Ngọn lửa bất tận

Ngọn lửa bất tận

[US – Boston]

Vào ngày 22 tháng 11 năm 1963, nước Mỹ u buồn đón nhận hung tin Tổng thống Kennedy (JFK) bị ám sát. Cả đất nước chìm đắm trong tiếc thương cũng như nỗ lực xử lý mọi hậu quả xuất phát từ thảm kịch trên. Gia tộc Kennedy bị rung chuyển đến tận gốc rễ. Rose (mẹ Kennedy) dành cả ngày dài đi bộ “thẫn thờ” ở khu cảng Hyannis. Người con trẻ nhất Ted (em trai) được giao nhiệm vụ chuyển hung tin đến người cha ốm yếu. Bobby và Ted (hai em trai), những người có sự nghiệp chính trị của riêng, đều cảm nhận một mục tiêu cao cả hơn – nối tiếp di sản của anh trai xấu số (như cách mà trước đó hai thập kỉ, Jack được truyền cảm hứng từ Joe.Jr – người anh trai bị giết trong một chiến dịch quân sự bí mật 1944). Tổng thống Johnson, người kế nhiệm Kennedy cùng Bobby lúc này là Tổng Chưởng Lý (Bộ trưởng Tư Pháp) nỗ lực chuyển sự mất mát này thành các giải pháp và hành động pháp lý.

Nhờ nỗ lực của họ, Đạo luật Nhân Quyền được thông qua vào năm 1964 như một cách để tưởng nhớ Tổng thống Quá Cố. Bobby sau này phục vụ quốc gia trong vai trò Thượng nghị sĩ và cũng tiến hành một chiến dịch tương tự như anh mình để vào Nhà Trắng. Ông bị ám sát một thời gian ngắn ngay sau khi có một chiến thắng “chính trị” quan trọng năm 1968. Ted sau này cũng phục vụ cho thượng viện một vài năm, ông là nhà đấu tranh nhiệt thành cho quyền con người (như chăm sóc sức khỏe), tiếp tục sinh sống ở khu cảng Hyannis cho đến khi qua đời vì ung thư vào năm 2009.


Kennedy là một trong những gia tộc danh giá (nhưng cũng đầy bi kịch) nhất của Hoa Kỳ (cùng với Adams, Bush, Taft hay Roosevelt), họ ảnh hưởng mạnh mẽ chính trường (cụ thể là ở Đảng Dân Chủ), cổ võ cho các giá trị tự do và định hình bộ mặt thế giới trong suốt thập kỉ 60 và 70. Nền móng của gia tộc được xây dựng bởi Joseph P. Kennedy Sr, ông đã kiến tạo một gia tài đồ sộ từ thị trường chứng khoán, đầu tư hàng hóa, bất động sản cùng một phổ rộng các ngành công nghiệp (khởi nghiệp từ vận hành các studio ở Hollywood và buôn rượu Whisky). Joseph là người thân cận của Tổng thống FDR (Franklin D. Roosevelt) và được tín nhiệm làm chủ tịch đầu tiên của SEC (Ủy ban mua bán trao đổi chứng khoán Hoa Kỳ), Đại sứ Hoa Kỳ ở Anh. Sự thành công của ông đã tạo nền tảng cho con cái họ tiếp bước và thành công rực rỡ.

Người con nổi tiếng nhất có lẽ là John F. Kennedy (hay JFK). Ông là tín đồ Công giáo đầu tiên, người trẻ nhất (ở vào tuổi 43 và cũng đồng thời là người đầu tiên sinh ra trong thế kỉ 20) được bầu vào Nhà Trắng. Ông có sức thu hút cá nhân/charisma đặc biệt dường như đã trở thành một biểu tượng đương thời của Hoa Kỳ cùng với đó nhiều vấn đề về đối nội và đối ngoại mà ông tác động đều để lại những ảnh hưởng sâu rộng cho nhiều thế hệ kế tiếp như: Cải tổ nền chính trị hiện đại Hoa Kỳ, thành lập Peace Corps, Sự kiện vịnh con heo, chiến tranh Việt Nam hay khủng hoảng tên lửa Cuba.

