Đừng hỏi ca sĩ opera những câu này

[Chia sẻ] Tác giả bài viết, Chelsea Feltman, là ca sĩ opera giọng Soprano chuyên nghiệp, tốt nghiệp thạc sĩ thanh nhạc tại Nhạc viện Juilliard danh tiếng. Cô cũng là nhà đồng sáng lập và giám đốc nghệ thuật của The Secret Opera, một công ty khởi nghiệp ở New York, dùng opera như một phương tiện để thúc đẩy và truyền cảm hứng cho những thay đổi tích cực trong cộng đồng. [Bài đăng trên tạp chí tia sáng]

Có một kịch bản chung thế này: Tôi gặp ai đó mới quen trong một bữa tiệc và chúng tôi cùng trò chuyện về công việc của nhau. “Tôi là ca sĩ opera”, tôi chia sẻ. “Tôi đã kết thúc khóa học thạc sĩ về thanh nhạc biểu diễn và vừa đi thử giọng, đã tham gia một số chuỗi hòa nhạc và đang cố gắng gia nhập ngành biểu diễn này”. Y như rằng, một trong số các câu đáp lại kiểu gì cũng sẽ là:

– “Ồ! Chị sẽ thi American Idol chứ?”

– “Tôi cũng thích vở ‘Phantom of the Opera’ lắm đấy.”

– “Chị có nghe cô bé mới 14 tuổi, Jackie Evancho, mà hát opera rất hay chưa?”

Những lúc ấy, tôi không biết liệu có nên dành ra 20 phút để giải thích rằng tất cả những điều trên đều vô cùng khập khiễng, hay đơn giản chỉ cười và nói “chắc chắn rồi!” cho xong chuyện bởi vì tôi không muốn làm kẻ dạy đời. Opera quá xa lạ với truyền thông chính thống bởi vậy thật khó để chê trách ai đó vì đã không biết: a) American Idol không phải là cuộc thi dành cho các ca sĩ opera, b) “Phantom of the opera”, dù có từ “opera” trong tiêu đề đấy nhưng thực tế nó không phải là một vở opera, và c) cô bé Evancho, dù tài năng, nhưng không phải là ca sĩ opera.

Có thể sẽ bất ngờ đối với những người không phải là fan của opera khi biết rằng opera giờ đây đang lâm vào tình trạng khủng hoảng. Mỗi sáng, tôi đọc được ít nhất năm bài báo mới than vãn về “sự hấp hối của Opera” tại Mỹ và khắp nơi trên thế giới. Những nhà hát tên tuổi đang chật vật đối phó với vấn đề tài chính, còn những nhà hát nhỏ hơn thì đơn giản là đóng cửa. Vài tuần trước thôi, tờ Guardian có đăng một bài báo, trong đó Peter Gelb, Tổng giám đốc điều hành của nhà hát Metropolitan Opera đã phát biểu rằng Met có thể sẽ phá sản trong vòng hai – ba năm tới. Tờ New York Times tiếp nối bằng bài xã luận vẽ nên một bức tranh đầy u ám về những khó khăn tài chính và những vụ tranh cãi nội bộ tại Met. Một bài viết gần đây trên trang qz.com, tiết lộ, thậm chí ngay cả ở Ý, cái nôi của opera, người ta cũng đang hết sức chật vật để giữ cho bộ môn nghệ thuật này có thể tồn tại.

Tất cả mọi người đều biết rằng có gì đó không ổn ở đây, nhưng làm thế nào để giải quyết vấn đề?

Một số người nhận định, opera cần phải bắt kịp thời đại bằng việc sử dụng nhiều hơn những ca sĩ có ngoại hình hấp dẫn với công chúng phổ thông, cần thêm thắt những yếu tố gia vị như tình dục, ma túy, rock ‘n roll vào những dàn dựng mới. Số khác lại chỉ trích điều đó chỉ làm cho loại hình nghệ thuật này trở nên rẻ rúng, phá hủy những giá trị nguyên vẹn của âm nhạc, mua vui cho khán giả. Tôi thường khóc thầm trong lòng mỗi khi thấy những dàn dựng truyền thống tuyệt đẹp của [đạo diễn, nhà sản xuất opera người Ý] Zeffirelli bị thay thế bởi những ý tưởng câu khách, những sản phẩm theo phong cách tối giản, trông giống như đồ Ikea, hay những cách tân thời thượng tùy tiện.

