Giải cứu Son Đoòng
#savesondoong
Đầu tháng 11 năm 2014, Tỉnh Quảng Bình chính thức tổ chức họp báo để thông tin tới công chúng về dự án cáp treo Phong Nha – Kẻ Bàng (4500 tỉ) cùng với đại diện chủ đầu tư là Tập đoàn Sun Group, nhân vật có số má cộp cán trong lĩnh vực “cáp” ở Việt Nam. Theo ông chủ tịch Tỉnh – dự án này sẽ là một kích cầu cho kinh tế địa phương vốn là một tỉnh miền Trung nghèo. Theo mô tả, hơn 10km cáp được tạo ra sẽ đưa du khách từ Phong Nha tới trước cửa hang Sơn Đoòng (cách cửa hang 300m) nhằm thõa mãn nhu cầu rất lớn của công chúng: “chiêm ngưỡng vẻ đẹp của rừng nguyên sinh Phong Nha – Kẽ Bàng từ trên cao” .
Hãy quan sát một dự án cáp điển hình của Sun là Bà Nà Hill để xem họ thõa mãn nhu cầu công chúng như thế nào: Hệ thống cáp dài tổng cộng 11km với 4 kỉ lục Guiness sẽ đưa quí khách từ chân đến đỉnh Bà Nà là nơi bốn mùa hội tụ. Chưa kịp kinh ngạc với cảnh rừng “nguyên sinh” Bà Nà từ trên cao, xuyên qua lớp mây mù du khách bỗng lạc chân vào chốn thần tiên, xa xa là lâu đài cổ, làng Pháp “huyền diệu” (dù cho tất cả đều là giả cầy) với đầy đủ dịch vụ mời gọi: quần thể vui chơi giải trí Fantasy Park, khu ăn uống, nghỉ dưỡng, mua sắm và hệ thống chùa chiền xung quanh. Nghĩa là khi đến đây du khách sẽ được thõa mãn tận răng từ A đến Z mọi nhu cầu cơ bản trần tục nhất như ăn uống, vui chơi, ngủ nghỉ, xả rác đến tâm linh “bái lạy thần thánh” chỉ với điều kiện đơn giản bỏ tiền mua một tấm vé. Mô hình kinh điển VVCG (“vuốt ve cảm giác” toàn diện) này đã giúp Sun đưa được trung bình 5000 người đến Bà Na Hill mỗi ngày và trong năm 2015 đem tổng cộng 1,5 triệu lượt khách đến đây, hãy hình dung với mức giá vé trung bình là 600k thì trong năm này doanh thu “tiền vé cáp” của Bà Na Hill có thể vào khoảng 900 tỉ đồng (45 triệu $), đó là chưa kể các nguồn thu từ dịch vụ khác như lưu trú, vui chơi, mua sắm, công quả … có thể nói là siêu lợi nhuận nhưng đổi lại để hiện thực hóa dự án, Sun đã san bằng gần 2 ha đỉnh Bà Nà.
Tương tự, vào đầu năm 2016 Sun Group khai trương tiếp dự án Fasipan Legend (8000 tỉ) “đầy tranh cãi” cũng với mô hình VVCG này (dự án này được SG quảng cáo là đạt hai kỉ lục Guiness -lại kỉ lục) – bằng việc san phẳng 7,5 ha đỉnh Fasipan và phá hoàn toàn hệ sinh thái đặc chủng với rừng “đỗ quyên” đẹp hơn mơ, SG đã tạo ra một quần thể chùa “tâm linh”, hệ thống khách sạn nhà hàng và sắp tới có thể là cả một khu vui chơi ở cao độ trên 3000 m. Thật khủng khiếp, trong dịp tết 2016 có ngày đỉnh thiêng Fasipan phải tiếp tới gần 6000 vị khách. Tất nhiên Sun có quyền tự hào về một dự án thành công “khủng” nữa của mình.
Không có gì phải ngạc nhiên khi thừa thắng xông lên, Sun tiếp tục thò bàn tay “lông lá” của mình vào lõi Bạch Mã ở Huế hay Sơn Trà Đà Nẵng. Có thể nói ở đâu có dự án “cáp” ở đó có Sun Group.
Quay trở lại với Sơn Đoòng, hang động “lớn nhất thế giới” , viên ngọc vô giá không chỉ của Việt Nam mà toàn nhân loại. Khi hang được phát hiện vào 2009 bởi Hồ Khanh và đưa vào khai thác du lịch “bền vững” trong vòng 3 năm từ 2014-2016 bởi công ty Oxalis, chỉ có khoảng 1300 khách được tiếp cận và chinh phục hang thành công, có thể nói đây là tuyến du lịch đẳng cấp thế giới duy nhất ở Việt Nam (với mức giá 3000$). Bây giờ, bạn hãy hình dung khi cáp treo đưa khoảng 5000 du khách tới trước cửa Sơn Đoòng mỗi ngày, tôi nhấn mạnh là “mỗi ngày”. Liệu 5000 con người ấy sẽ chỉ suýt xoa “ngắm cảnh” và tự hào vì mình được selfie trước cửa hang. Theo tôi, đó là chuyện “viễn tưởng”, không đâu, các nhà làm du lịch sẽ phải khiến họ chi tiêu thõa mãn nhiều hơn qua mua sắm, vui chơi, nghỉ dưỡng, ăn uống, selfie và “xả rác” và tác động trực tiếp vào lõi hang Sơn Đoòng.
Đó là kết cục “buồn” và lối mòn chung cho tất cả các dự án mass tourism/du lịch đại trà ở Việt Nam hiện nay.
