Đích cùng cuộc đời, nguyên tắc tồn tại và OpenAI


Elon Musk vừa đăng ảnh OpenAI đón nhận siêu máy tính DGX-1 AI từ NVIDIA vào năm 2016 trên Twitter cùng lời cảm ơn đến Jensen (Hoàng Nhân Huân, chủ tịch và CEO của NVIDIA) vì đã hỗ trợ việc dân chủ hóa công nghệ AI. Trên thân chiếc máy, Jensen đề dòng chữ: "Gửi đến Elon, đội ngũ OpenAI cũng như tương lai của nhân loại và ngành máy tính, tôi dành cho các bạn chiếc máy DGX-1 đầu tiên." Kỳ lạ thay, Sam Atman không có mặt trong bức ảnh và cũng không được đề cập trong lời nhắn gửi của Jensen.

Elon là người đã đưa ra các cảnh báo về việc kiểm soát những nền tảng AI tập trung (centralized AI), ông tin rằng không một công ty hay chính phủ nào được độc quyền kiểm soát AI và mọi thứ nên được giữ phi tập trung (decentralized), để khi có một giải pháp AI nào đó trở nên quá mạnh và gây nguy hại thì những giải pháp AI còn lại có thể chiến đấu ngược lại. Mình để ý thấy trong căn phòng đặt máy DGX-1 có trích dẫn câu từ của bài diễn văn của vị tướng Do Thái huyền thoại Hyman Rickover tại San Diego Rotary Club (vào năm 1977), ông là người đã xây dựng nên tàu ngầm nguyên tử đầu tiên (Nautilus) trên nền tảng lò phản ứng có thể kiểm soát được (controlled nuclear warfare), từ đó thay đổi hoàn toàn chiến tranh tàu ngầm trên thế giới. Câu nói trên tường bắt đầu bằng dòng chữ đề cao" nỗ lực phi thường của con người", tinh thần bền bỉ mà chỉ một số ít cá nhân kiệt suất có được. Thông điệp này kết nối với các nguyên tắc tồn tại (hay xây dựng một cuộc sống có ý nghĩa) thể hiện xuyên suốt bài phát biểu với rất nhiều trích dẫn đông tây kim cổ (bao gồm cả nhà tư tưởng Châu Á Khổng Tử), mình tin đây là một trong những bài thuyết trình hay nhất của Hyman. Thú vị thay, tư tưởng từ thời xây dựng các cỗ máy chiến tranh (như tàu ngầm hạt nhân) đã chảy đến OpenAI, một thứ cũng có thể hủy diệt con người nếu quá trình phát triển vượt tầm kiểm soát (như hai quả bom thả xuống Nhật Bản). Dưới đây là toàn văn bài phát biểu của tướng Hyman, rất đáng đọc:

Voltaire từng nói: "không bị lấp đầy (occupied) bởi sứ mệnh nào đó và không tồn tại thực chất chỉ là một". Chỉ với một vài từ triết gia thời kỳ Khai Sáng đã bao quát toàn bộ mục đích của cuộc đời: làm việc, tạo dựng, khám phá và quan tâm sâu rộng đến thế giới cũng như những vấn đề của nó.

Câu hỏi "chúng ta có thể làm gì để cuộc đời mình có đích cùng (purpose) và trở nên ý nghĩa (meaning)" đã được tranh luận hàng ngàn năm qua bởi các triết gia cũng như quần chúng cần lao. Ngày nay chúng ta dường như đã trượt xa khỏi đáp án của câu hỏi này. Mặc cho khối lượng của cải vật chất to lớn được tạo ra và tiêu chuẩn sống cao hơn, con người dường như vẫn hướng đến cái gì đó mà tiền bạc không thể mua được. Walter Lippman từng nói: "cuộc đời của chúng ta, dù đủ đầy mọi thứ, vẫn luôn có cảm giác trống vắng đích cùng (purpose) và nỗ lực thực sự để tạo dựng một cuộc đời ưng ý và có ý nghĩa."

Tôi không có câu trả lời kỳ diệu nào cho các bạn (magic answer) nhưng tôi tin có một số nguyên tắc cơ bản của sự tồn tại, đã được nêu ra bởi các học giả hay triết gia xuyên theo dòng lịch sử, có thể dẫn lối chúng ta đi tìm đích cùng (purpose) của đời mình.

Một trong những nguyên tắc tồn tại quan trọng là tinh thần trách nhiệm (responsibility), thứ thôi thúc chúng ta dự phần vào một số công việc trong đời. Có trách nhiệm nghĩa là cá nhân đón nhận bổn phận nào đó dành cho mình, thứ mang nghĩa rộng và kéo dài liên tục. Không ai có thể thoát khỏi trách nhiệm nào đó, ngay cả khi công việc của chúng ta gặp trắc trở hay không thành công như ý muốn.