Câu chuyện “kịch tính” của gia tộc Kennedy đã thôi thúc mình tìm đến thăm mộ của JFK ở nghĩa trang Arlington, DC cách đây hai năm, nơi người Mỹ tưởng nhớ di sản của ông bằng một ngọn lửa cháy vĩnh cửu đặt trong một cụm công trình tuyệt đẹp nằm lưng chừng đồi có tầm nhìn hướng về đài tưởng niệm Washington và Lincoln (do người bạn lâu năm của JFK thiết kế John Carl Warnecke). Lần này ghé Boston, mình đã tranh thủ đi thăm nơi ông sinh ra ở địa chỉ 83 Beals St, khu Brookline và dành thêm vài tiếng đến thăm khu Kennedy Compound của đại gia đình Kennedy ở Hyannis Port (Cape Cod)(theo lời tư vấn của một người anh ở DC) để nối tiếp trải nghiệm. Kennedy Compound là một khu đất rộng 24k (m2) mà Joseph thuê và sau đó mua lại năm 1926 như nhà nghỉ mùa hè cho gia đình. (Tổng thống JFK khi đắc cử cũng xem đây là Nhà Trắng mùa hè của mình). Chuyến xe buýt (Phía Nam Boston) kéo dài hai giờ đã đưa mình đến một thị trấn nhỏ xinh ven biển nơi mình có dịp ghé thăm bảo tàng nhỏ về gia đình JFK cùng lang thang dạo biển quanh khu nhà nghỉ hè của Kennedy (may mắn chộp được vài tấm hình từ xa như chia sẻ dưới đây).

Ngọn lửa hay giá trị mà JFK cổ võ được thể hiện mạnh mẽ trong diễn văn nhậm chức đầy sắc màu (theo đúng cả nghĩa đen và nghĩa bóng – lần đầu tiên buổi lễ được truyền hình màu tới công chúng) và ngắn gọn súc tích (chỉ có 1364 từ). Mình xin chia sẻ đoạn tóm tắt dưới đây:

John F Kennedy mở đầu bài diễn văn bằng cách nhắc đến giá trị thường hằng của Hoa Kỳ: “Thế giới hiện nay đã thay đổi rất nhiều. Nhân loại đang nắm trong tay sức mạnh to lớn để giúp hóa giải mọi “hình thức tiêu cực” của nhân loại như đói nghèo những cũng đồng thời có thể thủ tiêu luôn “hình thức tốt đẹp” của nó. Niềm tin cách mạng mà tổ tiên chúng ta đã tranh đấu dành được hiện vẫn còn là thứ xa xỉ mà hầu hết nhân loại phải mưu cầu và thèm khát – niềm tin rằng nhân quyền không phải đến từ sự ban ơn của chính phủ, mà đến từ bàn tay của Thượng Đế.”

Bài diễn văn của Tổng thống Kennedy được cho là sự dự báo về một kỷ nguyên mới tràn đầy lạc quan mặc dù lúc này giữa Mỹ và Liên Xô (khối tư bản và khối xã hội) vẫn còn tồn tại nhiều căng thẳng, thù địch sau hơn một thập kỷ chìm trong Chiến tranh lạnh/Cold War. Chính phủ mới của Kennedy cần đem tới niềm lạc quan, ánh sáng hy vọng cùng tinh thần đoàn kết cho tất cả những anh em bè bạn của Hoa Kỳ: các đồng minh, nhân dân các nước, các bang miền Nam xung khắc với Kennedy, các định chế quốc tế và thậm chí cả kẻ thù của mình.

“Đối với các đồng minh cũ có chung nguồn gốc văn hóa và tinh thần với chúng ta, nước Mỹ cam kết đồng hành cùng những người bạn trung thành. Đoàn kết sẽ khiến chúng ta hợp tác cùng làm nhiều điều cho thế giới. Chia rẽ sẽ khiến chúng ta sẽ bị suy yếu, không đủ sức mạnh để đương đầu với thách thức to lớn.

Đối với các chính phủ mới trên thế giới, chúng tôi hoan nghênh các bạn đến với nền tự do và dân chủ. Chúng tôi cam kết sẽ không để các hình thức kiểm soát thuộc địa bị chuyển hóa thành các chế độ độc tài sắt máu hơn. Chúng tôi không mong những chính phủ mới này ủng hộ quan điểm của nước Mỹ mà luôn hỗ trợ mạnh mẽ để họ tìm kiếm sự tự do của chính mình (cho nhân dân). Và nên nhớ rằng, trong quá khứ, những kẻ điên rồ tìm kiếm quyền lực bằng cách cưỡi trên lưng hổ, cuối cùng sẽ nằm trong bụng hổ.

