Dòng chảy NFT
Metakovan, đồng sáng lập quỹ NFT Metapurse, nhận xét: "Khi nghiên cứu về các tác phẩm NFT giá trị cao, kiệt tác này quả thật khó có thể bị đánh bại. Nó đại diện cho nỗ lực không mệt mỏi kéo dài 13 năm với kỹ thuật không thể bắt chước và năng lực khó có thể chạm tới, hơn nữa không một ai có thể can thiệp (hack) vào yếu tố thời gian của nó. Quả là một vương miện đính ngọc cao quý, một tác phẩm nghệ thuật quý giá nhất trong thời đại của chúng ta, mà giá trị thực ra phải lên đến 1 tỷ $." Thông điệp này đã nêu rõ lý do tại sao Metakovan mua lại thành quả của nghệ sĩ số Mike Winkelmann (hay Beeple): "Mỗi ngày: 5000 Ngày đầu tiên" (Everydays: The First 5000 Days). Tác phẩm này được tạo ra nhờ quá trình ghép nối 5000 bức hình nghệ thuật số mà nghệ sĩ "phá cách" tạo ra hàng ngày trong suốt nhiều năm đi kèm chứng chỉ sở hữu số NFT trên nền tảng chuỗi khối (blockchain). Giá trị tác phẩm được đẩy lên gần 70 triệu $ khi tham gia đấu giá tại Christie, mức quá hời nếu căn cứ theo nhận định trên của Metakovan nhưng lại là giá bán cao thứ ba mà một nghệ sĩ còn sống đạt được (sánh ngang với hai danh họa David Hockney và Jeff Koons). Thật kinh ngạc bởi chính bản thân Beeple cũng tin mình chỉ bán được tối đa 1000$ cho tác phẩm này.
Sự phát triển của công nghệ quện xoắn với quá trình tiến hóa của nghệ thuật số, vốn manh nha hình thành từ những năm 60, đã mở thêm nhiều cơ hội sáng tạo và thể nghiệm nghệ thuật. Mà một trong những đỉnh cao phải kể đến là "The Fungible Collection" (Bộ sưu tập bất phân định) do nhóm nghệ sĩ số ẩn danh dưới cái tên Pak tạo dựng nhằm mục tiêu thay đổi cách công chúng nhận thức về khái niệm "giá trị". "Giá trị" mang hàm ý gì và uy quyền/thẩm quyền liên quan nảy sinh từ đâu? Cốt lõi của bộ sưu tập nằm ở Open Editions (OE), cho phép các nhà sưu tập có thể mua một số lượng tùy ý các khối lập phương (cubes - gắn với tập hợp NFT tương ứng) trong một chu kỳ bán hàng với mức giá cố định (ngày 12/04 giá $500/đơn vị, ngày 13/04 giá $1000/đơn vị và ngày 14/04 giá $1500/đơn vị), sau đó trên nền này, Pak mời gọi các nhà sưu tập dấn thân tiếp vào thế giới nghệ thuật số lạ lùng nối tiếp OE như: Complexity (bộ sưu tập 100 NFT dành cho 100 người đã mua nhiều khối lập phương OE nhất khi kết thúc ngày mở bán thứ 3), The Cude (một khối lập phương độc đáo tặng cho cá nhân mua nhiều khối lập phương OE nhất khi kết thúc ngày mở bán thứ ba), Equilibirum (16 NFT đặc biệt dành cho người chiến thắng một số đòi hỏi do Pak đặt ra), The Builder (30 NFT dành cho nghệ sĩ, nhà sáng tạo, nhà phát triển đã đồng hành với Pak), The Switch (một NFT độc đáo sẽ được Pak thay đổi tại một thời điểm nào đó trong tương lại, thể hiện quá trình tiến hóa của tác phẩm nghệ thuật trong thế giới số) và The Pixel (một hình minh họa thể hiện dưới dạng một pixel đơn lẻ 1x1 hay đơn vị cơ bản nhất của ảnh số dùng cho mục đích xác thực). Nhà đấu giá Sotheby (đối thủ của Christie), nhờ song kiếm hợp bích với sàn giao dịch NFT Nifty Gateway, đã bán The Fungile Collection với mức giá tổng cộng 17 triệu $ (trong đó The Switch bán được gần 1,4 triệu $, The Pixel bán được 1,3 triệu $).
