Những kẻ thách thức (Challenger)
Dịch vụ tài chính là một thị trường to lớn do nhóm đại gia ngân hàng truyền thống thống trị với lợi thế “độc quyền”, ước tính đạt đến 26,5 nghìn tỷ $ vào năm 2022 (theo MarketWatch). Tuy nhiên, địa hạt này (banking industry) đang dần bị phá vỡ (disrupt) và xâm lấn bởi những kẻ phá bĩnh, một quá trình diễn ra âm thầm trong suốt một thập kỷ vừa qua sẽ thay đổi hoàn toàn trải nghiệm của khách hàng. Thực tế minh chứng, những chuyển đổi “ngành” to lớn thường không đến từ nội tại những gã khổng lồ mà thường từ những nhóm “khởi nghiệp” nằm ngoài rìa dòng chảy chính thống với năng lực sáng tạo và khai thác sức mạnh công nghệ bất tận: như cách Airbnb phá vỡ ngành khách sạn, Uber – vận tải, hay Netflix – thuê video (Blockbuster). Nhóm đang dần len lỏi vào “ngành tài chính-ngân hàng” chính là các công ty fintech (công nghệ tài chính) trong địa hạt “Neo Banks” và “Challenger Banks” với đặc điểm chung: ứng dụng công nghệ, hoàn toàn dựa trên nền tảng trực tuyến/ hay di động, chi phí thấp và quy trình đơn giản/minh bạch. “Neo banks (Tân ngân hàng)” được định nghĩa là nhóm có quan điểm số hóa 100%, loại bỏ hệ thống chi nhánh vật lý (thay thế hoàn toàn ngân hàng truyền thống) nhưng không có giấy phép (license) đầy đủ mà phải phải tận dụng từ đối tác có sẵn (Simple, Moven, Holvi, WeBank của Tencent), còn nhóm xin được giấy phép “một phần” (hay chuyên biệt hóa – specialised) thì được gọi là Challenger Banks (tạm dịch là “ngân hàng thách thức” như Chime ở Mỹ và nhóm châu Âu: Monzo, Starling Bank, N26, burq, Atom Bank).
Quan sát lược sử ngành ngân hàng ở Hoa Kỳ sẽ giúp khơi gợi nguồn gốc của nhóm fintech mới. Trước 1980, các ngân hàng Mỹ không có hệ thống chi nhánh phủ sóng toàn quốc, nếu đi du hành xuyên đất nước khách hàng sẽ gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận tiền mặt. Các quy định trong ngành ngân hàng được nới lỏng (deregulation) trong thập niên 80 như xóa bỏ phân biệt giữa ngân hàng và các tổ chức tài chính (thông qua Đạo luật Kiểm soát Tiền Tệ và Nới Lỏng Quản Lý các Tổ Chức Tiền Gửi năm 1980 và Đạo luật Tổ chức Tiền Gửi Garn-St.Germain năm 1982), loại bỏ giới hạn “liên bang” lên tỷ lệ (rate) mà ngân hàng cho phép chi trả trên tài khoản tiền gửi (deposit account) đồng thời dọn đường cho quá trình phủ sóng “chi nhánh” ra toàn nước Mỹ. Sau đó, đến năm 1994, Tổng thống Bill Clinton ký Đạo luật Hiệu quả Ngân Hàng Liên Bang Riegle-Neal (Riegle-Neal Interstate Banking and Branching Efficiency Act) khuyến khích quá trình mở rộng và thâu tóm ngân hàng liên bang. Các ngân hàng lớn bắt đầu thực hiện quá trình chuyển dịch khổng lồ của mình. Nations Bank mua lại Bank of America vào năm 1998, đánh dấu một thương vụ sáp nhập lớn chưa từng có trong lịch sử Hoa Kỳ (62 tỷ $), điều này đã tạo ra mạng lưới ngân hàng bán lẻ xuyên quốc gia đầu tiên. Cùng thời gian đó, Travelers Group Inc thâu tóm Citicorp; Banc One Corp, một công ty đa ngành của City National Bank, mua lại First Chicago NBD Corp. Nhiều ngân hàng khác cũng theo đuôi, Chase, Citi