Nhóm sáu nhà thông thái
Vào ngày 26/03/1968, Tổng thống Johnson cho triệu tập một nhóm các chuyên gia kỳ cựu về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ để nghe báo cáo và hoạch định tiến trình tiếp theo của cuộc chiến tại Việt Nam khi ấy đang trong giai đoạn chuyển biến khốc liệt, đặc biệt là sau cuộc nổi dậy Tết Mậu Thân do chính quyền Bắc Việt tiến hành với quy mô và sự quyết liệt gây sốc cho Hoa Kỳ. Tư lệnh Hoa Kỳ tại Việt Nam, tướng William C. Westmoreland đã yêu cầu cho thêm 200,000 lính tham chiến để bảo vệ các mục tiêu ban đầu.
Chỉ mới cách đó sáu tháng, một buổi họp tương tự cũng đã diễn ra với Tổng thống và nhóm này đã khuyên Hoa Kỳ nên tiếp tục bền bỉ với cuộc chiến. Nhưng lúc này đây họ lại quay ngoắt 180 độ thúc dục ông phải khẩn trương rút chân ra khỏi Đông Dương ngay bởi cuộc chiến tranh Việt Nam đang có những dấu hiệu leo thang kéo dài không có hồi kết nếu Mỹ sa lầy và cái giá phải trả cho sự tự do của Nam Việt Nam quá đắt đỏ (vì chính họ – chính quyền Nam Việt Nam đã tự đánh mất khả năng bảo vệ bản thân mình). Quyết định này xuất phát từ quan điểm của những nhà cố vấn thực dụng/pragmatist đang có ảnh hưởng vượt mặt ở chính trường trước những người có quan điểm lý tưởng/ideologue về Đông Dương.
Thực tế ra Việt Nam trên bàn cờ chính trị quốc tế của Hoa Kỳ chỉ là một quân cờ chiến lược ngoài rìa, điều quan trọng hơn lúc này là cần dồn sức để tập trung xây dựng một liên minh vững mạnh với châu Âu và Nhật Bản. Một trong những người có sức ảnh hưởng chi phối tại cuộc họp đó như ông đã từng tại những cuộc họp tương tự trước đây chính là Ngoại trưởng dưới thời Tổng thống Truman, Dean Acheson. Dù trong cuộc họp, một thành viên cứng rắn trong nhóm chống lại bản báo cáo cuối cùng được đưa đến Tổng thống, ngài Acheson đã ngăn người đó lại chỉ bằng lời phản hồi quyền uy: “Đây là quan điểm của tôi.” Acheson là hạt nhân trung tâm trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ trong suốt thời kì Chiến tranh lạnh.
Ông tham gia vào việc thiết kế kế hoạch Marshall cũng như việc phát triển học thuyết Truman và là người sáng lập nên tổ chức NATO. Năm 1944, Dean Acheson dẫn đầu nhóm Đại biểu của Bộ ngoại giao (hay Bộ nhà nước) Hoa Kỳ đến tham gia một hội nghị rất quan trọng tại Bretton Woods về việc tái cấu trúc lại thị trường kinh tế tài chính thế giới sau chiến tranh trong đó bao gồm việc đưa ra chế độ tỷ giá hối đoái cố định dựa trên đồng $ Mỹ (gắn với vàng) như là một công cụ để đưa nước Mỹ trở thành đầu tàu dẫn dắt hệ thống kinh tế mới này. Hội nghị là cái nôi sinh ra Quỹ tiền tệ quốc tế IMF, ngân hàng thế giới World Bank cùng Hiệp ước chung về thuế quan và mậu dịch GATT mà sau này chuyển hóa thành Tổ chức Thương mại Thế Giới WTO.
Acheson là một trong sáu nhân vật sáng giá nhất (bộ lục) được hai biên tập viên kỳ cựu của tạp chí TIME Walter Isaacson và Evan Thomas chọn để đưa vào quyển sách “Các nhà thông thái/ The wise men” (tựa này sau đó đã trở thành tên gọi phổ dụng cho nhóm) viết về những người có ảnh hưởng lớn đến việc kiến tạo trật tự thế giới mới sau chiến tranh do Mỹ dẫn dắt. Quyển sách đưa ra góc nhìn về một thế giới cân bằng mà nhóm “các nhà thông thái” cố gắng tạo dựng khi Mỹ thoát khỏi Thế chiến II. Đây là giai đoạn mà hai cường quốc Hoa Kỳ và Liên bang Xô Viết nổi lên mạnh mẽ nhất, xung đột mãnh liệt và tìm cách kìm hãm lẫn nhau.
Nhân vật ấn tượng thứ hai của bộ lục là George F. Kennan, trưởng ban hoạch định chính sách của Acheson đồng thời cũng là đại sứ Hoa Kỳ tại Xô Viết và Nam Tư. Ông là người có tầm nhìn lớn mang tính tiên tri điển hình như những cảnh báo mà ông đưa ra về cuộc chiến tranh Việt Nam trong năm 1948 và đã bị coi nhẹ trong suốt thời kỳ chiến tranh lạnh. Những bài viết của ông trong thập niên 1940 đã gây ảnh hưởng hình thành học thuyết Truman và các chính sách đối ngoại của Mỹ trong việc kiềm chế Liên Xô điển hình như “Điện tín dài” (từ Moscow) năm 1946 và “Nguồn gốc hành vi của Liên Xô” năm 1947 phân tích về “chủ nghĩa bành trướng” của Liên Xô. Những văn bản này cung cấp cơ sở biện minh cho chính sách ngăn chặn ảnh hưởng Liên Xô của chính quyền Truman. Kennan là người thứ hai đóng một vai trò quan trọng trong Kế hoạch Marshall và là kiến trúc sư trưởng các chương trình Chiến tranh Lạnh của chính phủ Hoa Kỳ.
