Giúp Notre Dame hay người nghèo
[Chia sẻ] Vox có một bài viết khá thú vị của Sigal Samuel về các khoản đóng góp dành cho Notre Dame đồng thời có đề cập đến khái niệm EA – vị tha hiệu quả để giúp chúng ta có thêm một lăng kính mới về thế giới của các khoản đóng góp (donation) thứ phức tạp hơn ta hình dung rất nhiều. Mình đã lược dịch bài viết ra dưới đây:
Một tỷ $ từ các nhà hảo tâm dành cho việc tái thiết Nhà thờ Đức Bà Paris đã làm dấy lên cuộc tranh cãi bất tận về việc liệu khoản đóng góp có phần thừa thải trên liệu có nên được chi tiêu vào những nguyên cớ khác tốt hơn.
Cộng đồng mạng thắc mắc những khoản hỗ trợ kiểu như vậy tại sao không đến được các khu đất linh thiêng của Người Mỹ bản địa bị phá hủy bởi làn sóng phát triển hay khai thác tài nguyên (fracking), tới những nhà thờ mang tính lịch sử của người da đen ở Louisiana bị phá hoại trong các cuộc tấn công, tới cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, hoặc cho các khoản viện trợ phát triển ở các nước châu Phi.
Thậm chí ngay trong lòng nước Pháp, nhiều người cho rằng số tiền trên nên được gửi thẳng tới những người nghèo ở Pháp. Chỉ trong một năm vừa qua, số lượng người vô gia cư đã tăng lên 21% ở Paris cùng lúc Phong trào Áo Vàng bùng nổ cách đó vài tháng nhằm chống lại sự bất bình đẳng trong xã hội Pháp. Những người Áo Vàng và đồng minh của họ cho rằng việc Tổng thống Emmanuel Macron hứa hẹn xây lại Notre Dame trong năm năm là bằng chứng rõ rệt cho thấy ông ta đang ưu tiên cho nguyên cớ sai lầm.
“Nếu họ có thể chi ra 10 triệu để xây lại Notre Dame, thì họ nên ngừng nói với chúng ta rằng không có ngân sách để giúp cho các nhu cầu cấp bách của xã hội." Philippe Martinex, người dẫn dắt Liên Đoàn Lao Động Toàn Liên Bang chia sẻ.
Chúng ta sẽ ưu tiên cho vấn đề nào mà mọi người nêu ra trong tranh luận? Là một nhà hảo tâm tiềm năng, làm thế nào để đồng tiền của chúng ta được phân phối đúng cách? Chúng ta có nên chỉ trích những người khác khi họ đóng góp cho các mục đích mà ta nghĩ là ít quan trọng?
Bạn dường như sẽ bị cuốn hút về một phe nào đó trong cuộc tranh luận này, đặc biệt là khi tình huống bị ép vào một số lựa chọn giới hạn. Nhưng mọi thứ không nhất thiết phải như vậy, chúng ta không cần phải chọn lựa giữa giúp đỡ người nghèo và hỗ trợ tái thiết Notre Dame.
Nếu như bạn đứng về phe Áo Vàng và tranh luận rằng nghèo đói là một vấn đề xứng đáng được giải quyết bằng nguồn lực trên. Bạn có vẻ như đang ở phe chính diện – những người ủng hộ phong trào EA (Effective Altruism – Sự vị tha hiệu quả). Những người cổ súy cho việc xác định tầm ảnh hưởng của các dự án từ thiện trướng khi xuống tiền. Những nhà hảo tâm hiệu quả kiểu EA xem xét các khoản từ thiện theo 3 yếu tố sau: nó quan trọng (ảnh hưởng tới nhiều người theo một quy mô lớn), nó phải có khả năng thực thi (các nguồn lực mở rộng được tập hợp để giải quyết), và nó bị xem nhẹ (chưa có nhiều người nhảy vào giải quyết vấn đề này).
Nhưng cũng không cần phải quá cực đoan kiểu chỉ nên đóng góp từ thiện cho những nơi đang giúp kiến tạo những thứ tốt đẹp nhất có thể.