và Wells Fargo mở rộng mạng lưới, cho phép người Mỹ có thể đến giao dịch tại chi nhánh ở nhiều bang. Các ngân hàng tiếp tục tăng trưởng thêm một thập kỷ nữa cho đến khi Cuộc Đại Suy Thoái 2008 diễn ra (khiến ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ). Các ngân hàng lớn đều choáng váng và thiếu sự chuẩn bị khi khủng hoảng tài chính đánh mạnh vào kinh tế Mỹ. Chính quyền Hoa Kỳ lúc đó đã phải rót gần 205 tỷ $ để cứu vớt các ngân hàng lớn (Wells Fargo, Bank of America, Chase và Citi), kéo theo việc các nhà làm luật và cổ đông ngân hàng liên tục gia tăng áp lực buộc họ phải thắt lưng buộc bụng (trim the fat) nhằm tránh các cuộc suy thoái tương tự khác. Lần đầu tiên trong chừng ấy năm nhóm ngân hàng truyền thống phải ra sức cắt giảm chi phí, điều này đã buộc họ phải đóng cửa chi nhánh ở hàng trăm khu vực nông thôn nhằm tập trung nguồn lực vào các thành phố đông dân, khu vực đem lại doanh thu lớn nhất. Các ngân hàng cũng tiến hành số hóa nhằm thu hút nhóm khách hàng trẻ đồng thời cải thiện dịch vụ cho khách hàng giàu có. Dù các ngân hàng truyền thống ra sức chuyển mình nhưng người tiêu dùng sẽ không bao giờ quên những gì đã xảy ra trong thập niên 2000, cao điểm 2008, chỉ có 32% người Mỹ đặt sự tin tưởng vào các ngân hàng Mỹ (theo khảo sát Gallup). Cho đến tận 2016, nhiều người vẫn còn ám ảnh với ngành công nghiệp ngân hàng, chỉ 27% tin tưởng vào nhóm ngân hàng truyền thống. Cộng thêm các tin tức chấn động như vụ tài khoản giả của Wells Fargo (khiến chính quyền Mỹ phạt 3 tỷ $) đã khiến khách hàng băn khoăn không biết nên chuyển hướng đi đâu, điều này đã mở ra cánh cửa cho nhóm công ty fintech mới.
Simple và Moven là những “Neobanks” đầu tiên thiết lập nền móng ở Mỹ trong thời đại điện thoại thông minh. Simple được sáng lập vào năm 2009, cung cấp dịch vụ ngân hàng trực tuyến/di động (mobile) từ 2012 và sau đó bị thâu tóm bởi BBVA (một trong những ngân hàng lớn nhất Châu Âu) vào 2014. Moven được Brett King (tác giả chuỗi sách Bank 2.0, 3.0 và 4.0) ra mắt năm 2011 với định vị “ngân hàng không sử dụng thẻ đầu tiên” cùng giải pháp thanh toán di động, công nghệ còn mới mẻ khi đó (NFC). Nền tảng mà Simple và Moven tạo dựng đã mở đường cho Chime, một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại San Francisco do Chris Britt và Ryan King đồng sáng lập năm 2014, một sự kết hợp kinh nghiệm tài chính và công nghệ. Britt (CEO của Chime) là một chuyên gia tài chính từng có gần một thập kỷ lăn lộn trong giới tài chính (VISA, GreenDot), còn Ryan King (CTO) lại là một chuyên gia công nghệ với 8 năm làm việc cho Plaxo, một nền tảng danh bạ và kết nối trực tuyến được tích hợp trong Microsoft Outlook (do tỷ phú Sean Parker sáng lập). Chime là ngân hàng sử dụng nền tảng di động, cung cấp các tài khoản Tiêu Dùng và Tiết Kiệm (Spending & Saving) hướng đến khách hàng Millennial (những người sinh ra từ 1980 đến những năm đầu thập niên 2000), nhóm mà theo khảo sát của FICO, có xu hướng chuyển đổi ngân hàng (2016) cao hơn hai tới ba lần so với thế hệ già hơn và thường bị