NFT (non-fungible token) là phiên bản được token hóa của tài sản, được giao dịch trên chuỗi khối (blockchain) - công nghệ ledger số (sổ cái số) đứng phía sau các đồng tiền mã hóa nổi tiếng như bitcoin và ethereum. Hai năm trước (11/2019), thời điểm NFT còn là khái niệm khá xa lạ với công chúng (cũng như các trao đổi trên Clubhouse), Tyler cùng Cameron Winklevoss đã tiến hành thâu tóm sàn Nifty Gateway từ Duncan và Griffin Cock Foster (ngoài ra họ cũng nắm sàn giao dịch tiền điện tử Gemini). Hai anh em sinh đôi, vốn nổi tiếng với đồn đoán quanh việc họ sỡ hữu 1% bitcoin (khoảng 180,000 BTC) nhờ khoản tiền đền bù 65 triệu $ từ vụ kiện bản quyền rầm rộ với Mark Zuckerberg (người sáng lập Facebook), giờ đây lại dành thêm thắng lợi to lớn nữa với NFT. Giá trị của Nifty Gateway trong quý 1/2021 có thể lên đến con số gần 1,2 tỷ $. Nhờ thu hút những nhà sáng tạo nội dung tốt nhất, như nghệ sĩ Daniel Arsham, Pak và Beeple được đề cập ở trên, mà hệ sinh thái NFT của Nifty dần phổ biến đến công chúng. Trên trang chủ Nifty, tài khoản @tyler (rất có thể là Tyler Winklevoss) đang nắm khoảng 169 NFT, trong đó có một số tác phẩm thể nghiệm hình khối của Pak. Thị trường NFT đã bùng nổ dữ dội trong năm 2021, từ 01 đến 04/2021, giá trị tăng 800% từ 52 triệu $ đến 490 triệu $.
Ngoài các tác phẩm nghệ thuật số đắt giá chỉ dành cho các nhà đầu tư số má, NFT cũng được áp dụng trong trao đổi các vật phẩm sưu tầm (collectables) như thẻ bài hay dụng cụ hay nhân vật trong game, thứ dễ tiếp cận hơn với đại đa số công chúng. Điển hình như trong trò chơi CryptoKitties của Dapper Labs và Axie Infinity của Sky Mavis (do một người Việt Nam sáng lập): sưu tập mèo số và thú cưng ảo. Công ty đứng phía sau hỗ trợ cấp quyền tài sản số (digital property rights) dựa trên NFT cho các game thủ của hai tựa game đình đám trên chính là Animoca Brands, nền tảng đã đạt được trạng thái kỳ lân (1 tỷ $) sau khi gọi được $88,888,888 vào giữa tháng 5/2021, với vốn rót từ nhiều quỹ danh tiếng như RIT Capital (của gia tộc Rothschild), AppWorks Fund của Đài Loan (do cựu chủ tịch Taiwan Mobile sáng lập) hay Metapurse (đề cập ở trên, nhóm mua lại tác phẩm của Beeple với giá gần 70 triệu $). Tầm nhìn của Yat Siu, nhà sáng lập cụ thể như sau:"tái định nghĩa quyền tài sản và vốn sở hữu trực tuyến" (equity & property rights). Giải pháp của Animoca giúp các tựa game có thể thiết kế trải nghiệm vừa chơi vừa kiếm tiền cũng như khả năng sử dụng tài sản số linh hoạt - mở ra viễn cảnh đầy hứa hẹn cho nền tài chính dành cho tất cả (financial inclusion hay tài chính phi tập trung DeFi), tạo cơ hội tiếp cận tài chính cho gần 3 tỷ người ở các thị trường mới nổi.