Thật may là trong suốt hai năm vừa qua, dự án “Cáp” gây tranh cãi này đã vấp phải không biết bao nhiêu trỉ trích và áp lực từ những nhà bảo tồn, các chuyên gia và truyền thông quốc tế và công chúng “nhân bản” nên dường như đã có sức ép buộc phải tạm ngưng. Điều đáng mừng là trong Quyết định 209/QĐ-TTg quy hoạch chung VQG Phong Nha – Kẻ Bảng đến 2030 của PTT Hoàng Trung Hải cũng không thấy nhắc đến việc triển khai dự án này.
Sự việc chưa dừng lại, những tưởng Sơn Đoòng đã an toàn thì ngay sau Hội nghị triển khai du lịch 2017 của tỉnh Quảng Bình thì thông tin về dự án cáp lại một lần nữa nóng lên. Hóa ra chủ trương của tỉnh là chưa bao giờ buông bỏ những dự án mass tourim như trên mà họ chỉ đang xem xét chờ thời. Cho dù đã có nghị định bảo tồn 50 năm cho khu vực này hay tuyên bố đóng cửa rừng từ các cấp cao nhất thì chỉ cần vài thủ thuật “chính trị” tất cả chỉ là một mớ giấy lộn và quả banh lại được tung lên.
Lần này quả banh được đá sang một tên tuổi cũng không kém phần tai tiếng FLC của tỉ phú mới nổi Trịnh Văn Quyết (nhân vật này là ai tôi chắc không cần giới thiệu lại) khi Sun là cái gai trong mắt bùa rìu dư luận. (dù thông tin chưa được xác thực trên báo chí chính thống). Các bạn thân mến – hãy suy nghĩ thật kĩ tại sao chính quyền tỉnh không thể buông bỏ ý tưởng này – trong thông tin phản pháo đầu tiên trước những tin đồn hậu trường ông Nguyễn Văn Kỳ, Phó Giám Đốc Sở du lịch tỉnh Quảng Bình đã bác bỏ “thông tin” cáp treo Sơn Đoòng mà thực chất là kêu gọi nhà đầu tư xây cáp treo khu vực vườn Quốc Gia Phong Nha Kẽ Bàng. Tất nhiên chúng ta đều biết hang Sơn Đoòng nằm trong vùng lõi của khu này, thủ thuật đánh tráo khái niệm này dường như là cách làm “khéo léo” của chính quyền tỉnh để hợp thức hóa và đánh úp bất ngờ Sơn Đoòng.
Tại sao du khách phải tới đây, họ sẽ thu hút du lịch bằng cách nào nếu không phải là ở danh tiếng của Sơn Đoòng – cái kỉ lục hang động lớn nhất thế giới này – cái mà cả thế giới vinh danh (Good Morning America, Huff, The Guardian, TIME, National Geographic …) và tất nhiên muốn kiếm nhiều tiền và kiếm nhanh chắc chắn phải áp dụng mô hình mass kiểu “Sun”.
Giữa năm 2016 tôi có dịp ghé Quảng Bình trong một buổi chiều nắng vàng ươm dịu nhẹ bên dòng sông Son, chỉ có ngồi với ngài Howard Limbert , trưởng đoàn thám hiểm của Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh tôi mới thực sự hiểu giá trị vô giá của hang. Ngay từ những ngày đầu khám phá hang và xây dựng tour Sơn Đoòng đồng thời giới thiệu tên tuổi của nó ra thế giới. Vị chuyên gia hang động này đã không ngừng cảnh báo về sự mong manh của cảnh quan và quần thể sinh vật độc đáo ngự trị trong lòng hang, một khi bị phá hủy thì sẽ phải mất cả hàng triệu năm sau mới có thể phục hồi lại được.
Đây là điểm thu hút vô giá và bền vững cho hang. Và tất nhiên ông cực lực phản đối những dự án vô đạo như trên vì cái giá phải trả là quá đắt cho nhiều thế hệ tương lai của Việt Nam và nhân loại.
Các bạn hãy lên tiếng, mặc dù mọi thông tin chưa thật rõ ràng. Hãy kêu gọi chính quyền tỉnh Quảng Bình minh bạch thông tin dự án và thông tin nhà đầu tư, cách thức triển khai và phản biện tất cả những bất cập của nó. Chúng ta không được phép để phe nhóm lợi ích vì món lợi trước mắt mà phá hủy những giá trị vô giá mà tạo tác ban tặng. Hãy hình dung tình cảnh thảm hại khi di sản thiên nhiên tuyệt đẹp này bị rơi vào vòng xoáy những giá trị giải trí hời hợt mua vui, sống trong rác rúa ngập ngụa và chết dần chết mòn sau một vài năm.
Hãy kí vào petition:
https://www.change.org/p/stop-cable-car-construction-to-son-doong-cave
Hoặc theo dõi nhóm Save Doong, những người theo đuổi việc bảo vệ di sản trong suốt ba năm vừa qua : https://www.facebook.com/NoCableCarInSonDoong/
Hãy lên tiếng theo cách của bạn và kêu gọi cộng đồng quanh mình chung tay.
Bất kì mô hình du lịch hay chính sách phát triển địa phương nào trước tiên phải hướng tới mục đích nâng đỡ tri thức, thay đổi chuyển hóa dân trí lên một tầm vóc cao hơn, bồi đắp thẫm mĩ, nuôi dưỡng tâm hồn đồng thời kiến tạo văn minh chứ không phải chăm chăm thõa mãn thị hiếu rẻ tiền của số đông – có như vậy mới bền vững trường tồn và được thế giới nể trọng.