Mọi thứ rồi sẽ suy tàn


Nhà đầu tư huyền thoại Charlie Munger (phó chủ tịch Berkshire và bạn đầu tư của Warren Buffett) bày tỏ sự ngưỡng mộ với một trong những "cha già" lập quốc của Hoa Kỳ Ben Franklin. Đây là hình mẫu mà ông dùng để đặt tên cho tác phẩm nổi tiếng "Biên niên sử của Charlie nghèo" (Poor Charlie's Almanack - một trong những cuốn sách ảnh hưởng sâu sắc nhân sinh quan của mình). Ben là một thiên tài với xuất phát điểm nghèo khó. Bằng khả năng tự học suốt đời, ông đã vươn lên trở thành nhà phát minh (tạo ra cột chống sét), nhà khoa học, nhà văn và nhà ngoại giao xuất sắc bậc nhất của nước Mỹ. Ông chạm đến hết thành tựu này đến thành tựu khác. Giống như Leonardo de Vinci, sự đa tài tụ trong một cá nhân như Ben là cực kỳ hiếm có. Đặc biệt hơn, ông đã cho ra đời ý tưởng về nước Mỹ độc lập và khéo léo vận dụng dòng chảy của Thời đại Khai Sáng để kiến tạo thành công quốc gia mới. Quả là hình mẫu hoàn hảo để Charlie theo đuổi.

Tiếp sau đó Charlie nhắc đến nhân vật thứ hai Warren Buffett, người đồng hành với ông qua nhiều phi vụ đầu tư. Warren không chỉ là một người tư duy rất tốt mà ông cũng không bao giờ ngừng học hỏi (giống Ben), điều này là cực kỳ quan trọng. Warren cũng có bộ gen trách nhiệm rất cao (fiduciary gene), ông luôn quan tâm trọn vẹn đến các cổ đông (không làm điều có thể gây tổn thất nguy hại đến người đặt niềm tin vào mình). Cả Warren và Charlie đều rất may mắn khi có nhiều người tin tưởng rót vốn vào quá trình khởi sự công việc đầu tư, lúc bộ đôi còn trẻ và chưa có danh tiếng gì. Cả hai đã xây dựng lòng trung thành (loyalty) với các cổ đông, nhiều người trong mạng lưới đó đã qua đời do tuổi tác nhưng sợi dây quan hệ này vẫn kéo dài đến thế hệ kế tiếp. Tất cả các cổ đông của Berkshire vẫn được quan tâm chu đáo. Rõ ràng, ai cũng có thể chạm đến thành công to lớn nếu xây dựng được điều này.

Ben và Warren hai cái tên mà Charlie Munger nhắc đến một cách trân trọng trong hội nghị thường niên của Daily Journal trong năm 2023 (AGM). Ông lúc này đây đã chạm ngưỡng 99 tuổi nhưng sự tinh anh sắc sảo thì vẫn vẹn nguyên. Charlie mua lại tờ The Daily Court Journal (LA) vào năm 1977. Sau đó, ông chuyển hóa tờ báo (thông qua mua bán và sáp nhập) thành một tổ chức (group) sở hữu một loạt kênh truyền thông như các trang web và báo giấy chuyên cung cấp thông tin cho ngành luật, bất động sản hay kinh doanh nói chung. Nếu nhìn vào ngành báo chí của Hoa Kỳ, vốn được xem là nhánh thứ 4 của chính quyền (Fourth Estate), phần lớn ngành hiện nay đều phá sản, trừ một số trường hợp hiếm hoi như The Wall Street Journal, The New York Times, hay tờ báo số Thomson Reuters. Trong bầu không khí khắc nghiệt như vậy, tờ The Daily Journal có lẽ cũng đã chung số phận hẩm hiu. Tuy nhiên, nhờ đầu tư vào chứng khoán (marketable securities) và các tài sản thanh khoản tốt (liquid wealth) mà tờ báo đã sống sót phi thường (chỉ có 2 hay 3 trong 500 tờ báo có kết quả như vậy).

