Marbury kiện Madison
Sân bóng rổ nằm ở Tầng 5 của Tòa nhà “quyền lực” này được mệnh danh là “sân bóng cao nhất đất nước/the highest court in the land”, về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng mô tả trên đều đúng. Trong tiếng Mỹ court vừa mang ý nghĩa tòa án, vừa mang nghĩa là sân thi đấu.
Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ là định chế quyền lực cao nhất của nhánh tư pháp thuộc hệ thống tam quyền phân lập (trias politica) của chính phủ Hoa Kỳ và là Tòa duy nhất được thiết lập trên cơ sở Hiến pháp (Điều III) chứ không phải Quốc hội. Quyền lực của Tòa hiện nay rất lớn, đó là:
- Thẩm quyền tối hậu trong việc giải thích Hiến pháp Hoa Kỳ
- Thẩm quyền tài phán chung thẩm về các vấn đề quốc gia đại sự xem có “vi hiến” hay không. (như các Đạo luật Quốc hội, các hoạt động của nhánh hành pháp, cũng như các vụ việc tranh tụng không thể giải quyết ở Tòa cấp dưới)
Thông thường, những người học Luật sẽ thử đọc văn bản Hiến pháp của quốc gia mình từ đầu đến cuối , công việc này sẽ không mất quá một ngày và dường như “khá dễ hiểu” do đặc tính “đơn giản hóa” của Hiến pháp – Hiến pháp Hoa Kỳ dài gần 4400 từ, chia thành bảy phần ngắn gọn được gọi là các điều khoản và cũng do tính “đơn giản” của Hiến pháp, nghĩa từng câu chữ trong đó và cách áp dụng luôn là các chủ đề tranh luận nóng bỏng ở bên trong Luật. Có thể hình dung Hiến pháp Hoa Kì đang làm nhiệm vụ chính yếu sau: phân chia quyền lực; kiểm soát, quân bình và giám sát quyền lực; nguyên tắc xét xử công bằng; quyền được bảo vệ bình đẳng trước pháp luật; cùng với việc bảo vệ tự do ngôn luận, tôn giáo và báo chí.
Điều thú vị là nội dung Hiến pháp không đề cập “trực tiếp” về việc trao riêng Thẩm quyền “tài phán” cho Tối Cao Pháp viện Hoa Kỳ, do đó thẩm quyền này thường bị thách thức bởi các Tòa cấp dưới chịu sự chi phối của Quốc hội, điều này đạt được là do truyền thống thông luật/common law (tiền lệ pháp) của nền tư pháp Hoa Kỳ và sự thông minh sắc sảo của một vị Thẩm phán tên John Marshall – người được coi và vị cứu tinh cho nền “Dân chủ Mỹ” trong quá trình xử lý vụ việc/án lệ “Marbury kiện Madison” năm 1803, một sự kiện pháp lý kinh điển của kinh điển, có vai trò cực kì quan trọng trong việc bảo vệ tính độc lập và quyền lực của nhánh Tư pháp Hoa Kì, nó liên quan đến nhiều nhân vật quan trọng trong quá trình lập quốc của Mỹ, phản ánh sự đấu đá phe phái trong nội bộ Quốc hội cũng như những quan hệ ngầm ẩn song hành trong quá trình thực thi pháp luật điều còn kéo dài đến ngày hôm nay – đầy đủ các khía cạnh của một bộ phim hay và kịch tính.
Sau nhiệm kì của “cha già” lập quốc George Washington, có hai nhóm chính chi phối chính trường Hoa Kì cuối thế kỉ 18 là: Nhóm Liên bang (Federalist) kiểm soát Quốc hội từ năm 1796 đến năm 1800 và bầu John Adams làm Tổng Thống; thứ hai là nhóm Dân chủ Cộng Hòa (tiền thân của Đảng dân chủ sau này, lúc này Đảng cộng hòa chưa ra đời) tiếp theo sau 1800 đã dành lại quyền kiểm soát và bầu Thomas Jefferson lên làm Tổng thống. Trong thời điểm chuyển giao 1800 nhóm Liên bang nhận thức rõ sự thất thế của phe mình ở các nhánh hành pháp và lập pháp do đó họ chuyển sang củng cố quyền lực của mình bên nhánh tư pháp. Tổng thống Adams ngay lập tức để cử Ngoại trưởng của mình là John Marshall làm Chánh án Tối cao liên bang. Quốc hội Liên bang cũng thông qua hoạt động lập pháp để tăng số lượng Thẩm phán liên bang tại các Tòa cấp dưới, giảm số lượng thành viên Tòa tối cao, tránh việc đảng Dân chủ-Cộng hòa can thiệp chiếm ghế trống và trao quyền cho bốn mươi hai thẩm phán hòa giải (Justice of the Peace) mới ở Quận Colombia. Vào những ngày cầm quyền cuối cùng của mình, Tổng thống Adam lại tiếp tục đề cử những thành viên trung thành của Đảng mình vào những vị trí mới và được Thượng nghị viện chấp nhận. Vào đêm trước khi Jefferson trở thành Tổng thống, John Marshall vẫn giữ chức Ngoại trưởng đến tháng cuối cùng trong nhiệm kì của Adams – thực hiện công việc truyền thống của một Ngoại trưởng là đóng Quốc Ấn Hoa Kỳ vào các sắc lệnh bổ nhiệm chính thức cho các tân thẩm phán. Do sơ suất, một vài sắc lệnh bổ nhiệm đã không giao kịp cho các viên chức mới ngay trong đêm đó. Ngay ngày hôm sau, Tổng thống mới Jefferson đã yêu cầu ngoại trưởng mới của mình là James Madison phải bãi bõ ngay lập tức những sắc lệnh bổ nhiệm chưa kịp đến tay người nhận, và trong đó có một nhân vật mới nổi là ngài William Marbury, một doanh nhân thành công đến từ Maryland.
