Aleph và quốc gia "Scale-up"

Israel, cách đây sáu năm, một cách kỳ lạ đã chuyển dịch từ một quốc gia khởi nghiệp (startup nation) thành quốc gia tăng trưởng quy mô (scale up nation) mà dấu hiệu của nó là sự hạn chế rót vốn vào Series A cùng quá trình bùng nổ của các công ty kỳ lân (unicorns). Hiện tại theo thống kê, Israel có khoảng trên 30 kỳ lân (do người Israel sáng lập, tuy nhiên trụ sở có thể không đặt ở Israel mà nước khác như Mỹ). Cộng đồng khởi nghiệp ở Israel ngày nay ngày càng ít tập trung xây dựng một công ty khởi nghiệp chỉ để bán đi (hay “flip”) nhằm thu về khoản tiền “thấp” (ngầm hiểu vài chục triệu đô) mà mong muốn “nhắm bắn mặt trăng” (shoot for the moon) – cụm từ ám chỉ việc tạo dựng công ty trưởng thành: có mô hình kinh doanh bền vững, tăng trưởng dài hạn và phủ sóng toàn cầu – tiến đến địa vị “kỳ lân”.

Dan Senor và Saul Singer trong cuốn sách nổi tiếng (đã phát hành ở Việt Nam 2009) “Quốc gia khởi nghiệp” đã mô tả hành trình phi thường của Israel từ khi lập quốc cho đến khi tạo dựng được một nền tảng công nghệ hay hệ sinh thái khởi nghiệp hàng đầu thế giới xuyên qua các cuộc chiến tranh thù địch với thế giới Hồi giáo xung quanh, nhấn mạnh tầm nhìn và khả năng kỹ trị của Shimon Peres và người bạn vong niên, cha già lập quốc, David Ben-Gurion. Thời điểm 2014, những người gieo hạt giống trên (hay tạo nền móng) đã giúp Israel hái quả: Waze và Trusteer lần lượt được Google và IBM mua lại với giá 1 tỷ $, Viber được Rakuten thâu tóm giá 900 triệu $, cùng quá trình niêm yết công chúng IPO của Wix.com, CyberArk, Crossrider hay Mobileye (gã khổng lồ trong lĩnh vực xe không người lái sau đó đã được Intel mua lại với giá tầm 15,3 tỷ $ – 2017).

Eden Shochat, một kỹ sư công nghệ, là nhân vật điển hình góp phần xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp của Israel. Năm 2012, ông bán công ty khởi nghiệp của mình cho Facebook trong một thỏa thuận không được tiết lộ (ước tính tầm 60 triệu đô): Face.com. Đứa con tinh thần của Eden, đã giúp gã khổng lồ mạng xã hội cải thiện công nghệ nhận dạng khuôn mặt (cụ thể như khi bạn úp một tấm hình lên Facebook và được gợi ý nên tag hình này cho ai ngay lập tức).

Sau đó một năm (2013), ông sáng lập Aleph cùng Michael Eisenberg, một quỹ đầu tư mạo hiểm được đặt tên theo chữ cái đầu tiên của hệ chữ Semitic (người Do Thái và Ả Rập nói chung) đặt trụ sở tại Tel Aviv. Michael Eisenberg, trái ngược với Eden, lại là một chuyên gia tài chính từng ngập lặn trong thế giới “ngân hàng đầu tư” (như Jerusalem Global Investment Bank, Picture Vision) và VC (đầu tư mạo hiểm như Israel Seed Partners và BenchMark Capital) từ 1995 đến 2013. Năm 2014, trong Series A, Aleph đã gọi được 154 triệu đô.

Quỹ Aleph còn có một “equal partner” trẻ tuổi chỉ mới gia nhập năm 2016 khi vừa tròn 26. Aaron Rosenson, tốt nghiệp trường kinh doanh Wharton (thuộc Đại học Pennsylvania – một trường trong hệ Ivy của Mỹ), người từng làm việc cho Insight Venture Partners với thành tựu dàn xếp các phi vụ tỷ đô như Docker, HelloFresh (công ty làm các meal kit – gói đồ ăn), Gainsight và Moat (các công ty phần mềm). Sự gia nhập của Aaron giúp mở rộng biên độ tuổi “đối tác” (partner) tại Aleph (Michael khi đó ở độ tuổi tứ thập, Eden là tam thập còn Aaron là nhị thập) – thứ mà họ coi không phải là nhân tố quá quan trọng trong đánh giá đầu tư. Thêm nữa, Aaron không chỉ giúp cảm nhận các dòng chảy xu hướng mới mà còn giúp đưa kinh nghiệm phân tích dữ liệu từ Insight đến cho Aleph. Đến tháng chín 2016, Aleph kêu gọi thêm được 180 triệu $ cho lần gây quỹ thứ hai.

