Ấn Độ và chế độ đẳng cấp
[Ấn Độ – New Delhi]
Mặt trời lấp la lấp ló sau màn sương mù dày đặc của Delhi. Trong bộ dạng ngái ngủ sau chuyến bay khuya mệt mỏi từ Hyderabad, mình đón chuyến tàu điện ngầm từ sân bay Indira Gandhi để đến trung tâm thủ đô. Vùng đất Bắc Ấn chào đón gã người Việt xa lạ bằng một bầu không khí bàng bạc u ám vừa se lạnh vừa ngột ngạt cùng với đó là một mùi vị rất khó tả ập đến ngang sống mũi khiến mình sốc và bừng tỉnh. New Delhi hiện ra trong khung cảnh hỗn loạn của dòng người và xe đông đúc hồi hả ngược xuôi trên các cung đường chật hẹp. Sự cùng cực khổ đau của con người đập ngay trước mắt. Bên hông nhà ga, từng cụm người vô gia cư tụ tập quanh những căn bếp tự chế để chuẩn bị cho bữa ăn sáng, khói bếp bốc lên từng đợt hòa lẫn cùng khói bụi xe. Dáng dấp lụi cụi của họ cùng sự khắc khổ hiển hiện sống động trên khuôn mặt đen đúa phần nào cho du khách cảm nhận thế nào là sự nghèo hèn ở tầng lớp đáy cùng xã hội. Xung quanh đó, rác rưới bao phủ khắp nơi với tần suất và sự dày đặc đáng kinh ngạc. Hóa ra cái mùi rất “Ấn” đó là tổng hòa của mùi xú uế, mùi khói bụi, mùi sinh vật hòa lẫn cùng mùi của những quầy hàng thức ăn và trà sữa dọc theo vỉa hè. Để thêm phần kỳ lạ, không gian nặng nề được điểm tô thêm bởi những chú chó hoang nằm yên ắng giữa đám đông khách bộ hành cùng bầy quạ đen to xác bay tứ tung trên nền trời. Khung cảnh này khiến mình có một cảm giác hỗn độn vừa sốc vừa tò mò. Ấn Độ lần này quá khác biệt so với những gì mình chứng kiến tại Hyderabad hay chỉ cách đó vài phút trên chuyến tàu điện ngăn nắp sạch sẽ. Thật háo hức khi Ấn Độ và Delhi sẽ là một phần trong tâm khảm của mình những ngày tới.
Tạo hóa không cho phép con người được lựa chọn nơi sinh ra. Dù với nền tảng ban đầu thế nào, mỗi cá nhân đều phải lựa chọn cho mình một thái độ tích cực và phấn đấu hết mình để tiến về phía trước. Mọi xã hội cần được thiết kế để duy trì niềm tin phổ quát rằng mọi nỗ lực sẽ được đền đáp xứng đáng. Nhưng Ấn Độ đã cho mình một góc nhìn khác. Rohith Vemula là nghiên cứu sinh (26 tuổi) bậc Tiến sĩ thuộc Đại học Hyderabad và là tác giả của quyển sách mang tên “Chế độ đẳng cấp không phải là một tin đồn”. Anh là nhà hoạt động tích cực cho của quyền của sinh viên “Dalit” thuộc tổ chức Hiệp hội Sinh Viên Ambedkar (ASA). Vào ngày 17 tháng 1 năm 2016, anh được tìm thấy treo cổ tự tự chết cùng một biểu ngữ màu xanh của ASA ở một căn phòng tạm (của một Umma Anna) mà anh vừa chuyển đến sau khi bị trục xuất khỏi khu nhà trọ của trường. Lá thư tuyệt mệnh anh để lại là lời chỉ trích trực diện cái hệ thống đã gây ra cái chết cho anh:
“Giá trị của một người đàn ông bị suy giảm chỉ vì danh tính trực tiếp của anh ta và những gì khả dĩ gần nhất. Có thể bởi một lá phiếu, bởi một con số hay bởi một thứ gì đó mơ hồ khó lý giải. Anh ta không được đối đãi bởi khả năng tư duy và trí tuệ của mình. Như một thứ gì đó huy hoàng được tạo ra từ cát bụi. Trong mọi lĩnh vực, mọi ngành học, mọi con đường, mọi nền chính trị, trong cả cái chết và sự sống.