Trách nhiệm trước hết là cam kết cho chính bản thân mình, dấn thân vào công việc mà không phải ai cũng sẵn sàng làm. Cụ thể là những nhóm người bị hút mạnh bởi việc chấp nhận các hành động cũng như đường hướng cuộc đời mình bị bẻ theo các yếu tố bên ngoài. Kiểu quan hệ như vậy đã tách cá nhân ra khỏi quá trình ra quyết định riêng của bản thân mình. Anh hay cô ta gói ghém bản thân trong tấm chăn an toàn (security blanket) của những tiện nghi và giáo điều (dogma) thay vì đầu tư thời gian công sức để dẫn dắt tâm trí đưa ra những quyết định sáng tạo và quản trị sâu sắc cuộc đời mình (the governance of his life).

Trách nhiệm cũng mang nghĩa các cam kết của chúng ta với những người khác, như Khổng Tử đã dạy, mỗi người trong chúng ta ai ai cũng đang giải cứu thế giới theo cách nào đó, chỉ những tâm trí nhỏ nhoi (little minds) mới từ chối nỗ lực này hay làm nó với sự hời hợt. Rõ ràng, bất cứ thành tựu nghệ thuật, khoa học và thứ gì lớn lao nào của nhân loại cũng đều xuất phát từ sự hào hứng (enthusiasm) của ai đó.

Tinh thần trách nhiệm trong công việc dường như đã suy giảm. Thực tế, cụm từ: "tôi không có trách nhiệm" đã trở thành một câu đối đáp tiêu chuẩn trước các phàn nàn về chất lượng thấp kém trong công việc. Lối phản ứng này là một lỗi ngữ nghĩa (sematic error). Thực chất người đó có ý như sau: "tôi không thể bị buộc gắn với công việc này về mặt pháp lý" (held legally liable). Ở góc độ đạo đức hay luân lý, người tuyên bố từ chối tránh nhiệm có vẻ đúng, tuy nhiên cách rút lui thẳng thừng này đã biến anh ta thành một người vô trách nhiệm (irresponsible).

Thói trì trệ hành động và chối bỏ trách nhiệm đã trở thành một triệu chứng phổ biến trong lòng nước Mỹ, nơi mà thái độ thõa mãn bản thân với hiện trạng đang có ngày càng tăng. Kết quả dẫn đến sự tê liệt về tinh thần và suy giảm những tính cách rất Mỹ (sự sáng tạo chẳng hạn) vốn đã hình thành xuyên suốt chiều dài lịch sử. Thậm chí việc phàn nàn thuế khóa cao và giá cả cao đã trở nên viễn vông (một lời kêu thét trong vô vọng). Đằng sau đó là hiện thực được ẩn dấu, đại đa số dân chúng, mặc cho những điều kiện thoải mái vật chất, vẫn cảm thấy cuộc sống đầy bức bách. Những ai ở bên ngoài (vấn đề trên) quan sát những gì diễn ra lại không có đủ dũng khí hay số lượng (đồng minh) để tạo ra bất cứ thay đổi nào về mặt chính trị.

Công cuộc tìm kiếm đích cùng của cuộc đời đòi hỏi một sự kiên trì (perseverance). Tôi đã chứng kiến quá nhiều người trẻ vội vã lao vào đời với thông điệp nào đó và khi phát hiện ra thế giới dường như bị điếc (deaf, không lắng nghe), họ rút lui chờ đợi và củng cố sức mạnh của mình. Họ tin rằng sau khi nghỉ ngơi một chút thì sẽ vực dậy ở đỉnh cao hơn khiến mình được quan tâm và lắng nghe. Ai cũng tin rằng sau một vài năm mình sẽ dành được một chỗ đứng và có thể dùng sức mạnh nhỏ nhoi thu nhặt được cho một mục đích cao đẹp nào đó. Cuối cùng thì đến thời điểm nào đó, một khám phá kỳ lạ ập đến: anh hay cô ta đã đánh mất chân trời suy tư của mình (horizon of thought). Thiếu vắng sự kiên trì, ngay lập tức tham vọng và cảm giác trách nhiệm đều bốc hơi mất.

Một nguyên tắc quan trọng khác mang đến đích cùng và ý nghĩa cho sự tồn tại của chúng ta chính là năng lực xuất sắc trong một công việc nào đó. Nỗ lực theo đuổi sự xuất sắc mang tính cá nhân đậm đặc đồng thời tạo ra sự thõa mãn sâu sắc. Hạnh phúc thực sự đến từ việc vận dụng triệt để sức mạnh của mình để chạm đến sự xuất sắc. Tuy nhiên, cuộc đời với một số người lại trông như một lỗ hổng rỗng (empty hole) nên họ cảm thấy thõa mãn với việc lấp đầy chúng hơn là theo đuổi sự xuất sắc. Nguyên tắc theo đuổi sự xuất sắc cũng là đặc tính mà người Mỹ dần đánh mất, ngay tại thời điểm mà quốc gia cần nhất. Thiếu vắng "sự xuất sắc" (excellence) cũng đồng nghĩa với sự lan tỏa hay phổ biến của những thứ tầm thường (mediocrity). Trong một xã hội mà ai ai cũng chấp nhận trở nên xoàng xĩnh thì sẽ không có giới hạn nào cho các thất bại cá nhân. "Tính xoàng xĩnh" (mediocrity) có thể hủy diệt chúng ta ghê gớm hơn cả những mối nguy khác.

