Kết cục của tương lai [Phần 2] [Sự trì trệ của tiến bộ công nghệ]
Peter Thiel minh họa sự thăng trầm của dòng chảy công nghệ (hiện tại đang bị trì trệ) qua một loạt các sự kiện hay dẫn chứng: từ cuộc chiến văn hóa tại trường Stanford trong thập niên 70-80 (thứ gián tiếp đưa nhà hoạt động Rigoberta Menchu đến với giải Nobel Hòa Bình), sự khác biệt giữa hai địa hạt khoa học (công nghệ) và nhân văn (liên quan đến văn hóa, lịch sử, hay ngôn ngữ) đến vấn đề lưỡng dụng (dual use) của công nghệ cho cả việc xấu và việc tốt, điển hình như việc vũ khí hóa công nghệ. Phần nội dung phía dưới được Peter Thiel trích dẫn minh triết khắp đông tây kim cổ (cần đọc thật chậm) sẽ cho chúng ta thấy một bức tranh lớn hơn trong chuyển dịch tư tưởng của nhân loại, mà cụ thể là góc nhìn về công nghệ.
Hôm nay tôi sẽ đề cập đến một số đề tài, mà ban đầu, trông có vẻ không liên quan đến nhau và cố gắng đảm bảo mọi thứ tương hỗ nhau.
Hãy khởi đầu với câu hỏi: "Đâu là từ trái nghĩa với sự đa dạng (diversity)?". Có thể bạn sẽ ngạc nhiên, câu trả lời chính là trường đại học (university). Khái niệm "trường đại học" thường được diễn giải như sau: nơi chúng ta tìm kiếm sự thật (truth), có một khoảng không tự do (freedom) và quy tắc hành xử (civility) nhất định. Tuy nhiên phần lớn hệ thống này đang bị đe dọa bởi những thứ vô định hình, những lực chống lại đại học (anti-university). Một hình thức "tập hợp trường đại học" hậu hiện đại (multiversity) đang có phần dịch chuyển theo hướng hư vô (nihilistic - mất niềm tin vào mọi thứ, phủ nhận tầm quan trọng của các giá trị chung liên quan đến đạo đức hay văn hóa), có phần khác chảy theo hướng mọi thứ là tương đối (relativistic - không đảm bảo điều gì chắc chắn), và cũng có phần ra sức áp đặt mọi thứ (totalitarian - chuyên chế). Khi suy tư về hệ thống giáo dục ở bối cảnh rộng lớn hơn, sẽ mất rất nhiều thời gian để bóc tách hết các nghịch lý này (paradoxes). Chuyển dịch trên gắn với trăn trở của chủ nghĩa tự do cổ điển (classical liberalism), làm sao đảm bảo tự do học thuật hay niềm niềm say mê khai phá chân trời tri thức nhằm đưa nền văn minh đến tầng nấc mới.
Tiếp theo hãy quan sát cuộc chiến văn hóa hay các tranh luận văn hóa diễn ra 35 năm trước đây ngay trong lòng ngôi trường danh tiếng Stanford, thời điểm tôi khởi sự xây dựng Stanford Review cùng với Norman Book. Tờ báo ra đời năm 1987 và được tài trợ bởi Irving Kristol, nhà báo kỳ cựu kiêm bố già của chủ nghĩa tân bảo thủ (neoconservatism). Tôi đã khuyến khích các bài viết xoáy sâu vào văn hóa phương Tây, vốn thuộc chương trình học của tân sinh viên. Hội Rainbow tại Stanford khi đó đã chỉ trích mạnh mẽ chương trình vì đề cao quá mức thành tựu của những gã da trắng châu Âu đồng thời mong muốn thay thế bằng các nội dung khác liên quan đến tập hợp "Văn Hóa, Ý tưởng và Giá trị" từ nhiều nơi nhằm tôn vinh sự đa dạng (diversity) và thúc đẩy chủ nghĩa đa văn hóa (multiculturalism). Khái niệm "đa văn hóa" (multicultural) trở nên phổ biến trong trường giai đoạn 88-89, một thể nghiệm mới nhằm thay thế cái gọi là "văn hóa phương Tây truyền thống". Đề tài này được trao đổi sâu rộng giữa các học giả "Marxist" văn hóa hay bình đẳng văn hóa, chứ không chủ trương xóa bỏ văn hóa phương tây (non - western cultures), dĩ nhiên cũng có sự tham gia của những tay viết chống đối phương Tây (anti-western).
