Tôi có một giấc mơ
Hai bằng phát minh liên quan đến công nghệ “máy pha ca phê”: đầu lọc thép không gỉ và quá trình ủ tạo crema (lớp bọt khí có màu nâu) nằm trên bề mặt espresso là do tỷ phú Robert. F Smith nắm giữ trong thời gian ông làm việc cho Kraft General Foods (công ty tạo ra Sanka, một trong những thương hiệu cà phê uống liền đầu tiên ở Mỹ, và phát triển máy pha cà phê nổi tiếng Tassimo). Tuy nhiên, Smith trở thành người giàu nhất trong cộng đồng người Mỹ gốc Phi (với 5 tỷ $, vượt qua MC nổi tiếng Oprah) không phải bằng ngành công nghiệp cà phê mà bằng cách khai thác sức mạnh của PE và VC (đầu tư tư nhân và mạo hiểm) trong thế giới SaaS (Phần mềm như một dịch vụ).
Thông thường khi đề cập đến các đại gia trong thế giới phần mềm, chúng ta trước tiên sẽ nhận ra 3 công ty lớn nhất Microsoft, Oracle, SAP (tiếp theo các tên tuổi quen thuộc như Google, Amazon, Netflix …). Tuy nhiên, thế lực lớn thứ tư thế giới – Vista Equity Partners lại ít được nhắc đến. Vista là một hãng đầu tư PE và VC do Smith sáng lập với khoản tiền cam kết hiện tại gần 46 tỷ $, sở hữu trên 50 công ty phần mềm với gần 60,000 nhân viên.
Sự trỗi dậy của Smith “da màu” là một điều bất thường đáng kinh ngạc trong giới tư bản tài chính. Ông sinh ra trong một gia đình trung lưu ở Denver, Colorado (phía Nam dãy núi Rocky) thuộc cộng đồng nơi người Mỹ gốc Phi chiếm đa số. Bố mẹ ông đều là giảng viên bậc tiến sĩ. Khi còn là một đứa bé con, mẹ ông đã dẫn ông tham gia đồng hành cùng Cuộc tuần hành đến Washington nơi mục sư Martin Luther King Jr trình bày một trong những bài diễn văn truyền cảm hứng nhất nước Mỹ: “Tôi có một giấc mơ”. Khi còn ở bậc trung học, ông đã xin thực tập ở Bell Labs, nơi ông giúp họ phát triển bài kiểm tra cho chip bán dẫn. Smith theo học và tốt nghiệp Cornell với bằng kỹ sư hóa học năm 1985 (nơi ông là thành viên của hội Alpha Phi Alpha), sau đó phát triển sự nghiệp kỹ sư qua một loạt các công ty: Goodyear (công ty lốp xe), Air Products & Chemicals và Kraft (năm 1990). Sau đó 2 năm, ông đến trường trường kinh doanh Columbia theo học MBA.
John Utendahl, người tiên phong sáng lập ngân hàng đầu tư do người da màu dẫn dắt (Utendahl Group) và sau này là phó chủ tịch của Bank of America (2016), tham gia làm khách mời phát biểu tại lễ tốt nghiệp của Smith đồng thời khuyến khích ông đến phố Wall lập nghiệp. Smith sau đó tham gia vào lĩnh vực đầu tư công nghệ tại Goldman Sachs nơi ông tiên phong tham gia và mài dũa các kỹ năng liên quan đến M&A công nghệ (mua bán và sáp nhập doanh nghiệp). Tổng trị giá các thương vụ M&A mà Smith tham dự khi đó là gần 50 tỷ $ trong đó có Apple, Microsoft, Texas Instruments, eBay và Yahoo. Ông tham gia nhóm cố vấn đưa ra đề xuất mời Steve Jobs trở lại Apple (vào năm 1997 khi Apple mua lại NeXT) sau sự tụt dốc thảm hại của gã khổng lồ này.
