Tỉ phú Larry, Barry và Đà Lạt
Ngày 21-5-1995 chuyến bay định mệnh bằng thủy phi cơ từ đảo Pagan đến Saipan nằm ngoài khơi Thái Bình Dương chở theo ngài tỷ phú Larry Hillblom (người có bằng lái máy bay) đã không may gặp nạn. Ông là đồng sáng lập của hãng chuyển phát nhanh DHL danh tiếng. Chuyến bay gặp phải thời tiết xấu, phải quay lại nơi xuất phát. Hệ thống ra-da mặt đất được xác định là mất liên lạc với phi cơ sau đó. Ngay lập tức một đội tìm kiếm chuyên nghiệp được kêu gọi tham gia công tác cứu hộ và họ đã tìm thấy một phần của chiếc phi cơ và sau đó là cái xác thấm nước của viên phi công (Robert Long) cùng người bạn đi chung với Larry, nhưng xác của Larry thì mãi là điều bí ẩn và không tìm thấy được cho đến tận hôm nay, ông được xác định là đã tử nạn.
DHL là một công ty hàng đầu trong lĩnh vực dịch vụ vận chuyển bưu kiện quốc tế (logistics) thập niên 90 ở Mỹ. Được thành lập vào năm 1969 bởi ba nhà sáng lập Adrian Dalsey (D), Larry Hillblom (H), và Robert Lynn (L) với mục đích ban đầu nhằm vận chuyển tài liệu giữa San Francisco và Honolulu (Hawaii). Sau đó vào thập niên 70 công ty đã mở rộng dịch vụ của mình ra toàn cầu và vươn tới những thị trường mà khái niệm “dịch vụ vận chuyển” vẫn còn khá xa lạ, chủ yếu là các nước đang phát triển như Cuba, Liên bang Xô Viết, Việt Nam, Trung Quốc, Iran, Iraq, Bắc Triều Tiên,…Sau này công ty Deutsche Post của Đức bắt đầu thâu tóm dần DHL từ năm 1998 cho đến khi thương vụ kết thúc vào năm 2002.
Sự thành công của DHL vào những năm 80s (ước tính hơn 600 triệu $) đã biến Larry thành tỷ phú $ với khối tài sản khổng lồ. Ông quyết định chuyển đến thiên đường thuế(tax heaven) Saipan, hòn đảo lớn nhất và là thủ đô của Khối Thịnh vượng chung thuộc Quần đảo Bắc Mariana – Hoa Kỳ (CNMI, một chuỗi 15 hòn đảo nhiệt đới ở phía tây Thái Bình Dương). Tại đây ông tiến hành đầu tư phát triển hạ tầng cho Saipan (San Roque Beach Development, Saipan Casstle Company, UMDA …), mua lại 90% cổ phần của ngân hàng Saipan và tham gia làm cố vấn đặc biệt cho CNMI (thậm chí là quan tòa của Tòa Tối Cao CNMI ). Ông cũng đồng thời tiến hành nhiều kế hoạch kinh doanh và phát triển các dự án mới ở Hawaii, Việt Nam và Phillipines.
Sau nhiều lần sang Việt Nam tìm kiếm cơ hội, đầu 1993 Larry quyết định đầu tư vào lĩnh vực khách sạn và du lịch, đặc biệt là ở hai nơi ông dành nhiều cảm tình là Phan Thiết (Bình Thuận) và Đà Lạt (Lâm Đồng). Các khoản đầu tư của ông ở đây được thực hiện thông qua liên doanh với Danao International Holdings Ltd. để tránh lệnh cấm vận của Mỹ lên Việt Nam vào thời điểm đó. Tại Phan Thiết, Danao và ông kí thỏa thuận hợp tác – 50 năm với Bình Thuận Tourist để mua lại khách sạn Vĩnh Thủy (Hotel Mercure) và nâng cấp thành một khách sạn 4 sao tuyệt đẹp – trở thành khách sạn Novotel Phan Thiết thời bây giờ và xây dựng ở đây một sân golf 18 lỗ – Ocean Dunes Golf Course được xem là đẹp nhất châu Á khi ấy.