Lần đầu tiên tôi viết một lá thư kiểu như thế này. Đầu tiên nhưng cũng là cuối cùng. Hãy tha thứ cho tôi nếu mọi thứ tôi viết ra sau đây là vô nghĩa. Có thể tôi đã sai, theo cách nào đó, trong cái thế giới mà người ta có thể tri giác được. Trong việc thấu hiểu về tình yêu, nỗi đau, sự sống và cái chết. Chẳng có gì phải vội vã. Nhưng tôi luôn cảm thấy một sự thôi thúc bên trong mình, một sự tuyệt vọng thấu cùng để tiếp tục sống. Dẫu sao, sự thật là có một vài người mà với họ cuộc sống là một sự nguyền rủa. Sự sinh thành của tôi là một tai nạn chết người. Tôi không bao giờ có thể hồi phục sau khi trải qua nỗi cô độc thời niên thiếu. Một đứa trẻ bị coi thường trong quá khứ. Lúc này đây tôi cảm thấy không đau đớn, tôi cũng không buồn phiền. Tôi chỉ cảm thấy trống rỗng. Buông lỏng bản thân. Thật là một tình cảnh bi đát. Đó là lý do tại sao tôi làm điều này.
Và khi tôi đã ra đi, mọi người có lẽ sẽ ngay lập tức gán cho tôi cái danh hiệu “kẻ hèn nhát”, hoặc “ích kỉ”, hoặc “ngu ngốc” . Thú thực, tôi chẳng bận tâm mọi người sẽ gọi mình là gì. Tôi không tin vào cái gọi là sự sống sau cái chết, ma quỷ, và những thứ tâm linh. Nếu có một điều gì đó mà tôi tin tưởng, tôi tin rằng mình sẽ du hành đến các vì sao. Và tôi sẽ biết thêm về nhiều thế giới khác. Tôi cũng quên mất phải viết lá thư này theo đúng quy cách thưa gửi. Sẽ không ai phải chịu trách nhiệm cho hành động này của tôi. Cũng không ai xúi bẩy tôi, cho dù là bởi hành động của họ hay lời nói dẫn dắt hành động ấy. Đây là quyết định của chính tôi mà tôi phải là người duy nhất hoàn toàn chịu trách nhiệm.”
Vemula sinh ra ở quận Guntur thuộc bang Andhra Pradesh trong cộng đồng Mala (mẹ được xếp vào tầng lớp bần nông/Scheduled Caste và cha là tầng lớp chậm tiến/Other Backwards Class – theo cách phân loại của chính phủ Ấn) là tập hợp những người thuộc tầng lớp Dalit (chiếm 16% dân số Ấn Độ), một giai cấp dưới đáy trong thang tầng xã hội Ấn Độ thường được xem là “không đáng để nhắc tới”. Dalit bị xếp ngang hàng với súc vật, quyền con người của họ bị chà đạp mà không ai bênh vực và chỉ được phép làm những công việc kinh tởm nhất với mức thu nhập dưới 2$ một ngày. Ảnh hưởng của Hindu giáo phủ một cái bóng phân biệt giai tầng khủng khiếp lên xã hội Ấn Độ. Theo truyền thống đó khi sinh ra, con người đã là kết quả “sổ số” của Tạo hóa, ở đây là đấng Phạm Thiên (Brahma) trong Hindu Giáo. Theo đó số phận của họ đã được định đoạt bởi giai tầng mà họ thuộc về. (Brahmins, Kshastriyas, Vaishyas, Sudras, Dalits). Con đường tiếp cận giáo dục bậc cao của Vemula và những người thuộc tầng lớp cùng khổ như anh trước tiên là do nỗ lực cung cấp giáo dục miễn phí từ chính phủ Ấn cho mọi tầng lớp và sau hết là ở nỗ lực tìm tòi tri thức qua các học bổng mà anh săn được. Dù vậy cánh cửa tương lai chưa chắc đã rộng mở.
