Luckin Coffee, quá tốt để tin là thật
Quá xui cho con cưng ngành cà phê Trung Quốc, Luckin Coffee, khi vừa đối phó với Covid-19 vừa rơi vào tầm ngắm của nhóm thợ săn do Muddy Waters dẫn dắt, một hãng đầu tư bán khống (short-seller) do Carson Block thành lập, “con gấu” (bear) (ám chỉ những người săn cổ phiếu có giá đi xuống) nổi tiếng chuyên đi lùng sục các thủ thuật gian lận của các công ty niêm yết, đặc biệt là ở Trung Quốc.
Luckin niêm yết công chúng trên sàn Nasdaq vào tháng 05/2019 – tăng trưởng từ 9 cửa hàng cuối năm 2017 lên 4500 cuối 2019, vượt mặt ông lớn Starbucks với 4200 cửa hàng ở Trung Quốc. Biểu tượng chú nai Luckin càn quét với tốc độ khủng khiếp 1 cửa hàng ra đời/3,5 tiếng đồng hồ. Nhà sáng lập của Luckin, Jenny Qian Zhiya (cùng nhà bảo trợ đầu tiên, Zhengyao Lu) chào bán ý tưởng một công ty cà phê dựa trên công nghệ (như cách WeWork chào mô hình của mình) để đo lường hành vi khách hàng hay chiến lược “digital-first” (số hóa trước tiên), giao dịch phi tiền mặt, tận dụng điện thoại thông minh, đẩy mạnh loại hình cửa hàng “grab & go” (đến mua rồi đi chứ không ngồi lại, giúp giảm thiểu chi phí mặt bằng), marketing mạnh mẽ (như mời Châu Tấn làm đại sứ) cùng thỏa thuận hợp tác với những công ty vận chuyển thực phẩm lớn như Meituan Dianping. Tuy nhiên, đầu 2020, Muddy Waters thông báo trên Twitter họ nhận được một báo cáo ẩn danh (anonymous report) dài 89 trang đào sâu vào các thủ thuật chế biến số liệu kinh doanh để qua mặt nhà đầu tư hay công chúng.
Nội dung chính yếu trong đó mô tả thời điểm Luckin Coffee niêm yết công chúng trên sàn NASDAQ vào tháng 05/2019, công ty thực ra về cơ bản đã rất vụn vỡ (do thua lỗ) nhưng vẫn cố gắng đưa văn hóa uống cà phê đến người tiêu dùng Trung Quốc bằng những khoản giảm giá sâu (cut-throat) và cà phê mang đi miễn phí. Ngay sau đợt IPO trị giá 645 triệu $, công ty này đã chìm sâu vào cuộc chơi tài chính mà bỏ quên đi giá trị cốt lõi, ngay từ quý 3/2019, công ty này đã sục sôi tìm cách chế biến các con số tài chính liên quan đến hoạt động kinh doanh. Nhờ vậy, họ đem đến cho các nhà đầu tư tín hiệu tăng trưởng quan trọng, giúp đẩy giá cổ phiếu lên 160% hai tháng sau đó, đồng thời gọi vốn thêm được 1,1 tỷ $ vào tháng 1/2020. Các gia vị mà nhà đầu tư cần được họ nêm nếm rất cẩn thận: chứng khoán tăng trưởng, câu chuyện khởi nghiệp truyền cảm hứng đi kèm các chỉ số đo lường tích cực (key metrics), nhờ vậy mà niềm tin nhà đầu tư càng được củng cố.