Trong số các khách hàng thượng hạng, Smith để ý đến một công ty phần mềm dành cho lĩnh vực ô tô ủy nhiệm ít được công chúng để tâm – Universal Computer Systems (UCS). Lợi nhuận biên của UCS cao hơn hẳn các công ty Smith từng tư vấn và người chủ đổ rất nhiều tiền mặt vào chứng chỉ tiền gửi (certificates of deposits). Smith thắc mắc với UCS: tại sao không thâu tóm những công ty phần mềm trưởng thành kém hiệu quả khác và áp dụng cách thức quản lý như ở UCS lên cho họ? UCS lắng nghe lời tư vấn và đề nghị Smith xắn tay áo thực hiện thay cho họ. Cụ thể, USC cam kết đầu tư 1 tỷ $ vào một hãng PE mới do Smith thành lập. Cơ duyên trời định đã thôi thúc Smith rời Goldman năm 1999 để tạo dựng Vista Equity Partners sau đó một năm cùng với các đồng sáng lập Stephen Davis và Brian Sheth, một quyết định gây nhiều tiếc nuối cho các đồng nghiệp ở Goldman bởi con đường sự nghiệp của anh đang trên đà trở thành một partner (đối tác) (đồng nghĩa anh sẽ nhận hàng triệu $ khi hãng này thực hiện IPO).
Thêm nữa, thông lệ thập niên 90 là các ngân hàng sẽ không cho vay thế chấp công ty phần mềm vì họ không có nhiều tài sản cứng, còn các hãng PE chủ yếu dựa vào các tài sản có thể tạo ra tiền mặt (cash-generating assets), thêm nữa sự cạnh tranh cao độ trong lĩnh vực phần mềm (chỉ một vài dòng lệnh sáng tạo từ các đối thủ có thể khiến một doanh nghiệp phần mềm lỗi thời sau một đêm). Smith có một góc nhìn khác: sự xâm chiếm của phần mềm biến các công ty truyền thống thành công ty số trong tương lai rất gần. Một bản danh sách đầu tư (portfolio) phủ sóng khắp các ngành công nghiệp mà phần mềm có thể len lỏi (cụ thể 50) với dòng chảy doanh thu liên tục đến từ địa hạt “phần mềm như một dịch vụ”(SaaS). Smith đặt cược: “Phố Wall trước sau gì cũng nhận ra các công ty phần mềm không chỉ tạo ra tiền mặt mà còn có một tài sản tuyệt vời để thế chấp – các hợp đồng bảo dưỡng hay sử dụng dịch vụ theo thời gian (subscription) cứng rắn.”
Cánh cửa Vista được mở ra ở San Francisco vào năm 2000 với các thỏa thuận thâu tóm ban đầu đều là “equity” (cổ phần). Tới năm 2004, Vista thực hiện LBO (Leveraged buyout – M&A đòn bẩy) đầu tiên với Applied System – một công ty phần mềm bảo hiểm. Năm 2007, Vista hợp nhất nhiều công ty phần mềm tiện ích (utilities) để tạo ra Ventyx, sau này bán lại cho ABB với lợi nhuận gần 1 tỷ $. Hiệu quả của Vista rất đáng kinh ngạc trung bình khoảng 27,7% lợi nhuận sau khi trừ chi phí hàng năm (trong những năm 2000s). Smith trong thời gian này đã âm thầm xây dựng các tài liệu hướng dẫn vận hành các công ty phần mềm – bộ công cụ dành cho các lập trình viên, chuyên gia công nghệ thiếu nền tảng về quản trị doanh nghiệp và chiến lược, thứ chuyển hóa thành VSOPs – quy trình vận hành tiêu chuẩn của Vista (Vista Standard Operating Procedures) mà sau này đổi tên thành Vista Best Practices. Để vận hành VSOPs, Smith tạo ra một đội tư vấn ngay bên trong Vista từ công ty McKinsey: Vista Consulting Group – 100 con người giàu năng lượng để giúp các công ty trong danh sách đầu tư phát triển năng lực: như xây