Tôi đã dành thời gian tìm hiểu thêm một số chất liệu "tư duy" trong các tiệm sách quanh trường Stanford. Tính tò mò cao độ đã dẫn dắt tôi chìm đắm trong một cuốn sách có cái tên "I, Rigoberta Menchu: một phụ nữ gốc Ấn ở Guatemala". Đây là tập hợp các bài phỏng vấn với một nữ nông dân ở Guatemala, người bị áp bức tứ phía trong cấu trúc xã hội cô dự phần. Một tác phẩm hoàn hảo về bất công: nghèo đói, mồ côi vì cuộc chiến sắc tộc (người thân bị giết chết bởi binh lính), từ bỏ cuộc hôn nhân hay thiên chức làm mẹ để tham gia cách mạng. Cụ thể, Rigoberta lên kế hoạch cho Cuộc diễu hành trong ngày quốc tế lao động (May Day), hòa theo dòng chảy "cộng sản" đang len lõi.
Các tranh luận quan trọng về "văn hóa phương Tây" đã khiến các sinh viên năm nhất của trường Stanford tiến sâu hơn vào cấu trúc tổng thể của văn hóa (whole culture), từ đó thúc đẩy những đề tài to lớn hơn chảy vào bầu không khí trao đổi học thuật. Với tư cách sinh viên năm cuối, tôi đã xoay sở thuyết phục các biên tập viên của tờ Wall Street Journal in lại một số đoạn trích dài trong tác phẩm trên, cụ thể mô tả sự hiện diện của châu Âu ở Tân Lục Địa hay khu vực Nam Mỹ nơi Rigoberta sinh sống, nhằm thúc đẩy các tranh luận "văn hóa" đi xa hơn. Khi Dinesh D'souza viết cuốn sách về giáo dục khai phóng (liberal education) trong năm 1991, chương sách về trường Stanford được đặt tựa là "Du hành cùng Rigoberta", một cách thu hút độc giả qua hình ảnh cách mạng biểu tượng. Thời gian trôi nhanh đến mùa thu 1992, thời điểm tôi đang làm trợ lý cho một thẩm phán ở Atlanta. Khi lái xe đến văn phòng vào một buổi sáng, đài radio rầm rộ báo tin về người đoạt giải Nobel Hòa Bình năm nay, một cái tên xa lạ với đại đa số công chúng: Rigoberto Menshu, dĩ nhiên là tôi nhận ra ngay. Rigoberto sau này trở thành biểu tượng toàn cầu, bà tham gia chạy đua chức vụ tổng thống của Guatemala vào năm 2007 và 2022, đồng thời sáng lập "đảng chính trị dành cho người bản xứ" đầu tiên ở nước này - Winaq.
Tôi phân biệt rất rõ hai khái niệm pháp lý "nguyên nhân gần đúng/ phỏng đoán" (proximate cause) và "nguyên nhân thực sự" (but-for-cause). Nỗ lực thúc đẩy các thảo luận "văn hóa" trên của tôi (có lẽ) không phải là "nguyên nhân gần đúng" cho việc Rigoberta dành được giải Nobel Hòa Bình. Tuy nhiên, rõ ràng nếu không có những cuộc thảo luận quy mô dồn dập diễn ra trước mắt tôi khi đó (mà tôi góp phần) thì việc dành giải thưởng của bà có lẽ là bất khả. Khi đó, tôi đã có cảm giác dự phần vào cuộc chiến mang tính hoàn vũ (cosmic struggle), nơi "Cái tốt" (Good) và "Cái xấu" (Evil) va chạm mạnh mẽ. Rất lâu sau này, tôi mới nhận ra mình chỉ là diễn viên quần chúng (two-bit actor) trong "tấn tâm kịch" (psychodrama) của phe cánh trái. Tôi đã giúp hoàn thành quá trình nạn nhân hóa (victimization) Rigoberta, điều mà các nhà bảo thủ Cộng Hòa (Republican conservatives - cánh phải) ở Hoa Kỳ không can dự, gián tiếp thúc đẩy bà nhận được giải Nobel Hòa Bình.
