Gogbot - Khi tôi chết đi

Nghệ sĩ người Nga Dmitry Morozov gây sốc cho các quan khách bằng cách biến các bình đựng máu của chính mình (tổng cộng có khoảng 4,2 lít máu được lấy dần dần trong 18 tháng) thành trung gian điện giải trong một bộ ắc quy – năng lượng này giúp cho một module của máy synth (tạm dịch là máy nhạc điện tử) phát ra âm thanh. Thiết kế này được ông đặt tên là “Khi tôi chết đi” – một sắp đặt siêu hình (metaphysical operation) giữa hai nhân tố “người” và “máy” – được lấy cảm hứng từ các thực nghiệm về điện trong thế kỷ 19th do các nhà vật lý nổi tiếng như Luigi Galvani và Alessandro Volta từng tiến hành để tạo ra nguồn pin (hay ắc quy). Cụ thể hơn, “Khi tôi chết đi” bao gồm những thanh kim loại: đồng đóng vai trò là anode (cực dương) và nhôm đóng vai trò cathode (cực âm), còn máu được coi là chất điện giải. Mỗi nguồn ắc quy sẽ bao gồm 11 bình chứa máu nhỏ giúp tạo ra điện có độ lớn khoản 0.6 V – sự kết hợp tổng cộng 5 nguồn này tạo ra 3V và dòng điện khoản 1000 mAh. Bộ ắc quy máu này cung cấp năng lượng cho một máy nhạc điện tử để phát ra âm thanh qua một loa nhỏ – thứ mà ông gọi là “tiếng của ma cà rồng”.

Thí nghiệm của Dmitry Morozov

Đây là âm thanh ma mị, ám ảnh bao phủ không gian triễn lãm chính (Main Expo) của festival Gogbot – tọa lạc bên trong một nhà thờ có từ thời Trung Cổ mang tên Grote Kerk ở trung tâm thành phố Enschede, Hà Lan (mà trên nóc cũng có một con gà giống Nhà thờ chính tòa ở Đà Lạt) nay được chuyển hóa thành tòa nhà sinh hoạt cộng đồng. Gogbot là một triển lãm “hard-core” (nặng đô) mà mình có dịp ghé thăm vào đầu tháng 9 – một nền tảng giúp các nghệ sĩ dị biệt: tìm về nguyên bản (original), khai phá tầm nhìn (visionary) hay phá cách kiểu như avant-garde (những người dám thể nghiệm hay tiên phong) từ khắp nơi trên thế giới hội tụ – một không gian suy nghiệm vượt lên các quy chuẩn thông thường. Gogbot xoáy sâu vào khái niệm “hiện sinh” (Existentialism) để chất vấn quan khách về bản chất của sự sống và cái chết thông qua ngôn ngữ của công nghệ sáng tạo, âm nhạc điện tử và nghệ thuật đương đại – một cách mà các nghệ sĩ tham gia vào chất vấn (debate) muôn thuở (Adsurdism) khởi xướng bởi các triết gia Kierkegaard, Sartre hay Nietzsche. Nghệ sĩ Mary Maggic mang đến Gogbot một dự án mang tên “Nỗi đau vùng kín” (Genital Panic) đầy những hình ảnh phô diễn trực diện các cơ quan thầm kín nhất của con người – một hình thức đả kích lại các dạng thức thống kê trong y học như việc đo lường AGD (Anogenital distance – khoảng cách giữa cơ quan sinh dục và cơ quan bài tiết) thường được dùng như một tiêu chuẩn để đánh giá “độ lệch chuẩn” (deviations) của khả năng sinh sản hay tình dục. Maggic suy tư liệu có một hình thức thống kê ẩn danh nào hay không (một AGD khác kiểu như Alien Genital Database) – cần phải tách bỏ mối liên hệ giữa thống kê y học và các quan niệm dân gian về AGD – một kiểu hình của sự bất tuân dân sự (civil disobedience) trong công nghệ sinh học – một liên hệ khiến mình kinh ngạc. Hay như tác phẩm Con gà màu hồng của hai nghệ sĩ Leo Fidjeland and Linnea Våglund, một phần của dự án “Không còn loài người, không còn ý nghĩa” (Nonhuman, nonsense) – một thí nghiệm giả tưởng về một trạng thái của nhân loại trong tương lai gần – sự lưng lửng giữa thế giới địa đàng (utopia) và phản địa đàng (dystopia). Hai nghệ sĩ đặt một con gà mái nhồi bông màu hồng lặng lẽ trong góc nhỏ của Expo với lời giải thích ám ảnh. Loài người đã giết quá nhiều gia cầm khiến cho xương của chúng trở thành dấu vết hóa thạch cho kỷ nguyên địa chất Anthropocene – thời điểm con người dần độc chiếm quả đất. Bằng cách thay đổi màu của gia cầm sang hồng qua công nghệ chuyển đổi gene (Gene Drive), dấu vết địa chất (geological trace) của chúng ta lúc này sẽ phủ đầy màu hồng. Các nét vẽ màu hồng trên quả đất lấp lánh phản ánh “sự phản kháng” lại cấu trúc quyền lực toàn cầu mà con người đạt được bằng “bạo lực” trong một thế giới trước kia từng phi loài người (hoặc loài người chỉ dự phần nhỏ bé). Các bạn có thể tham khảo thêm rất nhiều sự sắp đặt khác ở đây:

Main EXPO | GOGBOT 2019

Tất nhiên ấn tượng nhất với mình vẫn là tác phẩm “Khi tôi chết đi” – tác giả có một thông điệp rất thú vị mà mình đã lược dịch ra sau đây: “Phần quan trọng nhất trong tác phẩm của tôi chính là sự sản sinh ra dòng điện – nền tảng của tác phẩm nghệ thuật này. Việc thứ chất lỏng quan trọng nhất trong người có thể giúp một thiết bị bên ngoài vận hành như một phần mở rộng của cơ thể thực sự đáng kinh ngạc. Việc hiến máu hay truyền máu như một cách để truyền sự sống từ người này sang người khác khiến tôi liên hệ đến Vũ trụ luận của Nga (Russian cosmism – một trường phái triết học trỗi dậy ở Nga vào thế kỉ 19 và 20 cố gắng tạo ra một lý thuyết phủ rộng tất cả các quan điểm triết học tự nhiên – sự kết hợp các yếu tố đạo đức hay tôn giáo với lịch sử, triết học về nguồn gốc, tiến hóa, sự tồn tại trong tương lai của vũ trụ và nhân loại) – trường phái đã thu hút rất nhiều nhà khoa học, triết gia, nhà sáng chế dự phần nhằm cố gắng kéo dài sự sống của con người. Trong đó có Alexander Bogdanov, người sáng lập Viện Truyền Máu và Huyết học của Xô Viết – ông dành cả sự nghiệp để nghiên cứu các công nghệ truyền máu với niềm tin: giải pháp này không chỉ là cứu người mà nó còn là một thực hành “siêu hình” góp phần truyền tải tình đồng chí giữa các nhà cách mạng, sự đồng tâm hiệp lực giữa các công dân của một nhà nước cấp tiến, hay là một cách để người già có thể truyền kinh nghiệm cho giới trẻ và cao nhất đạt đến sự bất tử.”