Lựa chọn mỗi ngày

Howard Schultz chủ tịch kiêm CEO của Starbucks đã gây xúc động và truyền cảm hứng mạnh mẽ không chỉ cho các nhân viên, đối tác, cổ đông của mình tại buổi họp cổ đông thường niên năm 2016 mà còn cho toàn thể công chúng Hoa Kỳ bằng một bài chia sẻ ẩn chứa nhiều thông điệp quan trọng về các giá trị của Hoa Kỳ: “Lựa chọn mỗi ngày/Everyday Choices” trong một thời điểm nước Mỹ đang phân cực và chia rẽ sâu sắc. Thông điệp này xuất phát từ băn khoăn cốt lõi của Starbucks cách đây hai năm: “Đâu là vai trò và trách nhiệm (xã hội) thực sự của một công ty vì lợi nhuận/for-profit company?” và nay ông mở rộng ra: ” Đâu là vai trò và trách nhiệm của tất cả chúng ta, với tư cách là công dân của một quốc gia ?”. Điều này khiến tôi cảm thấy rất thú vị vì nó không đến từ miệng của một chính trị gia mà từ chủ tịch của một tập đoàn có thể nói là đại diện cho quá trình tư bản hóa cao độ của Hoa Kỳ.


Sau đây là thông điệp của ông:

“ Tôi đã trăn trở trong suốt vài tuần qua để tìm được một cụm từ đúng đắn mô tả nỗi đau mà tôi cảm thấy về cái đích mà nước Mỹ đang hướng đến cùng những đám mây âm u đang lơ lửng treo trên đầu mỗi công dân đang sống trong lòng nó. Có những khoảng khắc tôi cảm thấy thực sự khó khăn để nhận ra chúng ta là ai và thực sự đang vật lộn để trở thành cái gì. Với tư cách một con người, chúng ta đang phải đối diện với một thử nghiệm không chỉ về dân tộc tính/charactor mà còn là cả một nền đạo đức/morality quốc gia, một thử thách khắc nghiệt cho cuộc sống của chính chúng ta và con cháu sau này.

Những bức ảnh mà chúng ta chia sẻ trong video thực sự rất ám ảnh (và có lẽ nhiều câu hỏi xuất hiện trên màn hình : Nước Mỹ, liệu có phải chúng ta đang đánh mất chính mình ? Nước Mỹ, nền đạo đức của chúng ta đang đi đâu về đâu ? Nước Mỹ, sự lịch thiệp của chúng ta đã đi đâu mất rồi ? Nước Mỹ, sự cảm thông của chúng ta liệu đã tan biến ? Nước Mỹ, trách nhiệm sẽ chia của chúng ta liệu có còn tồn tại ? ). Và khi nghe thấy những lời thốt ra từ tâm can của thượng nghị sĩ Robert F. Kennedy, có phải phần nào đó chúng ta đều cảm thấy được an ủi nhẹ lòng. Năm 1968 vào cái đêm mà Martin Luther King. Jr bị ám sát, Robert đứng ở phía sau của một chiếc xe tải (kiểu flatbed/san phẳng) ở Indianapolis, trong tay không hề có bất cứ ghi chú (hay sự chuẩn bị) nào nhưng từ tâm can đã đưa ra một bài phát biểu khiến cả quốc gia cảm thấy được an lòng. Chúng ta thực sự đang nóng lòng chờ đợi quá lâu cho tinh thần lãnh đạo xuất chúng và những từ ngữ từ tận tâm can giống như vậy hơn bất kỳ thời điểm nào khác xuyên suốt cuộc đời chúng ta.

“Những gì chúng ta cần ở nước Mỹ không phải là sự chia rẽ,
Những gì chúng ta cần ở nước Mỹ không phải là sự thù ghét
Những gì chúng ta cần ở nước Mỹ cũng không phải là bạo lực và tình trạng phi luật pháp
Tất cả những gì chúng ta cần chính là tình yêu, sự thông thái và niềm cảm thông tới mọi người.
Tất cả phụ thuộc vào chúng ta” -Robert F. Kennedy

Vào năm 1960 khi tôi chỉ là một cậu bé con, mẹ đã nắm lấy tay tôi và dắt tôi đi vài dặm trong một cuộc tuần hành (rally). Một ứng cử viên tổng thống lúc ấy đang tiến hành một chiến dịch xuất hiện hiếm hoi ở khu Brooklyn nơi tôi sống. Chắc phải có hàng ngàn người ở trong đoàn diễu hành, là một cậu bé con, quả là khó để tôi có thể nhìn xuyên qua đầu của họ. Nhưng tôi đã nghe thấy giọng nói và diễn ngôn đầy xúc động của John F. Kennedy. Khi ông đang chia sẻ, tôi có thể cảm thấy bàn tay mẹ như ghì chặt lấy tôi hơn. Tôi ngước lên và nhìn thấy sự ấm áp tỏa ra từ khuôn mặt của mẹ. Tôi biết, mẹ cảm thấy như ông ấy đang nói chuyện trực tiếp với mẹ. Tầm nhìn của ông về tương lai của nước Mỹ thật lạc quan và dành cho tất cả, thậm chí cho những người mà trạm dừng chân (station) của họ lúc này là sống vất vưởng trong các nhà ở xã hội và một công việc cổ cồn xanh. Mẹ tin tưởng vào tương lai của gia đình mình và tương lai của những đứa trẻ có thể kết nối với giấc mơ Mỹ bởi niềm tin và sự tự tin mà bà cảm thấy trong phong cách lãnh đạo của ông.

Và tôi đứng đây trước mặt các bạn như là một bằng chứng sống về giấc mơ Mỹ. Hai năm trước đây cũng trong buổi gặp mặt như thế này, tôi đã nói về những vấn đề của nước Mỹ và việc chúng ta phải chứng kiến sự thiếu vắng tinh thần lãnh đạo ở mọi cấp độ. Và tôi đã gói gọn vấn đề này trong một câu hỏi quan trọng, đâu là vai trò và trách nhiệm của chúng ta trong một công ty tìm kiếm lợi nhuận ở thời điểm như thế này. Thật không may, trong vòng hai năm mà tôi đeo đuổi giải pháp cho Starbucks, hội chứng rối loạn và sự phân cực đã ngày càng trở nên tồi tệ hơn ở nước Mỹ. Những lời hứa bị phá vỡ, sự thiếu vắng niềm tin và tinh thần lãnh đạo, đã dẫn tới sự gãy đổ của niềm tin và sự tự tin không chỉ trong các nhân viên chính phủ mà chúng ta đã bầu chọn mà còn ở trong chính các định chế “dân chủ” của chúng ta.

Tôi luôn xem Giấc mơ Mỹ như một kho dự trữ. Và nó luôn luôn được đong đầy bởi các giá trị, đạo đức nghề nghiệp/work ethics và bởi tinh thần của con người Mỹ. Nhưng đáng buồn thay, kho dự trữ của chúng ta đang ngày một cạn dần, chúng đang được xả ra dần bởi sự hoài nghị, thất vọng, chia rẽ, loại trừ, sợ hãi và vâng sự khác biệt. Và theo quan điểm của tôi, tất cả gói gọn trong hai chữ fool’s gold (được dùng để chỉ cái gì đó bên ngoài nhìn hào nhoáng nhưng thực chất bên trong khiến gây thất vọng. Nó bắt nguồn từ việc những người thợ mỏ đào vàng có thể rất mừng rỡ khi thấy một vật bóng nhoáng nhưng thất vọng khi phát hiện nó thật sự chỉ là hòn đá không có giá trị ). Trong bối cảnh nhiều đe dọa như vậy, tôi có thể khiêm nhường đưa ra một câu hỏi khác, đó là:” Đâu là vai trò và trách nhiệm của tất cả chúng ta với tư cách công dân”. Chúng ta phải làm tất cả những gì chúng ta có thể để tái khẳng định và tái tưởng tượng Giấc mơ Mỹ, tìm cách đong đầy lại kho dự trữ quý giá trên không phải với sự hoài nghi yếm thế mà là với sự lạc quan. Không phải với sự thất vọng mà bởi khả năng và cơ hội. Không phải với sự chia rẽ mà là sự đoàn kết. Không phải với sự loại trừ mà với sự kết hợp. Không phải với nỗi sợ hãi mà là sự cảm thông. Không phải bởi sự khác biệt mà là với tình yêu.

Nó không phải là lựa chọn mà chúng ta tiến hành bốn năm một lần. Nó phải là lựa chọn mà chúng ta phải tiến hành mỗi ngày. Tôi đã từng chia sẻ câu chuyện này với các bạn trước đây và tôi tin là nó đáng để được chia sẻ lại. Đó là câu chuyện về nhà hiền triết Rabbi và bài học mà ông đã dạy tôi về tính nhân bản. Nó xảy ra trong cuộc đại đồ sát Holocaust, như tất cả chúng ta đều biết khi ấy đàn ông, phụ nữ và trẻ em được chuyên chở bởi xe lửa tới trại tập trung trong những điều kiện tồi tệ nhất. Chuyến hành trình thường kéo dài hai hoặc ba ngày. Mọi người được lèn chặt trên tàu như cá hộp, và hoàn toàn không có điều hòa không khí, không có nước cũng như nhà tắm. Khi họ đến trại tập trung trong những tháng mùa đông lạnh lẽo, những người đàn ông bị tách khỏi những người phụ nữ, những phụ nữ thì bị tách khỏi những đứa con của họ. Mỗi một người trong sáu người sẽ được phát một cái chăn và người đó sẽ phải quyết định sẽ giữ cái chăn đó cho riêng mình hay sẽ chia sẻ nó với những người khác. Và bài học về tính nhân bản là đại đa số mọi người đều quyết định là sẽ chia sẻ nó với người khác.

Trước những gì đang xảy ra trên thế giới điên rồ này, vì có cơ hội đứng đây trước các bạn, tôi yêu cầu các bạn hãy chia sẻ tấm chăn của mình tới người khác cho dù màu da, niềm tin tôn giáo, giới tính, xu hướng tính dục hay trạm dừng chân hiện tại của họ có như thế nào hoặc thiên hướng chính trị của họ ra sao. Hãy cùng nhau đong đầy kho dự trữ giấc mơ và lời hứa của chúng ta với đất nước này, và một lần nữa, tôn trọng và nuôi dưỡng những giá trị và ý nghĩa làm nên con người Mỹ.”
“Lựa chọn mỗi ngày” đã trở thành một chiến dịch cộng đồng đầy “nhân văn” và cả tính chính trị (ăn theo) của gã khổng lồ này, Starbucks đã tài trợ cho hai trang quảng cáo trên The New York Times và The Wall Street Journal nhằm chia sẻ thông điệp “lạc quan” cho tương lai của nước Mỹ thông qua lựa chọn mỗi ngày của các cá nhân.

Hai trang quảng cáo xuất hiện đã xoa dịu phần nào lửa bất đồng chính trị cũng sự chia rẻ sâu sắc của nước Mỹ trước cuộc bầu cử sắp đến và được xem là lời nhắc nhở “xuất sắc” về các giá trị Hoa Kỳ.

“Khi bạn đang theo dõi các tiêu đề trên báo, hoặc mở kênh tin tức lên, hoặc khi bạn đang lướt qua thông tin mới (feed) trên mạng xã hội của bạn. Hoặc khi đang lắng nghe các ứng cử viên chia sẻ. Bạn sẽ dễ dàng lầm tưởng Mỹ là một quốc gia đang lạc lối chia rẽ và cần phải có ai đó đứng ra để hàn gắn chúng ta lại với nhau – bằng niềm cảm thông, sự tôn trọng, trách nhiệm, niềm tin vào các dịch vụ công, và ý chí hợp tác trước sự khác biệt. Ngày hôm nay, cho dù chỉ là một khoảng khắc, chúng tôi muốn ngừng lại và phản ánh những gì đang diễn ra, để vượt xa hơn sự thù ghét, những lời cay độc, và nhìn nước Mỹ ở một câu chuyện khác.
Đó là câu chuyện không phải được kết nối bởi các đảng phái khác nhau, hoặc niềm tin tôn giáo. Nó không phụ thuộc vào nơi chúng ta sống với mã zip khác nhau, không phải là vấn đề đu theo cánh phải hay cánh trái và cũng không phải ở thu nhập và sự giàu có của bạn.

Nó xảy ra ở một thị trấn nhỏ và cũng có thể là ở một thành phố lớn. Ở trong lớp học nơi một giáo viên đang tìm cách phát huy hết tiềm năng của học trò mình. Bạn có thể nhìn thấy nó trong những người làm công việc tình nguyện như tư vấn cho giới trẻ hoặc đang tìm cách giúp đỡ các cựu chiến binh có sự chuyển tiếp sang cuộc sống dân sự được dễ dàng hơn, chính trong những ai đang kêu gọi sự hòa hợp thay vì chia rẽ. Chúng ta cũng nhìn thấy nó trong những nhà lãnh đạo đang tìm cách đầu tư nhiều hơn cho cộng đồng của mình và trong những y tá đang đối xử với những người già bằng sự kính trọng. Đây là những câu chuyện của nước Mỹ mà chúng tôi tin tưởng.

Đó không phải là lựa chọn mà chúng ta tiến hành bốn năm một lần. Đó là lựa chọn mà chúng ta phải làm mỗi ngày.”