Khẩu trang và Zoom
Trung Quốc và Mỹ đang so găng quyết liệt trong bão covid-19. Tờ NY Times đay nghiến: “Bỏ qua nhu cầu hiển nhiên trong việc ứng phó với đại dịch ngay từ đầu, chính quyền Trump đã gia tăng xuất khẩu các mặt hàng như khẩu trang y tế, máy thở cùng các thiết bị thiết yếu khác tới Trung Quốc hơn là trù bị cho các nhân viên y tế của mình. Cụ thể khi đại dịch chưa bùng lên ở Mỹ, trong tháng 1 và 2, xuất khẩu từ Mỹ các mặt hàng máy thở và bơm oxy (oxynation) tăng 138%, khẩu trang y tế tăng 1315%, thiết bị bảo hộ tăng 493%, sản phẩm khử trùng tăng 225% (theo khảo sát của Census Bureau). Nhiều người Mỹ đang phải đánh cược mạng sống vì sự thờ ơ, chậm trễ, dối trá của chính quyền Trump.” Giờ đây khi bão virus tràn ngập Mỹ, Tổng thống Trump lại buộc phải sử dụng DPA (Defense Production Act – Đạo Luật Sản Xuất Quốc Phòng – được áp dụng từ trước Chiến Tranh Hàn) để ép công ty sản xuất khẩu trang y tế như 3M ở Minnnesota chấp dứt bán hàng ở các thị trường khác, kể cả nơi đang đặt nhà máy – cụ thể như Trung Quốc – hy sinh trách nhiệm đã cam kết với các khách hàng đăng ký trước đó để phục vụ cho nhu cầu chính quyền Trump.
Trước đó Peter Navarro, cố vấn của Tổng Thống Trump về thương mại và sản xuất, tiết lộ trên đài Fox Business, Trung Quốc đã chiếm quyền kiểm soát tất cả các nhà máy sản xuất khẩu trang do Mỹ quản lý tại đại lục – cụ thể như đang ra sức quốc hữu hóa 3M. Từ đầu tháng 3, WHO đã cảnh báo về sự phá hủy nguồn cung PPE (thiết bị bảo hộ cá nhân) gây ra bởi gia tăng nhu cầu đột biến, thu mua trong hoảng loạn, đầu cơ cùng sử dụng sai mục đích sẽ khiến rủi ro virus càng gia tăng gấp bội. Ngành công nghiệp PPE ước tính phải gia tăng năng lực sản xuất lên 40% để đáp ứng nhu cầu, phần nhiều trong đó là khẩu trang y tế. 3M trong vòng một tháng đã nâng đầu ra từ 19 triệu lên tới 35 triệu khẩu trang – trong đó đặc biệt là N95 (với khả năng lọc 95% bụi mịn – airborne particles). Nước Mỹ đầu tháng 3 chỉ có 30 triệu khẩu trang N95, chiếm 1% nhu cầu ước tính tổng cộng 3,5 tỷ khi đại dịch bùng phát tối đa ở Mỹ. HHS (Bộ Phận Dịch Vụ Sức Khỏe và Con Người của Mỹ) mong muốn đặt hàng khoảng 500 triệu N95 trong 18 tháng tới cho SNS (Dự Trữ Chiến Lược Quốc Gia).
Điều thú vị là 3M là cái tên gắn liền với nhiều rắc rối trước đó: giá cổ phiếu suy giảm đáng kể từ khủng hoảng tài chính châu Á (tới tháng 3/2020 suy giảm 35% trong suốt 12 tháng), doanh thu âm năm kỳ nối liền trước Q4 2019, kiện cáo liên quan đến PFAS (một hóa chất nguy hại – dùng chế tạo bình chữ cháy) cùng sự suy giảm hoạt động thị trường ở Trung Quốc do Covid-19, nơi chiếm 10% doanh thu bán hàng và lợi nhuận của 3M (theo khảo sát của William Blair). Tuy nhiên, sự gia tăng nhu cầu của khẩu trang y tế tại Mỹ và Trung Quốc lại có khả năng thúc đẩy doanh số cho 3M do dụng cụ bảo hộ chiếm 30% cơ cấu sản xuất: thị trường trước Covi-19 vào khoảng 100-150 triệu $/năm (Gordon Haskett), hoặc theo ước tính của William Blair trong năm 2019 – khoảng 325 triệu $, năm 2020 sẽ tăng lên gấp đôi 600 triệu $ do ảnh hưởng virus. Giờ đây, 3M phải bước vào cuộc chiến căng thẳng với cả chính quyền Trump và Tập đồng thời dần phủ sóng mọi mặt báo – 3M cho rằng: việc ngăn cản xuất khẩu “khẩu trang” (theo trách nhiệm đã ký kết trước đó với các đối tác) có thể dẫn đến “sự trả thù kéo dài” (chiến tranh thương mại) khiến cho tổng cung cuối cùng đến Mỹ suy giảm. Đây cũng là bài toán của Honeywell, cùng với 3M là hai gã khổng lồ Mỹ đứng đầu thị trường khẩu trang ở Trung Quốc.