Vào tháng 7 năm 2015, trường đại học đột ngột thông báo sẽ ngừng chu cấp khoản học bổng trị giá 25000 rupee (tương đương 390$) hàng tháng cho Vemula. Nguyên nhân là do trước đó anh đã tham gia một số hoạt động mang tính chính trị nhằm chỉ trích Hội đồng sinh viên Ấn Độ (ABVP, nơi nổi danh với việc phân biệt đối xử sinh viên và cổ súy cho phong trào quốc gia Hindu) dưới danh nghĩa ASA. Cụ thể, đó là việc anh bênh vực cho Yakub Memon (chống lại án tử hình), một tù nhân Hồi giáo bị cáo buộc tham gia lên kế hoạch vụ đánh bom Mumbai năm 1993 làm chết gần 257 người cùng việc Vemula tham gia nhóm sinh viên biểu tình chống lại ABVP sau khi hội này có những động thái chỉ trích việc trình chiếu bộ phim tài liệu Muzaffarnagar Baaqi Hai (nói về các cuộc bạo động diễn ra năm 2013 gây chia rẽ bang Uttar Pradesh và bênh vực cho Dalit) ở Đại học Delhi. Một trong các lãnh đạo của chi nhánh ABVP ở Hyderabad tên Nandanam Susheel Kumar đã chỉ trích ASA là bọn ngu đần, điều này khiến cho nhóm sinh viên ASA phẫn nộ và tiến hành bao vây phòng trọ của Kumar để cảnh cáo. Từ vụ việc của Kumar, ABVP sau đó đã viết một lá thư gửi tới cho Dattatreya, một bộ trưởng trong nội các chính phủ nhằm cáo buộc ASA là đang ấp ủ và nuôi dưỡng các hoạt động nhằm cổ súy cho phong trào “của tầng lớp tiện dân”/casteist (chống lại sự phân đẳng cấp theo lý thuyết Hindu), cản trở lại phong trào”quốc gia”/anti-national và xem họ là những kẻ phản quốc. Lá thư này sau đó đã tới tay Bộ trưởng bộ Phát triển Nguồn nhân lực Smitri Irani, bộ này đã gây áp lực với ban quản lý nhà trường, cụ thể là Phó hiệu trưởng P. Appa Rao để trục xuất Vemula và nhóm bạn ASA khỏi nhà trọ của họ (buộc họ phải dựng một lều nhỏ để ở ngay giữa sân trường) đồng thời chấm dứt các khoản hỗ trợ học tập. Sau khi biết tin chính thức về việc học tập của mình bị đình chỉ, Vemula đã treo cổ tự tử.
Vụ việc này đã gây chấn động toàn Ấn Độ thể hiện qua sự giận dữ của công chúng trước cái chết của một học giả kéo theo đó sự bùng nổ của một loạt các cuộc biểu tình cùng sự vào cuộc của hãng thông tấn. Một trường hợp điển hình của việc giới tinh hoa học thuật liên kết với nhau một cách có chủ đích để chống lại các sinh viên thuộc tầng lớp cấp thấp trong xã hội. Các sinh viên Dalit đã chịu tổn thương sâu sắc bởi sự tẩy chay trong một môi trường lẽ ra phải đầy tính nhân văn như môi trường sư phạm. Họ bị đẩy ra ngoài đường khỏi các nhà trọ của mình, không được phép vào một số các tòa nhà của trường ngoại trừ lớp học, thư viện và phòng hội nghị cùng các thảo luận chuyên đề liên quan đến ngành học của họ. Cùng với đó là cảm giác cách ly mà môi trường tạo ra qua những ánh mắt e dè kinh bỉ của những người thuộc đẳng cấp cao hơn.
