Hy vọng táo bạo
Tối ngày 27/7/2004, Hội trường FleetCenter (nay là TD Garden) của thành phố Boston, Massachusetts đã chào đón một nhân vật “mới nổi” hết sức khác biệt, một nghị sĩ da màu đến từ Thượng viện Illinois với nụ cười và phong cách diễn thuyết cuốn hút đặc biệt. Bài phát biểu dài 20 phút của ông ngay lập tức đưa tên tuổi ông lên tầm quốc gia và nhanh chóng dự báo dù sớm hay muộn ông cũng sẽ bước vào ngôi đền quyền lực cao nhất của Hoa Kỳ. Đó chính là nơi Đại hội Đảng Dân chủ Toàn quốc năm 2004 được tổ chức trong vòng ba ngày (từ 26 – 29/7/2004), lần này đại hội giới thiệu hai Thượng nghị sĩ của Đảng là John Kerry từ Massachusetts và John Edwards từ North Carolina lần lượt cho chức vụ Tổng thống và Phó tổng thống trong cuộc chạy đua quyền lực hành pháp sắp tới. (Tuy nhiên sau đó cặp sao “chính trị” này đã bị đánh bại bởi phe Cộng hòa là George W. Bush và Dick Cheney)
Sau chiến thắng ngỡ ngàng tại vòng bầu cử sơ bộ tháng 3/2014 trong cuộc đua vào Thượng viện Hoa Kì, Obama (nghị sĩ bang Illinois) nhanh chóng vụt lên trở thành ngôi sao sáng chói tại Đảng dân chủ. Nhờ vậy chỉ một thời gian ngắn sau, ông có cơ hội lần đầu được gặp ứng cử viên Tổng thống John Kerry, ông đã cùng Kerry tiến hành hai chiến dịch tại Chicago và để lại trong lòng Kerry nhiều ấn tượng tốt đẹp. Đến tháng 4/2004 khi người quản lý chiến dịch của Kerry là Mary Beth Cahill bắt đầu lập ra danh sách những ứng cử viên tiềm năng sẽ có bài phát biểu chính yếu tại đại hội toàn quốc. Trong đó bao gồm nhiều nhân vật sừng sỏ của Đảng như Jennifer Granholm, Janet Napolitaro, Tom Vilsack, Mark Warner và Bill Richardson – bà cũng cố gắng tìm kiếm thêm những nhân vật có khả năng gây hiệu ứng truyền thông cao.
Có hai người cùng làm việc với Cahill trong chiến dịch là Quản lí hội nghị Jack Corrigan và cố vấn truyền thông Robert Shrum. Một người bạn thân của Corrigan là Lisa Hay đã từng biết Obama trong thời gian làm việc cùng ông tại tạp chí Harvard Law Review và rất nhiệt tình đề cử ông. Cahill trước đó cũng từng nhìn thấy hình ảnh Obama trên tạp chí TIME và bắt đầu lắng nghe thêm thông tin phản hồi từ những người từng biết và làm việc cùng Obama. Có một vài trở ngại khiến Bill băn khoăn trong việc lựa chọn Obama: phong cách nói chuyện sôi nổi khác lạ, thiếu kinh nghiệm với máy phóng đại chữ (teleprompter), quan điểm chống đối lại chiến tranh Iraq mãnh liệt (điều mà ban đầu Kerry ủng hộ) cùng vai trò chưa có mấy ảnh hưởng trong thượng viện bang Illinois.
Sau nhiều lần cân nhắc, Cahill vẫn quyết định chọn Obama vào danh sách. Bà tin rằng Obama sẽ giúp cho Kerry có được con số ủng hộ lớn từ người Mỹ gốc Phi như Đảng yêu cầu (nhiều khảo sát trước đó không cho con số khả quan). Hơn nữa, ông lại đang chạy đua vào một vị trí quyền lực trong Thượng viện với khả năng thành công cao, điều này sẽ tăng thêm sức mạnh sau này cho phe nhóm Kerry.
Obama bắt đầu bản thảo bài thuyết trình tại một khách sạn ở Springfield, Illinois chỉ một vài ngày sau khi biết tin mình được chọn. Bản thảo đầu tiên được viết bằng tay và ông hầu như phải vận lộn liên tục với nó trong suốt hai tuần liền với nhiều đêm thức trắng. Vào ngày 20/7 bản thảo cuối cùng được gửi tới đội ngũ biên tập của Đảng Dân chủ để hiệu đính. Sản phẩm cuối cùng mà Obama trình bày tại hội nghị có 2297 chữ.