Câu chuyện về Rigoberta đã gây ra nhiều tranh cãi quanh tính xác thực: có quá nhiều thông tin trông tốt đến mức khó tin (too good to be true), hoặc phần nào bị hư cấu hóa (semi-fictionalized) với chủ đích nhắm đến Giải Nobel Hòa Bình. Tất nhiên, rất khó để kiểm chứng lại các thông tin trên, mọi thứ quá nhập nhằng. Đa phần các phiên tranh luận về Rigoberta trong thời điểm đó chỉ đạt đến chất lượng "hời hợt", kiểu như bắt cá có sẵn trong thùng (ám chỉ việc lựa chọn những lý giải dễ dàng). Nhiều phản biện "sâu cay" rơi vào thinh không, trông như đang cố la hét trong cơn bão. Những nhà tự do bảo thủ hay cổ điển (conservative libertarian/ classical liberals) với tư duy phản biện dường như đang tham dự vào một cuộc chiến mà mình sẽ thất bại trên đường dài. Đây là bầu không khí diễn ra khi đó.
Hôm nay, thay vì tiêu khiển các bạn bằng những câu chuyện có tính "kiêu khích hay bóng gió về tình dục" (semi-pornographic), tôi muốn một cách tiếp cận thật "nghiêm túc": cụ thể, không được phép biến thành "người rơm bù nhìn" (straw man), nghĩa là chỉ tiếp nhận các lý lẽ đã bị bóp mép hay với mục đích đùa cợt, mà phải rèn luyện mình thành "người thép" (steel man), luôn nỗ lực hiểu thấu đáo các lý lẽ. Học cách tranh luận xoáy quanh ý tưởng chứ không chăm chăm tấn công đối thủ bất đồng với mình là cực kỳ quan trọng.
Tôi sẽ đào sâu vào sự phức tạp này và trao cho các bạn những lý lẽ tốt nhất để chống đỡ lại các phản biện (hay phản biện của phản biện) tấn công đến chủ nghĩa tự do cổ điển (classical liberalism) hay tấn công đến các trường đại học theo quan điểm cổ điển (classical universities). Cần nhớ trong lý lẽ "người thép": hai lần phủ định (negative) là khẳng định (positive) và bốn lần phủ định vẫn là khẳng định (ám ý việc sử dụng khéo léo các lý lẽ phủ định của đối thủ). Hãy khám phá xem (real nerve) tinh thần thực sự phía sau các tranh luận trên là gì và làm thế nào có thể tư duy đúng về chúng.
Các tranh luận về "Văn hóa phương Tây" trong thập niên 80 tại trường Stanford hay trao đổi giữa nhóm sinh viên với chủ tịch Donald Kennedy hay các lãnh đạo cao cấp của trường thường có những quan điểm cực kỳ điên rồ chảy vào, xuất phát từ nhóm cực đoan. Các câu trả lời hay phản biện lại khi đó luôn mang tính kỹ thuật (technocratic) thay vì nhắc đến Shakespears và các bộ môn nhân văn (humanities - các môn liên quan đến văn học, ngôn ngữ, lịch sử, triết học). Mọi thứ đều có thể lý giải bằng khoa học và chúng ta thực sự đã đạt được bước tiến to lớn trong địa hạt này (enormous progress).