Tờ báo còn có một nhánh kinh doanh con mang tên Journal Technologies, Inc - chuyên làm phần mềm phục vụ cho hệ thống tòa án của phương Tây (courts system). Thị trường tự động hóa hệ thống tòa án rất lớn, như Munger nhận định mọi thứ như đang trong thời kỳ Đồ Đá, các luật sư hay quy trình tố tụng diễn ra cực kỳ thủ công ngay cả ở Hoa Kỳ. Daily Journal, thực ra là một phiên bản mini của Berkshire (một phương tiện để Munger có thể thỏa thích đầu tư mà không quá bị ảnh hưởng bởi Buffett). Tất nhiên, cách Daily Journal vận hành lấp lánh phản ánh hệ thống quản trị các nhánh đầu tư (subsidiary) của Bershire Hathaway.

Phần trình bày của Munger tại AGM 2023 kéo dài 2,5 tiếng và lướt qua nhiều đề tài quan trọng quanh hoạt động kinh doanh của Daily Journal cùng danh mục đầu tư liên quan. Charlie đã thẳng thắn thừa nhận thất bại khi đầu tư vào Alibaba. Đôi khi, những người thông thái nhất cũng có thể mắc lỗi. Ông đào sâu vào tâm lý của con người, thứ ông sành sỏi khi xây dựng mô hình tâm trí Charlie (mental model) trong tác phẩm "Biên niên sử của Charlie nghèo". Con người hay đề cao bản thân và chối bỏ sai lầm hay hiện thực khắc nghiệt. Giống như AGM năm 2022, ông nhắc đến Trung Quốc với thái độ tôn trọng, nhấn mạnh có những thứ nước này làm đặc biệt hiệu quả hơn Mỹ (như hình ảnh một ông già thông thái giàu có rất được tôn trọng ở nước châu Á này hay sự hiếu thảo). Charlie cũng tiếp tục tấn công địa hạt crypto, cho rằng bitcoin hay ethereum là những thứ vớ vẩn (shit) mà công chúng cần phải tránh xa (nó còn tồi tệ hơn việc đặt cược hay đánh bạc vào Super Bowl). Dưới đây là tóm lược các thông điệp mà mình cảm thấy thú vị và khai sáng (chữ "tôi" dưới đây là tự sự của Charlie Munger):

* Quyết định tồi và hành xử của giới quản lý tiền bạc
* Mọi thứ rồi sẽ suy tàn
* Tăng trưởng kinh tế
* Đòn bẩy tài chính và bán khống
* Jack Ma, Trung Quốc và đầu tư vào các doanh nghiệp tốt/vĩ đại

1> Quyết định tồi và hành xử của giới quản lý tiền bạc

Nếu phải gọi tên một yếu tố (factor) chi phối việc đưa ra các quyết định tồi của con người thì đó chính là "sự chối bỏ" (denial). Rõ ràng, khi một sự thật (truth) nào đó đủ khó chịu xuất hiện, tâm trí chúng ta sẽ dùng một số thủ thuật để gạt bỏ chúng (plays tricks), và không tin nó đang thực sự diễn ra. Dĩ nhiên, điều này gây ra sự tàn phá to lớn đến doanh nghiệp, các nhân sự ném tiền theo cái cách họ quen thuộc dù chúng không hoạt động hiệu quả trong bối cách thế giới hiện nay, nhiều thứ đã đổi thay.

Nếu bạn cần có một ví dụ cụ thể về cách "sự chối bỏ" ảnh hưởng mọi thứ, hãy nhìn vào thế giới của quản lý đầu tư (investment management). Có bao nhiêu nhà quản lý có thể thắng được các chỉ số (indexes), sau khi xem xét hết tất cả các chi phí (all costs considered). Tôi có thể tự tin tuyên bố có lẽ chỉ 5% trong đó có thể liên tục đánh bại mức trung bình (averages). Còn lại đa phần đang sống trong trạng thái "chối bỏ cực đoan" (extreme denial). Họ quen với việc tính phí khủng cho những thứ vốn dĩ không đem lại điều gì tốt đẹp cho khách hàng của họ. Khi một quả phụ cầm 500 ngàn đô đến trao cho bạn quản lý, bạn trừ đi khoản phí một phần trăm (one point) thay vì đầu tư tiền của bà ta vào các chỉ số (indexes), tất cả là vì bạn cần khoản phí đó vì lợi ích chính mình. Đây là cách hành xử suy thoái nghiêm trọng về mặt đạo đức (deep moral depravity): có người dám tính phí quả phụ một khoản tiền đáng kể cho những lời khuyên vô bổ. Nhìn chung ngành nghề này có đầy những thể loại giống như vậy, chúng ở khắp mọi nơi.