ám ảnh hay bị động với các khoản phí thấu chi lớn hay mất cân bằng tài chính. Theo họ, các ngân hàng truyền thống đã thiết kế hệ thống thu phí lợi dụng khách hàng tại thời điểm yếu thế nhất trong cuộc đời tài chính của mình. Hệ thống này trong năm 2017 đã thu phí tổng cộng 34 tỷ $ khách hàng ở Mỹ (Đại đa số người Mỹ chi trả trung bình 27$/ tháng cho các chi phí ngân hàng). Chime ngược lại: không tính phí thấu chi, phí hàng tháng hoặc phí giao dịch quốc tế, có mạng lưới gần 40k ATMs miễn phí. Thay vì bòn rút từ khách hàng, Chime tạo ra lợi nhuận bằng mô hình kinh doanh thẻ “debit” (tiền gửi): họ lấy 1.5% trong doanh thu trao đổi (interchange) từ VISA. Chương trình Tiết kiệm tự động của Chime cho phép người dùng có thể tiết kiệm phần trăm nào đó trong tiền lương (paycheck) đồng thời cũng có thể làm tròn các giao dịch mua bán bằng thẻ tiền gửi (debit card) và chuyển khoản làm tròn đến Tài khoản Tiết kiệm. Các tính năng linh hoạt và không tốn chi phí đã đưa Chime trở thành tổ chức đứng đầu trong địa hạt “challenger bank” ở Mỹ vào năm 2018 (tổng cộng 750k tài khoản đã mở với tổng giá trị giao dịch là 2,5 tỷ đô, trong đó các thành viên của Chime đã tránh được 225 triệu $ phí thấu chi tiềm năng trong 2017, giúp người dùng tiết kiệm tổng cộng 72 triệu $). Sau đó một năm, Chime đã vượt qua mốc 1 triệu tài khoản (100k tài khoản mới mỗi tháng) và kết 2019 với 10 tỷ $ giá trị giao dịch. Thành quả trên có được là do quá trình gọi vốn thành công như ở Series C (gọi được 70 triệu $, lúc này giá trị công ty tầm 500 triệu $) do Menlo Ventures dẫn dắt (cùng Forerunner Venture, Cathay Innovation), Series D và Series E do DST Global dẫn dắt (lần lượt gọi được 200 triệu $ và 500 triệu $ đẩy giá trị công ty lên 1,5 tỷ $ và 5,8 tỷ $ – cùng nhóm nhà đầu tư mới như Coatue, General Atlantic, ICONIQ Capital và Dragoneer Investment Group)
Xu hướng tương tự cũng diễn ra sôi động ở phía bên kia lục địa – châu Âu. Khủng hoảng tài chính 2008 cùng một loạt cách biến cố như TSB Bank tách khỏi ông lớn Lloyds Banking Group hay Virgin Money thâu tóm Northern Rock (giá 747 triệu bảng Anh vào năm 2011) đã làm suy giảm niềm tin của công chúng Anh vào hệ thống ngân hàng. Sự thực là thị phần của 4 ông lớn Barclays, Royal Bank of Scotland/NatWest, HSBC và Lloyds đã suy giảm nhanh chóng, từ 92% xuống 70% (2019) sau gần một thập kỷ. Cuộc cách mạng ngân hàng trực tuyến ở châu Âu bắt đầu bằng những cuộc gặp gỡ hay kết hợp định mệnh. Cuộc gặp gỡ thứ nhất là giữa COO của Allied Irish Bank, Anne Boden và chàng trai trẻ tham vọng đang học luật ở Oxford, Tom Blomfield (người vừa thành lập một công ty khởi nghiệp thứ hai, GoCardless). Hai người cùng bắt tay thành lập Starling Bank ở Anh vào năm 2014, ngân hàng tập trung nền tảng di động đầu tiên của Anh (mobile-only) để cung cấp các tài khoản cùng các sản phẩm tài chính (như cho vay tiêu dùng và mua nhà). Boden là một ngôi sao trong ngành ngân hàng, cô từng đóng vai trò quan trọng tại UBS, Royal Bank of Scotland hơn một phần ba thế kỷ, người chân nhận có điều