Nhờ khoa học, chúng ta đã xây dựng được máy gia tốc hạt SLAC (particle accelerator) cùng nhiều phát kiến đột phá khác. Rõ ràng, thành quả trên chính là mục tiêu căn cơ của các trường đại học. Theo tôi, đây chính là hướng đi đúng đắn và tạo ra giá trị thực sự. Tôi luôn trăn trở với đường hướng mà "khoa học" và "công nghệ" đang đi. Cụ thể, câu hỏi phổ quát này luôn chạy trong đầu tôi suốt 15 năm qua: tổng thể khoa học và công nghệ đã tiến về phía trước như thế nào? Sự tuyên truyền những thứ như STEM - cụm từ viết tắt của các từ Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật) và Math (Toán học) có là dấu chỉ cho bước tiến phi thường nào đó, hay thực tế mọi thứ đang đi lùi.
Nếu ai đó (bám theo câu hỏi trên) có thể chứng minh rằng Khoa học và Công nghệ hiện tại đang rất yếu ớt, nói cách khác, "vương miện" STEM không thực sự hiệu quả hay đem đến điều gì tốt đẹp thì, quả thật, điều này tác động đến tôi như kiểu nhận được đòn đánh chí mạng. Ngành nhân văn (humanities) trông đã thật ngớ ngẩn (với tôi) và nay cả STEM cũng vậy, thì quả thật không còn gì. Đánh giá thấu đáo "tiến bộ khoa học" quả thực rất khó khăn.
Một trong những vấn đề của hệ thống đại học hậu hiện đại chính là sự phân tách "chuyên môn" cực đoan (compartmentalized). Mọi thứ đang được chuyên biệt hóa cao độ và bạn hầu như chỉ có thể góp ý cho một thứ gì đó sau khi bỏ công sức gần nửa cuộc đời để nghiên cứu học tập. Tập các "tiêu chuẩn gác cửa" (sets of guardians) dõi theo tiến bộ khoa học đã hẹp hơn rất nhiều. Đồng thời, các ẩn dụ kiểu Plato bị bóp méo (corrupt platonic metaphor) được sử dụng tràn lan: những thứ nghe rất hấp dẫn (hay lý tưởng) nhưng không dẫn đến hành động thực tiễn nào. Ví dụ như lý thuyết dây (string theory) trong vật lý trông rất tuyệt vời nhưng rõ ràng bất cứ ai có bộ gen về toán tệ hại đều không thể tham gia bàn luận. Hoặc chúng ta có những nhà nghiên cứu ung thư hứa hẹn có thể tìm ra cách chữa trị trong năm năm, nhưng thực tế họ vẫn loay hoay suốt 50 năm qua. Ngày càng nhiều địa hạt siêu chuyên môn xuất hiện.
Tiến bộ thực sự nào đã đạt được? Đây là câu hỏi quan trọng, trực giác nói với tôi mọi thứ đang diễn ra rất chậm: nền kinh tế nói chung, tiêu chuẩn sống của những người trẻ, năng lực kiếm tiền thế hệ trẻ (so với cha mẹ họ). Thật lạ lùng khi quan sát tiến bộ to lớn chung ra rả trên báo đài. Câu hỏi tiếp theo là có phát kiến (breakthroughs) to lớn nào được tạo ra? Trong thập niên 60, định nghĩa công nghệ được diễn giải như sau: những thứ tạo ra thay đổi to lớn, không chỉ máy tính mà cũng ám chỉ đến tên lửa, sóng siêu âm, hàng không, cách mạng xanh trong nông nghiệp, các thành phố dưới nước, và dược phẩm mới. Bao hàm rất nhiều thứ. Ngày nay khi nhắc đến công nghệ, hầu như công chúng chỉ liên tưởng đến công nghệ thông tin (information technology), rõ ràng "tiến bộ công nghệ" đã bị hẹp hóa quanh thế giới của "bits", đơn vị nhỏ nhất dùng để biểu thị thông tin trong máy tính. Cụ thể xoay quanh máy tính, internet hay điện thoại di động. Địa hạt này tạo ra nhiều công ty vĩ đại, nhưng hoàn toàn không đủ để dẫn dắt nền văn minh đi đến mức độ cao hơn.