Tôi rất thích sân khấu thể nghiệm và những buổi biểu diễn khiến tôi thực sự phải suy ngẫm. Có điều, cũng chẳng phải là một cách diễn giải hay ho về thực trạng xã hội khi đem Rigoletto [vở opera ba màn của Giuseppe Verdi, ra mắt lần đầu năm 1851] đặt vào bối cảnh Las Vegas thập niên 1950 với những cô gái điếm và vũ công múa cột. Trong khi đó, vở opera xuất sắc chuyên chở nhiều quan điểm chính trị của John Adams – Cái chết của Klinghoffer1 – vừa bị rút khỏi buổi truyền hình trực tiếp chất lượng cao mùa diễn tới chỉ vì những ý kiến quy chụp rằng tác phẩm ấy có tính chất bài Do Thái và tỏ ý cảm thông với những kẻ khủng bố. Những ai đã từng xem vở diễn này đều có thể nói rằng điều đó không hề đúng. Những tên giết người trong vụ Leon Klinghoffer năm 1985 vốn được mô tả đúng như những tên máu lạnh vô nhân tính. Tuy vậy, Adams đã khắc họa những kẻ khủng bố người Palestine đó như những con người có suy nghĩ, xúc cảm và động cơ hành động, dù rằng đó là những hành động đáng ghê tởm. Dường như điều này rất dễ gây tranh cãi đối với lớp khán giả của thế kỉ XXI.

Tôi cho rằng, không ai cảm nhận rõ tầm nghiêm trọng của việc suy thoái bản sắc opera hiện nay hơn là giới ca sĩ trẻ, những người đang cố gắng hiểu được sự thay đổi của bối cảnh nghệ thuật. Chúng tôi cảm nhận được áp lực phải trở nên gầy hơn và gợi cảm hơn, cả dáng vẻ lẫn giọng hát của chúng tôi giờ đây đều trở thành đối tượng của các nhà phê bình chuyên nghiệp. Đặc biệt với những ca sĩ nữ, họ thường chỉ được chú ý vì quá thấp béo, hoặc khi họ dùng vẻ ngoài gợi cảm để tiếp thị bản thân. Sau đêm diễn vở Der Rosenkavalier [tạm dịch: Hiệp sĩ Hoa hồng, vở opera hài hước gồm ba màn của Richard Strauss, công diễn lần đầu năm 1911] trong vai Octavian tại [nhà hát] Glyndebourne [London, Anh], giọng nữ trung 25 tuổi Tara Erraught phải chịu hàng loạt những đánh giá thiếu thiện chí chỉ vì dáng người “thấp lùn” và “mũm mĩm như chú cún con”. Trong khi đó, người đồng nghiệp của cô, Kate Royal, với dáng người mảnh dẻ hơn, lại được miêu tả là trông gầy gò, thiếu sức sống. Vậy nên, trừ khi bạn có dáng vẻ gợi cảm như những người mẫu bikini nóng bỏng và lúc nào cũng phải trông như chưa đến 30, không thì coi như bạn đã hết cơ hội.

Chúng tôi vẫn được dạy ở nhạc viện rằng cần phải có đầu óc kinh doanh, tự tạo cơ hội cho mình, nhưng đồng thời vẫn phải luôn thận trọng. Con đường đi đến thành công trong opera cổ điển khá nhỏ hẹp; ngành biểu diễn này không có cửa cho những ca sĩ tìm kiếm thành công bằng cách đi tắt. Một ca sĩ nhạc pop có thể tải nhạc của mình lên Youtube, nhận được hàng triệu lượt xem và ký được hợp đồng ghi âm. Tất nhiên, chúng tôi cũng có thể tải những bản ghi âm của mình lên mạng, nhưng cách làm này gần như chẳng bao giờ dẫn chúng tôi đến một công việc “đáng trọng”. Muốn có được những công việc như vậy, chúng tôi phải đến vô số buổi thử giọng, tham gia các cuộc thi và làm dày hồ sơ cá nhân bằng những thành tích “phù hợp”, hy vọng sẽ tìm được đúng người chịu nghe chúng tôi và đưa chúng tôi lên tầm cao mới. Đối với một ca sĩ opera, tìm kiếm sự nổi tiếng trên mạng theo kiểu Justin Bieber gần như chắc chắn sẽ hủy hoại cơ hội được nhìn nhận một cách nghiêm túc.