Báo cáo ẩn danh tiết lộ họ đã thuê 92 nhân sự toàn thời gian, 1418 nhân sự bán thời gian túc trực ngày đêm ở 620 cửa hàng của Luckin để giám sát và ghi nhận lại lưu lượng khác hàng (store traffic) trong thời gian hoạt động (operating hours) kéo dài tổng cộng 981 ngày làm việc (store-days). Quá trình này được phân bổ theo phổ địa lý (38 thành phố trong tổng cộng 51 thành phố mà 4507 cửa hành Luckin phân bổ) và loại hình (văn phòng, trường học, khách sạn, trung tâm thương mại). Họ cũng bí mật ghi hình cửa hàng, trung bình 11,5 giờ một ngày để kiểm tra lưu lượng khách hàng(foot traffic) kéo dài tổng cộng 11260 giờ được ghi hình. Một số kết luận trong báo cáo rất đáng kinh ngạc như trong Q3 2019 và Q4 2019 số lượng hạng mục “hàng bán”/cửa hàng/ngày (items) được nâng lên lần lượt 69% và 88%. Nhóm ẩn danh cũng thu thập hóa đơn của 35843 khách hàng nhờ đó phát hiện Luckin đã nâng khống giá bán ròng/hạng mục lên 12,3% để mô hình kinh doanh trông bền vững hơn, trong khi thực tế, thua lỗ ở cấp độ cửa hàng là tầm 24,7% đến 28%. Chưa tính sản phẩm miễn phí, thì giá bán thực sự chỉ bằng 46% giá niêm yết, thay vì 55% như ban quản lý tuyên bố. Ngoài ra, báo cáo còn cho thấy Luckin đã khai láo chi phí quảng cáo lên 150%, đặc biệt là khoản tiền trả cho Focus Media.
Ngay khi thông tin trên được tiết lộ, cổ phiếu của Luckin Coffee đã rớt 26,5% (giao dịch trong ngày). Bộ sậu Luckin Coffee liền phản pháo Báo Cáo, xem đây là một cuộc tấn công hung hãn chứa đựng nhiều hiểu nhầm và sai sót tai hại trong phương pháp khảo sát. Tuy nhiên, sự suy giảm chưa dừng lại, đầu tháng 4/2020 ngay khi công ty này công bố một cuộc điều tra nội bộ COO Jian Liu về hành vi chế biến doanh số bán hàng trị giá 310 triệu $ cùng sự vào cuộc điều tra của Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc, giá chứng khoán của Luckin Coffee ngay lập tức rớt xuống 80%. Ngay sau đó vài ngày, Goldman Sachs, ngân hàng đầu tư Mỹ, tuyên bố chiếm lấy phần cổ phiếu của Lu Zhengyao, chủ tịch Luckin Coffee (non-executive chairman) để bán đi vì ông này đã không thể chi trả khoản nợ trị giá 518 triệu $ (defauted) (Ông này cũng nắm tầm 30% công ty thuê xe Car Inc niêm yết ở Hồng Kong). Goldman cùng với Morgan Stanley, Credit Sussise, Haitong, CICC và Barclay là một số định chế tài chính còn nắm cổ phiếu của Luckin Coffee, trong khi đó một số quỹ khác cùng hỗ trợ công ty này IPO đã rút kịp thời như GIC (SWF của Singapore), BlackRock (định chế tài chính giúp đẩy giá trị Luckin Coffee lên 2,9 tỷ $ cùng kỳ năm ngoái).
Câu chuyện khởi nghiệp “Too good to be true – Quá tốt để tin là thật” của Luckin Coffee đã ứng nghiệm, giá cổ phiếu đi từ lúc IPO 17$ lên đỉnh 50$ sau đó rớt đáy 4,39$. Trung Quốc quả là mảnh đất béo bở cho Muddy Waters lùng sục các sai phạm xào nấu sổ sách nhằm thu lợi nhờ bán khống (short), hãng này từng đánh NQ Mobile, một công ty an ninh mạng của Trung Quốc, đẩy giá cổ phiếu họ rớt 84% hay đưa ra những báo cáo tiêu cực đến TAL Education Group (TAL), nền tảng quản lý trung tâm gia sư hay nhắm đến iQiyi (IQ), một công ty về video-streaming (phát video). Nổi tiếng nhất có lẽ là vụ họ đánh Sino-Forest Corp, một công ty khai thác gỗ Trung Quốc niêm yết ở Canada đẩy giá họ rớt 74% vào 2012 làm lung lay nhóm cổ phiếu Trung Quốc niêm yết tại Sở GDCK Toronto hay tấn công Alibaba của Jack Ma trước thềm IPO.