Khi dự phần vào thế giới đầu tư mạo hiểm VC (Venture Captital), tôi thường nhấn mạnh thông điệp sau: "sau những hứa hẹn hay ho như việc tạo ra xe hơi bay, tất cả những gì chúng ta nhận được là 140 ký tự (ám chỉ Twitter, hiện tại đã tăng lên 280)". Đa phần các quỹ VC hiện nay chỉ chăm chú vào chữ vốn (capital) thay vì mạo hiểm (venture). Thay vì rót vốn vào những dự án tham vọng, có khả năng chuyển hóa cuộc sống nhiều người như xe hơi bay chẳng hạn, thì họ lại đặt cược vào những thứ an toàn hơn. Đầu tư vào các công ty "mạng xã hội" như Twitter thì không phải hoàn toàn không có rủi ro, nhưng ý tưởng này không thể gây ảnh hưởng mạnh mẽ (moonshots) như xe bay, tàu không gian hay chữa bệnh ung thư. VC không chỉ đặt cược vào những sáng kiến hay ho mà còn có khả năng thay đổi tương lai của nhân loại. Tất nhiên tôi không có ý tấn công Twitter (Thiel là một trong những người rót vốn đầu tiên vào Facebook). Twitter vận hành như một công ty với 8000 con người. Có lẽ sau đợt "sa thải" hung hãn của Elon Musk, Twitter chỉ còn khoảng 4000 người. Các nhân sự này chăm chỉ đến văn phòng, hút cần, sau đó nhận được khoản tiền lương hậu hĩnh để vận hành nền tảng trao đổi tin 280 ký tự. Một công ty vận hành với mô hình như vậy rõ ràng không thể đưa nhân loại đến tầm vóc cao hơn.
Những trăn trở về "tiến trình khoa học - công nghệ" kiểu như trên không diễn ra mạnh mẽ khi tôi theo học tại Stanford năm 1989. Hồi tưởng lại, rõ ràng môn học đáng chú ý khi đó lại chính là khoa học máy tính (computer science) bởi địa hạt này có tính thực tiễn cao, chứ không "cao siêu" như các ngành kỹ thuật khác (engineering field). Tôi rất yêu thích khoa học nhưng không phải kiểu khoa học đề cập đến những thứ (với tôi) không phải khoa học như khoa học chính trị (political science), hay khoa học khí hậu (climate science). Khoa học máy tính (computer science) cũng xếp vào nhóm này. Những ai cảm thấy khó khăn với ngành điện - điện tử chẳng hạn (electrical engineering) sẽ tìm cách nhảy ra ngoài và dòm ngó đến "khoa học máy tính", dĩ nhiên ngành này hóa ra lại phù hợp với thế thời khi đó.
Các địa hạt kĩ thuật khác di chuyển rất chậm. Ngành điện tử có thể chỉ bùng nổ sau đó một thập kỷ tính từ lúc tôi học tại Stanford năm 1989. Những ngành khác như kĩ thuật cơ khí (mechanical enigneering) hay kĩ thuật hóa học (chemical engineering) mà bố của tôi dự phần đều phát triển tệ hại, có vẻ như chúng ta chẳng thể làm gì với mớ hiểu biến trong thế giới phân tử (atoms). Trong những năm 80, bạn sẽ cảm nhận rõ không nên nhảy vào những ngành khó nhằn như: kĩ thuật nguyên tử (nuclear engineering), kĩ thuật hàng không (aero), hay thế giới "nguyên tử" (atoms).
Đây là bộ khung "tư duy" tôi trao cho các bạn: sự trì trệ to lớn đã diễn ra trong địa hạt công nghệ (hay khoa học) suốt 50 năm qua song song với việc bộ máy tuyên truyền sai sự thật về tiến bộ công nghệ đang phình to lên. Chúng ta thực sự không thể né tránh câu hỏi: "công nghệ đã và đang đi đến đâu?" Hãy dự phần vào các thí nghiệm tâm trí sau (thought experiments).