Marbury lập tức khởi kiện lên Tòa Án Tối Cao Hoa Kỳ về sắc lệnh bổ nhiệm của mình và xin tòa ra trát bắt buộc (writ of mandamus – trát yêu cầu bắt buộc thi hành quyết định của tòa). Marbury đã vin vào Đạo luật Tư pháp do nhánh lập pháp ban hành vào năm 1789 trong đó có quy định việc mở rộng thẩm quyền tài phán đầu tiên của Tòa Án, bao gồm quyền ra trát bắt buộc các viên chức liên bang thi hành.
Điều này xảy ra năm 1801 nhưng phải hai năm sau đó 1803 mới được đem ra xét xử do chính quyền mới của Jefferson đã bãi bõ nhiệm kỳ 1801 – 1802 của Tòa Tối Cao và là một tình huống tiến thoái lưỡng nan/dilemma cho vị thẩm phán John Marshall.
Nếu ra phán quyết Marbury không có quyền được nhận sắc lệnh bổ nhiệm thì có nghĩa là Marshall đương nhiên công nhận quyền can thiệp của cơ quan hành pháp do Tổng thống mới đứng đầu – và như vậy là làm trái ngược đi những nguyên tắc ban đầu của chủ nghĩa Liên bang và niềm tin về sự độc lập của “tư pháp”. Và ngược lại nếu chấp nhận sắc lệnh trên, với thẩm quyền của Tòa chưa được xác lập một cách rõ ràng vào thời điểm “tranh tối tranh sáng” đó thì rất có thể nhánh Hành pháp bao gồm Jefferson và Madison sẽ không tuân phục và tìm cách can thiệp, ảnh hưởng nhằm tạo ra một cuộc khủng hoảng Hiến pháp mới.
Để giải quyết vấn đề trên, thẩm phán Marshall đã khéo léo áp dụng “thẩm quyền giám sát tư pháp” được quy định trong điều III Hiến pháp để khước từ việc can thiệp đòi phục chức cho Marbury. Ông cho rằng trước hết việc bổ nhiệm chức vụ cho Marbury đã được hoàn tất khi cựu Tổng thống Adams kí sắc lệnh bổ nhiệm, do đó việc đóng dấu và tống đạt sắc lệnh chỉ còn là thủ tục hành chính, về nếu như việc này không được hoàn tất thì tình trạng chức vụ của Marbury cũng không bị thay đổi. Như vậy khi vụ việc rơi vào tay Ngoại trưởng mới thì Marbury thực chất đã có quyền chức mới, nhưng việc thực thi sắc lệnh sau đó để ông thực hiện quyền chức của mình đã bị cản trở. Vậy thì câu hỏi quan trọng đặt ra là, liệu Tòa án Tối cao có đúng là nơi phải giải quyết sai sót này ?
Câu trả lời của Marshall là không. Ông khéo léo tấn công vào thẳng vào Đạo luật tư pháp 1789 cho rằng đạo luật đã mở rộng không hợp hiến quyền tài phán đầu tiên của Tòa, và vượt quá quyền được trao cho Tòa trong điều III Hiến pháp, do đó tòa không có quyền can thiệp xét xử vụ việc này. Phe Dân chủ-Cộng hòa ngay lập tức được thõa mãn nhưng chánh án Marshall cũng đồng thời bảo toàn được Quyền tài phán Tối hậu của Tòa án Tối cao – qua đó có thể xem xét các Đạo luật hay sắc lệnh khác của Quốc hội là vi hiến hay không.
Tất nhiên đây là một phán quyết thiếu tính logic chặt chẽ và gây nhiều tranh cãi nhưng đây là tuyên bố hùng hồn nhất của Marshall cho “nguyên tắc giám sát tư pháp”. Minh chứng cho tam đoạn luận. Hiến pháp là luật (cơ bản), tòa diễn giải luật và do đó, tòa diễn giải Hiến pháp.”Marshall đã đặt ra một nền tảng cho việc Tòa tối cao xem xét lại tình trạng hợp hiến của các Đạo luật được đưa ra bởi nhánh lập pháp và các quyết định của nhánh hành pháp – biến quyền diễn giải Hiến pháp của Tòa phủ trên một phạm vi rất rộng.