Đối với những người dân sống trong những túp lều nghèo nàn (hay những ngôi làng đơn sơ) trên khắp toàn cầu đang phải tranh đấu để phá vỡ xiềng xích của nỗi thống khổ tột cùng, nước Mỹ cam kết sẽ giúp đỡ hết mình bằng cách trang bị những kĩ năng tự chủ cho họ. Chúng tôi làm điều này vì muốn góp phần vào sự tiến bộ nhân loại chứ không bắt nguồn từ nỗi lo lắng họ bị kẻ xấu lôi kéo cũng không phải vì muốn thu hút lá phiếu của họ. Nếu một xã hội tự do không thể giúp được nhiều người nghèo khổ, thì xã hội đó không thể cứu lấy một ít người giàu có.

Đối với những người anh em Cộng Hòa của chúng ta ở biên giới phía Nam, chúng tôi cam kết sẽ biến những lời nói tốt đẹp thành hành động cụ thể, kiến tạo một liên minh mới hướng đến sự tiến bộ cùng giúp đỡ những người dân và chính phủ các nước tự do thoát khỏi đói nghèo. Cuộc cách mạng vì hòa bình đầy hy vọng này không thể trở thành nạn nhân của các nước thù địch. Hãy để tất cả các nước láng giềng ở châu Mỹ biết rằng nước Mỹ sẽ tham gia với họ để chống lại sự xâm lược hay lật đổ tại khu vực này. Và hãy để các nước khác biết rằng, chúng ta làm chủ bán cầu này.

Đối với định chế quốc tế như Liên Hiệp quốc, niềm hy vọng lớn nhất của chúng ta trong lúc này, một tổ chức giúp giảm nguy cơ chiến tranh nuôi dưỡng hòa bình, nước Mỹ cam kết tiếp tục sự hỗ trợ để ngăn chặn tổ chức này trở thành một diễn đàn cho những lời công kích, có thêm sức mạnh để giúp đỡ những nước mới thành lập (hay những nước nghèo khó) đồng thời giúp UN mở rộng lan tỏa xứ mệnh của mình.

Cuối cùng, đối với những kẻ thù, nước Mỹ yêu cầu: cả hai phía hãy tìm kiếm và nuôi dưỡng hòa bình trước khi sự phát triển khoa học có thể tạo ra sức mạnh hủy diệt nhấn chìm tất cả nhân loại.

Thông điệp cốt lõi trong bài diễn văn là phải tìm cách loại bỏ bóng ma “chiến tranh hạt nhân” và “kiểm soát vũ khí” chặt chẽ để hướng tới hòa bình và tương lai tương sáng cho nhân loại: “Hãy cùng tìm kiếm và khai phá ra những điều kỳ diệu của khoa học thay vì chết chìm trong những nỗi sợ hãi và sự tranh đoạt. Hãy khám phá những vì sao trên cao, chinh phục sa mạc khô cằn, loại bỏ những tai ương bệnh tật, chinh phục những bí ẩn của đáy đại dương, khuyến khích phát triển nghệ thuật và trao đổi thương mại.” Quả thật, viễn kiến của Kennedy đã ảnh hưởng rất nhiều đến dấu ấn Apollo 11 năm 1969: Lần đầu tiên con người đặt bước chân của mình lên mặt trăng.

Bài diễn văn kết thúc với thông điệp bất hủ mà từng câu từng chữ trong đó dường như đã trở thành phương châm và lý tưởng sống của nhiều thế hệ trẻ đến từ các quốc gia khác nhau trên thế giới:

“Đừng hỏi đất nước đã làm được gì cho các bạn mà hãy hỏi các bạn đã và sẽ làm được gì cho đất nước của mình. Hỡi nhân dân trên khắp thế giới, đừng hỏi nước Mỹ sẽ làm được gì cho bạn, mà hãy hỏi rằng cùng nhau chúng ta có thể làm được gì cho sự tự do của loài người.

Cuối cùng, cho dù các bạn là công dân Hoa Kỳ hay là công dân của thế giới xung quanh, hãy đứng lên đòi hỏi một chính phủ có sức mạnh và sự hy sinh cao độ như cách họ yêu cầu người dân của mình. Với lương tri trong sáng, chúng ta tin chắc mình sẽ được đền bù, lịch sử cuối cùng sẽ phán xét những việc chúng ta làm.”