gì đó phải thay đổi khi khủng hoảng tài chính 2008 gây chấn động thế giới. Dù vậy mối liên đới của Boden với nhóm ngân hàng truyền thống đã khiến Blomfield phần nào lưỡng lự và nghi ngại khi hợp tác. Starling bắt đầu chào đón những khách hàng mở tài khoản thử nghiệm (beta) vào tháng 3/2017 (đến hôm nay đã kêu gọi được 230 triệu bảng Anh). Tuy nhiên, Tom do mâu thuẫn với Boden đã tách ra thành lập dự án tương tự riêng Monzo năm 2015 mà trong vòng gây quỹ đầu tiên “chỉ 96 giây anh gọi được 1 triệu bảng Anh”. Triết lý “khởi nghiệp tinh gọn” và hướng tiếp cận APIs đã giúp Monzo thành công nhanh chóng (đã gọi được 212 triệu bảng Anh). Nền tảng này thiết kế ra một chuỗi các APIs cho phép các hệ thống fintech front-end (giao diện tương tác người dùng) như cố vấn tự động (robo-advisors), gọi vốn công chúng (crowdfunding), các sản phẩm tiết kiệm có thể giao tiếp hiệu quả với phần lõi back-end (phần do các lập trình viên xử lý) nơi các tài khoản ngân hàng được quản lý.
Cuộc gặp gỡ thứ hai là giữa Nik Storonsk và Vlad Yatsenko. Sự sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers năm 2008 đã khiến cho Nik Storonsky, chuyên gia giao dịch (trader) người Anh gốc Nga, chuyển qua làm việc cho Credit Suisse, nơi anh gặp Vlad Yatsenko. Cả hai sau đó đã táo bạo (jump ship) thành lập “challenger bank” Revolut ở Anh vào năm 2015, một cái tên gây chấn động châu Âu. Chỉ sau đó bốn năm, Revolut thành ngân hàng tăng trưởng nhanh nhất châu Âu (với 10k tài khoản đăng ký mới mỗi ngày), hiện tại đã có khoảng 7 triệu khách hàng đăng ký khắp thế giới. Revolut có được giấy phép (licence) đặc biệt từ ECB (Ngân hàng trung ương châu Âu) (điều phối bởi Bank of Lithuania) cho phép họ được tạo tài khoản tiền gửi (deposit) và cung cấp tín dụng (credit) cuối 2018. Sau đó vài tháng Revolut ra mắt tính năng đặc biệt – chứng khoán NYSE & NASDAQ “không tính phí hoa hồng” (commission-free) để giao dịch bên trong ứng dụng (kế hoạch Metal). Quá trình tăng trưởng nhanh khủng khiếp của Revolut được đội ngũ dày dặn kinh nghiệm (đến từ các ngân hàng truyền thống) dẫn dắt như Wolfgang Bardorf (chuyên gia tài chính Goldman Sachs), Philip Doyle (chuyên gia về rủi ro tội phạm tài chính và phòng chống gian lận ở Clear Bank và VISA), hay Stean Wille (chuyên gia tài chính doanh nghiệp ở Credit Suisse). Bộ máy Revolut được nuôi bởi quá trình gây quỹ khổng lồ do DST Global dẫn dắt, tổ chức đồng thời dẫn dắt Series D và E của Chime ở Mỹ, cụ thể là 250 triệu đô kêu gọi được giữa 2018 biến Revolut thành kỳ lân (1,7 tỷ $). Như vậy, DST Global đã góp phần biến hai công ty khởi nghiệp nằm ở hai lục địa Âu và Mỹ thành những gã khổng lồ dẫn dắt cuộc chơi fintech toàn cầu (số một ở Mỹ và số một ở châu Âu). DST Global được Yuri Milner, một nhà đầu tư công nghệ Do Thái có ảnh hưởng nhất ở Nga, thành lập năm 2005 (ít nhiều liên đới đến điện Kremlin). Milner khởi nghiệp kinh doanh máy tính DOS trên thị trường chợ xám nhưng mọi thứ dừng lại khi chính quyền Xô Viết gần sụp đổ. Sau đó, ông theo học MBA tại Wharton, làm việc cho