Tôi luôn luôn trích dẫn Demosthenes, một nhà hùng biện Hy Lạp cổ đại. Cách đây một thời gian khá lâu, chắc hơn 2000 năm, Demosthenes đã nói: "Những gì con người mong muốn chính là những gì họ tin." Hãy suy tư thật kỹ xem biết bao thứ đã xảy ra theo nhận định trên. Dĩ nhiên, điều này quá sức quan trọng, bạn có thể quan sát nó diễn ra ngay xung quanh mình.

Tôi có thể nhận định chi phí "agency" (trung gian) trong việc quản lý tiền bạc, gồm nhiều triệu đô, quả thực không hợp lý (unaccountable). Không ai có thể xử lý vấn đề này bởi họ (các nhà quả lý tiền) cũng cần phải cho con cái đến trường học, và khoản phí này góp phần trong đó. Họ cần phải có các khoản hoa hồng môi giới (brokerage commissions). Vì cũng cần sở hữu thứ này hay thứ nọ, họ buộc phải làm điều có lợi cho mình và có hại cho khách hàng.

Bershire hay Daily Journal sẽ không bao giờ làm điều này. Tôi và Gurerin (người vận hành Daily Journal) không bao giờ lấy một xu trong lương bổng hay các khoản phí điều hành hay những thứ tương tự. Nếu tôi có một công việc gì đó, hay cần trò chuyện qua điện thoại, hay sử dụng xe cộ, tôi sẽ không đẩy khoản phí đó đến cho Daily Journal. Cách hành xử sai trái như trên là chưa từng nghe thấy (và không thể xảy ra) tại Berkshire hay Daily Journal.

Chúng tôi có một kế hoạch " tạo động lực " (incentive plan) tại Journal Technologies và nó chiếm hàng triệu đô la giá trị cổ phiếu của Daily Journal. Nhưng khoản này không đến từ việc phát hành pha loãng cổ phiếu từ công ty, tôi đưa cổ phiếu của chính mình để cho lại các nhân sự. Tôi đã học được chiêu thức này từ một người ở BYD, một trong những cổ phiếu mà chúng tôi nắm giữ trong danh mục đầu tư của mình. Các nhà sáng lập hay chủ tịch của BYD đã có lúc không sử dụng cổ phiếu công ty để thưởng cho các nhà quản lý vận hành, họ dùng chính cổ phiếu của mình. Điều này đem đến phần thưởng to lớn cho BYD. BYD năm ngoái đã thu được khoản tiền 2 tỷ $ sau thuế trong ngành ô tô ở Trung Quốc. Làm thế nào mà một người chân ướt chân ráo trong ngành ô tô có thể kiếm được khoản tiền này, dù đặt các mục tiêu thực tiễn nhất có thể. Điều này thực sự phi thường. Rõ ràng, có những chuẩn mực hành xử (virtue) cũ kỹ của các nhà tư bản vẫn tồn tại ở Daily Journal, Berkshire Hathaway và BYD. Tuy nhiên phần lớn những nơi khác, ai ai cũng cố dành giựt lấy những gì có thể và cho rằng điều này có lý, mặc cho mình có xứng đáng hay không.

2> Mọi thứ rồi sẽ suy tàn

Khi tham gia đầu tư tại Berkshire Hathaway, tôi đã từng ngạc nhiên khi có quá nhiều doanh nghiệp suy tàn. Thế giới kinh doanh khá giống với thế giới vật lý (physical) nơi sự tuyệt chủng hay cái chết của con vật trước đó (animals) thúc đẩy và cải thiện các giống loài (species) còn lại. Có vẻ như cách hệ thống vận hành là trước sau gì các giống loài lần lượt tuyệt chủng và bị thay thế. Khi tôi còn trẻ, tôi không nhận ra một hệ thống tương tự cũng vận vào chủ nghĩa tư bản hay lên các doanh nghiệp. Ai ai cũng đi đến giai đoạn suy tàn, để những phần còn lại có thể thay thế và tiếp tục sống. Quả thật nhiều cái chết rất đau đớn.

