Edmond de Rothschild, Israel và tài phiệt Nga
Edmond de Rothschild Group (ERG) là một định chế tài chính có tuổi đời gần 250 năm, quản lý 170 tỷ $, với hơn 2600 nhân viên – niềm tự hào của trung tâm tài chính Thụy Sĩ đồng thời là cánh tay đầu tư nối dài tại Pháp và Thụy Sĩ của gia tộc Do Thái đình đám Rothschild (song song với Rothschild & Co và RIT Capital). Tổ chức này do Benjamin de Rothschild cùng vợ mình Ariane (một nhà quản lý tài chính sinh ở El Salvador) dẫn dắt, ông là một trong những người kế thừa nhánh kinh tài Pháp, thuộc thế hệ thứ bảy tính từ nhà sáng lập Mayer Amschel Rothschild, người tạo dựng ra một đế chế tài chính khổng lồ ngay tại khu phố nghèo (ghetto) thuộc Franfurt, Đức trong thế kỷ 18.
Benjamin là chắt ruột của bá tước Edmond James de Rothschild (EJR), nhân vật đóng góp và định hình mạnh mẽ phong trào Phục Quốc Do Thái (Zionism), tạo nền cho việc thành lập nhà nước Israel năm 1947 (State of Israel). Tầm ảnh hưởng của EJR tại Israel vô cùng to lớn: rót vốn xây dựng thành phố lớn thứ tư ở Israel – Rishon LeZion (nằm ở phía Nam Tel Aviv), định hình ngành công nghiệp rượu vang của Israel, thành lập PICA (Liên Đoàn Thuộc Địa Do Thái Palestine) thâu tóm đến 50 ngàn ha đất tại Israel. Con trai EJR, James de Rothschild, nối tiếp cha mình dành một phần tài sản cho việc xây nên tòa nhà Quốc Hội Israel Knesset (ông cũng là người sỡ hữu tòa lâu đài đồ sộ Waddesdon Manor tại Anh mà sau này giao lại cho National Trust, một tổ chức bảo vệ di sản).
Ông nội của Benjamin, Maurice Edmond Karl de Rothschild (em trai của James), sau khi thừa hưởng nhánh “tài chính” của gia tộc ở Naples (do người phụ trách Adolphe Carl von Rothschild không có con kế thừa) đã đưa cả gia đình đến Thụy Sĩ và thành lập cơ sở kinh doanh mới ở đây. Trên cái nền nhiều thế hệ trước xây dựng, Edmond Adolphe de Rothschild (EAR – con trai Maurice hay bố của Benjamin) tạo dựng định chế ERG – Edmond de Rothschild Group (với cái tên sơ khởi – La Compagnie Financière Edmond de Rothschild) vào năm 1953 nhằm đưa hoạt động ngân hàng gia tộc chảy từ Pháp qua Thụy Sĩ, Luxembourg rồi đến Hoa Kỳ (như mua lại Bank of California). Năm 1969, ERG giới thiệu một mô hình đầu tư mới có tên gọi “fund of funds” – một chiến lược đầu tư tập trung vào việc năm giữ một danh mục quỹ (portfolio of investment funds) thay vì rót tiền trực tiếp vào cổ phiếu, trái phiếu hay các chứng khoán khác – nhờ bộ máy tài chính này mà EAR đa dạng hóa các khoản đầu rải từ ngân hàng sang nông nghiệp, rượu vang, nhà hàng khách sạn hay du thuyền – biến ông trở thành người được đồn đoán là giàu có nhất gia tộc Rothschild.
Trong thập niên 1950, giai đoạn kiến thiết nhà nước mới thành lập Israel, EAR đã trao tặng một phần tài sản gia tộc cho quốc gia. Cụ thể, ông cho đi 7500 acres của thị trấn Caesarea cho quỹ Caesarea Rothschild Foundation (mà chia sẻ sỡ hữu với nhà nước Israel cùng cam kết lợi nhuận được phân phối cho các chương trình giáo dục ở Israel). EAR cũng đầu tư mạnh mẽ vào tổ chức tài chính Israel General Bank tại Tev Aviv mà sau này bán lại cho một ngân hàng Nam Phi (1996) và đổi tên thành Investec Clali Bank Ltd. Sau chiến tranh Sáu Ngày (Six-Day War) với thất bại nặng nề của khối Ả Rập (1967), EAR cùng tạo dựng quỹ Israel Corporation Investment với những cá nhân giàu có nhất Israel, dưới sự sắp đặt của bộ trưởng tài chính Pinchas Sapir, nhằm rót vốn vào nhiều dự án kiến thiết Israel khác. Ngài bá tước EAR cũng đồng thời là chủ tịch của Caesarea Development Corporation và Israel European Company Isrop (ở Luxembourg), người bảo trợ hay sáng lập một loạt các tổ chức giáo dục – văn hóa ở Israel. Tòa công trình Tòa Tối Cao ở Jerusalem cũng một phần do ông rót vốn. Có thể nói, mọi ngóc ngách ở Israel đều có bàn tay lông lá của gia tộc Rothschild, đặc biệt là nhánh Pháp – Thụy Sĩ.