dựng hợp đồng, tổ chức dịch vụ, mô hình kinh doanh, bán hàng, hay huấn luyện nhân sự. Cụ thể như, khi Vista mua một công ty, toàn bộ nhân viên công ty đó sẽ buộc phải tham gia một bài kiểm tra tính cách và năng lực nhằm tái cấu trúc đội ngũ nhân sự dưới ánh sáng quản lý của Vista – chế độ nhân tài (meritocracy). Nỗ lực trên nhằm đáp ứng mục tiêu khi Vista đầu tư: lợi nhuận gấp 3 lần vốn bỏ vào. Họ đạt được những thành công nhất định: mua Transfirst, một công ty phần mềm xử lý thanh toán, vào năm 2014 với giá 1,5 tỷ $ và sau đó một năm bán lại cho TSYS với giá 2,35 tỷ $ hay gần đây nhất tháng 9/2018, Vista bán Marketo, công ty phần mềm marketing tự động (mua ban đầu 1,79 tỷ $ năm 2016) cho gã khổng lồ Adobe với giá 4,75 tỷ $, thu về 3 tỷ $ sau hai năm. Vòi bạch tuộc của Vista phủ sóng mọi ngóc ngách trong thế giới phần mềm: doanh nghiệp thông minh (Tibco), bảo hiểm nhà và ô tô (Solera), tổ chức sự kiện doanh nghiệp (Cvent), giáo dục (PowerSchool), an ninh mạng (Ping Identity). Vista cũng nắm một công ty Fintech lớn thứ 3 thế giới, Finastra, gã khổng lồ đang nắm gần 10-15% dữ liệu tài chính toàn cầu. (bằng cách sáp nhập Misys và D+H).
Buổi trò chuyện giữa David Rubinstein và Smith trong “Peer-to-Peer Conversations” dưới đây rất thú vị. David khơi gợi lại quá trình xây dựng sự nghiệp phi thường của một tỷ phú Mỹ gốc Phi, người đã chứng minh “Giấc mơ Mỹ” trong thế giới tài chính có chỗ cho những người khác biệt như ông.
Từ một cậu bé chân nhận các giá trị của cộng đồng mình qua diễn văn “Tôi có một giấc mơ” ở bậc thềm của đài tưởng niệm Lincoln, vượt qua sự kỳ thị trong giới tài chính, đến tỷ phú PE, người cùng ông (93 tuổi) đến buổi lễ nhậm chức của Tổng thống da màu đầu tiên của Hoa Kỳ – Barack Obama. Ông của Smith đã từng làm người phục vụ cà phê và trà ở Thượng Viện đồng thời chứng kiến FDR nhậm chức với đám đông tham dự hào hứng nhưng lại thiếu vắng các khuôn mặt da màu. Trải nghiệm “lịch sử” xuyên thế hệ ấy đã minh chứng một sự vận động kỳ diệu của xã hội Hoa Kỳ. Smith đã cam kết rót 20 triệu $ cho Bảo tàng quốc gia Văn hóa và Lịch sử của người Mỹ gốc Phi, nơi mình từng ghé thăm khi đến DC, 50 triệu $ cho đại học Cornell nhắm thúc đẩy phụ nữ và người thiểu số tham gia nghiên cứu khoa học, phát triển resort và các chương trình công đồng ở Lincoln Hills cho người Mỹ gốc Phi ở quê nhà Denver, đồng thời bảo trợ cho phòng hòa nhạc Carnegie Hall (chủ tịch).
Smith mong muốn góp phần tạo dựng một xã hội bình đẳng hơn, một xã hội có khả năng chữa lành những vấn đề của nó mặc cho những người như ông vẫn một tay thâu tóm tài sản – cụ thể hơn như dự phần cùng Bill Gates và Warren Buffet trong cam kết “Giving Pledge” (cho đi 50% tài sản). Trên hết, điều làm Smith hạnh phúc nhất là được dự phần vào nỗ lực giải phóng “tinh thần/khả năng” của con người (liberate a human spirit) – giúp họ đạt được khả năng tốt nhất (như cách ông làm với VSOPs) cùng sự bình đẳng cho cộng đồng Mỹ gốc Phi cụ thể qua nỗ lực xây dựng một hệ thống giáo dục hay thực tập giúp họ kiến tạo một sự nghiệp bền vững.