Điều quan trọng là chúng ta phải phân biện rõ ràng sự khác biệt giữa thất bại (trong việc theo đuổi mục tiêu) và lựa chọn xoàng xĩnh (an toàn trong vỏ kén của mình). Thế giới có sự khác biệt rất lớn giữa những người sống với phẩm giá (dignity) và những phong cách loàng xoàng (dự báo những thất bại trong dài hạn), giữa những người theo đuổi quyền lực hay vinh quanh và những kẻ ngu ngốc, không có nguồn cội, không có suy tư và thích những thứ tầm phào. Thực ra, điều quan trọng không phải là bao nhiêu tiền kiếm được hay vị trí công việc cao quý thế nào mà chúng ta đã thực sự tìm kiếm đích cùng đời mình với hiểu biết và sự hào hứng hay chưa, liệu chúng ta có trở thành người tận hưởng bối cảnh do chính mình tạo ra (enjoy our own company).

Cuối cùng, việc chối bỏ sự tầm thường sẽ cho chúng ta mở ra các cơ hội khám phá thành công theo chiều kích rất khác, trở thành một người có giáo dục (sắc sảo), có khả năng chân nhận ra sự khác biệt giữa thành công/viên mãn dài hạn và những thứ tầm phào ngắn hạn. Sherlock Homes đã từng nói với bác sĩ Watson: "Watson, sự tầm phào không biết gì cao hơn ngoài chính bản thân nó. Cần phải có tài năng mới có thể chân nhận ra thiên tài" (takes talent to recognize genius). Vị thám tử tài ba có thể thêm ý sau, cần có tài năng để nhận biết và vượt qua sự tầm thường của bản thân mình cũng như người khác.

Chúng ta phải tôn vinh sự xuất sắc, dĩ nhiên không nhất thiết thông qua các phần thưởng vật chất. Người Nhật Bản có một phong tục mà tôi tin chúng ta có thể học hỏi, thay vì tôn vinh các nghệ sĩ bằng các danh hiệu quý tộc hay hiệp sĩ, họ chọn một danh xưng đầy tính tôn trọng: "Báu vật quốc gia".

Sự sáng tạo là một nguyên tắc khác của tồn tại, thứ tôi tin mang đến đích cùng cho cuộc đời. Niềm vui sướng sâu sắc nhất trong đời chính là sáng tạo, tìm ra những thứ chưa phát triển (để can thiệp), nhìn ra những cơ hội hay viễn cảnh, đưa ra những quyết định hành động táo bạo, và dùng toàn bộ nguồn lực khả dĩ có được để triển khai, ngay cả khi chiến đấu chống lại những quan điểm đương thời (hay những người thân quen). Niềm vui và sự thõa mãn có được từ nỗ lực này to lớn vượt xa những thú vui nông cạn tầm thường.

Để tạo dựng (to create) cái gì đó chúng ta phải có sự quan tâm thấu đáo (must care). Chúng ta phải có dũng khí để nói ra điều mình muốn. Mọi tiến bộ của thế giới đều phụ thuộc vào dũng khí của những người lãnh đạo có tâm thế này. Mức độ dũng cảm nhất định của công dân cũng đóng góp sâu sắc vào những tiến bộ (hay hành xử đúng đắn) của quốc gia. Mặc khác, những người có được quyền lực nhờ sự giàu có (thừa hưởng gia sản chẳng hạn), mưu đồ (intrique), hay các toan tính chính trị (office) sẽ thường quản trị quốc gia chỉ bằng ý chí chủ quan và phục vụ chủ yếu cho lợi ích cá nhân của phe nhóm họ. Đối với công dân, dũng khí này mang hàm ý phơi bày ra các vấn đề xã hội hiện tại và chống lại việc lạm dụng quyền lực. Điều này đòi hỏi dũng khí lớn vì trong xã hội lịch thiệp (polite society) ngày nay, những bài diễn văn thẳng thừng trực diện không được khuyến khích. Tuy nhiên, khi bàn đến phúc lợi hay sự sống còn quốc gia, quả thật không phù hợp khi thoái thác các khúc mắc trên, không phải là có nên hay không mà chính là trách nhiệm và lương tri của mọi người với quốc gia, trên nền tảng hiểu biết và nhận thức thôi thúc anh hay cô ta lên tiếng. Quá nhiều vấn đề ngày nay có thể được đưa ra thẳng thừng và thật thà (candor and frankness), trên tinh thần tôn trọng sự thật dù chúng có gây bất mãn hay tạo cảm giác không thoải mái (unpleasant & uncomfortable), chúng ta phải dành nỗ lực to lớn để đào sâu vào những thứ chưa rõ ràng đồng thời đưa ra các kết luận dựa trên logic hợp lý (sự duy lý).

Dũng khí chính là việc theo đuổi mục tiêu hay hoàn thành trách nhiệm của mình, ngay cả khi có những kẻ cản đường và thành công trông như một giấc mơ xa xăm. Cần có dũng khí để đứng dậy và chiến đấu cho những gì bạn tin là đúng đắn, và cuộc chiến này không bao giờ kết thúc, bạn phải khởi động lại chúng vào mỗi buổi sáng khi mặt trời thức dậy. Quý ngài Thomas More từng viết: "nếu không thể nhổ bỏ tận gốc rễ những kẻ ác, và nếu như bạn không thể thay đối thái độ đã ăn sâu trong tâm trí (như mình muốn), thì đừng bỏ qua việc góp phần tạo ra thịnh vượng chung (common wealth). Bạn phải tìm cách lèo lái các chính sách một cách gián tiếp, cố gắng làm mọi thứ tốt nhất có thể, và nếu không thể làm điều tốt thì ít nhất làm cho nó ít nguy hại hơn."

Những nguyên tắc của sự tồn tại - trách nhiệm, kiên trì, theo đuổi sự xuất sắc, sáng tạo và dũng khí - phải được cộng hưởng với nhau trong tấm lưới tăng trưởng tri thức (intellectual growth) và phát triển cá nhân (development), nếu bạn muốn tìm kiếm đích cùng và ý nghĩa cho cuộc đời mình. Đây là công cụ để những kẻ ác tạo ra sự trì trệ trên thế giới: khi bước vào độ tuổi hai mươi, một vài người trong chúng ta đã hình thành một thái độ cứng ngắc như đá (granite-like attitude) và duy trì nó suốt đời. Về mặt tri thức, chúng ta không được phép ngừng phát triển. Nhận thức không bao giờ được phép tách chúng ta khỏi mối quan tâm đến các vấn đề ngày nay. Tâm trí của chúng ta nên duy trì sự nghi ngờ mãi mãi (skeptical), nghĩa là luôn đặt câu hỏi. Chúng ta phải thoát khỏi những thứ tầm phào (như lời phàn nàn của Pascal trong kiệt tác "Pensees/Suy Tưởng) hay phủ đầy khoái lạc cá nhân với những thứ gây phân tâm vô nghĩa (như những video tầm phào trên Tiktok chẳng hạn) hay không góp phần cho năng lực suy tư sâu sắc. Trở thành một con người tri thức đúng nghĩa thì tâm trí phải luôn luôn không ngừng chuyển động.

Aristotle tin rằng hạnh phúc có thể tìm được qua việc thực hành hay sử dụng tri thức. Nói cách khác, người ngu ngơ hay có thái độ thờ ơ (ignorance) tri thức thì không được ban phước, họ đang chìm ngập trong sự lãng quên (oblivion). Những người cầu nguyện đúng đắn sẽ không đòi hỏi ơn trên sức khỏe, giàu có, thịnh vượng hay bất cứ hình thức vật chất nào mà chỉ thỏ thẻ: "Thiên Chúa, xin hãy soi sáng tâm trí con". Con người không thể tìm thấy đích cùng mà không mở rộng và cải thiện chất lượng tri thức của mình. Quá trình học hỏi khai phóng (liberal learning) đóng góp chính yếu cho việc phát triển phẩm chất này. Thông qua nỗ lực học tập, con người hướng đến những sở thích sâu sắc, những phát xét thông thái, những góc nhìn được quan sát cặn kẽ và có tính phê bình (critical) nhằm chuyển hóa ra thành các sở thích hay đam mê đặc biệt, năng lực để thấu hiếu tính phức tạp đồng thời trưởng thành hơn nhờ quá trình tương tác qua lại trên.

Nguồn cơn của nhiều lỗi lầm và vấn đề của chúng ta chính là thái độ thờ ơ (ignorance) - suy rộng ra là thái độ thờ ơ tầm quốc gia trước những gì diễn ra ở phần còn lại của thế giới. Quốc gia, hay cá nhân, không thể vận hành đúng đắn nếu sự thật không được tiếp cận và thấu hiểu đúng đắn. Dù các nhà lãnh đạo hay truyền thông có cố gắng làm tốt như thế nào đi chăng nữa thì cũng không thể bù lại được những thiệt hại tạo ra từ sự thờ ơ của quần chúng hay công dân. Nước Mỹ là một thể chế dân chủ, do đó chúng ta có quyền đòi hỏi việc tiếp cận thông tin tốt hơn. Đọc sách cũng là một phương pháp hay để theo đuổi mục tiêu. Bằng cách chi vài đô la mua sách, chúng ta đã có thể tiếp cận những suy tư lớn lao cùng thành tựu cuộc đời của nhiều vĩ nhân (từ đó nhận thức phát triển lên). Norman Cousins từng chia sẻ: "bằng chứng của cho tồn tại của ai đó nằm trong kí ức (memory - trải trên các trang sách), và tất cả chúng ta, qua việc đọc, có thể sống tới năm hay sáu cuộc đời khác nhau cùng một lúc". Đọc sách giúp khai mở tâm trí, khiến những kinh nghiệm khác lạ có thể chảy vào đầu chúng ta mà bình thường không thể tiếp cận, đồng thời phát triển cả về tri thức và cảm xúc.