Benjamin de Rothschild (BR) kế thừa vị trí chủ tịch ERG sau khi cha ông qua đời vào năm 1997 đồng thời tái cấu trúc toàn diện tổ chức: tập trung hơn vào các hoạt động chính yếu liên quan quản lý tài sản (asset management) và mua bán- sáp nhập (M&A). Benjamin cũng nối tiếp công việc đầu tư tại Israel của cha ông mình bằng cách thành lập Edmond de Rothschild Investment Services (ở Israel) vào năm 1999 đồng thời kế thừa Caesarea Rothschild Foundation. Vũ trụ của ERG bao gồm hệ thống ngân hàng Edmond de Rothschild trải rộng nhiều nước (tổ chức này cũng bảo trợ cuộc thi khởi nghiệp nổi tiếng Seedstars World) , Edmond de Rothschild Heritage – tổ chức quản lý toàn bộ tài sản thuộc mảng phong cách sống (lifestyle-oriented assets – như các nhà rượu vang, lâu đài, khách sạn như Four Seasons Hotel Megeve), Fondations Edmond de Rothschid – một tổ chức thành lập 2005 nhằm quản lý công việc thiện nguyện của gia đình (cùng những ảnh hưởng đến văn hóa – nghệ thuật) và Gitana – một đội thuyền buồm (sailing team) được thành lập vào năm 2000 (sau khi Benjamin mua con thuyền Elf Aquitaine dài 18 mét), nối tiếp truyền thống thuyền buồn của gia tộc khởi đầu từ những năm 1876 trên lòng hồ Geneva.
Ariane de Rothschild, vợ của Benjamin, được ông bổ nhiệm làm CEO ERG vào năm 2015 để rồi sau đó bốn năm, bà dẫn dắt nỗ lực mua lại toàn bộ các cổ phần người ngoài sở hữu (dưới 2%) để chuyển ERG thành tổ chức tư nhân 100% hay ngân hàng duy nhất ở Thụy Sĩ được nắm hoàn toàn bởi một gia đình – động thái góp phần tinh giản cấu trúc tổ chức đồng thời xóa bỏ các tranh chấp nội bộ giai dẳng (như mâu thuẫn quanh việc sử dụng thương hiệu Rothschild với tổ chức Rothschild & Co do David de Rothschild, một người anh họ của Benjamin quản lý).
Bài viết ngắn dưới đây của Financial Times mô tả “tranh chấp” nghiêm trọng gần đây giữa ERG với tài phiệt Nga Sergei Bogdanchikov, người cáo buộc tổ chức này đang áp dụng mô hình lại quả phi pháp (kickback scheme) để gây thiệt hại cho các nhà đầu tư – vụ việc có thể gây ảnh hưởng rất lớn đến danh tiếng gia tộc Rothschild. Một bức tranh phức tạp nhưng rất thú vị về tài chính quốc tế, thứ mà Mayer Amschel Rothschild, ông tổ của gia tộc Rothschild định hình:
Nhà tài phiệt khổng lồ Nga đã cáo cuộc Edmond de Rothschild, một ngân hàng tư nhân Thụy Sĩ, tham gia vào hệ thống “lại quả phi pháp” (kickback scheme) nhằm đút túi (pilfered) hàng trăm triệu đô la từ quỹ đầu tư của ông và gây thiệt hại hơn 100 triệu $. Vụ kiện tụng (lawsuit) này được thúc đẩy bởi Sergei Bogdanchikov, cựu lãnh đạo Rosneft, một tập đoàn hóa dầu Nga. Bogdanchikov cáo buộc các quản lý cấp cao của Rothschild – những người có mối liên hệ thân thiết với nữ bá tước Ariane de Rothschild (chủ tịch của ngân hàng này) đã liên thủ với một số nhân vật đông Âu đang sinh sống ở Brooklyn (New York) nhằm qua mặt ông. Thông tin vụ việc được tòa bang New York tiếp nhận vào Thứ Tư vừa rồi, nhằm điều tra khoản thiệt hại hơn 100 triệu $ đồng thời cáo buộc “bộ khung tội lỗi” trên được tạo ra với sự hỗ trợ của Mossack Fonseca, hiện tại là một hãng luật đã không còn tồn tại, nổi tiếng với việc thiết lập các công ty “offshore” bí mật (công ty đăng ký thành lập và được bảo hộ bởi một địa chỉ ngoài biên giới quốc gia mà nó đang hoạt động), từng bị phanh phui bởi tài liệu Panama (Panama Papers).