Dưới góc độ kinh tế vĩ mô tại Hoa Kỳ, (theo tôi) các vấn đề xã hội chỉ có thể giải quyết nếu duy trì được tốc độ tăng trưởng GDP 4%. Cụ thể, phải tìm cách thoát khỏi thâm hụt (deficits) và có đủ sự tăng trưởng để mọi người trong xã hội đều cảm thấy mọi thứ đang tốt lên. Vậy làm thế nào để đạt được 4% tăng trưởng GDP? Có hai cách:
(1) Thay đổi chính sách như xóa bỏ các quy định môi trường hay quy định nhập cư, dĩ nhiên nếu tiến hành các nước đi này thì xác suất cao là bạn không bao giờ được người dân bầu (elected). Bạn có thể đạt được sự tăng trưởng "bệnh hoạn" to lớn (cancerous growth) trên bằng các thủ thuật "chính trị" cao siêu.
(2) Tạo ra các phần thưởng (commission) cho việc thúc đẩy thay đổi công nghệ (technological change). Trước hết cần tiến hành đo lường '"tiến trình phát triển của công nghệ" hiệu quả. Tiếp theo, tạo điều kiện tối đa cho những ai hào hứng tham gia xây dựng vườn địa đàng công nghệ (techno-utopian), nhóm thường đến từ thung lũng Silicon. Khi tạo động lực qua "phần thưởng" xứng đáng, các kết quả họ đem lại trông sẽ như thế này: đạt được tăng trưởng 2% và lạm phát 2%. Tuy nhiên, con số thực tế phải là 4% tăng trưởng, 0% lạm phát, bởi các tiến bộ công nghệ (quanlitative) về mặt định lượng thường to lớn vẻ ngoài nhiều.
Hàng nghìn tỷ đô la có thể được tiết kiệm (cho việc khác) nếu làm sai lệch đi nhận thức về tiến bộ công nghệ, đây chính là cách chính quyền của Tổng thống Clinton thực hiện. Họ đã lừa dối bằng cách "điều chỉnh khoái lạc" của công chúng (hedonic adjustments) hay cảm nhận "ngây thơ" của mọi người về tiến bộ công nghệ. Mục đích cuối cùng là cân bằng ngân sách theo ý muốn của chính quyền. Là người theo tư tưởng tự do (libetarian), tôi hoàn toàn thông cảm nhưng thâm tâm luôn mong ảnh hưởng "nhà nước phúc lợi" phải suy giảm (welfare state) và trong tư cách một nhà tri thức, tôi không đồng ý với việc bóp méo các tiến bộ công nghệ. Cụ thể như các "điều chỉnh khoái lạc" kiểu độ phẳng hay kích thước màn hình điện thoại iphone (càng phẳng và càng to nghĩa là công nghệ đã đi xa hơn), nghe giông giống như việc bà tôi hạnh phúc khi ăn đồ ăn của mèo. Nghe có gì đó thật sai trái.
Lý lẽ đá xoáy "khoa học" thông thường là: "đừng để ý đến địa hạt nhân văn (văn hóa, ngôn ngữ, lịch sử ...) mà hãy quan tâm đến khoa học. Ngành này rất vĩ đại dù có nhiều thứ mù mờ (defective) khó đánh giá hay đo lường hơn nhóm nhân văn. Bạn có thể đánh giá (evaluate) Rigoberta Menchu chứ rất khó chạm vào lý thuyết dây (string theory - với không gian có 10 chiều)" nếu bạn không có bằng tiến sĩ (PhD) trong vật lý chẳng hạn. Với khoa học, chúng ta cũng nên có trực giác "chính trị" kiểu như thế này: Ai cũng mong muốn DMV (Nha lộ vận - một cơ quan cấp tiểu bang với hai chức năng chính là thu thuế lưu thông và cấp bằng lái xe) và CIA (Cơ quan tình báo trung ương) vận hành tốt hơn. Điều này chỉ đạt được khi chúng ta quan sát trực diện (hay giám sát khéo léo) cả DMV (hay CIA).