Là một người có đọc sách, suy tư của chúng ta trở nên độc đáo hơn với mọi người xung quanh. Khả năng đọc, và mở rộng ra hơn, năng lực trình bày ý tưởng phức tạp qua ngôn ngữ khiến con người trở nên khác biệt với các hình thức sự sống khác. Không có ngôn ngữ, những thứ phức tạp không thể bị bóc tách và tâm trí không thể phát triển. Suy tư sẽ bị trói buộc nếu chúng ta không biết đọc và viết. Tương tự như vậy, những tâm trí tù đọng, lộn xộn sẽ tạo ra thứ ngôn ngữ cũng lủng củng và thiếu chính xác. Ngôn ngữ và suy tư (thought) kết nối sâu sắc với nhau, và những từ ngữ được viết ra sẽ củng cố cả hai.

Do đó, tôi luôn xếp khả năng đọc, tiếp theo là khả năng viết là những nỗ lực quan trọng bậc nhất của con người. Khả năng viết lách tốt, rõ ràng là kết quả của nỗ lực đọc sách to lớn, những nghiên cứu chuyên sâu và suy tư sâu sắc. Có nghĩa là chúng ta phải phát triển vốn từ vựng và thực hành sử dụng thường xuyên. Tôi cho rằng những kỹ năng này phải mài dũa càng sớm càng tốt nếu muốn phát triển những con người tri thức. Nếu không thể trình bày suy tư rõ ràng mạch lạc thì anh hay cô ta chỉ có thể ảnh hưởng những người xung quanh một cách khiêm tốn.

Tôi sẽ trao đổi về nguyên tắc cuối cùng tối cần thiết cho sự tồn tại của chúng ta: phát triển các tiêu chuẩn hành xử đạo đức và luân lý. Thiên Chúa (như được thừa nhận rộng rãi), đã tạo dựng một cách phi thường thế giới vật lý, tuy nhiên lại có vẻ không giỏi lắm ở khía cạnh tinh thần (hay tâm linh). Có quá nhiều bằng chứng cho thấy việc theo đuổi đạo đức và luân lý ngày càng xa vời quần chúng (people's lives). Những tiêu chuẩn luân lý (standards of conduct) từng ăn sâu vào suy tư qua nhiều thế kỷ đã dần mai một. Nhiều người ngày nay không thể phân biệt giữa sự thõa mãn vật chất (vật lý) ngắn hạn và thõa mãn luân lý dài hạn, họ nhầm lẫn giữa thành công vật chất với việc bảo vệ phẩm giá (virtue). Sự suy giảm trong thực hành luân lý (morals) song hành cùng sự suy giảm mức độ ảnh hưởng của tôn giáo trong mọi ngóc ngách xã hội. Trong quá trình tách bạch giữa nhà thờ và nhà nước, chúng ta đã đi quá xa đến ngưỡng cực đoan và đã xóa bỏ các lớp huấn luyện luân lý của tôn giáo khỏi trường công và đại học, từ đó khiến giới trẻ không tiếp cận được các hướng dẫn đạo đức và luân lý từ Mười Điều Răn (Ten Commandments) và Bài Giảng Trên Núi (Sermon on the Mount).

Luân lý (morals) thực chất là những tranh đấu (quarrel) nội tâm của chúng ta với hành vi của mình. Bất cứ hệ thống giáo dục nào mà không đưa các giá trị luân lý vào thì chỉ đơn thuần tập trung đánh bóng các công cụ tri thức (kiểu như vác mác học trường đỉnh này kia để khoe khắp nơi) để những kẻ theo học có thể thõa mãn hơn với lòng tham, sự kiêu hãnh và dục vọng của mình. Nhân loại ngày nay đang sống trên dòng vốn luân lý (moral capital) cộng gộp từ các tôn giáo truyền thống. Tuy nhiên, nguồn vốn này đang cạn dần, ngày nay sự đồng thuận về các giá trị cần theo đuổi đã không còn nữa (consensus), liệu có phải là do con người hiện đại đã chạm được một số điều trước kia hứa hẹn chỉ có trên thiên đường (các tiện nghi hiện đại khiến con người đâm ra hư đốn).

