữa WEF với những tập đoàn “ma quỷ” như Monsanto.
Bộ phim cũng ghi hình Jennifer Morgan, giám đốc điều hành của Greenpeace, người xem WEF là diễn đàn tốt nhất trên thế giới để giới “NGO” có thể đối thoại thẳng thắn với “những con quỷ xấu tính”(bad guys). Bà tiết lộ tại Davos, nơi không phải tất cả mọi cuộc đối thoại đều được chia sẻ trên mạng internet – có những trao đổi không thực sự thoải mái quanh các đề tài hóc búa – tất nhiên nhân vật nào không thoải mái thì WEF sẽ không bao giờ tiết lộ. Vetter ngoài việc theo dấu cách WEF xây dựng agenda cho Davos cũng dõi theo các dự án quan trọng mà tổ chức này hỗ trợ – cụ thể là các nhân vật quan trọng khác của WEF như giám đốc điều hành Murat Sonmez và chủ tịch Borge Brende. Dự án hệ thống Zipline để vận chuyển máu cứu tế ở Rwanda và Ghana bằng các phương tiện như Drone – một phần trong sáng kiến Doanh nghiệp Xã hội của WEF hoặc là các sự kiện khu vực như ASEAN Summit nơi Brende chấn vấn trực tiếp Aung San Suu Kyi về việc bỏ tù các nhà báo của Reuters và cuộc khủng hoảng tôn giáo/sắc tộc Rohingya. Dưới đây là trailer của phim thú vị mà các bạn có thể tìm xem sau này: