Niềm vui khám phá
Richard Faynman khẳng định không tự nhiên tồn tại cái gọi là con người kỳ diệu (miracle people) hay người có khả năng phi thường vượt trội. Điều này chỉ xảy ra khi một cá nhân hình thành mối quan tâm sâu sắc đến địa hạt nào đó và say mê tìm tòi mọi thứ có trong đó. Trong trường hợp của Richard, mấu chốt để đi sâu vào ngành "vật lý lượng tử" (quantum mechanics) hay hình dung về các trường điện từ (electromagnetic fields) không nằm ở tài năng (hay khả năng diệu kỳ) mà chính bởi niềm say mê khám phá, khiêm nhường học hỏi và thực hành liên tục. Do đó, bất cứ một người bình thường nào nếu cam kết dành khoản thời gian to lớn trong đời (great deal of time) cho việc đào sâu lĩnh vực nào đó thì đều có thể chạm đến ngưỡng "kỳ diệu" trên. Richard luôn tự nhận mình có một "trí tuệ có giới hạn" (limited intelligence), một người kiếm tìm niềm vui thuần khiết trong việc khám phá chân trời khoa học mới đồng thời khước từ mọi vinh dự, kể cả giải Nobel danh giá. Ông thậm chí cũng từng "e dè" về mối liên hệ di truyền của mình với chủng tộc Do Thái. Trong lá thư gửi đến Tina Levitan (năm 1967), người viết sách về các nhà khoa học Do Thái đoạt giải Nobel, Richard đã thẳng thừng phản pháo: "bà đã mô tả người Do Thái được thừa hưởng những thành tố đặc biệt từ dòng máu. Vâng, dù có nhiều thứ được kế thừa nhưng thật nguy hiểm và độc ác khi cổ súy cái gọi là chủng tộc Do Thái thuần hay một số tính cách Do Thái dị biệt nào khác trong thế giới ngày nay. Ảnh hưởng văn hóa (culture) qua lại cùng sự pha trộn chủng tộc (races) trong thế giới con người ngày nay đã trở nên hết sức phức tạp, một cách trực tiếp hay gián tiếp - mọi sự phân biệt đều có thể mở đường cho một một số lý thuyết chủng tộc phi lý (như lý thuyết chủng tộc thượng đẳng của phát xít)." Richard không tin Do Thái là giống loài được Chúa chọn (theo quan điểm Do Thái giáo). Dù vậy ông vẫn có sự ngưỡng mộ đặc biệt với các minh triết cổ xưa trong Talmud, kinh văn chứa đựng nhân sinh quan của hàng ngàn giáo sĩ Do Thái quanh nhiều đề tài như pháp luật, đạo đức, triết học, phong tục, lịch sử và thần học.
Richard Faynman là nhà vật lý lý thuyết Hoa Kỳ xuất chúng, nổi tiếng với các thành tựu trong cơ học lượng tử (miêu tả lại các tính chất vật lý của tự nhiên ở cấp độ nguyên tử hay ở hạt hạ nguyên tử) và điện động lực học lượng tử (QED - đào sâu vào cách ánh sáng và vật chất tương tác với nhau). Tuy nhiên, ông cũng có những ảnh hưởng vượt ra ngoài thế giới vật lý, thông qua cuộc sống tinh thần phong phú trải dài từ hội họa (ông có vẽ tranh), âm nhạc (những bản trống bongo), tâm lý học, lịch sử đến triết học. Richard cũng là nhà sư phạm "tuyệt đỉnh" với óc hài hước cùng khả năng đơn giản hóa các vấn đề phức tạp (sao cho học sinh lớp 6 cũng hiểu được), điều mà Bill Gates cũng công nhận. Cụ thể như, trong một lần tại nhà riêng tại Altadena (California), Richard đã giải thích cho công chúng đài BBC đơn giản về thế giới nguyên tử: "Những thứ nhỏ bé (little things) có cách hành xử rất khác với những thứ to lớn (big) mà chúng ta cảm thấy quen thuộc hàng ngày. Động vật cùng bộ não tiến hóa nhằm thích nghi sinh tồn với hoàn cảnh (ordinary circumstances) hình thành quanh những thứ to bự. Nhưng khi đào sâu vào cấp độ nguyên tử, mọi thứ được vận hành theo quy luật rất khác, chúng ta sẽ gặp khó khăn trong việc thấu hiểu hay hình dung về hiện thực tại cấp độ này. Kiểu như, các electron (hạt cơ bản) hành xử lúc giống như sóng (waves), lúc lại giống như hạt (particles). Chúng cũng không hành xử kiểu như một đám sương mù quanh hạt nhân (a fog around the nucleus). Tôi thực sự không thể vẽ ra hình ảnh nào cụ thể ở cấp độ này, không như trong thế giới to bự. Dù vậy, mọi thứ có thể được thể hiện qua toán học (mathematical expressions), điều này giống như việc nhập vào một vài con số cụ thể trên máy tính và các công thức có thể giúp tính toán khi nào xe hơi đi đến các địa điểm khác nhau. Thuật toán giúp chúng ta tính toán nhưng không thể vẽ ra hình dạng chiếc xe."
Đối với Richard, có lẽ việc vẽ ra hiện thực ở cấp độ nguyên tử cũng khó khăn như diễn giải cách bộ não tư duy: "Rất khó mô tả cảm giác chìm đắm trong công việc, kiểu như tâm trí đang đào sâu vào những thứ rất sâu, phức tạp và đầy bí ẩn. Điều này tương tự như việc hỏi con rết (centipede), một sinh vật có rất nhiều chân, rằng nó bước chân nào trước chân nào sau. Mọi thứ xảy ra quá nhanh khiến tôi không thể biết chính xác cái gì đang xẹt qua (flashes) hay những thứ (stuff) cuồn cuộn đi vào tâm trí. Nhưng tôi biết đó là một hỗn hợp pha trộn kỳ quái của các "phương trình từng phần" (partial equations) mà trí não phải xử lý hay đang tham gia giải đố từng phần phương trình lớn nào đó. Cuối cùng, chúng ta nhận về tập các hình ảnh (image) quanh vấn đề mình đang lưu tâm. Các phương trình diễn tả cái gì đó nhưng không hoàn toàn phản ánh thực tế, không phải cái gì cũng tách bạch ra thành công thức như vậy được. Tôi chỉ đang cố gắng mô tả nhưng quả thật, ngôn từ trên vẫn không thật chính xác vì còn nhiều thứ mù mờ. Thật khó để giải thích điều gì diễn ra trong não bộ."
Richard tiến hành thí nghiệm liên quan đến cảm nhận của con người về thời gian (time sense) để phân tích sự khác biệt khi cùng xử lý một vấn đề của hai bộ não khác nhau, dù ở cấp độ "tư duy" thấp. Cụ thể là thí nghiệm theo dõi cảm nhận của con người về khung thời gian một phút, kiểu như đếm từ 1 đến 48 trong vòng một phút, điều chỉnh nhận thức về khung thời gian "giây" (thay vì 60 giây một phút). Nếu tập luyện một chút, dần dần chúng ta có thể đếm rất chính xác đến số 48 trong vòng một phút (có thể sai lệch vài nhịp thành 47 hay 49). Để hiểu cách các ảnh hưởng bên ngoài tác động đến cảm nhận thời gian của con người, Richard đã thử vừa đếm số vừa làm việc gì đó khác, kết quả có lúc thành công và có lúc thất bại. Ví dụ như khi đem đồ đi giặt ủi, ông cần nắm số lượng đôi vớ trong đó (ví dụ như 6 hay 8 đôi vớ) nhưng gần như không thể đếm được bởi cỗ máy đếm số trong não Richard đang được dùng vào việc khác. Sau đó, ông phát hiện ra mình có thể vừa đếm số từ 1 đến 48 vừa đếm các "line of type" trên báo (một thuật ngữ trong ngành typography - nghệ thuật sắp xếp sáng tạo kiểu chữ - chỉ các dòng kẻ để định vị kích cỡ font chữ trên báo) bằng cách gộp chúng lại theo nhóm (bằng mắt quan sát). Richard phát hiện mình có thể vừa đọc vừa đếm mà vẫn nắm bắt được khá chính xác lượng thông tin nhưng lại không thể vừa nói chuyện với người khác vừa đếm (bởi tâm trí đang mắc kẹt nói chuyện với chính mình: "một, hai, ba").
Tuy nhiên, nhà toán học John Tukey (bạn của ông tại Princeton) lại đón nhận thử thách này theo cách rất khác. Richard phát hiện ra John không gặp khó khăn gì khi nói chuyện trong lúc đếm số, nhưng ngược lại, John không thể vừa đọc vừa đếm. Hóa ra, trong quá trình đếm, John hình dung trong đầu mình một cuộn băng với các con số in trên đó lần lượt thay đổi theo nhịp (kêu cạch, cạch, cạch), thứ ông quan sát bằng mắt. John sử dụng một hệ thống quang học tưởng tượng chứ không phải âm thanh như Richard. Điều này lý giải tại sao John có thể nói bất cứ điều gì mình muốn trong khi tâm trí đang nhìn cuộn băng, con mắt bận rộn này tất nhiên không còn chỗ cho việc đọc. Rõ ràng khi trao đổi với nhau về đề tài nào đó ở cấp độ rất cao và phức tạp, có thể chúng ta nghĩ rằng mình đang truyền tải thông tin rất tốt, rằng chúng ta đang giao tiếp hiệu quả. Tuy nhiên, điều thực sự diễn ra chính là sự vận hành của bộ máy dịch thuật "ý định" to lớn trong tâm trí giúp chuyển hóa những gì người khác nói thành tập các hình ảnh chạy rất khác biệt ở mỗi bộ não khác nhau. Điều này diễn ra cả trong đếm số (rất cơ bản của toán học), chứ chưa nói đến những thứ phức tạp hơn mà con người để tâm khai phá như hàm mũ hay trường điện tử. Đó là lý do tại sao có những việc chúng ta cảm thấy rất hiển nhiên nhưng người khác lại cực kỳ khó khăn để chân nhận và ngược lại. Diễn dịch ý định trong đầu người khác theo bộ khung tư duy của mình là công việc cực kỳ thách thức.
Mình đặc biệt yêu thích bài phỏng vấn thân mật của Richard với Horizon năm 1981 (vài năm trước khi ông mất). Trong đó, Richard đã thẳng thắn chia sẻ về sự dằn vặt của bản thân khi tham gia dự án tối mật Manhattan (ngân sách khoảng 2 tỷ $) về chế tạo bom nguyên tử tại Los Alamos cùng với nhà vật lý Do Thái kiệt suất khác Robert Oppenheimer (xuất thân trong một gia đình giàu có ở New York). Dự án được khởi đầu bởi mối nguy "hạt nhân" đến từ Đức dưới sự dẫn dắt của Hitler, nước Mỹ phải đi trước kẻ thù trong cuộc chạy đua này. Dự án này đã quy tụ hàng ngàn nhà khoa học đến Los Alamos nhưng chỉ số ít hiểu được thực sự mình đang tham gia chế tạo cái gì. Richard thừa nhận công việc của mình khi đó có phần phi đạo đức (immoral) bởi đã không suy nghĩ thấu đáo về hậu quả tiếp theo khi căn nguyên của dự án thay đổi (sau khi nước Đức đầu hàng). Vào ngày 06/08/1945, Mỹ thả quả bom "Little Boy" (Cậu Bé Nhỏ) xuống Hiroshima và ngay lập tức 100 ngàn người bị giết chết. Theo lời kể của Richard, Los Alamos phản ứng lại sự kiện trên bằng bầu không khí lễ hội đầy hứng khởi, tiệc tùng được tổ chức khắp nơi và mọi người đều trong tình trạng say khướt. Quả là sự tương phản to lớn so với Hiroshima. Ông cũng dự phần trong cái khoảng khắc tạm gọi là "hạnh phúc" đó, cũng uống say và nhiệt tình chơi trống góp vui trong khi người Nhật khổ sở với thảm họa. Tuy nhiên, sau khi chiến tranh kết thúc, Richard đã trải qua quãng thời gian dằn vặt như địa ngục, không chỉ đến từ quả bom mà còn bởi ảnh hưởng tâm lý đến từ sự qua đời của vợ ông hết mực yêu thương. Trong một lần ngồi cùng mẹ tại một nhà hàng ở New York, ông hình dung trong đầu: "tôi biết quả bom ở Hirosima có tầm ảnh hưởng thế nào, nếu thả nó ngay tại con đường trung tâm này (đường 58) mọi thứ sẽ bị cuốn phăng đi hết và tất cả sẽ bị giết chết hết". Hiện tại, việc thế giới không chỉ có một quả bom hạt nhân (bởi chúng đã dễ chế tạo hơn nhiều) có thể đặt nhân loại vào mối nguy hủy diệt to lớn. Richard không còn cảm thấy thoải mái, ông liên tưởng mọi nỗ lực dựng xây của con người (như xây cầu) liệu còn có ý nghĩa gì khi chỉ trong tích tắc hỗn loạn tâm trí, chúng ta có thể xóa sạch tất cả mọi thứ. Quả là ngu ngốc. Diễn biến dằn vặt tâm lý trên cũng xảy ra với Oppenheimer, người có mối quan tâm sâu sắc đến Hindu Giáo, ông từng trích Chí Tôn Ca (Bhagavad Gita) để ví von bản thân mình: "Giờ đây ta đã biến thành thần chết, kẻ hủy diệt cả thế gian này".
Niềm vui khám phá của Richard được bồi dưỡng từ nhỏ, đặc biệt qua ảnh hưởng từ người cha (Melville Arthur Feynman). Người đã dạy ông tách bạch giữa việc biết tên một thứ gì đó và việc thực sự thấu hiểu nó. Melville thường đưa Richard đi dạo trong rừng để dạy ông cách quan sát mọi thứ, cụ thể như việc tìm hiểu một con chim: mỗi quốc gia sẽ có tên gọi khác nhau (như tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Ý hay tiếng Nhật) nhưng nếu chỉ nhớ mớ tên gọi này thì chúng ta sẽ chẳng biết chút gì về nó, thay vì vậy hãy quan sát xem chúng đang làm gì và tập tính ra sao. Đó là mới là thấu hiểu. Ông thường đặt Richard lên trên đùi và đọc Bách Khoa Toàn Thư (Encyclopaedia Britannica) cho con mình nghe. Đặc biệt hơn, Melville lý giải cho Richard cách con người điên cuồng trước quyền lực (hay hình ảnh có vẻ quyền lực) ra sao. Ông mở tờ báo New York Times cho Richard xem một bức hình, trên đó mô tả các con chiên đang phủ phục trước Đức Giáo Hoàng (Pope): "Hãy nhìn những con người này, một đang đứng uy nghi còn nhóm còn lại thì cúi đầu. Điều khác biệt ở đây chính là phục sức hay như trong quân đội, đó là quân hàm (epaulettes) mô tả vị thế của người quyền lực đó. Đừng vì vậy mà quên mất, ông ta cũng có những vấn đề rất con người trong đó, cũng phải ăn uống hay tắm rửa như ai." Tất nhiên, đây chỉ là lời nhắc nhở Richard đừng bám theo người khác bằng sự nổi tiếng hay địa vị mà còn phải hiểu phần sâu sắc bên trong (disrespect for respectable). Là người kinh doanh quần áo, Meiville hiểu rõ sự khác biệt giữa một người mặc hay không mặc quân phục, với ông tất cả đều là con người bằng xương bằng thịt. Điều này đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến cách Richard khước từ mọi vinh dự có được sau này (như gắn giải Nobel với bản thân mình chẳng hạn, đây có lẽ cũng chỉ là một hình thức quân hàm).
Với Richard, nhà khoa học cũng hoàn toàn có thể cảm nhận vẻ đẹp của một bông hoa, chỉ là ở cấp độ sâu sắc hơn, không như người bạn nghệ sĩ của ông nhận xét: "các nhà khoa học chỉ bóc tách bông hoa ra trong đầu và khiến nó trở thành một thứ ngớ ngẩn" (dull thing). Tất nhiên, Richard có thể không đi sâu vào khía cạnh mỹ học như nghệ sĩ trên nhưng cảm nhận vẻ đẹp có ở mọi cá nhân, chỉ là ông đào sâu vào nó hơn. Ông có thể hình dung ở cấp độ tế bào (cell) cùng các tương tác phức tạp nào nên hình dáng hay màu sắc - thứ cấu thành nên vẻ đẹp của một bông hoa cùng mục đích tối thượng của bông hoa: khoe sắc thu hút côn trùng nhằm nhân giống. Liệu cảm nhận mỹ học có tồn tại ở cấp độ thấp hơn (lower forms)? Rõ ràng khoa học chỉ có góp thêm hiểu biết về sự kỳ diệu của bông hoa (chứ không làm lu mờ đi như nhận định của nghệ sĩ). Richard cũng như phần lớn nhân loại, có thể sống trong sự nghi ngờ (doubt) hay không chắc chắn (uncertainty) và không biết điều gì đó (not knowing). Đôi khi, cuộc sống sẽ thú vị hơn khi không biết điều gì đó (not knowing) thay vì có được các câu trả lời sai (wrong answers). Trong sự nghiệp của mình, Richard đã nắm bắt được một số câu trả lời (approximate answer), một số niềm tin khả dĩ (possible beliefs) cùng một mức độ chắc chắn (degrees of certainty) trong một số vấn đề, tuy nhiên ông không thể chắc chắn 100% về bất cứ điều gì, cũng như có quá nhiều thứ ông không có chút hiểu biết nào. Kiểu như, tại sao chúng ta lại tồn tại trên quả đất này (Richard còn không hiểu câu hỏi này có ý nghĩa gì). Tuy nhiên, đừng vì thế mà sợ hãi hay hoang mang khi lạc lối trong Vũ Trụ bí ẩn, cũng đừng đánh mất mục tiêu quan trọng nào đó của đời mình (purpose).