World Bank (chuyên về phát triển ngân hàng tư nhân), đồng thời chứng kiến quá chính tư hữu hóa các miếng bánh của chính phủ dưới thời Boris Yeltsin. Ông được chỉ định làm CEO cho Alliance-Menatep vào năm 1995, một công ty môi giới chứng khoán do Mikhail Khodorkovsky nắm (thành viên nhóm đầu sỏ chính trị – oligarch ở Nga). Sau khi đọc một báo cáo về triển vọng của kinh doanh trực tuyến của Morgan Stanley (do nhà phân tích Mary Meeker viết), Milner ấp ủ tạo dựng một công ty Internet. Do đó, vào năm 2000, ông cùng một số đồng sự trong mạng lưới tài chính cũ tạo dựng NetBridge, tổ chức hoạt động như một vườn ươm Internet và quỹ đầu tư đồng thời nhập khẩu thành công một số mô hình kinh doanh dựa trên Internet ở Mỹ vào Nga: như List.ru (bắt chước Ebay), Boom.ru (bắt chước GeoCities) và shop24x7 (bắt chước Amazon.com). Sau đó một năm netBridge và Port.ru sáp nhập tạo thành Mail.ru, công ty Internet có ảnh hưởng sâu rộng trong thế giới Internet nói tiếng Nga (Milner là chủ tịch). Quỹ DST Global hình thành sau đó và đã rót vốn vào rất nhiều công ty danh tiếng như Twitter (800 triệu $), Spotify, Xiaomi, JD.com, Alibaba, Airbnb, Whatsapp (đầu tư 125 triệu $), Facebook (nắm 1.96% của Facebook với giá 200 triệu $, một thỏa thuận bị cáo buộc là do Kremlin bảo kê), Zynga, Nubank. Năm 2011, Milner cũng đứng ra hợp tác với Y Combinator bằng cách đầu tư 150k $ cho bất cứ công ty nào mà nhóm ươm mầm này lựa chọn. Ông cũng có những khoản đầu tư cá nhân vào 23andMe, Habito, Planet Labs (CSO của công ty này là Robbie Schingler, người mình từng gặp tại Singapore Fintech Festival 2019), cùng các công ty khởi nghiệp đầu tư bất động sản như Cadre, do Jared Kushner, con rể kiêm cố vấn của Tổng thống Donald Trump sáng lập.
Sự kết hợp thứ ba là giữa hai chuyên gia tài chính trẻ Valentin Stalf và Maximilian Tayenthal, đồng sáng lập công ty khởi nghiệp N26 ở Berlin, Đức năm 2013 (thời điểm cần ít nhất 3 triệu euro để thiết lập ngân hàng ở Đức). N26 được đặt theo 26 khối nhỏ cấu thành nên một cục rubik hoàn chỉnh từ đó tạo ra vô số kết hợp ngẫu nhiên về màu. Tuy phức tạp nhưng nếu nắm được một số quy luật di chuyển, bạn có thể giải quyết khối Rubik nhanh chóng và uyển chuyển. Đây cũng là cách mà nhóm N26 tiếp cận ngành công nghiệp ngân hàng trước nhiều rào cản trong quá trình thuyết phục đối tác ngân hàng. Ban đầu, N26 là một công ty fintech chỉ nắm phần giao diện khách hàng (frontend), trong khi phần lõi (backend) được Wirecard cung cấp (một công ty cung cấp dịch vụ tài chính ở Munich, Đức). Mãi đến năm 2016, N26 mới xin được giấy phép của Bafin – Ủy Ban Giám Sát Tài Chính Liên Bang Đức (European Passport) giúp họ mở rộng dịch vụ tài chính như đầu tư, tín dụng, tiết kiệm, bảo hiểm ra khắp châu Âu, đồng thời có thể chính thức gọi mình là một ngân hàng di động (Mobile Bank). N26 bùng nổ nhanh chóng sau đó. (bunq, một “challenger bank” do doanh nhân công nghệ gốc Iran, Ali Niknam sáng lập, cũng xin được giấy phép khó khăn từ nhà làm luật ở Hà Lan vào năm 2015, một tin gây chấn động). Tới giữa