Hãy nhìn vào cái chết của Kodak, một trong những cái tên ấn tượng trong giới kinh doanh trước kia. Hiện tại không ai còn sài film Kodak nữa, công ty này từng thống trị thị trường film và có hiểu biết về hóa chất film hơn bất cứ ai trên Trái Đất. Tuy nhiên, hiện tại giá trị ngành kinh doanh này đã đi về 0. Tiếp theo là Xerox, họ cũng từng thống trị cả thế giới trong mảng giải pháp xử lý tài tiệu và những thành công họ từng là mơ ước của giới kinh doanh Hoa Kỳ. Các nhà nghiên cứu tại Xerox và Trung tâm Nghiên cứu Palo Alto đã phát minh ra một số khái niệm quan trọng trong ngành máy tính cá nhân, chẳng hạn như GUI, chuột máy tính và máy tính để bàn. Những phát kiến này tuy bị ban giám đốc Xerox coi thường, nhưng may mắn thay được Apple và Microsoft học hỏi. Hai công ty này nhờ đó đã thống trị cuộc cách mạng máy tính cá nhân những năm 1980. Xerox đã bỏ lỡ cuộc chơi. Disney cũng diễn ra điều tương tự. Hầu hết các công việc kinh doanh của Disney hiện nay đều trở nên khó khăn hơn trước đây rất nhiều. Disney đã từng chinh phục thế giới rộng lớn, như cách tác phẩm Vua sư tử (The Lion King) được duy trì dài hơi tại quận nhà hát ở New York (Broadway), nó đã từng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Dù vậy tình hình hiện tại đang càng lúc càng khó khăn. Đó chính xác là thực tiễn khắc nghiệt dành cho các công ty vĩ đại. Một ví dụ gần gũi hơn, các bạn có nhớ về các tiệm tạp hóa (department stores), thứ từng gắn bó quan trọng với chúng ta như thế nào. Các chủ tiệm hầu như đi trước các doanh gia khác trong việc cung cấp tín dụng (gối đầu) hay tạo ra các gói sản phẩm thuận tiện theo mùa, hay sắp xếp bày trí hàng hóa khôn ngoan theo nhu cầu, nhưng rồi đều chết yểu.

Về mặt thực tiễn, mọi thứ đều kết thúc hay chết trong khung thời gian đủ lớn (big enough timescale). Dù chân lý này hiển hiện ra trước mắt, nhưng khi còn trẻ tôi đã không hiểu thấu. Mọi thứ trong mắt trong ta (hay trong suy nghĩ chối từ) đều duy trì như vậy mãi mãi, nó đã ở bên ta trong thời gian dài và ta tin khi già đi nó vẫn ở đó. Rồi thì từng thứ một từ từ rơi rụng. Về mặt thực tiễn, mọi thứ đều kết thúc, ngay cả trong kinh doanh. Không có cái gọi là tồn tại mãi mãi. Thấu hiểu điều này đã giúp tôi trở thành một nhà đầu tư tốt hơn.

3> Tăng trưởng kinh tế

Ai ai cũng mong muốn chỉ số GDP đầu người (GDP/capita) tăng lên nhưng để đạt được điều này thì phần lớn các tài sản cần phải được đặt trong tay khu vực tư nhân, các nguồn lực luôn được chăm sóc tối ưu trong tay người sở hữu. Điều này sẽ khiến cho toàn bộ hệ thống trở nên hiệu quả hơn kéo theo GDP/capita sẽ tăng lên.