Dù cho chế độ đẳng cấp từ lâu đã được xem là phi pháp ở Ấn Độ (Hiến pháp Ấn Độ cấm sự phân chia đẳng cấp và đặc biệt cấm sự phân biệt đối xử) nhưng quan niệm truyền thống chịu nhiều ảnh hưởng của đạo Hindu về phân chia đẳng cấp (tôn giáo chi phối trên 70% dân số Ấn) đã lấn át luật pháp hiện đại. Cái quan niệm ấy kéo dài dai dẳng không hề bị mai một đi sau hàng ngàn năm lịch sử (dù hầu hết nhân loại đã ruồng bỏ). Trường hợp của Vemula chỉ là một trong hàng ngàn ví dụ về bi kịch của người Dalit. Môi trường thành phố đã vậy huống hồ gì là ở nông thôn, nơi mà 3/4 dân Ấn Độ sinh sống với nhiều quan niệm bảo thủ trì trệ. Người Dalit nơi đây bị chà đạp đến tận đáy cùng, họ bị cấm đến những công trình công cộng, đền chùa và nhà của những người thuộc đẳng cấp cao hơn. Mọi vật dụng ăn uống sinh hoạt của Dalit đều bị cách ly khỏi phần còn lại của xã hội vì bị xem là ô uế. Nhiều khi chỉ cần một xung đột va chạm nhỏ với tầng lớp trên (như sự tiếp xúc) đều có thể dẫn đến bạo lực cực đoan như bị thiêu sống, hãm hiếp hay bắn chết. Đã trót sinh ra là người Dalit thì từ thế hệ này tới thế hệ kia họ chỉ có thể được phép làm những công việc “không sạch sẽ” như những việc phải tiếp xúc với máu, chất thải và những thứ dơ bẩn (hốt phân, dọn vệ sinh, thiêu xác, thuộc da, thông cống…). Số phận của một con người trong xã hội Ấn dường như đã được an bài khi sinh ra.
Những ngày du hí ở Delhi mình được mời ở nhà một người bạn Ấn tên KR thuộc giới Vaisyas (thương gia chủ điền, lo gánh vác công việc kinh tế theo luật của Hindu) đang theo học ở Đại học Delhi chuyên ngành quản trị kinh doanh. Ngoài việc dành thời gian tham quan các thành quách và đền đài vĩ đại ở Delhi (cùng với Agra). Mình thường ngồi trò chuyện với KR về nhiều khía cạnh khác nhau của xã hội Ấn Độ những lúc cả hai rãnh rỗi. Chủ đề sôi nổi nhất là cách thức chính phủ quản lý và hòa hợp sự đa dạng của Ấn Độ từ địa lý, văn hóa, đến tôn giáo, tín ngưỡng, sắc tộc cùng với chế độ đẳng cấp. Qua đó mình biết thêm về câu chuyện bi kịch của Vemula cùng thái độ giận dữ của giới trẻ Ấn Độ trước sự kiện này, đặc biệt là những ai đang đấu tranh cho quyền của người Dalit và một Ấn Độ bình đẳng hơn.
KR dù sinh ra trong giới đẳng cấp cao nhưng lại có cách nhìn đầy thấu cảm với Vemula. Cậu ấy cùng nhiều người trẻ cấp tiến ủng hộ một xã hội phi đẳng cấp nơi các học giả như Vemula được cống hiến bằng tài năng thực sự. Cái chết của Vemula (hay Vemula đã bước sang một cuộc sống khác theo niềm tin Hindu) thực sự là tiếng chuông cảnh tỉnh cho hệ thống giáo dục phân biệt ngầm ẩn của Ấn Độ. Hàng ngày sau bữa ăn tối lúc 10h khuya (người Ấn thường ăn tối trễ) KR thường chở mình đi vòng vòng Delhi để khám phá phố phường và quan sát tầng lớp “tiện dân” đang đấu tranh vật lộn với cuộc sống cơ cực nơi thành phố 25 triệu dân này. Lúc nào cùng vậy KR mua thêm một phần thức ăn dư để sẻ chia cùng họ, một hành động nhỏ mà cậu ấy tin rằng sẽ hỗ trợ được phần nào cho những người Dalit, đặc biệt là con cái họ đang vật lộn với miếng ăn. Dù xã hội Ấn còn phải oằn mình trước di sản tư tưởng xa xưa, KR luôn tin rằng rồi những thế hệ trẻ nối tiếp với trái tim và khối óc rộng mở giống như cậu sẽ ngày càng nhiều và qua đó góp phần kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn nơi con người được sống ngẩng cao đầu, trưởng thành qua việc tiếp cận giáo dục đồng thời bảo vệ niềm tin “nỗ lực hết mình sẽ được đền đáp”. Chưa bao giờ hai chữ con người lại khiến mình suy nghiệm nhiều đến như vậy như khi ở Ấn Độ.