Còn có một kiểu phản biện (polemical version) khác là: "tốt hơn hết là sinh viên nên theo học các ngành nhân văn thay vì khoa học. Trong địa hạt nhân văn, ít ra bạn cũng chấp nhận thực tế: nếu không kiếm được việc làm thì tất nhiên phải chịu cảnh thất nghiệp. Còn trong địa hạt khoa học, có nhiều người bị chìm đắm trong lừa dối và tin rằng mình sẽ được bảo vệ bởi (natural goodness) lực "tử tế tự nhiên" của vũ trụ (ảo ảnh mơ hồ) dù rõ ràng sân chơi này thuần túy là một cuộc cạnh tranh kiểu "Malthus" (theo tên nhà khoa học đưa ra giả thuyết dân số gia tăng vượt quá khả năng phát triển diện tích đất đai trồng trọt và mùa màng) với mức độ khốc liệt ngày càng gia tăng (red in tooth and claw). Hãy tưởng tượng: 10 sinh viên trong phòng thí nghiệm hóa học (chemistry lab) chiến đấu với nhau dành lấy đèn đốt Bunsen (Bunsen burners - một thiết bị phổ biến trong phòng thí nghiệm tạo ra một ngọn lửa khí hở, dùng để đốt nóng hoặc khử trùng). Chỉ cần một người tuyên bố điều gì đó sai, họ sẽ bị ném ra khỏi tháp ngà, dự phần vào thế giới đông đúc ngoài kia (overcrowded bus), những người ở lại thì thở phào (it's a relief). Điều này diễn ra có tính chu kỳ và lặp đi lặp lại."
Mọi người luôn hỏi tôi: tại sao sự trì trệ hay chuyển dịch này lại diễn ra trong những năm 70. Tôi thường né tránh trả lời bởi vấn đề này phức tạp và có nhiều thứ phải nhìn vào (point to): có thể nằm ở các quy định kiểm soát quá mức từ chính phủ (extra government regulation) hay việc các trái ngọt "khoa học" ở dưới thấp đã được gặt hái (low-hanging fruit is picked - những thứ trên cao giờ khó hái hơn). Tyler Cowen, tác giả của "Sáng tạo phá hủy: cách toàn cầu hóa thay đổi văn hóa thế giới", cho rằng nền văn hóa có thể bị thay đổi hay bẻ hướng theo những cách thức lạ lùng. Các bạn trẻ ngày nay bị tấn công bởi những nỗi bất an và lo lắng. Họ lẩn trốn dưới các tầng hầm (tâm trí), bị động và hầu như không thích nghi được với những chuyển động nhanh chóng xung quanh. Là "người thép", chúng ta cần xem xét nghiêm túc: tại sao mọi thứ lại chậm lại trong suốt 50 năm qua và điều gì khiến khoa học và công nghệ trở nên phản địa đàng (dystopian) và bị soi dưới góc độ phá hủy (destructive) như vậy.
Nhân loại không còn ở trong thế kỷ 18 và 19, giai đoạn của kỷ nguyên khai sáng và duy lý (rationalist Enlightenment), khoảng thời gian mà ai cũng muốn mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn theo nhiều cách. Tuy nhiên, các cuộc thế chiến hay vũ khí hạt nhân đã xuất hiện sau đó. Sự tử tế tự nhiên của con người mà triết gia Rousseu hay Voltaire đề cập đã trở nên mỏng dần theo thời gian đến những năm 50 và 60. Lịch sử đã nhào nặn nên những người điên rồ kiểu như Charles Manson (thủ lĩnh giáo phái Manson Family), ông ta dùng LSD (thuốc tạo ảo giác) để quan sát các ảo ảnh, ám ảnh bởi chiến tranh nhiệt hạch (thermonuclear) và mong muốn trở thành nhân vật phản anh hùng (như nhân vật Rodka trong tiểu thuyết Tội ác và Trừng phạt của Dostoyevsky). Charles đã xem việc giết người là bình thường vì dù gì thế giới cũng đang hướng đến ngày tận thế (apocalypse). Tinh thần bi quan yếm thế như vậy đã chảy dần trong lòng xã hội. Cần phải làm chậm hay bóp thắng lại xu hướng này.