Trong hệ thống xã hội của Hoa Kỳ, không có cấp thẩm quyền nào (no authority) nói cho dân chúng biết điều gì tốt và đáng theo đuổi. Chúng ta quá tự do trong việc tìm kiếm những gì tốt cho mình theo cách của mình, thật nguy hiểm khi con người bắt đầu thỏa hiệp với "sự thật" và khiến thái độ "tề chỉnh/ đoan trang" (tuân thủ đạo đức) suy giảm (decency), cuối cùng thành quả đạt được thường chụp giựt và gây nguy hại. Xã hội tự do chỉ có thể sống còn nếu đa số mọi người duy trì sự chính trực (integrity). May mắn thay, chúng ta vẫn có những cá nhân quan tâm đến các giá trị đạo đức và luân lý cũng như công lý cho tất cả, đồng thời mang đến niềm hy vọng về khả năng sống còn của xã hội thay vì bị tiêu diệt (dưới góc nhìn của chủ nghĩa hiện thực/realism, con người bản tính không nhân từ, cho mình là trung tâm vũ trụ và có khuynh hướng cạnh tranh với nhau, nên dễ gây xung đột ngoại trừ có những điều kiện mà buộc họ phải làm việc chung với nhau) .

Đạo đức và luân lý là những giá trị cá nhân cơ bản. Xã hội không có những chiều kích đạo đức (ethical dimension) sẽ không thể xây dựng nền tảng luật pháp góp phần thúc đẩy chiều kích đó. Luật khi đó chỉ đơn thuần ngăn cản và trừng phạt một số người làm sai, nhưng không thể khiến con người trở nên tốt hơn. Việc nhận ra luân lý (morals) và đạo đức (ethics) không có tính chất tương đối (relative), nghĩa là không phù thuộc vào tình huống cũng rất quan trọng. Đây có lẽ là nguyên tắc khó nhất để theo đuổi khi chạy theo các mục tiêu. Kết quả (the ends), dù sao đi nữa, cũng không thể biện minh cho phương tiện (means). Louis Brandeis (thẩm phán nổi tiếng Hoa Kỳ tham gia thành lập Cục Dữ Trữ Liên Bang), người tin tưởng mạnh mẽ vào tầm quan trọng của các tiêu chuẩn, từng nói: "Chúng ta không bao giờ có thể chắc chắn về kết quả (ends) - chính trị, xã hội, kinh tế. Thế nào cũng có những nghi hoặc và khác biệt về quan điểm." Tuy nhiên, Brandeis không có nghi hoặc nào về phương tiện (means): "những gì căn cơ cốt cán không thể thay đổi; vài thế kỷ suy tư đã thiết lập một số tiêu chuẩn kiểu như nói dối và vụng trộm luôn là điều xấu, dù cho kết quả có thế nào đi chăng nữa."

Đây quả là một tuyên bố đầy tính khai mở. Những ai xem một số hành động là sai trái vì chính bản chất xấu của chúng (simply because they are wrong), dù có vi phạm luật hay không (hay bị pháp luật điều chỉnh) sẽ có một cuộc đời không vô nghĩa. Việc tuân thủ luân lý (moral code) giúp con người tập trung hơn và có nền tảng tốt để quản trị bản thân. Dĩ nhiên luôn có cái gì đó thôi thúc con người quên đi nền tảng luân lý để thực hiện một số hành vi sai trái dành cái lợi về cho mình. Tuy nhiên, hãy ghi nhớ luôn có một nguồn sức mạnh to lớn dõi theo cái gì là đúng đắn để tác động đến bạn theo cách nào đó (khi làm sai bạn có thể bất ngờ với cách hiện thực vặn xoắn lại bạn). Các nguyên tắc và việc đạt thành tựu không nhất thiết phải mâu thuẫn nhau.

Một mối nguy tác động đến tất cả các nguyên tắc mà tôi đề cập chính là: ham muốn cải thiện bản thân và những người xung quanh (cái tôi) bằng cách tham gia nhanh nhảu vào đời sống xã hội, điều này có thể khiến việc chống đỡ lại các trở ngại hay ảnh hưởng bên ngoài (succumb) lên các lựa chọn cảm xúc trở nên khó khăn hơn, khi đó chúng ta dễ bị cuốn theo các giải pháp dễ chịu thay vì con đường khó khăn để chạm đến thành tựu cao hơn. Cụ thể như quá dễ dàng để không làm gì và không làm gì cũng là một hành động (act) - hành động của sự hèn nhát và thờ ơ. Con người cần có sự chuẩn bị cả về mặt tri thức và chuyên môn để có thể tận dụng tối đa sức mạnh của mình. Góc nhìn này thể hiện qua đoạn trích sau từ "Kinh Dịch" (I Ching, bộ sách kinh điển của nước Trung Hoa và văn hóa của quốc gia này, là một trong Ngũ Kinh của Trung Hoa, là một hệ thống tư tưởng triết học của người Trung Quốc cổ đại. Tư tưởng triết học cơ bản dựa trên cơ sở của sự cân bằng thông qua đối kháng và thay đổi hay chuyển dịch): "những người phi thường học tập và thu thập thành quả từ sự học của mình, đặt các câu hỏi chất vấn và phân biệt rõ ràng các loại thành quả; duy trì tinh thần bao dung và rành mạch (magnanimously and unambitiously) trong những gì mình theo đuổi, và đưa chúng vào thực tiễn với lòng nhân từ. Người phi thường lấy hết can đảm ném mình vào các hoạt động diễn ra không ngừng."