Tại Đà Lạt, vào năm 1991 Danao đã tiến hành làm việc với Chính quyền tỉnh Lâm Đồng để thông qua thỏa thuận hợp tác 40 năm phát triển hạ tầng (properties) cho vùng đất này. Qua đó, Larry đầu tư một khoảng tiền khổng lồ 40 triệu đô để cải tạo lại khách sạn Dalat Palace đang dần suy tàn sau Chiến Tranh Việt Nam (1975), một khách sạn có lịch sử lâu đời ở vùng đất cao nguyên (hình thành từ 1922) với phong cách “thuộc địa” tiêu biểu và được giao cho tập đoàn Accor quản lý nên sau này khách sạn có tên Sofitel đi kèm. Dalat Palace dưới con mắt tinh tế và đội ngũ quản lý chuyên nghiệp khi mở cửa lại vào năm 1995 đã trở thành một bảo tàng sống động, một điểm nhấn đặc biệt lưu trữ nhiều kí ức “thuộc địa” của xứ sương mù. Ngày nay khi ghé thăm khách sạn Dalat Palace vẫn còn một quán bar ở tầng hầm mang tên Larry để tưởng nhớ ông. Danao cũng tiến hành đầu tư vào khách sạn Novotel Dalat (Dalat Du Parc) và một sân golf 9-lỗ với tầm nhìn ngoạn mục ở vùng đất cao nguyên Dalat Palace Golf Club. Ngoài ra, ông và Danao còn đầu tư vào vùng phụ cận của Sài Gòn (thỏa thuận hợp tác 30 năm với chính phủ Việt Nam) qua các dự án như the Riverside Apartments.
Trong thời gian làm việc và đầu tư tại châu Á, với tính cách “đa tình”, ông đã trải quả nhiều cuộc tình chớp nhoáng với nhiều phụ nữ châu Á , nhiều đứa con rơi ra đời và đã dẫn đến nhiều rắc rối về sau.
Nguyễn Bé Lory sinh vào năm 1994 vào thời điểm Việt Nam bắt đầu được giỡ bỏ cấm vận là một trong những đứa con rơi đặc biệt của ông. Khi ấy, Larry cũng nắm quyền kiểm soát tuyệt đối Danao khi Po Chung một partner của ông đồng ý chuyển giao lại gần 90% cổ phần Danao cho ông. Cô hầu phòng người địa phương quê mùa Nguyễn Thị Bé, mẹ của Lory đã có duyên gặp ngài tỷ phú và lọt vào mắt xanh của ông khi ông đầu tư mua lại khách sạn Vĩnh Thủy ở đây .
Sau cái chết của Larry, khối tài sản khổng lồ của Larry trở thành đối tượng tranh chấp của rất nhiều người, trong đó có hơn 10 đứa bé được xem là con rơi của ông, nhiều bà mẹ bổng dưng xuất hiện và tuyên bố đứa con của họ ra đời khi ông theo đuổi tán tỉnh họ và đã tiến hành hành vi cưỡng dâm – pháp định (satatutory rape). Do trong di chúc ông để lại năm 1982 không đề cập đến bất cứ đứa con nào mà chỉ để cập đến việc dành một phần tài sản cho trường Đại học UCSF (khoảng 40% – 240 triệu $) nên đã dẫn đến rất nhiều tranh cãi sau đó. Qua một người bạn làm tại khách sạn Vĩnh Thủy khi ấy, cô Bé đã kết nối được với luật sư John Veague, đặc trách vấn đề chia tài sản của tỷ phú Larry và tham gia vào cuộc cuộc tranh tụng có một không hai trong lịch sử tư pháp Hoa Kỳ.
Việc đầu tiên cần làm là phải phân tích ADN để xác định xem ai là con thật của tỷ phý Larry. Công việc này đã vấp phải rất nhiều khó khăn vì ông chết mất xác do đó không thể lấy mẫu từ cơ thể ông, cha mẹ của Larry lại bất hợp tác. Chưa kể, một âm mưu có hệ thống nhằm xóa bỏ mọi dấu vết có thể có của ông trên trần gian. Nơi Larry đã lớn lên và sinh sống, các địa điểm ông hằng lui tới các dấu vết được lau chùi sạch sẽ, rửa bằng hóa chất, vô trùng từ trong ra ngoài hết sức kỹ lưỡng – các vật dụng cá nhân như quần áo, dao cạo râu, lược chải đầu hay thậm chí miếng chắn nước bồn tắm của ông cũng biến mất một cách khó hiểu. Luật sư David Lujan, người tranh tụng cho cậu bé Palan 14 tuổi Larry “Junior” Hillblom phải thốt lên: ” Thật sốc, tôi không bao giờ biết họ đã chôn vùi mọi bằng chứng.”
Trong các tài liệu nộp cho tòa USDC ở Northern Marianas, Lujian cho rằng chỉ trong vòng vài tuần sau cái chết của ngài tỷ phú, một nhóm các chuyên viên cao cấp của DHL được lệnh phải “thanh tẩy” hoặc tiêu hủy toàn bộ mọi thứ liên quan đến ông mà từ đó người ta có thể lấy được mẫu tóc, da hay cơ thể ông. Bằng mọi giá phải ngăn chặn “sự chảy máu” khối tài sản khổng lồ này. Càng ít cơ hội tiếp cận DNA của ông, Larry “Junior” càng khó chứng minh mình là người thừa kế. Cuộc chiến bảo vệ quyền lợi giữa phía gia đình “con rơi” và gia đình ông Larry bên Mỹ, DHL, cùng đại học UC hay cuộc chiến giữa các luật sư lên đến đỉnh điểm khi hàng loạt các thám tử được thuê vào cuộc điều tra. Công cuộc bới lông tìm vết gặp quá nhiều khó khăn, hầu như không có dấu vết DNA nào được tìm thấy. Cho dù chỉ một mẫu quần áo cũ của Larry cũng đã đáp đền lại nỗ lực của Lujian và các luật sư tranh tụng “cho những đứa con rơi” khác.