Aleph là một quỹ có định hướng Zion – hay còn gọi là chủ nghĩa phục quốc Do Thái, một hình thức của chủ nghĩa dân tộc do nhà báo Theodor Herzl sáng lập năm 1897, trong đó ủng hộ một quốc gia Do Thái độc lập để bảo vệ người Do Thái và văn hóa Do Thái (mà cụ thể ở đây là Israel). Zion chống lại quá trình đồng hóa người Do Thái vào các xã hội khác đồng thời khuyến khích họ quay trở về Israel nhằm thoát khỏi sự bức hại từ các sắc dân khác. Làn sóng di cư trên, mà người Do Thái gọi là Aliyah, diễn ra nhiều lần kéo dài xuyên thế kỷ 20 đến ngày nay (như làn sóng Aliyah thứ năm khởi phát bởi sự hung hãn bài Do Thái của Phát xít Đức thập niên 1930). Ngày nay, người Do Thái phân bố rải rác khắp toàn cầu nhưng tập trung hiện tại chủ yếu tại Mỹ (6,7 triệu, trong đó đông nhất là ở New York, thành phố này năm 1950 có tầm 2 triệu người Do Thái sau đó giảm dần còn tầm 1 triệu vào 2012) và Israel (6,6 triệu và đang dần tăng lên).

Tư tưởng chủ đạo trên xuất phát từ Michael Eisenberg, một Zion điển hình: ông sinh ra ở Manhattan, New York trong một gia đình theo Do Thái Giáo chính thống với bảy anh em, sau đó nhập cư theo dòng Aliyah đến Jerusalem, Israel vào năm 1993 (Aaron cũng từ New York quay lại Israel khi gia nhập Aleph còn Shochat thì sinh ở Kibbutz Ruhama ở Negev, một khu định cư Do Thái). Quỹ Aleph do đó mong muốn thúc đẩy “Aliyah” bằng các tạo ra các cơ hội kinh tế hấp dẫn ở Israel (mà cụ thể là gia nhập hệ sinh thái khởi nghiệp) thay vì nỗi sợ hãi phong trào bài Do Thái (anti-semitism, như vụ nổ súng giáo đường Do Thái ở Pittsburgh và Poway ở Mỹ). Aleph dõi theo các cơ hội đầu tư non trẻ trong môi trường có tỷ lệ tín hiệu/nhiễu cao (signal/noise), để có thể rót thêm nguồn lực (mối quan hệ, kinh nghiệm, chiến lược) giúp nâng tầm các công ty Israel ra toàn cầu. Hiện tại, Aleph đang quản lý gần 334 triệu $ và sau bảy năm họ đã đầu tư vào tổng cộng hơn 20 công ty như: CommonSense, Robotics, Lemonade, Windward, HoneyBook, Nexar hay cái tên nổi tiếng WeWork.

Michael Eisenberg không chỉ là một nhà đầu tư mạo hiểm mà còn là một cây viết xuất sắc, ông có một trang cá nhân trên Medium mang tên “Sáu đứa trẻ và Một công việc toàn thời gian” (Ám chỉ gia đình: cha của 6 đứa trẻ cùng công việc của ông) trong đó khơi gợi tình yêu tổ quốc Israel cùng sự tiếp nối truyền thống phục quốc xưa cũ của Theodor Herzl kèm với thông tin liên quan đến đầu tư, đáng giá thẩm định (due diligence), hay các xu hướng công nghệ mới. Ông cũng phát hành sách, như cuốn gần nhất: “Cây Cuộc Đời và Sự Thịnh Vượng: Các nguyên lý kinh tế và kinh doanh từ Sáng Thế (Genesis-tên cuốn sách đầu tiên trong kinh sách Hebrew nói về cách Chúa sáng tạo thế giới) đến Thế kỷ 21” (Tree of Life and Prosperity: Principles of Economics and Business from Genesis to the 21st Century), trong đó kết nối các tư tưởng của Warren Buffett, Mark Zuckerberg hay Niccolo Machiavelli (người nổi tiếng với sách “Quân vương”) với nhà bình luận kinh thánh Do Thái nổi tiếng (thế kỷ 12), giáo sĩ (rabbi) Abraham ibn Ezra (người giúp phổ biến lý thuyết khoa học bằng tiếng Hebrew) hay một rabbi nổi tiếng khác gần đây Aharon Lichtenstein.

Sách của ông giúp kết nối kinh điển Torah (Bereshit) với quá trình khai phá lý thuyết kinh tế của nhân loại. Michael Eisenberg cũng là thành viên quản trị của Yeshivat Har Etzion, một viện nghiên cứu minh triết Torah hàng đầu ở Israel và Hashomer Hahadash, một phong trào Zion mới được thành lập năm 2007. Quỹ Aleph của ông tạo ra Aliya Initiative, một chương trình tập huấn cho những người nhập cư (hay còn gọi là olim), qua đó cung cấp cho họ những kỹ năng cần thiết để gia nhập vào giới “khởi nghiệp” Israel – đặc biệt là trong địa hạt bán hàng và marketing nhằm khai thác kỹ năng ngôn ngữ và kiến thức liên quan đến thị trường nước ngoài mà các sản phẩm công nghệ (của các công ty do Aleph đầu tư) hướng đến.

Trang Medium của Michael Eisenberg:

Michael A. Eisenberg: Six Kids And A Full Time Job – Medium
Read writing from Michael A. Eisenberg: Six Kids And A Full Time Job on Medium. VC, Israel, Internet, Family, @home, @work, @israeli, @politics, and lots kids.