năm 2019, N26 đã thu hút được 3,5 triệu khách hàng toàn cầu (50% tăng trưởng của N26 là tự nhiên thông qua giới thiệu), mở rộng quy mô hoạt động ra tổng cộng 24 quốc gia (với 1300 nhân viên toàn cầu). Vòng gọi vốn Series D của N26 đã thu hút tổng cộng 470 triệu $, đây là khoản gọi vốn lớn chưa từng có ở Berlin (đồng thời lớn nhất ở châu Âu) dưới sự đỡ đầu của một loạt các quỹ danh tiếng Valar Ventures của Peter Thiel (nhóm Paypal Mafia), gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Tencent, ALlianz X, Li Ka-Shing và quỹ SWF của Singapore GIC. Giá trị của N26 tăng lên 3,5 tỷ đô, trở thành kỳ lân Đức có giá trị cao nhất. Khoản tiền khổng lồ trên đã giúp N26 phát triển sản phẩm, thiết kế lại ứng dụng và đem đến nhiều tính năng mới mẻ giúp gắn kết người dùng, thu hút thêm khách hàng từ nhóm truyền thống. Một tính năng khá thú vị của N26 là “shared spaces” (các không gian chia sẻ), nhằm giúp người dùng tạo ra các tài khoản con chia sẻ với bạn bè. Tương tự như chia sẻ tài khoản với nhóm bạn bè trên Whatsapp Group – qua đó giúp họ chia tách hóa đơn hoặc sắp xếp kỳ nghỉ. N26 cũng giới thiệu thang thời gian lịch sử chi tiêu (spending timeline), tính năng tích hợp nhiều loại thẻ khác nhau vào ứng dụng, cùng áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phát hiện các giao dịch đáng nghi ngờ (hoặc gian lận). Thế mạnh của N26 là tái thiết kế trải nghiệm “ngân hàng” trên điện thoại thông minh, chứ không chỉ tập trung tạo giao diện bắt mắt. Mỗi một tính tăng trên N26 phải được tiếp cập nhanh chóng sau vài cú nhấp (click) trên ứng dụng (Thời gian mở tài khoản chỉ mất 8 phút). Tất cả các quá trình (chuyển tiền P2P, kiểm tra tín dụng, thấu chi, đăng ký ví bảo hiểm, tài khoản tiết kiệm cố định hoặc đầu tư) đều diễn ra theo thời gian thực. N26 cũng kết hợp với nhiều đối tác giúp nâng tầm các dịch vụ tài chính như TransferWise, Raisin, Vaamo, Clark, Auxmoney, 3D Mastercard Secure Code (giúp quá trình thanh toán diễn ra an toàn hơn). Tham vọng của N26 là thống nhất hệ thống ngân hàng bị phân mảnh ở châu Âu vào cùng một hệ thống công nghệ và giấy phép.
Tổng cộng giới đầu tư mạo hiểm (VC) đã rót vào Fintech tổng cộng 1,7 tỷ $ trong quý đầu tiên 2019 (theo CB Insights). Theo một nghiên cứu của LearnBonds, Revolut trong năm 2019 đã chạm mốc 6 triệu khách hàng (hiện tại là 7 triệu), N26 đạt 3,5 triệu, Monzo 2,5 triệu (tăng 150%). Tốc độ tăng 75% cho thấy Revolut và N26 là hai người dẫn đầu ngành công nghiệp này, cả hai có thể chạm mốc 15 triệu khách hàng vào cuối 2020. Cả ngành công nghiệp đang di chuyển về phía trước với khả năng tiếp cận thị trường rộng mở (TAM) (chỉ cần chạm chân đến Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và 8 nước khác (như Ấn Độ hay Trung Quốc) là có thể tiếp cận 80% thị trường thế giới) cùng sự phổ biến của tiêu chuẩn PSD2 do Liên minh châu Âu tạo ra (Second Payment Services Directive) nhằm gắn kết thị trường thanh toán châu Âu, trong đó đòi hỏi ngân hàng truyền thống phải cởi mở hơn về hạ tầng thanh toán và dữ liệu tài sản khách hàng.