Việc trở thành người suy tư (thinker) và người thực hành (doer) đi cùng cảm giác trách nhiệm là rất quan trọng. Một nhà lý thuyết không có trách nhiệm sẽ thu mình khỏi thế giới thực, các đề xuất của anh ta được hình thành từ thinh không (vacuum), và do không phải tốn công thực hiện lời nói của mình, chúng có thể vô trách nhiệm và gây hại. Tương tự như vậy, những người thực hành (doers) lại thường thiếu vắng các khoảng khắc suy tư thực sự (devoid of any real thought) do mải mê cuốn theo công việc. Để tìm ra đích cùng cuộc đời, chúng ta phải luôn sẵn sàng hành động, đưa sự xuất sắc vào một công việc nào đó, và suy tư lo lắng xem cái gì là đúng đắn giúp bảo vệ sự an nguy cho bản thân mình. Cuộc sống là để cảm nhận không phải để quan sát và chúng ta phải dấn thân vào các công việc hàng ngày. Ralph Waldo Emerson từng nói: "Chúa cung cấp cho mỗi tâm trí (hay cá nhân) lựa chọn giữa sự thật (truth/ làm việc để tìm kiếm sự thật sâu hơn) và giấc ngủ (repose/ung dung tự tại hay nghỉ ngơi không nhọc công tìm kiếm nữa), bạn không thể có cả hai."

Không một người có chuyên môn (chuyên gia) nào có quyền ưu tiên sự bình yên cá nhân mình trước hạnh phúc của nhân loại, vị trí và bổn phận của anh ta được đặt trước mắt những người đang vận lộn kiếm miếng ăn hàng ngày (struggling men), không giống như nhóm những người thờ ơ hay lãnh đạm với cuộc đời. Nếu một nghề nghiệp chuyên môn muốn có chỗ đứng thích hợp trong tiến trình phát triển của xã hội, nó phải có thái độ bất mãn với các vấn đề hiện tại quanh mình (để tìm cách cải thiện). Niềm hạnh phúc lớn lao trong công việc chính là cách người đó vươn ra bên ngoài (reach out), không phải để vật vộn với những thử thách mà là để đạt được những kết quả lớn hơn và vô hạn ngoài kia (infinite), như Robert Browning từng viết: "những gì con người vươn đến (reach) phải vượt qua cái đang nắm giữ hay có được (exceed his grasp), đây là con đường đến Thiên Đàng (con đường của sự phát triển liên tục)".

Con người kiếm sống bằng công việc của mình (his job), có một nghề nghiệp hay chức nghiệp. Rõ ràng, có niềm yêu thích hay thiên hướng với một thứ gì đó là một điều kỳ diệu, giống như kiểu rơi vào lưới tình của ai đó (falling in love). Tôi hoàn toàn hiểu ý của Luther (nhà thần học), ông nói con người được định hình bởi niềm yêu thích công việc của mình (vocation), đó là bằng chứng cho thấy Thiên Chúa quan tâm tới anh hay cô ta. Có thiên hướng công việc nào đó (vocation) không có nghĩa là ngồi đếm thời gian (punching a time clock) coi mình làm việc bao lâu rùi, mà nó còn liên quan đến nỗ lực chống lại sự xáo rỗng (banality), lạc lõng (ineptitude), bất tài (incompetence) và xoàng xĩnh (mediocrity). Con người cần phải hướng đến sự xuất sắc (locus of excellence).

Đại đa số các công việc ngày nay được thực hiện bởi những người làm việc hăng say, họ tạo ra cái gọi là "hạt nhân cảm tử trong công việc" (nycleus of martyrs). Phần lớn công nhân lại thường xuyên dành năng lượng của mình cho việc than phiền. Những người đi làm (employees) ngày nay ít khi mang cảm xúc vào tổ chức hay thành quả mình có được khi làm việc; họ chỉ quan tâm đến việc kiếm tiền hay thăng tiến. Rõ ràng, một số tổ chức đã làm hư đi nhân viên của mình bằng sự cẩu thả (permissiveness) và bào mòn tinh thần trách nhiệm, một lỗi lầm chết người. Một khi tinh thần trách nhiệm mất đi, hiệu năng làm việc cũng không còn. William James từng nói: "chúng ta đo lường bằng quá nhiều tiêu chuẩn. Sức mạnh và trí tuệ thậm chí cả vận may, những thứ sưởi ấm trái tim và khiến chúng ta có vẻ như hòa hợp với cuộc đời. Tuy nhiên, sâu hơn cả những điều trên, cái cảm giác luôn nỗ lực tiến về phía trước (sense of the amount of effort) thậm chí đã đủ bù đắp cho việc thiếu hụt những phẩm chất trên: "Con người có một khả năng nỗ lực (capacity for effort) to lớn, nó vĩ đại hơn những gì chúng ta hình dung, và chỉ có một số ít người chạm đến khả năng này".