Chúng ta cần một hệ thống nơi ai ai cũng có thể dễ dàng trao đổi hàng hoá/ dịch vụ thông qua hệ thống tiền tệ, đó là cách mà nền văn minh trở nên giàu có trù phú. Phải làm sao việc trao đổi hàng hóa và nắm giữ tài sản nằm phần lớn trong khối tư nhân. Nếu bạn có thể dạy chơi violin và tôi có tiền, chúng ta đồng ý giao dịch thì cả hai bên sẽ cùng có lợi. Dĩ nhiên GDP sẽ tăng lên cực cao nếu có nhiều người cũng tiêu tiền, vận hành doanh nghiệp và tiến hành các hoạt động liên quan khác. Chưa từng có ai trong lịch sử nhân loại mà tôi biết, có thể chuyển hóa xã hội săn bắn hái lượm sang nền văn minh mà không có hệ thống với hai đặc tính (1) sở hữu tư nhân (2) có sự tự do trao đổi. Chúng ta ai ai cũng đều cảm nhận điều hiển nhiên này nhưng nhiều nền giáo dục không đào sâu vào chân lý này.

4> Đòn bẩy tài chính và bán khống

Đại đa số chúng ta nên né tránh đòn bẩy, bởi có lẽ không phải luật lệ cuộc chơi đều áp dụng công bằng cho tất cả. Một người bạn của tôi đã từng nói: "Những người trẻ biết luật chơi, nhưng những người già thì biết đâu là ngoại lệ (exceptions). Ít ra nếu sống một cách đúng đắn, người trẻ sẽ dần nhận ra hết các ngoại lệ đó." Những người thông thái, cũng như bao nhiêu người khác, thường có xu hướng xem mình thông thái hơn mức độ thực sự của họ. Đừng bao giờ nghĩ rằng vì mình đã quan sát thấy trường hợp ngoại lệ của Charlie nên bản thân hoàn toàn có thể tiến lên (lever up) và kiếm thêm nhiều tiền từ những nguồn thông tin đầu tư hay ho nào đó. Sự thông thái (wisdom) thỉnh thoảng kết hợp tuyệt vời với sự khiêm nhường (humility).

Tôi không tham gia vào việc bán khống (short), một thứ rất sai trái. Trong suốt đời mình, tôi chỉ thực hiện ba lần bán khống và nó đã diễn ra cách đây ba mươi năm: một lần là giao dịch tiền tệ (currency), hai lần khác là giao dịch cổ phiếu (stock trades - trong hai giao dịch đó, một giúp tôi kiếm khoản lợi nhuận lớn và một gây thua lỗ). Từ đó, tôi đã từ bỏ không dự phần vào trò này. Riêng khoản đặt cược vào giao dịch "tiền tệ", tôi đã kiếm được một triệu đô la nhưng đây quả là cách tồi tệ để kiếm tiền.

5> Jack Ma, Trung Quốc và đầu tư vào các doanh nghiệp tốt/vĩ đại

Jack Ma là một nhà tư bản chiếm cổ phần ưu thế ở Alibaba. Rồi đột nhiên một ngày, anh đã tự dưng tuyên bố trước công chúng rằng các chính khách Trung Quốc (CCP) đang hành xử phi lý. Họ vô cùng đần độn và không làm gì ra trò, chỉ có tôi là thông minh. Dĩ nhiên, nhà cầm quyền không thích bài phát biểu này, anh ta sau đó đã nhanh chóng biến mất trong vòng vài tháng, và hiện tại đã rớt đài khỏi Alibaba. Jack quả thực ngu ngốc, điều này giống như lấy cây kim chọc vào mũi chú gấu. Điều này không thể gọi là thông minh, hành xử trên đã gây tổn hại lớn cho Alibaba. Nhìn lại, Alibaba là khoản đầu tư tồi tệ nhất mà tôi từng làm. Khi nghĩ về Alibaba, tôi đã bị quyến rũ về cách họ định vị bản thân trong thế giới internet của Trung Quốc mà không dừng lại để chân nhận ra bản chất "bán lẻ" trong máu Alibaba. Một ngành kinh doanh cạnh tranh khốc liệt trên internet. Đây không phải thứ dễ dàng (cakewalk) cho tất cả.

