Thế giới có cần Davos
Kiệt tác “Núi thần” (Der Zauberberg) của Thomas Mann, một nhà văn Đức vĩ đại tạo ra một bối cảnh núi tuyết tuyệt đẹp, một nơi chốn tách biệt với thế giới rộng lớn bên ngoài để chàng kỹ sư Hans Castorp, nhân vật chính của tác phẩm chất vấn về sự suy thoái của chủ nghĩa tư bản, giá trị nhân văn, tình yêu, tâm hồn, cái chết và thời gian. Không gian khác biệt trên tương tự như “chốn tận cùng” mà nhà văn Nhật Haruki Murakami đã tạo ra trong “Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng của thế giới”, là nơi các tư tưởng của “Kỷ nguyên Khai Sáng” chảy vào đầu Hans.
Khung cảnh trên được gợi cảm hứng từ Davos, ngoài đời là một trong những địa danh đẹp nhất đất nước Thụy Sĩ, một thành phố nằm tách biệt trên núi đồng thời cao nhất châu Âu. Thú vị thay, thành phố này cũng là nơi được chọn để tổ chức một sự kiện hội ngộ tư tưởng thường niên đắt giá bậc nhất trên thế giới – Diễn đàn kinh tế thế giới thường niên Davos (World Economic Forum) do một giáo sư người Đức sinh ra ở Ravensburg dẫn dắt (ông vốn cũng là một kỹ sư tài ba, người nắm 5 tấm bằng ở tuổi 27) – Klaus Schwab.
Chỉ cách đây một vài tuần, sự kiện Davos lần thứ 50 xoay quanh đề tài “Sự thức tỉnh của chủ nghĩa tư bản” đã diễn ra – nơi một nhóm các nhà hoạt động trẻ tuổi (như Greta Thundergs) thách thức những gã tài phiệt lớn tuổi, da trắng (bao gồm Donald Trump) về “chủ nghĩa tư bản thiếu kiểm soát”, “mối đe dọa hành tinh đến từ sự tham lam của các tập đoàn”, hay “đã đến lúc thực hiện các thay đổi sắt đá”. Davos 50 cũng là nơi mà Marc Benioff, chủ tịch của Salesforce đưa ra nhận xét “chủ nghĩa tư bản mà chúng ta biết đã chết” hay cuộc đàm thoại giữa ông chủ hãng Huawei, Ren Zhengfei và sử gia Yuval Noah Harari đề cập đến cuộc chạy đua vũ trang trên nền công nghệ mới (như AI). Đây cũng là dịp mà giáo sư Schwab đưa ra “Tuyên ngôn Davos” mới được thiết kế cho thời đại “Cách mạng công nghiệp lần thứ 4” đi kèm thang đo ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị).
Davos 50 cũng đánh dấu gần một năm mình tham gia cộng đồng Global Shapers, một sáng kiến của WEF dành riêng cho giới trẻ. Tạp chí The Economist, tổ chức đứng đằng sau một số sự kiện kết nối bên lề Davos 50 đã dành một bài viết phân tích khá thú vị về các thách thức mà Schwab hay WEF đang đối diện cùng bài toán tài chính liên đới tới mạng lưới quyền lực mà hệ thống này tạo ra. Mình đã lược dịch bài viết ra sau đây:
Tổ chức đứng phía sau Davos đang đối diện với ba thách thức: danh tính đầy mâu thuẫn, gia tăng cạnh tranh và sự kế thừa không chắc chắn.
Vào năm 1971, Klaus Schwab, một học giả thông thái (người nắm trong tay năm tấm bằng về kỹ thuật và kinh tế ở tuổi 32), đã đứng ra tổ chức một sự kiện tại trung tâm hội nghị vừa khai trương tại một khu nghỉ dưỡng ở Davos, thành phố nổi tiếng với khu nhà an dưỡng dành cho bệnh nhân lao phổi và là bức phông nền trong kiệt tác văn chương “Núi thần” của Thomas Mann. Klaus Schwab muốn dùng hội thảo khoa học này để giúp giới kinh doanh châu Âu suy tư nhiều hơn về “các bên liên quan khác” (stakeholders) thay vì chỉ tập trung vào cổ đông, đồng thời giới thiệu cho họ các phương pháp quản trị Hoa Kỳ. Chi phí chi trả bởi 450 người tham dự đã tạo ra lợi nhuận khoảng 25 ngàn franc Thụy Sĩ (hay 75 ngàn đô la theo thời giá ngày nay) được ông sử dụng nhằm tổ chức Diễn đàn quản trị châu Âu (European Management Forum – EMF).
EMF được đổi tên thành Diễn đàn kinh tế thế giới (World Economic Forum – WEF) vào năm 1987, sự kiện thường niên đặc trưng của WEF đã trở thành một cuộc hội ngộ đẳng cấp hạng A cho giới tài phiệt. Nó thu hút gần 3000 người tham dự mỗi năm bao gồm giới kinh doanh, chính trị gia, người nổi tiếng, cùng giới báo chí với hy vọng được tận hưởng các hệ tư tưởng của thời đại (zeitgeist). Các khách viếng thăm khác, những người không được phép bước vào địa điểm tổ chức chính của hội nghị, đứng ra tổ chức các buổi thảo luận và tiệc tùng ở ngay tại khách sạn hoặc ở các địa điểm ngoài rìa (fringe), tạo ra các hoạt động Davos không chính thức chảy vào các khu vực “nhàm chán” khác của thị trấn (main drag). (The Economist cũng gửi các nhà báo của mình đến Davos và công ty mẹ của tạp chí cũng có doanh thu từ việc tổ chức các sự kiện cho khách hàng ở Davos trong suốt cuộc hội ngộ này).
Ở độ tuổi 81, ngài Schwab vẫn là người chủ trì cuộc chơi. Davos lần thứ 50 sẽ được ông khai mạc vào ngày 21 tháng 1 (2020). Bên cạnh các phiên thảo luận kết nối cao cấp, Davos 50 còn là nơi ra mắt một tập hợp sáng kiến “các bên liên quan đa phương” (multi-stakeholder), bao gồm dự án tái tạo rừng”một nghìn tỷ cây”. Các ngôi sao tham dự Davos 50 lần này bao gồm Tổng Thống Donald Trump, người trở lại sau khi bỏ qua Davos 2019, và Greta Thunberg, cô gái trẻ sẽ tham gia cùng nhóm các nhà hoạt động tuổi teen, được mời đến nhằm giúp hội nghị trông như “đang hướng tới tương lai”. Ngài Martin Sorrell, người sáng lập WPP, gã khổng lồ trong ngành quảng cáo, hiện đang dẫn dắt S4 Capital (một hãng đầu tư truyền thông) nhận xét: “Những tổ chức bắt chước theo WEF nhằm tạo ra các sự kiện giông giống như Davos từ Aspen đến Boao, khó có thể theo kịp Schwab trong khả năng đem quyền lực “môi giới” ở khu vực công – tư lại với nhau.”
Ngài Schwab thường chia sẻ thông điệp của WEF “cam kết cải thiện tình trạng của thế giới” nhưng không phải ai cũng nhìn nó theo cách như vậy. Đối với một số tổ chức phi lợi nhuận (NGO), cam kết thực sự của WEF chỉ hướng tới giới tinh hoa toàn cầu, đồng thời thúc đẩy một nghị trình gia tăng sự bất bình đẳng. Điều này thúc đẩy các cuộc tuần hành chống WEF được tổ chức xuyên suốt Thụy Sĩ trong các tuần kế tiếp. Những lời chỉ trích ngạc nhiên thay có thể đến từ những người ở cùng phía với Schwab, một người quen thuộc với các sự kiện Davos nhận xét: “Schwab đong đưa qua lại giữa mong muốn tạo ra hòa bình thịnh vượng và sự tiếp cận gần gũi với giới tiền bạc và quyền lực”. Điều tương tự cũng được gắn với sáng tạo của ông, tổ chức WEF.
Trong các bài phỏng vấn của The Economist, những người tham dự Davos và các đối tác của WEF đề cao cuộc hội ngộ quyền lực ở đỉnh Alps (Davos) cùng mạng lưới các sự kiện khu vực tiên phong (bao gồm “Davos mùa hè” ở Đại Liên, Trung Quốc) nhưng họ cũng lưu ý rằng tham vọng thay đổi thế giới có thể thất bại bởi nỗi lo lắng của việc làm phiền lòng giới tập đoàn và các lãnh đạo chính trị mà bản thân sự xuất hiện của họ mới giúp Davos trở thành một sự kiện đỉnh cao. Sự tiến hóa của WEF từ một tổ chức đứng ra tập hợp các nhà hoạch định chính sách thành một định chế giúp định hình chính sách đang gây ngạc nhiên cho nhiều người. Đại đa số những người được phỏng vấn băn khoăn: “liệu sức hấp dẫn của WEF có còn được duy trì khi quý ngài Schwab không còn dẫn dắt nó nữa”.
WEF đã đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào. Tài năng của ngài Schwab, theo một cựu đồng nghiệp, là đã phát triển WEF trở thành “một kiểu Liên hiệp quốc cho quá trình hợp tác và tranh luận giữa hai khu vực công – tư, một diễn đàn thay thế trong thế giới quản trị toàn cầu vụn vỡ.” Schwab đề cập đến GAVI, một liên minh vắc xin toàn cầu được ra mắt ở Davos cách đây 20 năm, như một ví dụ thành công trong hợp tác công – tư mà trong đó WEF đóng vai trò bà đỡ. Các chính trị gia thích tham dự Davos vì đó là nơi tập hợp các CEO hàng đầu. Tony Blair đến Davos để giới thiệu nước Anh với giới kinh doanh hay Benyamin Netanyahu dùng nền tảng này để cổ súy hình ảnh trung tâm công nghệ (tech hub) của Israel.
Davos là một nền tảng “ít tốn kém” để nuôi dưỡng các thỏa thuận liên chính quyền. Adrienne Sorbom, đồng tác giả một cuốn sách về WEF chia sẻ: “sau các thảo luận khí hậu thất bại ở UN vào năm 2009, các nhà lãnh đạo đã đến nghỉ ngơi ở Davos nhờ vậy mới tạo ra nền tảng giúp kiến tạo ra Thỏa thuận khí hậu Paris.” Chủ các công ty tìm đến Davos để tận hưởng trải nghiệm vai kề vai với các lãnh đạo thế giới cùng việc chứng kiến các mảnh ghép lịch sử được thiết lập: như bài thuyết trình của Nelson Mandela vào năm 1992 trước khi được bầu làm Tổng thống Nam Phi – hay việc ký kết các thỏa thuận lịch sử, như vấn đề về dải Gaza giữa hai nhà lãnh đạo Israel và Palestine năm 1994.
Mọi người đều yêu mến tính hiệu quả trong các sự kiện kết nối của WEF, nơi những người tham dự có thể hoàn thành nhiều công việc quan trọng chỉ trong một vài ngày, tiết kiệm hàng ngàn dặm máy bay. Davos, thuận tiện thay, không quá khó khăn để tiếp cận nhưng cũng đủ xa xôi để một khi đi đến đó, bạn sẽ mắc kẹt: không có một giây phút lơ là, sau đó phải di chuyển nhanh chóng xuyên “London hoặc New York” để ăn trưa cùng luật sư của bạn.