Julia Wise, người làm việc cho cộng đồng EA, gần đây đã viết một bài chia sẻ trên blog nhằm giải thích phép phân tích chi phí-hiệu quả (cost-effectiveness analysis), một công cụ hiệu quả mà bà mong nhiều người sẽ áp dụng, nó không có nghĩa là bạn phải quản trị mọi quyết định của mình. Bởi vì bạn có rất nhiều mục tiêu khác nhau, từ cải thiện thế giới đến duy trì tình bằng hữu.
Wise đã giải thích:” Nếu tôi đóng góp cho một buổi gây quỹ của bạn tôi với nguyên cơ “giúp một người chú bị bệnh hiểm nghèo” – thì tôi cũng có những mục tiêu riêng của mình. Đó là mục đích “ủng hộ những người bạn của tôi và duy trì tình bằng hữu của chúng tôi”, không phải là kiểu mục tiêu “làm cho thế giới trở nên tốt nhất có thể”. Khi tôi đưa ra quyết định đó, sẽ tốt hơn nhiều nếu tôi thực sự rõ ràng về mặt ý định. Tôi không cần phải áy náy vì tiền của tôi đã không dùng vào mục đích tối ưu hóa thế giới này, thứ không phải là mấu chốt của khoản đóng góp. Số tiền đó đến từ ngân sách thõa mãn bản thân của tôi, cũng như việc đi uống cà phê với bạn bè.
Tôi cũng có một khoản tiền khác để đóng góp “cho những vấn đề tốt đẹp”, nơi tôi sẽ áp dụng ngay phân tích chi phí-hiệu quả để hướng tiền mình tới những tiến trình tốt nhất, nơi các vấn đề toàn cầu được giải quyết. Những vấn đầ mà tôi muốn hỗ trợ lại thường ít có mối liên hệ cá nhân, và cũng không kết nối một cách chặt chẽ với cuộc sống cá nhân của tôi. Điều này là bình thường vì sự kết nối mang tính cá nhân không phải là mục tiêu ở đây.
Wise khuyên chúng ta nên rõ ràng về mục tiêu mà chúng ta mong muốn khi đóng góp tiền bạc và thời gian cho một nguyên cớ nào đó. Cần lượng hóa, chúng ta đang đóng góp cho các nguyên cớ khủng khiếp nào đó (như một đám cháy thảm họa) hay các nguyên cớ có mối liên hệ cá nhân, hay chúng ta đang đóng góp cho sự tiến bộ của thế giới mà chúng ta tin là nó thực sự quan trọng. Đây là một cách hiệu quả để giữ tầm kiểm soát cho chính chúng ta. Điều này cũng có thể là lăng kính để chúng ta nhìn vào việc nên đóng góp cho các khoản từ thiện dành cho người vô gia cư ở Pháp hay đóng góp cho Notre Dame
Quỹ Abbe Pierre, được đặt tên một cha cố nổi tiếng người được chôn cất tại Notre Dame năm 2007 đã từng nói:” Chúng ta cảm thấy có một sự kết nối mạnh mẽ với nơi cha Pierre được chôn cất. Nhưng chúng ta cũng nên dành cam kết tương tự như vậy với các mong muốn của ông (giúp đỡ người nghèo). Nếu bạn có thể đóng góp 1% khoản đó cho những người vô gia cư, tất thảy chúng ta sẽ đều xúc động.”
Nói cách khác, chẳng có gì sai khi ta đóng góp tiền cho việc khôi phục lại ngôi nhà thờ bị cháy nếu đó là thứ gì đó mà tất thảy chúng ta đều mê đắm. Chúng ta có thể coi nó là khoản ngân sách “làm hài lòng bản thân”, hay gọi một văn vẻ hơn “bảo tồn định dạng văn hóa”. Nhưng quan trọng là phải chắc chắn nhớ tới những vấn đề khác – bao gồm những thứ cấp bách như vấn đề vô gia cư và tìm cách phân bổ nguồn lực nhằm giải quyết vấn đề này theo mức độ cấp bách của nó.