Tất nhiên, các nhà đầu tư đừng đánh mất lạc quan về Trung Quốc. Xác suất xung đột với Đài Loan đã giảm xuống rất nhiều khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc quan sát chiến sự tại Ukraine. Họ rất thông minh và có tính thực tiễn cao, do đó sẽ không dám dấn sâu vào Đài Loan trong thời gian dài. Ở góc độ đầu tư, rất dễ tìm ra các công ty tốt mà giá vừa phải hơn ở Trung Quốc khi so với Hoa Kỳ. Các rủi ro liên quan có thể chấp nhận được khi so với giá trị thu về. Đó là lý do tại sao chúng tôi đầu tư ở Trung Quốc. Vì không thể tìm thấy các khoản đầu tư hay ho quanh nhà mình ở Los Angeles nên tôi phải đi ra thế giới bên ngoài. Tôi có cái nhìn rất lạc quan về các nhà lãnh đạo Trung Quốc (hơn hầu hết nhiều người), có nhiều thứ tôi tin họ đã làm đúng, ví dụ như công cuộc chống tham nhũng. Làm gì có nơi nào trên thế giới này hay chính thể nào mà tránh được những thứ tội lỗi hay sầu bi? (sin and sorrow). Ngay cả các nền dân chủ cũng không hoàn hảo, có quá nhiều quyết định sai lầm đưa ra bởi họ. Cũng như cá nhân, việc mắc sai lầm là rất đỗi tự nhiên. Chúng ta đang sống trong một thế giới mà tội lỗi, sầu bi và các quyết định sai trái là cực kỳ phổ biến. Đó là điều mà nhân loại phải đối diện mỗi ngày. Tôi không mong những chướng ngại trên biến mất mà chỉ mong mình có thể đầu tư vào những ai có khả năng đưa ra các phán đoán hay nhận định tốt nhất (good judgement). Tôi chưa từng biết ai luôn ra quyết định đúng trong thế giới này.

Các doanh nghiệp vĩ đại là miếng bánh mà ai muốn dự phần, dĩ nhiên nếu được quản trị tốt thì mức độ yêu thích càng tăng. Thỉnh thoảng, chúng tôi cũng lựa được các doanh nghiệp có cả hai yếu tố này để nắm giữ dài lâu. Dĩ nhiên, ai ai cũng ra sức tìm kiếm miếng bánh kiểu như vậy. Vấn đề là khi bạn tìm thấy hay nhảy vào những doanh nghiệp tốt thì nó hầu như đều đã được nhiều người soi xét kỹ lưỡng (picked over) và phân tích sâu như các cổ phiếu nổi tiếng của Hoa Kỳ, bạn có thể hình dung về khoảng thời gian to lớn người ta bỏ ra để sục sạo trong bể chứng khoán Hoa Kỳ.

Bạn sẽ tìm thấy, tại Mỹ, nếu một doanh nghiệp thực sự tốt, khoản kiếm phải đạt ít nhất 25 lần (25x earnings) hoặc thậm chí đến 30x hay 35x. Điều này càng khiến việc đầu tư trở nên khó khăn hơn, bởi nếu có bất trắc gì xảy ra, bạn có thể mất rất nhiều cho khoản đầu tư này. Dĩ nhiên, đây chính là lý do tại sao việc đầu tư lại khó khăn đến như vậy, rõ ràng doanh nghiệp tốt thì giá không thể rẻ. Các nhà đầu tư buộc phải nhận ra một doanh nghiệp tốt trước khi nhiều người xung quanh cũng có cảm giác giống như vậy. Điều này quá khó để làm. Một số nhà đầu tư có khả năng này, nhưng chắc chắn không nhiều. Có lẽ, tôi không muốn làm việc với 95% các nhà quản lý tài sản chuyên nghiệp của Mỹ. Tôi cho rằng bạn phải rơi vào nhóm 5% cao nhất để có cơ hội thành công. Nó cực kỳ khó, không dễ như mua các quỹ chỉ số (index fund) và ngồi chờ tiền về.

Thế giới tị hiềm
Chúng ta rõ ràng không muốn những người lãnh đạo quốc gia chỉ chăm chăm vào cách dễ nhất: in tiền xử lý mọi vấn đề