Một giải pháp khác được đề cập đến, dù cho không tìm được bất kì mẫu DNA xác thực nào của Larry, nhưng cậu con trai lớn ở Palua, hai đứa bé gái ở Phillipines và đứa bé trai còn lại ở Việt Nam (Lory) đã trải qua quá trình giám định DNA để xác định xem họ có phải anh chị em chung huyết thống. Kết quả kiểm tra là một thành công lớn cho các luật sư tranh tụng phía những đứa con rơi, bốn đứa bé có chung một người cha. Bên cạnh đó là các chứng cứ về câu chuyện tình yêu giữa mẹ của các đứa bé với ngài tỉ phú đã bổ sung thêm nhiều luận điểm thuyết phục. Kết quả cuối cùng, ngoài phần lớn Tài sản dành cho nghiên cứu y khoa của trường đại học UC, chỉ có bốn đứa con rơi trong số mười một đứa bé tham gia tranh tụng bao gồm một ở Palau (Junior Larry Barusch – 1984), hai ở Phillipines (Jellian Cuartero và Mercedita Feliciano) và một ở Việt Nam, cậu bé nổi tiếng báo chí Nguyễn Bé Lory (1994) là được hưởng quyền thừa kế khi chứng minh được trước toà là con huyết thống của nhà Larry. Năm 2013, cậu bé Nguyễn Bé Lory đã tròn 18 tuổi, cậu đã đủ tuổi theo quy định để thừa hưởng một gia sản trị giá gần 100 triệu $ (tính cả lãi và sau khi đã trừ đi rất nhiều chi phí cho quản lý, thuế và các luật sư) và trở thành một trong những người Việt giàu nhất thế giới.
Nếu muốn tìm hiểu về di sản của Larry tại Đà Lạt, công chúng có thể tìm đến khách sạn Dalat Palace, công trình mang dậm dấu ấn Larry mặc dù phần nào chiều kích lịch sử của công trình đã bị tước đoạt không thương tiếc bởi các chủ đầu tư mới sau này (như việc chuyển hóa quán bar ngầm tuyệt đẹp Larry thành phòng hát karaoke phong cách Tàu) hoặc tìm gặp Barry J.Israel – một trong các luật sư tham gia tranh tụng trong vụ việc nổi tiếng trên Barry (đại diện cho con cả Larry) hiện đang sống ở Đà Lạt. Theo thỏa thuận Barry và hai luật sư khác đồng thời nhận được khoản phí 38% từ người con cả, tương đương 22,8 triệu $. Sau 8 năm vật lộn với vụ việc cùng những tranh chấp phát sinh với con cái Larry. Năm 2000, Barry rút khỏi ngành luật, đến Việt Nam điều hành quỹ bất động sản Danao International Ltd. với vai trỏ chủ tịch HĐQT, ông trở thành doanh nhân và nhà đầu tư, thông qua quỹ tiếp quản nhiều dự án mà ngài tỷ phú Larry đã mua và tôn tạo tại Việt Nam, bao gồm cả khách sạn Sofitel Dalat Palace. (Sau này Danao đã bán Dalat Palace lại cho Vina Properties và dự án được sang tay nhiều nhà đầu tư khác sau đó). Vào năm 2007, Barry quyết định bán hết số cổ phần hiện có của mình ở quỹ bất động sản Danao cho quỹ Indochina Capital. Ông làm đám cưới với một cô gái địa phương là nhân viên cấp dưới của mình ở Danao đồng thời kiến tạo hệ sinh thái “doanh nghiệp” của riêng mình tại Việt Nam. Barry tiến hành mua lại Saigon Interiors, một công ty nội thất nhằm phục vụ cho các dự án BĐS mới của ông và giao cho một trong ba con gái riêng của mình điều hành. SI có một nhà máy ở Bình Dương với gần 200 công nhân chuyên sản xuất hàng sơn mài, thủ công mỹ nghệ xuất khẩu và gia công cho các thương hiệu nổi tiếng (Four Seasons, RL, Oscar). Sau đó, ông quay trở lại Đà Lạt sinh sống cùng vợ và triển khai dự án biệt thự Vallee de Dalat ở khu Dinh II.