Metakovan là bí danh số của doanh nhân, nhà lập trình, nhà đầu tư Canada gốc Ấn tên Vignesh Sundaresan, cựu thành viên của Y-Combinator (lò ấp các startup nổi tiếng như Stripe, Airbnb, Cruise Automation, DoorDash, Coinbase, Instacart, Dropbox, Twitch, và Reddit) và người đồng sáng lập quỹ NFT lớn nhất thế giới Metapurse (nắm khoảng 189 triệu $) cùng nhà báo Anand Venkateswaran (với bí danh số Twobadour). Để hình dung rõ hơn về hệ sinh thái NFT mà họ kiến tạo, hãy cùng nhìn vào danh mục đầu tư Metapurse được mô tả tinh gọn trên Crunchbase, cụ thể là 4 khoản đầu tư Series A: (1) Nas Academy, nền tảng giáo dục của blogger đầy tranh cãi Nas Daily hay Nuseir Yassin, người tạo ra các video du lịch 1 phút có tính lan tỏa mạnh (viral). Người dùng có thể tìm thấy các khóa học về crypto của Metakovan trên Nas Academy; (2) Mintable - nền tảng giúp tạo ra (mint), mua và bán các sáng tạo nghệ thuật trên chuỗi khối (blockchain), (3) Animoca Brands - cấp quyền tài sản số (đã giới thiệu ở trên); và (4) OpenSea - sàn giao dịch số các collectibles và NFT đầu tiên và lớn nhất trên thế giới - nơi Metapurse đang nắm khoảng 257 tác phẩm số. Dựa trên 4 trụ cột này, Metapurse có thể phần nào thâu tóm các nội dung hay tác phẩm số đắt giá nhất. Thương vụ mua lại tác phẩm của Beeple với mức giá gần 70 triệu $ bị đồn đoán như một động thái bơm thổi cho token B.20 do Metapurse phát hành, người sở hữu token này có thể dùng để đầu tư vào tập hợp các NFTs nghệ thuật giá trị nhất (như các tác phẩm của Beeple) cùng các bảo tàng ảo. Mâu thuẫn lợi ích (conflict of interest) khó có thể tránh khỏi khi Vignesh và Beeple lần lượt nắm 59% và 2% token B.20.
Mặc cho những e ngại về chủ nghĩa cơ hội NFT hay hiện tượng bong bóng (bubble - tăng giá đột biến), vốn dĩ nếu vỡ ra sẽ giúp thanh lọc những dự án NFT tốt nhất như cách bong bóng dot.com làm với các công ty Internet trong những năm 1990, NFT đang trên đà phát triển mạnh mẽ và len lõi vào nhiều địa hạt đa dạng khác. 6 Agency, tạo dựng bởi nhà sản xuất đoạt giải thưởng Grammy Andre Anjoj (RAC), cung cấp dịch vụ tư vấn cho các nghệ sĩ hay người làm nghệ thuật vừa sáng tạo vừa kiếm tiền từ NFT. Thời điểm tác phẩm của Beeple bán với mức giá gần 70 triệu $, Anjos cũng kiếm được gần 708 nghìn $ cho bộ sưu tập NFT liên quan đến album âm nhạc gần nhất của ông mang tên YOU. Các nghệ sĩ giờ đây có thể đưa các tác phẩm nghệ thuật đã được token hóa của mình lên Niio Art (một mô hình Netflix dành cho thế giới nghệ thuật số).
Thêm nữa, NFT giúp các tài sản được token hóa để đưa lên chuỗi khối giúp giao dịch dễ dàng trong thế giới tài chính phi tập trung (DeFi). Cụ thể, các giao dịch được thực hiện nhanh chóng không thông qua các tổ chức trung gian (đứng ra xác thực thông tin) mà dựa trên sức mạnh của hợp đồng thông minh (smart contract). Điều này đã tái định nghĩa hoàn toàn khái niệm sở hữu (ownership) và tạo nền cho một loạt các dự án DeFi. Synthesis Bank, ngân hàng đầu tư đầu tiên được token hóa, nơi khách hàng có thể đầu tư vào nhiều loại tài sản khác nhau (trên nền smart contract của Ethereum). Quá trình kiểm toán của Synthesis Bank được thực hiện bởi CERTIK - một trong những nền tảng đánh giá và xác thực chuỗi khối lớn nhất thế giới. Insur Ance, tập trung vào mảng bảo hiểm trên DeFi. Cũng có một số dự án DeFi đáng chú ý của người Việt như Kyber Network, tập trung vào thúc đẩy thanh khoản (liquidity/token swaps) trên nền blockchain và Bholdus, nền tảng đưa NFTs gắn với các tài sản trong thể giới thực nhằm phục vụ thế chấp hay đánh giá tín dụng trong thế giới DeFi. Sự nhộn nhịp của một loạt các mô hình kinh doanh mới, chuyển đổi nhận thức về "giá trị" của công chúng cùng cách cấu trúc kinh tế cũ dần bị "phá bĩnh" (disruption) sẽ khiến chúng ta khó có thể rời mắt khỏi sự vận động của "kinh tế token" (tokenomics) trên nền web 3.0.