Chúng ta cần phải đề cao khả năng nhận biết mình nên làm gì và nuôi dưỡng ý chí để thực hiện nó. Việc hiểu đường đi nước bước công việc (understanding) thì luôn dễ dàng hơn dấn thân hành động (doing), đây mới là phần khó. Điều mấu chốt không phải chúng ta biết gì mà nên làm gì với những hiểu biết của mình. Đích cùng của cuộc đời (the great end of life) không phải là kiến thức mà là hành động (action). Theodore Roosevelt đã thể hiện khái niệm này trong tuyên bố "Người ở sàn đấu": "Không phải để tâm đến những lời chỉ trích, hay những ai chỉ tay năm ngón về việc một gã to con mạnh mẽ nào vừa vấp ngã và luôn mồm phát xét những người đang hành động (doer of deeds) nên làm thế nào cho tốt hơn. Sự ghi nhận (credit) thuộc về những ai đang ở trên sân đấu với khuôn mặt đang thấm đẫm mồ hôi, bụi và máu, những người quả cảm, những người mắc lỗi hay thất bại hết lần này đến lần khác, những người hiểu thế nào là lòng nhiệt thành vĩ đại (great enthusiasms), cống hiến vĩ đại và nỗ lực dấn thân cho một mục tiêu xứng đáng; những người nếu dành phần thắng sẽ mang về một chiếc cúp thành tựu cao nhất, và những người nếu thất bại, sẽ thất bại vì theo đuổi mục tiêu vĩ đại. Vị trí của họ luôn cao hơn những kẻ mang tâm hồn yếu đuối và lạnh giá, những người không bao giờ biết đến thất bại hay thành công."

Người trong sàn đấu đã tìm thấy đích cùng của đời mình. Anh hay cô ta hàng ngày đều trải nhiệm những câu chữ của Emerson: "không có thành tựu nào đạt được mà thiếu vắng sự nhiệt thành (enthusiasm)". Họ hiểu rằng con người không nên lẩn quẩn quanh niềm hy vọng dành riêng cho bản thân mình và thờ ơ với thời cuộc (như những kẻ mà vấn đề của họ chỉ quẩn quanh việc mình sinh ra đời). Trong quá trình làm việc, họ luôn bị kẹp giữa hai phía, thách thức bởi ý tưởng của chính mình, thứ gây nổi loạn khiến hiện thực phải thỏa hiệp những cùng đồng thời có thể bị hiện thực đè bẹp. Chìm ngập trong cuộc chiến này, anh hay cô ta chỉ có thể dành phần thắng nếu liên tục đổi mới nỗ lực của mình, bao gồm cả việc từ chối bị nhấn chìm trong viễn cảnh bình yên chấp nhận hiện thực (thỏa hiệp với hiện thực) hay thói tự thõa mãn (self-satisfaction).

Tôi tin rằng bổn phận của mỗi người trong chúng ta là phải hành động như thể thế giới này phụ thuộc vào nỗ lực của mình. Rõ ràng, tự thân một người thì không thể hoàn thành công việc (mà cần đội ngũ). Tuy nhiên, một người cũng có thể tạo nên sự khác biệt. Mỗi người trong chúng ta có bổn phận phải mang khả năng độc lập và đầy tính cá nhân của mình hòa vào những mối bận tâm to lớn của nhân loại. Chỉ với niềm tin mạnh mẽ như vậy, chúng ta mới có thể đối diện với trách nhiệm hay bổn phận gầy dựng sự thịnh vượng chung cho thế giới. Chúng ta phải sống hòa nhịp với tương lai của nhân loại chứ không phải chăm chăm thõa mãn nhu cầu hay sự thoải mái của bản thân.

Đối với những ai đang tìm kiếm ý nghĩa của cuộc đời, một nhân vật trong thần thoại Hy Lạp sẽ cho bạn câu trả lời. Người đó chính là Atlas, gã khổng lồ mang vác bầu trời/ thiên đường trên lưng của mình, một tấm gương điển hình của sự kiên trì bền bỉ. Atlas chấp nhận gánh nặng đó và đón nhận với tinh thần trách nhiệm. Tổng kết lại, dấn thân và đón nhận trách nhiệm, bền bỉ hay kiên trì, theo đuổi sự xuất sắc, sáng tạo và tràn đầy dũng khí, liên tục phát triển tri thức bản thân, duy trì tiêu chuẩn cao về đạo đức và luân lý. Hãy đưa những nguyên tắc căn bản này áp dụng vào đời sống hàng ngày, có vậy cuộc đời mới có đích cùng và tràn đầy ý nghĩa.