Điều này cũng minh chứng công thức tài chính thành công của WEF. Là một tổ chức phi lợi nhuận, 42% doanh thu của WEF, vốn tăng trưởng đều đặn hàng năm đạt tới 345 triệu Franc Thụy Sĩ (hay 356 triệu đô la trong năm tài chính vừa qua), dùng để nuôi dưỡng tổng cộng 800 nhân viên, bao gồm những người làm việc tại đại bản doanh ở hồ Geneva. Tổ chức này được hưởng một vị thế đặc biệt, tương tự như đặc quyền của tổ chức Chữ thập Đỏ (Red Cross), có nghĩa là chính phủ Thụy Sĩ sẽ đảm bảo một phần chi phí an ninh (như một khách hàng có vai vế của chính quyền). Đa số chi tiêu còn lại đổ vào các hoạt động của tổ chức, bao gồm sự kiện Davos. Một phần doanh thu sẽ đi vào quỹ (foundation) hoặc dự trữ chiến lược của WEF (tầm 300 triệu franc Thụy Sĩ). Ngoài ra, các tiết lộ khác rất hạn chế: phần thông tin đăng ký tập đoàn (corporate registry) ở Geneva của WEF chỉ bao gồm đoạn trích phần khung các cuộc họp hội đồng quản trị cùng thông báo bổ nhiệm và từ nhiệm của ban điều hành.
Trong những năm đầu tiên thành lập, WEF nắm 50% cổ phần ở một công ty tổ chức sự kiện đứng sau Davos. Phần cổ phần này sau đó đã được bán đi vào thời điểm mà báo chí dấy lên các câu hỏi liên quan đến sự hòa trộn giữa công việc kinh doanh kiếm lời và trạng thái từ thiện/phi lợi nhuận. WEF và ngài Schwab tuyên bố mình không có bất cứ lợi ích tài chính nào liên quan đến diễn đàn, ngoài lương của ông.
Kể từ năm 1995, Davos đã được tổ chức bởi PublicsLive, một nhánh kinh doanh của Publicis Groupe – công ty truyền thông quảng cáo khổng lồ của Pháp (lớn thứ ba thế giới). Murice Levy chủ tịch của ủy ban giám sát Publicis cũng đồng thời là cựu thành viên ban quản trị WEF. Một người trong cuộc chia sẻ: “Hợp đồng này là một “viên ngọc trên vương miện” (the jewel in the crown) trong các sự kiện kinh doanh dẫn dắt bởi Publicis.” WPP, gã khổng lồ quảng cáo khác, từ lâu cũng đã thèm muốn các thỏa thuận với WEF, trong đó bao gồm xây dựng chương trình, thiết kế không gian hội nghị, giám sát lưu trú và những thứ tương tự. Nhưng, theo lời Martin (sáng lập WPP) “chúng tôi không bao giờ có thể chạm đến nó gần hơn”. Giá trị hợp đồng với Publicis không được tiết lộ ngoài việc biên lợi nhuận đã từng vượt qua 30%. Publicis tiết lộ hợp đồng không được phép có lợi nhuận ròng (net margins) “vượt qua một ngưỡng rất khiêm tốn”. Hợp đồng hiện tại sẽ kết thúc vào năm 2022, thời điểm WEF đi ra ngoài để gọi thầu mới.
Chi trả cho sân chơi
Tiền cho tất cả các hoạt động trên phần lớn đến từ khoảng phí thường niên của các thành viên (25 ngàn franc Thụy Sĩ) và từ ba tầng “đối tác”, đại đa số là từ các công ty/tập đoàn lớn, bắt đầu từ 120 ngàn franc Thụy Sĩ. Với mỗi khoảng tiền 600 ngàn Franc Thụy Sĩ, nhóm đối tác chiến lược cấp cao (nhóm 120) có quyền đưa 5 người đến tham dự Davos, một vị trí tốt hơn trên các bảng quảng cáo cùng với những đặc quyền thú vị khác. Tiền từ nhóm doanh nghiệp đã giúp WEF mời học giả, nhà hoạt động xã hội cùng các nhóm “có ít tiền hơn” đến hội nghị Davos mà không tốn một đồng chi phí – kéo theo những chỉ trích về tính nhu mì của họ (punch-pulling).
Mark Malloch-Brown, cựu phó Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (thành viên Hội đồng Nghị trình Toàn Cầu của WEF), nhận xét về tính lúng túng của tổ chức này trước nỗi lo lắng không được làm phiền lòng các đối tác tập đoàn: “WEF coi mình là một chất xúc tác, nhưng thực tế lại thường tỏ ra thận trọng hơn cả UN” khi đụng chạm đến các vấn đề tái cấu trúc chính sách. WEF đề cập đến nhiều sáng kiến thách thức lợi ích ngắn hạn của giới tập đoàn.