Lựa chọn tiếp theo là thượng nghị sĩ W. Averell Harriman, ông là con trai của một thương gia rất có ảnh hưởng ở Hoa Kỳ, người đã xây dựng nên một công ty vận tải đường sắt lớn nhất Hoa Kỳ thời kỳ đó Union Pacific Railroad (UPR). Sau khi tốt nghiệp Grodon và Yale, ông đứng ra lập một ngân hàng mà sau này sáp nhập với Brown Brothers Harriman & Co. Với tiềm lực kinh tế gia đình, ông tham gia góp cổ phần ở rất nhiều công ty bao gồm UPR của cha mình, Merchant Shipping Corp và Polaroid Corp. Bên cạnh đó, ông còn tham gia chính trường. Dưới triều đại của Tổng thống Roosevelt, ông phục vụ trong Ủy ban Phục Hồi Quốc Gia và Hội đồng Cố vấn Doanh nghiệp trước khi đảm nhận các vai trò đối ngoại sau này. Lần đi thăm nước Nga đầu tiên vào năm 1899 cùng cha mình là cơ sở nền tảng để ông sau này trở thành đại diện ngoại giao/envoy của Tổng thống Franklin D.Roosevelt trước Stalin (hay nói cách khác là đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Xô). Trước đó ông là Bộ trưởng Thương Mại và thống đốc thứ 48 của New York dưới thời Tổng thống Truman. Ông là người vận động cho chính sách ngăn chặn của Kennan và cũng đồng thời là người đã tham gia vào cuộc thương thuyết năm 1968 với Bắc Việt nhằm kết thúc chiến tranh ở Việt Nam.
Bộ sậu của Roosevelt cũng có hai nhà thông thái khác là Robert A. Lovett và John J. McCloy nằm trong bộ lục, cả hai đều có vai trò nổi bật khi Bộ trưởng chiến tranh của Tổng thống Roosevelt là Henry L.Stimson lựa chọn họ với trò thứ trưởng (assistant secretary). Cũng như Harriman, họ đến từ phố Wall. Sau chiến tranh McCloy là người đứng đầu Ngân hàng thế giới World Bank và cả ngân hàng Chase (Chase Bank) đồng thời cũng nắm luôn cơ quan ngoại giao ở Đức (high commissioner). Còn Lovett lại làm thứ trưởng ngoại giao (Under Secretary of State) và Bộ trưởng Quốc phòng. (Có một điều thú vị cha của Lovett chính là chủ tịch HĐQT của công ty E. H. Harriman’s Union Pacific và ông cũng là thành viên của Nhóm Đầu lâu Sương Sọ ở Đại học Yale cùng với W. Averell Harriman – trong nhóm bộ lục có lẽ McCloy là có xuất thân khiêm tốn nhất)
Nhân vật gây ngạc nhiên nhất trong nhóm này chính là Charles E. Bohlen, trước Thế chiến II ông được ngài Kennan huấn luyện để trở thành một chuyên gia Xô Viết sừng sỏ thứ hai của Hoa Kỳ và từ đó Bohlen chưa bao giờ rời xa các công việc liên quan đến Ngoại vụ. Ông vươn lên trở thành đại sứ của Mỹ tại Liên bang Xô Viết (và sau này là Phillipines và Pháp). Những ảnh hưởng mà học trò Bohlen tạo ra không thua kém gì thầy Kennan trong việc thuyết phục đưa ra các thiết kế mới của thế giới hậu chiến trong đó coi Liên bang Xô Viết như là một đồng minh hung hãn để từ đó có cớ kiềm hãm sự mở rộng của họ. Ở đỉnh cao sự nghiệp, Bohlen đã từng thuyết phục chính quyền của Eisenhower tận dụng luồng gió mới được thổi đến từ Moscow sau cái chết của Stalin và sự chuyển giao quyền lực cho Georgi M. Malenkov. Lúc đó, ông có lẽ muốn đứng tổ chức một hội nghị để thương lượng với Xô Viết. Tuy nhiên Bộ trưởng ngoại giao lúc đó John Foster Dulles đã từ chối lời đề nghị của Bohlen, ngăn cản ông nói điều này trực tiếp với Tổng thống Eisenhower, người rất có thiện cảm với Bohlen và đã tự thiết lập cuộc gặp của riêng mình với Moscow. Vài năm sau đó, Bohlen tin rằng lẽ ra lúc đó ông nên mạnh mẽ hơn vì thời kỳ Malenkov là một cơ hội vàng cho việc tạo dựng một nước Đức trung lập và thống nhất.
Như vậy, bộ lục gồm có hai luật sư, hai giám đốc ngân hàng và hai nhà ngoại giao. Họ kết hợp lại với nhau thành một nhóm cố về đối ngoại cho tổng thống Truman khi ông đắc cử vào năm 1945. Nhóm các nhà thông thái đã ảnh hưởng sâu sắc đến chính sách đối ngoại Hoa Kỳ sau Thế chiến II nổi bật như Học thuyết Truman, Kế hoạch Marshall, tổ chức NATO (Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương), chính sách ngăn chặn Thời chiến tranh lạnh (ngăn sự mở rộng của Liên bang Xô Viết hay cộng sản) cũng như hệ thống kinh tế Bretton Woods – nhóm bộ lục quả thực là những kiến trúc sư của kỷ nguyên Hoa Kỳ/American Century. Đây cũng chính là nhóm đã cố vấn cho Tổng thống Johnson về vấn đề “Chiến tranh Việt Nam” như đã mô tả ở trên.