Thực ra bất cứ viên chức cao cấp nào khi tham gia chính quyền Hoa Kỳ khi tuyên thệ nhậm chức đều phải cam kết bảo vệ Hiến pháp, và tìm cách diển giải nó trong suốt quá trình làm việc của mình như việc xem xét tính hợp hiến khi cho ra đời đạo luật hoặc tiến hành một mệnh lệnh nào đó – và tất nhiên việc diễn giải khác nhau sẽ dẫn đến tranh chấp, xung đột và cãi vã, khi đó thực chất không phải là ai DIễn giải Hiến pháp mà là cách diễn giải của ai được xem là quan trọng Nhất. Quả thực, lịch sử Hoa Kỳ là một quá trình tranh đấu và cân não phức tạp giữa các nhánh tam quyền trong hệ thống, ai ai cũng khẳng định tính độc lập “ở một mức độ nào đó” trong việc diễn giải, thực thi Hiến pháp. Như Thomas Jefferson đã phải thốt lên:”việc thẩm phán là người nắm quyền tối cao trong toàn bộ các vấn đề Hiến pháp là một học thuyết quả thực rất nguy hiểm, và sẽ đặt chúng ta dưới sự chuyên quyền của một nhóm đầu sỏ”, nó thể hiện qua việc ông chống lại Đạo luật chống nổi loạn 1789 (ông tiến hành tha bổng các bị cáo bị kết án theo Đạo luật bằng thẩm quyền Tổng thống của mình) hay việc Tổng thống Abraham Lincoln chống lại phán quyết của Tòa vụ Dred Scott (1857 – cho rằng người da đen không phải là công dân). Tuy nhiên thông thường cuối cùng phần thắng thường nghiêng về Tòa án.
Marbury không bao giờ được nhậm chức, ông là nạn nhân của công cuộc đấu đá phe phái quyền lực Hoa Kỳ nhưng tên tuổi của ông đã được ghi vào lịch sử như một phần trong những án lệ quan trọng thiết lập nền tảng vững chắc cho quyền lực “tư pháp” Hoa Kỳ, là cơ sở để ảnh hưởng hai nhánh tam quyền còn lại điều chỉnh và kiểm soát quyền hành lẫn nhau. Ngoài ra cuối cùng “tư pháp” có thể đứng ra thu xếp hòa giải mâu thuẫn đấu đá nội bộ giữa các đảng phái, cùng hướng họ lợi ích chung của quốc gia dân tộc. Chánh án tối cao Warren Burger đã treo ảnh của Marbury và Madison trong phòng ăn nhỏ của Tối Cao pháp viện như một lời nhắc nhở cho các giá trị mà “Chánh án Tối Cao” cần theo đuổi.
Tòa nhà uy nghi sừng sững của Tối cao pháp viện (SCOTUS) nơi tôi đang đứng hiện nay là thành quả đấu tranh của Chánh án William Talf tại Quốc hội Hoa Kỳ và có lẽ cũng vì ông nắm luôn quyền lực hành pháp khi đồng thời là Tổng thống thứ 27. Năm 1929, Quốc hội Mỹ thông qua khoản tiền 9,74 triệu $ để xây dựng một trụ sở riêng của Tòa chấm dứt 145 năm “lang bạt” dựa dẫm tòa nhà Quốc hội của các thẩm phán. Ngôi Đền Công Lý/ Temple of Justice là dự án cuối cùng của kiến trúc sư danh tiếng Cass Gilbert, được xây dựng theo phong cách Tân Cổ Điển (Neoclassical), nơi ông khéo léo truyền tải các thông điệp: “Công trình cần được thiết kế ở quy mô có thể thể hiện được tầm quan trọng và sự uy nghiêm của Tòa cũng như nhánh Hành pháp như là là một nhánh công minh, độc lập của chính phủ Hoa Kỳ, và phải là biểu tượng lý tưởng cho việc thực thi công lý ở mức độ cao nhất.” Mặt phía Tây của công trình đồng thời là mặt tiền được khắc sâu thông điệp: “Equal Justice Under Law – Công lý công minh dưới nền tảng luật” phía dưới là hai bức tượng “The Comtemplation of Justice” và “The Authority of Law” (Sự suy nghiệm/trầm ngâm của Công Lý và Thẩm quyền của Luật), mặt phía Đông lại được khắc thông điệp quan trọng khác “Justice the Guardian of Liberty – Công lý người canh gác cho tự do” được thực hiện nhờ chương trình điều khắc theo phong cách Beaux-Arts của một loạt các nghệ sĩ nối tiếp ngay sau đó.