Liệu ngân hàng truyền thống cuối cùng có bị thay thế (như Blockbuster). Thực tế không nhất thiết như vậy, luôn luôn có tập khách hàng và sản phẩm đòi hỏi những trải nghiệm mang tính cá nhân (tương tác giữa người với người). Các ngân hàng truyền thống trong quá trình số hóa luôn phải vật lộn với sự thống nhất và liên thông của các tính năng (có thể học hỏi từ nhóm fintech) trong một rừng các hạn chế hay quy định “cũ kỹ” gắn với các giao dịch cụ thể. Trong một số trường hợp, khách hàng chỉ có đầy đủ chọn lựa qua tiếp xúc vật lý (như đến chi nhánh để trao đổi nhu cầu đặc biệt). Nhóm này cũng có thế mạnh cốt lõi là cho vay doanh nghiệp (địa hạt mà nhóm fintech khó đặt chân vào) tuy nhiên bù lại họ phải gồng gánh chi phí của mạng lưới chi nhánh cùng hạ tầng IT lỗi thời. Ngoài ra, phần back-end của hệ thống IT ngân hàng truyền thống (liên quan đến quản lý tài khoản, rủi ro và lừa đảo) thường được thiết kế một cách kỹ lưỡng, họ chỉ thường gặp khó khăn phần frond-end liên quan đến giao diện người dùng, dịch vụ khách hàng, các sản phẩm tài chính mới. Các ngân hàng có thể tập trung vào back-end và bắt chước chiến lược AWS (Amazon Web Services) – cởi mở hơn cho bên thứ ba (open banking). Blomfield , CEO của Monzo nhận xét:” khi các khách hàng chuyển đổi sang tài khoản số, các ngân hàng truyền thống lúc đó chỉ cung cấp một số dịch vụ chuyên biệt cho khách hàng chứ không biến mất hoàn toàn. Tuy nhiên dù nhóm ngân hàng truyền thống có cố gắng bao nhiêu đi chăng nữa họ cũng không bao giờ bắt kịp nhóm challenger.” Thống kê đã chỉ ra, nhóm challenger trung bình cung cấp trên 42% tính năng so với nhóm truyền thống cùng tốc độ truy cập nhanh gấp hai lần.
Ban đầu các “challenger bank” thu hút khách hàng bằng chi phí (như chuyển tiền) cạnh tranh (hoặc miễn phí) so với nhóm ngân hàng truyền thống, sau đó mở rộng ra các dịch vụ phân tích chi tiêu, kiểm soát ngân sách, tiết kiệm, trao đổi tiền mã hóa. Phần lớn challenger banks tập trung vào mảng cho vay (như thấu chi) – phần quan trọng với nhiều khách hàng. Dù nhóm “Neo-bank” và “Challenger Bank” hiện tại đã xây dựng được tập khách hàng (quy mô hàng triệu người), thu hút vốn khổng lồ nhưng vẫn phải vật lộn để chuyển tăng trưởng thành lợi nhuận. Thách thức lớn nhất của nhóm này là thay đổi hành vi/thói quen khách hàng, những người vẫn muốn đến thăm các chi nhánh vật lý. Theo một khảo sát của PWC vào năm 2017, 62% khách hàng vẫn cảm thấy cần tiếp cận các chi nhánh địa phương (theo nghiên cứu của Accenture, nhóm Millennials chỉ đến các chi nhánh với lý do chính yếu chính là tương tác con người (85%)). Ngoài ra, còn có những rào cản liên quan đến sự phức tạp của xây dựng hệ thống, (kết nối với hệ thống lõi của các ngân hàng đối tác, hệ thống xử lý giao dịch) cùng những đánh đổi tiến thoái lưỡng nan – giữa trải nghiệm người dùng và tốc độ hay giữa việc đáp ứng các quy định (compliance) và mức độ bảo mật/ hay tính thuận tiện người dùng (Security).