Công nghệ luôn mang trong mình tính lưỡng dụng, nghĩa là có thể được sử dụng cả vào việc tốt và việc xấu. Tôi có thể hùng biện cả ngày về tính lưỡng dụng của các nhà máy hạt nhân, bản vị vàng (gold standard) hay cửa sổ Overton (phổ các quan điểm chính trị được chấp nhận chảy chính thống). Lịch sử đã minh chứng cho chúng ta thấy rất khó né tránh bản chất lưỡng dụng của mọi công nghệ. Điểm bùng phát (tipping points) mối quan ngại về sức mạnh hạt nhân không phải nằm ở vụ nổ Chernobyl (hay vụ Three Mile Island - sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Three Mile Island ở quận Dauphin, Pennsylvania, Hoa Kỳ năm 1979) mà ở việc Ấn Độ được chuyển giao công nghệ hạt nhân. Vào tháng 05/1974, nước này đã tiến hành thử nghiệm quả bom hạt nhân, chiến dịch với cái tên đầy nghịch lý "Đức Phật Mỉm Cười" (Smiling Buddha). Dù trước đó, ai cũng tin Ấn chỉ sử dụng uranium tại các nhà máy hạt nhân một cách hòa bình. Công nghệ này đã bị vũ khí hóa, do đó không thể giao nó cho nhiều người. Toàn thế giới sẽ bị thổi bay nếu ai cũng có trên tay quả bom hạt nhân.
Vẫn đề lưỡng dụng của công nghệ phủ mọi ngóc ngách. Nó nằm trong phong trào môi trường (environmental) mà phe cánh trái cổ súy, đang ngày càng lớn mạnh một cách kinh ngạc trước mắt phe cánh phải. Thậm chí, ẩn ngay cả trong các phát kiến to lớn gần đây của nhân loại mRNA. Tại sao chúng ta không tổ chức buổi diễu hành tôn vinh các nhà khoa học tạo ra mRNA. Lý do sâu sắc nằm ở việc vắc xin mRNA được tạo ra rất gần (adjacent) với những gì diễn ra trong phòng thí nghiệm Vũ Hán (được nhiều người tin là nơi tạo ra virus Covid). Những phòng thí nghiệm sinh học vận hành theo cách khiến chúng ta nghi ngờ về thế giới vũ khí sinh học kiểu Orwell (tác giả tiểu thuyết phản địa đàng 1984). Có những sáng chế mang tính đột phá nhưng cũng đứng ở lằn ranh "phản địa đàng" (dystopian).
Tôi đã từng yêu thích khoa học viễn tưởng. Có lẽ chúng ta nên tiến hành một cuộc khảo sát thú vị để tìm hiểu tại sao các tác phẩm này lại có xu hướng dịch chuyển đến "phản địa đàng" như hiện tại. Thay vì tạo ra những tác phẩm Star Trek mới, một hiện tượng văn hóa trong thập niên 60 (nguồn cảm hứng cho nhiều phát minh công nghệ, bao gồm cả điện thoại di động và máy tính bảng), các tác phẩm ra đời trong suốt 50 năm qua dường như tập trung vào mặt trái công nghệ trong tương lai. Liệu đây có phải là những gì xảy ra theo luật tự nhiên (deep law of nature) hay có một sự thật sâu sắc (deep truth) rằng tiến bộ đạt ngưỡng nào đó rồi sẽ bị phân tách hay lạm dụng, thứ được phản ánh qua thế giới "phản địa đàng" (chúng ta không tin có điều gì là tốt đẹp) mà chúng ta dự phần.
[Phần 1] [Giới thiệu]