Ngài Schwab cũng đón nhận những chỉ trích gay gắt về việc ông quá mềm mỏng với các chính trị gia. Khi Trump chiếm sóng Davos vào năm 2018, Schwab đã tôn vinh khả năng lãnh đạo mạnh mẽ của Trump. Cựu giám đốc điều hành WEF tiết lộ: “Bạn có thể nghĩ rằng ông ấy lẽ ra nên tìm cách nêu tên người đã đưa thỏa thuận Paris vào thùng rác.” Ngài Schwab nhấn mạnh WEF đã tìm kiếm sự cân bằng hợp lý trong quá trình duy trì tình bạn với cả giới tinh hoa và những kẻ phá bĩnh (firebrand) và họ luôn luôn khuyến khích “những tiếng nói bất đồng”. Như việc Ralph Nader, một nhà hoạt động vì quyền của người tiêu dùng, cất lên tiếng nói tại Davos năm 1976. WEF gia tăng số lượng khách mời từ NGO sau làn sóng to lớn của các cuộc biểu tình chống toàn cầu hóa vào đầu năm 2000.
Mối lo ngại khác thì vượt quá sự kiểm soát của WEF. Không chỉ là một nơi gặp gỡ, đây cũng là nơi ra mắt các sáng kiến hàng năm. Hiện tại họ đã có khoảng 100 sáng kiến như vậy. Như cách WEF cổ súy khái niệm “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, đề cập đến những ảnh hưởng của quá trình số hóa lên xã hội cùng sự ra mắt một cách kiêu hãnh đại bản doanh của họ ở San Francisco. Giáo sư Schwab từ lâu đã được kỳ vọng sẽ dành một giải thưởng Nobel nhằm tôn vinh công việc cổ súy các khái niệm mới bao gồm “chủ nghĩa tư bản các bên liên quan (stakeholder capitalism)”, để thêm vào các danh hiệu cao quý khác như Hiệp sĩ Anh, 17 bằng tiến sĩ danh dự cùng chuỗi các huy chương quốc gia.
Schwab tiết lộ đại đa số các sáng kiến được thực hiện thành công, một vài trong số đó góp phần dẫn dắt các xu hướng. Peter Bakker, giám đốc của Ủy Ban Doanh Nghiệp Thế Giới về Phát triển bền vững (World Business Council for Sustainable Development), cựu giám đốc của TNT, một tổ chức giao vận, chia sẻ rằng WEF không chỉ là nơi các ý tưởng lớn được nhào nặn, đó cũng là mơi mà thúc đẩy và nhân rộng những khái niệm đã tồn tại. Một chuyên gia đã gọi những nghiên cứu của WEF là “tư duy thay thế” (ersatz thinking). WEF đã chỉ ra Báo cáo Khoảng Cách Giới Toàn Cầu (Global Gender Gap Report) như một ví dụ điển hình về nền tảng nghiên cứu. Một vài đối tác trong quá khứ chỉ trích rằng WEF thường gồng mình lên để minh chứng sự liên quan, họ thường xuyên cướp lấy các sáng kiến mạo hiểm của người khác. Một người từng trải qua điều này đã cáo buộc WEF “sử dụng quyền lực hội họp của mình để ám chỉ bản thân họ là một phần của nhóm giải pháp và góp phần dẫn dắt ý tưởng” mà không đóng góp kỹ năng thiết yếu nào. Ông ta nhắc đến tổ chức WRG (Nhóm Nguồn Nước – Water Resources Group), một dự án được ra mắt ở Davos nhằm cải thiện quản lý nước ở những nơi nghèo đói, mà khi WEF tham gia vào, họ đã đánh mất sức mạnh của mình (oomph).