Luật sư đại diện của Bogdanchikov, Tibor Nagy chia sẻ: “Rothschild, cái tên kiêu kỳ của ngành ngân hàng phương Tây dần trở nên xảo trá. Tổ chức này đã sử dụng những nhà môi giới dối trá (sham) và quản lý đầu tư mờ ám (shady) nhằm chiếm đoạt tiền khách hàng.” Edmond de Rothschild từ chối bình luận về vụ việc. Bogdanchikov trước đó đã từng kiện ngân hàng này ở Luxembourg và Thụy Sĩ nhưng gần đây mới phát hiện sự liên đới trong vụ việc của một số tổ chức liên quan đến ngân hàng này ở New York, tạo đà cho kiện tụng ở Mỹ. Bogdanchikov được chỉ định làm chủ tịch của Rosneft, một tập đoàn hóa dầu ở Nga, vào năm 1998 nhằm giúp bình định tổ chức này trong giai đoạn hỗn loạn hậu Xô Viết nhưng sau này bị gạt ra và trao quyền kiểm soát Rosneft cho Igor Sechin, một đồng minh thân cận của Tổng Thống Nga Putin.
Carlo Thewes, một cựu giám đốc điều hành tại Rothschild, tiết lộ với Bogdanchikov ông là người thân cận với nữ bá tước (Ariane), là tai và mắt (eyes and ears) của bà tại ngân hàng, nhằm chiếm lòng tin của nhà tài phiệt Nga. Quý ngài Thewes thậm chí còn mời ông (một kĩ sư khá ngây thơ về đầu tư) đến thăm dinh thự Chateau de Rothschild của nữ bá tước ở ngoại ô Geneva. Nội dung vụ kiện ghi rõ: “Sự lừa đảo bắt nguồn bởi ảo ảnh (illusion): sử dụng tên tuổi lâu đời Rothschild, với hơn 250 năm, nhằm tạo dựng lòng tin để sau đó lạm dụng “sự tin tưởng” qua cơ chế lại quả phi pháp.” (kickback scheme). Bắt đầu từ năm 2001, Bogdanchikov gửi tổng cộng 150 triệu $ cho Rothschild qua một phương tiện đầu tư tên Fortinvest. Ông yêu cầu Thewes đầu tư khoản tiền này một cách thận trọng. Thay vì đáp ứng yêu cầu khách hàng, Thewes tìm một số trung gian (intermediaries) ở New York để quản lý các quỹ của Fortinvest với chi phí rất cao để sau đó khoản tiền này được lại quả (kicked back) cho Thewes và gia đình Rothschild.
Một trong những đơn vị trung gian bị cáo buộc là Fontanelle Capital, do Vladimir Oblonsky và vợ ông ta Olga quản lý tại một văn phòng ở Brooklyn. Fontanelle đã chuyển (steered) một số lượng tiền của Fortinvest tới một hãng đầu tư khác ở New York là OIM, do một gã tên Mikhail Filimonov quản lý. Tuy nhiên, tổ chức này đã đánh mất số tiền 10 triệu $ của Bogdanchikov sau khi mua một số trái phiếu chuyển đổi do một công ty vệ tinh lừa đảo của Ấn Độ phát hành. Cả hai quí ngài Oblonsky và Filimonov đều không phản hồi các cáo buộc của vụ kiện. Bogdanchikov không phát hiện ra các vụ lừa đảo mãi đến 2016 bởi gia đình Rothschild tạo ra hai tập sổ sách để giấu diếm các khoản thua lỗ (two sets of books). Ngân hàng này cũng yêu cầu Mossack Fonseca tạo dựng một số công ty bí mật có khả năng can thiệp vào một số giao dịch của Fortinvest mà không thông báo cho Bogdanchikov. Ngoài khoản phí “quá mức” hàng triệu đô la, Bogdanchikov cũng cho rằng mình đã thua lỗ khoảng 86 triệu đô vào những phi vụ đầu tư hời hợt mà mình không nắm rõ. Thewes, người rời khỏi Rothschild vào năm 2016, cùng Fontanelle bị cáo buộc tuyển dụng các nhà quản lý đầu tư không dựa trên kĩ năng hoặc kinh nghiệm mà tinh thần sẵn sàng tham gia vào “cơ chế lại quả phi pháp”.