Vũ trụ của Stan và chiến lược bom tấn
Đại đa số thế hệ từ 8x tới 10x chắc không ai chưa từng xem chuỗi phim siêu anh hùng của Marvel – kể từ khi tập phim Iron Man ra mắt lần đầu năm 2008 và gần nhất là Captain Marvel. Mình hầu như không bỏ qua bộ phim nào của Marvel Comics không phải chỉ vì mê mẫn vũ trụ MCU mà còn vì câu chuyện kinh doanh thú vị của họ.
Đoạn mở đầu của Captain Marvel đã tri ân một nhân vật rất đặc biệt của hãng Marvel Comics – Stan Lee – một gã Do Thái (gốc Rumani và sinh ở Manhattan, New York) sắc sảo trong thế giới comic/truyện tranh, người vừa qua đời cách đó vài tháng. Ông là nhà văn, người biên tập đồng thời là nhà sản xuất, người sáng tạo ra các nhân vật X-Men, Người sắt (Iron Man), thần sấm Thor, người khổng lồ xanh Hunk, bộ tứ siêu đẳng (Fantastic Four), Báo đen (Black Panther), người Kiến (Ant Man) và rất rất nhiều nhân vật quen thuộc khác đã đi vào tâm khảm biết bao nhiêu thế hệ.
Phần dưới đây mình sẽ tóm tắt ngắn gọn sự ra đời của Marvel, cuộc đời Stan Lee cùng sự kì diệu trong vũ trụ MCU của ông. Đồng thời cũng nói thêm một chút về ngành công nghiệp truyện tranh cùng sự mở rộng ra truyền hình, trò chơi điện tử, quảng cáo, đặc biệt là phim bom tấn ăn theo.
Marvel Comics được sáng lập vào năm 1939 bởi nhà xuất bản báo chí – Martin Goodman với cái tên ban đầu là Timely Publications (Nhà xuất bản hợp thời). Martin trước đó đã khởi nghiệp với tạp chí kiểu Western (một dòng văn học) năm 1933 và đã rất sẵn sàng để gia nhập vào một thị trường đang tăng trưởng nhanh chóng: truyện tranh. Lee gia nhập Timely ngay từ những ngày đầu với vai trò trợ lý cho bộ phận truyện tranh ở đây nhờ chú mình là Robbie Solomon giới thiệu. Ông có mối liên hệ cá nhân với người sáng lập, chị họ của ông (Jean) chính là vợ của Goodman. Tổng biên tập đầu tiên của Timely Joe Simon là người trực tiếp tuyển dụng Lee đồng thời là người đồng hành cùng ông qua nhiều thập kỉ kiến tạo vũ trụ MCU. Timely ban đầu là một công ty sáng tạo mang tính gia đình (em của ông là Larry Lieber cũng làm việc ở đây).
Công việc sáng tạo đã theo đuổi ông từ nhỏ xuất phát từ sở thích viết lách. Ông luôn mơ có ngày mình sẽ viết được một “Thiên tiểu thuyết Hoa Kỳ vĩ đại” (Great American Novel – GAN – một khái niệm ám chỉ mức tưởng thưởng cao nhất cho những ai có khả năng viết ra những tác phẩm mô tả văn hóa hay câu chuyện sâu sắc về Hoa Kỳ). Ngành truyện tranh ở thập niên 30 vẫn được xem có vị trí xã hội thấp hơn các ngành xuất bản khác nên ông buộc phải sử dụng một bút danh riêng để tránh xấu hổ ông khi người ta liên tưởng đến tên thật Stanley Martin Lieber, cái tên mà ông sẽ dùng khi viết GAN. Nhưng ông không biết rằng mình đang bước vào và đóng góp cho một kỉ nguyên vàng của Truyện Tranh Hoa Kỳ kéo dài từ thập niên 40 đến 50.
Cuộc cách mạng “siêu anh hùng” của Marvel diễn ra vào cuối kỉ nguyên đó, xuất phát từ sự thách thức của đối thủ truyền kiếp của họ – DC Comics. Tổng biên tập của DC lúc đó Julius Schwartz đã làm sống lại phiên bản anh hùng thành công trước đó là Flash đồng thời mở rộng ra thành Liên Minh Công Lý Hoa Kỳ (với các nhân vật nổi tiếng như Người Dơi, Siêu Nhân). Goodman lúc đó đã đề xuất Lee giúp mình xây dựng một biệt đội anh hùng mới để cạnh tranh với DC – tạo tiền đề cho sự ra đời của MCU. Đây cũng là lúc Timely đổi tên thành Marvel Comics để tập trung sâu hơn vào ngành truyện tranh và trở thành cái tên quen thuộc cho đến ngày hôm nay. Nhân vật siêu anh hùng đầu tiên mà ông góp phần sáng tạo chính là Destroyer (Kẻ Hủy Diệt) và sau đó là Jack Frost còn liên minh anh hùng ông tạo ra cạnh tranh với DC chính là Bộ tứ siêu đẳng (Fantastic Four, cùng với họa sĩ Jack Kirby).