Điều khó khăn không chỉ nằm ở việc phải trở thành một người có đầu óc kinh doanh. Các diễn viên thường được khuyến khích tự viết và sản xuất những sản phẩm của riêng họ trong khi chờ đợi những cơ hội lớn; ca sĩ có lẽ gặp nhiều trở ngại hơn. Ca sĩ opera vốn không phải là những người đa năng. Tôi đã thành lập một công ty khởi nghiệp về opera cùng hai ca sĩ khác, và có rất nhiều người cảm thấy khó hiểu. “Vậy là bạn muốn chuyên về âm nhạc mới? Bạn muốn trở thành một nhà quản lý nghệ thuật?” Thực sự, tôi chỉ muốn trở thành một ca sĩ opera, làm những điều thú vị, khiến tôi thỏa mãn trong nghệ thuật, và tôi đã chán chờ đợi một cơ hội hoàn hảo xuất hiện. Tạo ra công việc mới và độc lập không làm giảm đi tình yêu của tôi với những vở opera cổ điển. Nhưng hiện tại, nó dường như là một sự mâu thuẫn về lợi ích. Với rất nhiều yếu tố chông chênh, đôi khi ca hát lại bị xếp xuống cuối cùng.

Mà suy cho cùng, ca hát mới là vấn đề chính chúng ta đang bàn ở đây. Ít người biết rằng vô số những giờ học và luyện tập mới tạo nên được một ca sĩ opera với những kỹ năng âm nhạc, trình diễn, ngôn ngữ và dàn dựng sân khấu cần phải có để làm chủ được một trong những thứ âm nhạc thách thức nhất trên thế giới. Tôi thường liên tưởng opera với cuộc tranh tài tầm cỡ Olympic trong lĩnh vực ca hát vậy; còn giáo viên thanh nhạc của tôi thì so sánh việc nghe một ca sĩ vĩ đại hoàn toàn làm chủ giọng hát của mình cũng giống như được xem một nghệ sĩ trượt băng trưng trổ những kỹ thuật khó một cách hoàn mỹ. Bên trong ca sĩ opera ẩn chứa một thể lực tuyệt vời. Chỉ một người mà có thể tạo ra tiếng hát vượt lên trên dàn nhạc, bao quanh bởi 4.000 khán giả mà không cần bất kỳ thiết bị khuếch âm nào; họ cũng chẳng cần đến kỹ thuật điện tử để tạo ra những màn trình diễn hoàn hảo; họ có thể hát cao hơn, thấp hơn, nhanh hơn và giữ hơi lâu hơn bất kỳ ai trên thế giới – trong khi kể những câu chuyện kỳ vĩ nhất và dâng hiến những cảm xúc mãnh liệt nhất. Chẳng phải là quá thú vị sao? Từ tận đáy lòng, tôi cảm thấy nếu công chúng thực sự biết đến những điều đó, họ sẽ chẳng thể bỏ qua opera với lý do nó là thứ nghệ thuật xa xỉ, không phù hợp, hay thậm chí là tức cười. Một vở opera hoàn hảo là sự kết hợp tuyệt vời giữa sự làm chủ kỹ thuật, thể lực bền bỉ và nhãn quan nghệ thuật mà chẳng có thứ trang phục gợi cảm hay dàn dựng câu khách nào có thể thay thế được.

Vậy thì opera có cần được giải cứu? Có lẽ ngành nghệ thuật này cần một cuộc đại trùng tu, từ cách dùng tiền đến cách nhìn nhận, đối xử với nghệ sĩ, cho phép họ theo đuổi nghệ thuật của mình. Nhưng opera không cần trở thành thứ gì đó không phải chính nó. Chúng ta không cần phấn đấu để giống nhạc pop, TV, hay Hollywood hơn. Thay vào đó, chúng ta nên trở về với bản chất của hình thái nghệ thuật này: không rào cản ngăn cách, nỗ lực hết mình, dùng toàn bộ sức mạnh phi thường của giọng ca để mang lại sự phấn khích và cảm hứng cho tất cả mọi người.

Biển Đông và Hoàng Giang dịch
Nguồn:

Don’t ask a young opera singer these three questions
It’s a common scenario: I meet someone new at a party and we get to talking about our work. “I’m an opera singer,” I say.…