Trước tiên, Obama đã gây ấn tượng ngay cho công chúng bằng câu chuyện của bản thân về người cha Kenya di cư sang Mỹ để học tập và người mẹ xuất thân từ một gia đình quân nhân khiêm tốn ở Kansas: “Cha mẹ không chỉ dạy tôi về tình yêu thương, mà còn về truyền cho tôi niềm tin về tương lai tươi sáng của nước Mỹ. Họ đặt tên tôi là Barack – nghĩa là may mắn, hạnh phúc, tin tưởng rằng cái tên này sẽ mang lại thành công cho tôi trong một nước Mỹ giàu khoan dung và rộng lượng. Họ hình dung tôi sẽ được học ở những ngôi trường tốt nhất ở Mỹ, dù họ không giàu có, vì trong một nước Mỹ cao thượng hào phóng thì bạn không cần phải quá giàu có mới đạt được ước mơ và khai phá hết tối đa tiềm năng của mình.
Cha mẹ tôi đều đã mất nhưng tôi biết rằng, đêm nay, từ trên cao họ đang ngắm nhìn tôi với sự tự hào vô bờ bến. Họ đứng ở đây và tôi cũng đứng ở đây, cảm thấy biết ơn nguồn gốc không thuần Mỹ của mình. Tôi nhận biết được giấc mơ của cha mẹ tôi đang sống trong hai cô con gái yêu quý của tôi. Tôi đứng đây và biết rằng, câu chuyện của mình là một phần trong câu chuyện lớn hơn của nước Mỹ ”.
Ngay sau đó ông khẳng định lại giá trị thường hằng của Hoa Kỳ: “Tối nay, chúng ta ngồi lại với nhau để cùng khẳng định lại sự vĩ đại của đất nước chúng ta, chúng không đến từ chiều cao của các tòa nhà chọc trời, hay sức mạnh quân sự cùng quy mô kinh tế của chúng ta; niềm tự hào của chúng ta dựa trên một tiền đề rất cơ bản, được đúc kết từ một bảng tuyên ngôn đã hiện diện cách đây cả trăm năm: Chúng ta phải chân nhận một sự thật hiển nhiên, rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng. Có một điều thực sự phi thường của nước Mỹ. Đó là niềm tin vào một giấc mơ giản đơn, một điều kì diệu nho nhỏ đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần rằng khi chúng ta ngắm nhìn những đứa trẻ đang say giấc hàng đêm, chúng ta có thể an tâm rằng chúng đã được nuôi nấng, bảo bọc và an toàn khỏi những hiểm nguy; rằng chúng ta có thể nói những điều mà chúng ta muốn, viết điều mà chúng ta nghĩ mà không phải lo canh cánh trong lòng về những âm thanh gõ cửa bất ngờ; rằng khi chúng ta có một ý tưởng, chúng ta có thể khởi sự một doanh nghiệp mà không phải chết chìm trong các khoản hối lộ; rằng chúng ta có thể tham gia vào các hoạt động chính trị mà không phải sợ hãi chuyện bị báo thù và rằng lá phiếu của chúng ta có giá trị.“
Ông cũng giới thiệu một cách khéo léo ứng viên Tổng thống đảng Dân chủ: “Mọi người không trông đợi chính phủ sẽ giải quyết tất cả các vấn đề của họ. Nhưng họ sẽ cảm thấy từ tận xương tủy, chỉ cần một thay đổi nhỏ trong những ưu tiên, chúng ta có thể giúp cho mọi đứa trẻ ở Mỹ có được sự quan tâm đúng mức và rằng cách cửa của cơ hội sẽ luôn mở ra cho tất cả mọi người. Họ biết rằng chúng ta có thể làm tốt hơn. Và họ luôn tìm kiếm những lựa chọn như vậy. Và trong cuộc bầu cử này, chúng tôi đem đến cho các bạn một lựa chọn tốt hơn. Đảng dân chủ đã lựa chọn được một người đại diện cho những gì tốt đẹp nhất của đất nước chúng ta. Người ấy chính là John Kerry. “
Tiếp đến ông kêu gọi cần phải gạt bỏ những khác biệt về đảng phái, sắc tộc và đặt lợi ích của nước Mỹ lên trên hết (rất giống với giá trị mà George Washington chia sẻ trong diễn văn giã từ của mình).
“Song song cùng với quan điểm về chủ nghĩa cá nhân nổi tiếng của chúng ta/individualism, còn có một yếu tố khác trong thiên sử thi/sage Mỹ. Đó là niềm tin tất cả chúng ta đều kết nối với nhau thành một dân tộc. Nếu có một đứa trẻ không biết đọc chữ ở miền Nam Chicago thì đó cũng là vấn đề khiến tôi rất lưu tâm, dù cho đó không phải là con của tôi. Nếu ở đâu đó có một công dân cao tuổi không thể trả nổi hóa đơn thuốc và buộc phải đứng giữa hai lựa chọn đánh đổi thuốc men hay hóa đơn thuê nhà thì điều này cũng làm cho tôi cảm thấy mình trở nên nghèo túng dù cho họ không phải là ông bà tôi. Đó là niềm tin mang tính cơ sở: Tôi là người trông coi anh chị em xung quanh mình. Điều này sẽ giúp cho đất nước chúng ta vận hành suôn sẻ.”