Một vài NGOs do đó phải suy nghĩ thận trọng trước khi tham gia cùng với họ. WEF từ chối lập luận trên. Họ cho rằng mình được mời tham dự vào WGR và theo một báo cáo của Harvard vào năm 2017 – sự kết hợp này được xem là một ví dụ nghiên cứu điển hình (case study) cho hợp tác công tư. Nhưng trong một chuyển đổi mang tính chiến lược gần đây, WEF đã ngầm thừa nhận việc dẫn dắt các sáng kiến không phải là sở trường của họ. Kể từ bây giờ, Schwab chia sẻ, họ sẽ tập trung vào việc “kết nối các điểm chấm” giữa các dự án khác nhau của nhiều người và hoạt động như một nhà môi giới. Dominic Waughray từ Trung Tâm Hàng Hóa Công Cộng Toàn Cầu thuộc WEF (Centre for Global Public Good) dẫn ra các dự án môi trường và sức khỏe mà họ đã từng thực hiện, trong đó có một dự án tầm quốc gia giúp khắc phục ô nhiễm nhựa plastic mà WEF đã kết nối Coca-Cola và Nestle dấn thân vào (quảng bá bởi Anh và Canada).
Ở thời điểm gần chạm mốc nửa thập kỷ, WEF phải đối diện với ba thách thức. Thứ nhất là sự cạnh tranh. Họ đã từng đứng vững vàng một mình, còn bây giờ phải chạy đua thu hút sự chú ý với giới tập đoàn với các tổ chức hấp dẫn khác như TED, Viện Milken hay các sự kiện bên lề của Bloomberg, kiểu như Diễn đàn Kinh tế mới ở Trung Quốc (New Economy Forum). Đến một lúc nào đó, nhóm tổ chức trên có thể cạnh tranh với sự huy hoàng của Davos (lustre).
Đây có vẻ là thách thức đặc biệt thứ hai – nếu WEF được xem là một tàn dư của một kỷ nguyên đã qua. Ngài Schwab đã minh chứng đây là thắng lợi sớm của “chủ nghĩa tư bản các bên liên quan” (stakeholder capitalism), khái niệm đang ngày càng trở nên có uy lực (ascendant). Điều đó có thể đúng nhưng trong mắt nhiều người, Davos gắn liền với sự sùng bái của chủ nghĩa tư bản toàn cầu, thứ được xem là lỗi thời sẽ bị thay thế (on the back foot).
Thách thức còn lại nằm ở cái mà CEO của WEF hay Schwab gọi là rủi ro nhân vật chính yếu (key-man risk). Schwab là một người sống động, hăm hở (nếu không nói là nghiêm túc) và không có dấu hiệu muốn nghỉ ngơi. Nhưng ông không thể làm điều này mãi mãi. Ông từng nói: “Diễn đàn đã từng … được xây dựng quanh một người, điều này có thể là một vấn đề lớn.” Một vài vị trí “phó” từng được xây dựng để tiếp quản, tuy nhiên lại rời bỏ đột ngột hoặc bị đẩy ra khỏi tổ chức. Jose Maria Figueres, cựu Tổng thống của Costa Rica, từ bỏ vị trí tổng giám đốc điều hành WEF vào năm 2004 sau khi thất bại trong việc thương lượng chi phí tư vấn. Ngài Schwab chia sẻ, một kế hoạch đối phó với mọi bất ngờ đã được xem xét, nhưng không tiết lộ chi tiết của nó. Một vài người tiếp tục phỏng đoán rằng con trai ông Olivier, trưởng bộ phận vận hành của WEF, một ngày nào đó sẽ đóng vai trò to lớn hơn. Việc giữ chân nhóm tinh hoa chính trị và tập đoàn sẽ ngày càng trở nên khó khăn hơn sau khi vị giáo sư này treo ván trượt tuyết của mình lên giá (skis – nghỉ hưu) hoặc thậm chí khi ông từ bỏ hộp đựng danh thiếp (Rolodex) đồ sộ của WEF lại phía sau.
Cộng đồng Global Shapers tại Davos 50
Các bài viết/bài dịch khác về Davos