Cung hiến
Diễn từ nổi tiếng nhất của Tổng thống Abraham Lincoln được ông đọc tại Lễ Cung hiến Nghĩa trang Chiến sĩ Quốc gia Gettysburg ngày 19/11/1863, bốn tháng rưỡi sau sự kiện bước ngoặt của Nội chiến Hoa Kỳ: trận Gettysburg đẫm máu (1/7 – 3/7/1863).
Sau khi dành thắng lợi tại Chancellorsville bang Virginia tướng Lee của phe Liên Minh Miền Nam (Confederate – dưới sự tài trợ của Anh Quốc) bắt đầu tiến hành giai đoạn II của kế hoạch xâm lược miền Bắc thông qua Chiến dịch Gettysburg. Trong tinh thần rất phấn chấn của Đạo quân Bắc Virginia do ông dẫn dắt, Lee thay đổi kế hoạch từ chỉ tập trung vào khu vực Bắc Virginia và nỗ lực gây ảnh hưởng ngoại giao lên các chính trị đối thủ sang kế hoạch thâm nhập sâu vào miền Bắc tới Harrisburg, Pennsylvania và thậm chí Philadenphia. Cùng lúc ấy, dưới sự đốc thúc của Tổng thống Abraham Lincoln thuộc phe miền Liên Bang miền Bắc (Union), tướng George Meade dẫn đạo quân Potomac của mình đi chống trả.
Hai đạo quân Nam – Bắc đã đối đầu với nhau ba ngày tại Gettysburg với dũng khí cao độ cùng tinh thần phục hận. Kết quả cuối cùng phe miền Bắc dành chiến thắng, kết thúc chuỗi huyền thoại bách chiến bách thắng của tướng Lee và thay đổi hoàn toàn cục diện của nội chiến gián tiếp dẫn tới thắng lợi của Tổng thống Lincoln trong việc bảo toàn chế độ Liên Bang.
Cái giá phải trả của trận chiến thật khủng khiếp: 46000 đến 51000 sinh mạng. Sau ba ngày tử thần, hai phe để lại một bãi chiến trường ngổn ngang hàng ngàn thi thể của binh sĩ tử trận và vài ngàn xác ngựa của hai Binh đoàn Nam – Bắc. Tử khí bốc lên từ hàng ngàn thi thể đang thối rữa đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống cư dân xung quanh thị trấn. Lúc nay đối với cộng đồng Gettysburg, việc chôn cất tử tế những người lính trận vong trở nên ưu tiên hàng đầu.
Theo sự hướng dẫn của David Wills, một luật sư giàu có 32 tuổi, tiểu bang Pennsylvania mua một khu đất rộng 17 mẫu Anh (69.000 m2) để xây dựng một nghĩa trang nhằm tôn vinh những người lính thiệt mạng.
Khi dự án hoàn thành, theo truyền thống Wills tiến hành tổ chức một buổi lễ cung hiến nghĩa trang. Đồng thời tiến hành mời hai vị khách quan trọng tham dự:
- Người thứ nhất là Edward Everett, cựu Ngoại trưởng, Thượng nghị sĩ kiêm Thống đốc tiểu bang Massachusetts và cũng đồng thời là Viện trưởng của Đại học danh tiếng Harvard. Ông là một nhà hùng biện tài danh.
- Người thứ hai là Tổng thống Abraham Lincoln, người lãnh đạo Liên Bang. Trong thư ngỏ thuyết phục Tổng thống, Will viết: “Chúng tôi mong ước sau phần diễn thuyết của các diễn giả tổng thống với tư cách là người đứng đầu nhánh hành pháp của quốc gia sẽ chính thức biệt riêng khu đất này cho mục đích thiêng liêng bằng vài lời cung hiến”. Đây là cơ sở cho việc ra đời diễn văn.
Ngày 18/11, Lincoln đến Gettysburg bằng xe lửa, qua đêm tại nhà của Will ở quảng trường thị trấn, tại đây ông hoàn tất bài diễn văn đã viết dang dở từ Washington. Vào lúc 9:30 am ngày 19/11, Lincoln gia nhập cuộc diễu hành với các nhân vật quan trọng, người dân thị trấn, và các góa phụ đến khu đất sẽ được cung hiến. Ước tính có xấp xỉ 15000 người đến tham dự buổi lễ, trong đó có các thống đốc đương nhiệm của 6 trong số 24 tiểu bang thuộc Liên bang.
Bài diễn văn ngắn gọn xúc tích dài chưa tới 300 từ nhưng được xem là một trong những văn kiện hay nhất trong lịch sử nhân loại. Trong đó, Tổng thống Lincoln đã vẽ ra tầm nhìn của “một quốc gia mới, được thai nghén trong tự do” nay hãy quên đi quá khứ đau thương và bắt tay vào hàn gắn những vết thương chiến tranh. Chính quyền Liên bang lúc này hãy đấu tranh để xây dựng một quốc gia thật sự “của dân, cho dân và vì dân”.
Đây là toàn văn bài diễn văn:
“Tám mươi bảy năm trước, ông cha ta đã tạo dựng trên lục địa này một quốc gia mới, được thai nghén trong Tự do, được cung hiến cho niềm xác tín rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng. Ngày nay, chúng ta đang tiến hành một cuộc nội chiến vĩ đại nhằm thử thách quốc gia này, hoặc bất kỳ quốc gia nào khác, xem có đủ quyết tâm theo đuổi lý tưởng mà đất nước ấy đã được thai nghén và cung hiến cho. Chúng ta gặp nhau ở đây, trên bãi chiến trường này. Chúng ta đến đây để cung hiến một phần của mảnh đất, nơi yên nghỉ cuối cùng của những người đã hiến dâng mạng sống mình để tổ quốc được sống. Đó là điều chúng ta cần phải làm.
Song, trong một ý nghĩa lớn lao hơn, chúng ta không thể cung hiến, cũng không thể thánh hóa mảnh đất này. Những con người dũng cảm, đang sống hay đã chết, là những người từng chiến đấu ở đây, đã cung hiến nó, họ đã làm điều mà những con người yếu đuối như chúng ta không thể làm gì thêm hơn nữa. Thế giới sẽ không quan tâm, cũng chẳng nhớ đến những gì chúng ta đang nói ở đây, nhưng thế giới sẽ không bao giờ quên những gì họ đã làm tại đây.
Ấy là cho chúng ta, những người còn sống, cần cống hiến mình cho chính nghĩa vẫn chưa hoàn tất, mà những người từng chiến đấu ở đây đã cống hiến đời mình để sự thành công của chính nghĩa ấy mau đến.
Ấy là cho chúng ta, những người đang hiện diện ở đây, tiếp nhận trọng trách đang đặt trước mặt chúng ta – chúng ta tiếp nhận từ những người đã khuất hiện đang được vinh danh lòng tận tuỵ với chính nghĩa mà họ đã cống hiến bằng chính sinh mạng mình – ngay tại đây, chúng ta quyết tâm không để họ chết vô ích – đất nước này, dưới sự quan phòng của Thiên Chúa, sẽ sản sinh một nền tự do mới – và chính quyền này của dân, do dân, vì dân sẽ không lụi tàn khỏi mặt đất.”