Và nhấn mạnh giá trị quan trọng của Hoa Kỳ: “E plurius unum Out of many, one” – có ý nghĩa “tôn trọng sự đa sắc tộc”.
“Ở bên ngoài kia luôn có những người đang rắp tâm chia cắt chúng ta. Những ông chủ ba phải (spin masters) và những kẻ tôi tớ với miệng lưỡi bi quan (negative ad peddlers) luôn tìm cách a dua theo bất kì đường lối chính trị nào. Vâng, tôi sẽ nói với họ một điều vào tối nay, rằng không hề có khái niệm một nước Mỹ tự do hay một nước Mỹ bảo thủ, chỉ có duy nhất Một Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Không hề có nước Mỹ của người da màu hay nước Mỹ của người da trắng hay nước Mỹ của người Latin hoặc nước Mỹ của người châu Á. Mà chỉ có duy nhất một Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Những học giả thường thích chia ngang xẻ dọc nước ta thành những Bang Xanh (Ý chỉ phe Dân chủ), Bang Đỏ (ý chỉ phe Cộng hòa) (hoặc tím), Nhưng tôi cũng có tin mới cho họ đây. Chúng ta tôn sùng Đức chúa Toàn năng ở Bang Xanh và chúng ta cũng không thích những nhân viên chính phủ cứ loanh quanh trong thư viện của chúng ta ở Bang Đỏ. Chúng ta huấn luyện đội Little League (đội bóng chày) ở các Bang Xanh. Và vâng chúng ta cũng có những người bạn đồng tính ở các Bang Đỏ. Chúng ta là một dân tộc duy nhất, tất cả chúng ta đều nguyện trung thành với những ngôi sao và đường kẻ sọc. Tất cả chúng ta đều phải có trách nhiệm bảo vệ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. “
Bài diễn thuyết kết thúc bằng giá trị của hy vọng – một châm ngôn tranh cử của Obama
“Thưa các bạn, chúng ta sẽ chọn tham gia vào một nền chính trị đầy nghi hoặc, hay một nền chính trị đong đầy hy vọng ? John Kerry kêu gọi chúng ta đến với niềm hy vọng, John Edwards kêu gọi chúng ta đến với niềm hy vọng. Tôi không nói về một niềm lạc quan mù quáng (blind optimism), một kiểu ngu ngốc chủ tâm (wilful) rằng thất nghiệp sẽ biến mất nếu chúng ta không nghĩ về nó nữa, hoặc các cuộc khủng hoảng chăm sóc sức khỏe sẽ tự nó giải quyết được vấn đề chỉ cần chúng ta để mặc nó. Đó không phải là ý mà tôi muốn nói. Tôi muốn đề cập đến một điều gì đó thực chất hơn. Đó là niềm hy vọng của những người nô lệ được ngồi xung quanh đống lửa xướng lên bài ca hy vọng. Đó là niềm hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn của những người nhập cư đến từ những bến bờ xa xôi. Đó là niềm hy vọng của một anh trung úy hải quân trẻ gan dạ đi tuần xung quanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ám chỉ John Kerry). Đó là niềm hy vọng của con trai một công nhân nhà máy dám đối diện với những thách thức ngoài tầm (ám chỉ John Edwards). Đó là niềm hy vọng của một cậu bé gầy gò với cái tên buồn cười (ám chỉ chính bản thân Obama) tin rằng nước Mỹ có chỗ dành cho anh. Vâng, đó là niềm hy vọng mà tôi muốn đề cập.
Niềm hy vọng khi đối diện với khó khăn thử thách. Niềm hy vọng khi đối chọi với sự bấp bênh vô thường. Và đó niềm hy vọng táo bạo (the audacity of hope) của quốc gia chúng ta. Tôi tin tưởng rằng đất nước này sẽ lấy lại lời hứa xưa kia và dù cho nền chính trị hiện nay có u tối như thế nào thì một ngày tươi sáng hơn chắc chắn sẽ đến.”
Những diễn ngôn “giá trị” của Obama đã gây một tiếng vang lớn tại đại hội, hình ảnh và giọng nói của ông bắt đầu khắc sâu vào tâm trí của công chúng Mỹ. Bài diễn thuyết đã mở ra cho ông một con đường “quan lộ” thênh thang rộng lớn. Vào tháng 11, ông đắc cử vào Thượng viện Hoa Kỳ. Năm 2008, Obama thắng sít sao Hillary Rodham Clinton để nhận sự đề cử của Đảng Dân chủ. Ông đánh bại ứng cử viên Cộng hòa John McCain trong cuộc tổng tuyển cử, và tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ ngày 20/1/2009. Chín tháng sau, Obama được trao giải Nobel Hòa bình. Đến năm 2012, ông đắc cử nhiệm kỳ thứ hai sau chiến thắng trước ứng cử viên Đảng Cộng hòa Mitt Romney. Obama là ứng cử viên Dân chủ đầu tiên kể từ Franklin D. Roosevelt chiến thắng trong hai cuộc bầu cử tổng thống liên tiếp với đa số phiếu phổ thông.