Bên cạnh cuộc chiến khẩu trang, địa hạt “công nghệ” ăn theo Covid-19 cũng diễn ra căng thẳng không kém. Eric Yuan sinh ra tại Sơn Đông, Trung Quốc trong một gia đình tri thức – bố mẹ là kĩ sư khai thác mỏ. Anh theo học cử nhân toán ứng dụng và thạc sĩ ngành khoa học máy tính tại Đại học Khoa học và Công nghệ Sơn Đông. Sau khi tốt nghiệp Yuan đến Nhật làm việc và chuyển đến thung lũng Silicon nhờ được truyền cảm hứng từ Bill-Gates qua bài chia sẻ về bong bóng “dot-com” (theo Bloomberg). Anh đến California gia nhập giới công nghệ vào năm 1997 sau 8 lần bị Mỹ từ chối visa khi đã 27 tuổi. Dòng chảy cơ hội đưa Yuan đến làm việc với Cisco Systems, cụ thể là tại WebEx, một công ty công nghệ “họp trực tuyến” mà Ciso thâu tóm năm 2007 nhưng rời bỏ vài năm sau đó (2011) để sáng lập Zoom khi đề xuất cải tiến của mình bị cấp trên từ chối – một bước ngoặt lớn trong cuộc đời, đặc biệt là trong cơn bão Covid-19.
Zoom gia nhập thị trường chứng khoán vào tháng 4/2019 với tín hiệu khả quan từ đầu (tăng 72% trong ngày đầu giao dịch) dù cạnh tranh gay gắt với nhiều gã khổng lồ khác như Microsoft, Google và Cisco. Tuy nhiên, giá trị của công ty từ đầu tháng 2 đến cuối tháng 3 năm 2020 mới tăng đột ngột 67% trong khi chỉ số S&P500 lúc đó giảm 20%, số lượng tải ứng dụng tăng vọt hàng chục lần biến Zoom thành ứng dụng số 1 trên iStore – trong khi đó các đối thủ như Skype, WebEx lại lung lay, khách hàng tăng từ 10 triệu lên 200 triệu (bao gồm 90 ngàn trường học xuyên qua 20 quốc gia), còn giá trị bản thân Yuan lại tăng đến 2 tỷ $. Tất cả xuất phát từ nhu cầu làm việc tại nhà của hàng trăm triệu người trên khắp thế giới trong quá trình cách ly xã hội diện rộng. Zoom gần đây đã kí được thỏa thuận trị giá 1,3 triệu $ với chính quyền Mỹ cùng việc đưa các cuộc họp nội các của Anh lên nền tảng này (như status được chia sẻ gần đây trên Twitter của thủ tướng Anh Boris Johnson).
Tuy nhiên, gần đây các nhà nghiên cứu của Citizen Lab đã phanh phui nhiều vấn đề trên nền tảng Zoom. Cụ thể, Zoom mã hóa các cuộc gọi bằng bộ khung tự chế nhà làm (home-grown encryption scheme) với rất nhiều lỗ hổng trong tính năng “phòng chờ” (waiting room). Dịch vụ của Zoom được Citizen Lab đánh giá không phù hợp cho việc bảo mật, mà rất có thể đã ngầm trao cho chính phủ Trung Quốc chìa khóa giải mã các cuộc gọi từ Zoom. Gần đây nhất (theo TechCrunch), Zoom đã thừa nhận có một vài cuộc gọi được chuyển hướng đến Trung Quốc (do lỗi kỹ thuật). Thêm nữa, nhóm Citizen Lab cũng quan ngại về cơ cấu nhân sự của Zoom với gần 700 người từ Trung Quốc xuyên qua ba chi nhánh – hãy tưởng tượng nhóm người Trung Quốc có thể nghe lén mọi cuộc họp nội các các quốc gia trên thế giới. Phản pháo lại Zoom, NASA cùng đối tác của mình SpaceX, công ty do tỷ phú Elon Musk sáng lập đã cấm tiệt các nhân viên sử dụng Zoom (họp trực tuyến) trước những lo ngại về vấn đề an ninh và bảo mật – do các công nghệ nhóm này nắm đóng vai trò rất quan trọng với an ninh quốc gia Hoa Kỳ. Zoom hiện tại cũng đã bị cấm ở các trường học của Mỹ, bao gồm New York sau khi FBI đưa ra các cảnh báo.