Bằng sự nổ lực của mình, ông dần dần leo lên nhiều nấc thang nghề nghiệp và trở thành người lãnh đạo mảng sáng tạo của Marvel qua hai thập kỉ, dẫn dắt công ty này từ một bộ phận nhỏ của hãng xuất bản thành một tập đoàn truyền thông thống trị ngành công nghiệp comics (hay truyện tranh). Tới thập niên 90s, ông dần rút khỏi Marvel những vẫn nhận mức lương 1 triệu $ hàng năm với vai trò chủ tịch danh dự/Emeritus cùng lời hứa “bâng quơ” chia sẻ 10% doanh thu tương lai. Mối quan hệ của ông với Marvel sau này khá phức tạp do tranh chấp và kiện tụng xung quanh bản quyền của các nhân vật do ông sáng tạo. Thập niên 90 và 2000, ông tham gia sáng lập một loạt các công ty khởi nghiệp xuất bản, truyền thông và sản xuất phim như Stan Lee Media và POW! Entertainment – là các pháp nhân giúp ông kiện Marvel sau này. Khi phim X-men do Fox Studio sản xuất (2000) và Spider Man do Sony sản xuất (2002) thành công vang dội, nhận ra Marvel đã bỏ rơi vai trò của mình, Lee tiến hành đòi quyền lợi từ doanh thu phim dựa trên các nhân vật do mình sáng tạo.
Mãi tới 2005, Marvel và Lee mới dàn xếp ổn thỏa việc chia sẻ doanh thu cho Lee (mà nghe nói với thỏa thuận 7 con số). Sự việc còn phức tạp chồng chéo hơn nữa khi vào năm 2007, nhà đầu tư Jim Nesfield mua lại một công ty phá sản năm 2001 của Lee là Stan Lee Media và dùng chính nó để kiện ngược lại Marvel và POW! nhằm đòi các quyền lợi như lợi nhuận, cổ phiếu (vì trên danh nghĩa Stan Lee Media họ có quyền sở hữu một vài nhân vật Marvel). Cuộc chơi tài chính và luật pháp của Mỹ quá đỗi là phức tạp và thú vị. Khi mọi tranh chấp qua đi, Lee tiếp tục cống hiến cuộc đời mình cho công cuộc sáng tạo vũ trụ MCU và thậm chí cũng đóng góp cho cả DC Comics – nhiều phim Marvel sau này cũng mời ông tham gia những vai phụ nhỏ (cameo) như một cách tri ân âm thầm.
Để hiểu về sức sáng tạo khủng khiếp của Stan Lee, các bạn có thể theo dõi lại bộ truyện Comics của Marvel hoặc xem lại 16 bộ phim được sản xuất trong 9 năm qua (3 giai đoạn). Hãy dùng một tờ giấy ghi tên các nhân vật, phân nhóm và vẽ lại những kết nối để hình dung ra vũ trụ xuyên không gian, thời gian của ông. Đây là cách mình tận hưởng vũ trụ MCU của ông. Sau khi xem xong Captain Marvel, mình mới phát hiện tạp chí Strait Times đã mô hình hóa những gì mình mô tả ở trên trong link sau:
Đây chính là sơ đồ của vũ trụ MCU – mức độ phức tạp của nó thực sự làm mình kinh ngạc. Cách tư duy của Stan thực sự có biên độ mở ra vô hạn, nó có thể kết nối nhiều vũ trụ khác của DC hay Warner Bros với series Harry Potter.
Cách đây năm năm mình rất may mắn khi có cơ hội được tháp tùng giáo sư Anita Elberse thuộc trường kinh doanh Harvard (HBS) trong chuyến thăm Việt Nam lần đầu của bà. Nhờ tiếp xúc mà mình có cơ hội tìm hiểu nhiều hơn về một chiến lược gọi là “Chiến lược bom tấn” – “Blockbusters”, một khái niệm bà mô tả rất chi tiết trong quyển sách cùng tên của mình. Anita là người đã dành hơn 10 năm để quan sát ngành công nghiệp giải trí và xuất bản Hoa Kỳ để tìm hiểu cách vận hành kinh doanh của họ. Một hành trình đưa bà tiếp xúc với những ngôi sao ca nhạc như Lady Gaga, Jay-Z, siêu sao thể thao như LeBron James, Tom Brady cùng sự đào sâu việc ra đời các bom tấn như Star Wars, Avatar, Harry Potters và vũ trụ MCU. Chiến lược đó cụ thể như sau” Dành một khoản tiền đầu tư bất cân xứng cực lớn chỉ cho một vài sản phẩm hay tác phẩm nhằm đẩy chúng tới một lượng khán giả cực lớn.” (mass audiences). Những nhà đầu tư thông minh sẽ đặt cược món tiền của mình chỉ vào số ít những kẻ có khả năng chiến thắng, những sản phẩm giúp thu về số tiền khổng lồ hơn nữa. 16 bộ phim “bom tấn” về vũ trụ MCU của Marvel chính là những ví dụ điển hình. Các bạn có thể xem đầu tư và doanh thu chi tiết của các sản phẩm này ở đây:
Note này là một tổng hợp hành trình vũ trụ MCU nhưng đồng thời cũng là sự tri ân những gì Stan, Marvel cùng MCU đã cống hiến cho sự sáng tạo và nuôi dưỡng trí tưởng tượng của mình trong suốt một thập kỉ qua. Mình tin nhiều bạn bè trên Face cũng có cùng cảm giác biết ơn như vậy. Nếu có thể, các bạn hãy cùng đào sâu hơn về căn nguyên thúc đẩy sự sáng tạo cao độ như vậy của Stan: môi trường, cơ duyên, chiến lược đúng đắn hay đơn giản vì Stan là một người Do Thái – sự sáng tạo của ông được nuôi dưỡng bởi túi tiền rủng rỉnh của những gã tài phiệt Do Thái New York khác.