Nubank kiến tạo cuộc chơi tài chính mới ở châu Mỹ Latin
Nu kể câu chuyện của mình bằng cách chỉ trích trực diện hệ thống tài chính Brazil: "Tại quốc gia này, người dân phải trả phí và lãi suất (fees and interest rates) cao nhất thế giới cho những dịch vụ ngân hàng tồi tệ nhất. Chúng tôi hiểu rằng công nghệ và năng lực thiết kế có thể giải quyết vấn đề này. Nubank đã không ngừng nỗ lực chứng minh trải nghiệm tài chính khác biệt là hoàn toàn khả dĩ. Dịch vụ của Nubank trân trọng khách hàng như con người, chứ không phải con số, đồng thời đảm bảo công bằng, đơn giản và minh bạch. Bởi, sau cùng, chúng tôi muốn đem khả năng kiểm soát về cho khách hàng và tạo cơ hội để tái tạo cuộc sống tài chính cho họ. Nếu đồng hành cùng nhau, chúng ta hoàn toàn có thể tái tạo lại quan niệm về những thứ khả dĩ (what's possible)."
Công ty khởi nghiệp có trụ sở ở Sao Paulo ra đời vào năm 2013 bởi bộ ba David Velez (người Colombia - mảng đầu tư), Cristina Junqueira (người Brazil - mảng phát triển kinh doanh) và Edward Wible (người Mỹ - phụ trách công nghệ). Chỉ trong hai năm đầu thành lập, Nubank đã gọi vốn được 600 triệu reais Brazil và dần vươn mình trở thành công ty fintech lớn nhất khu vực Châu Mỹ Latin. Ngoài nước mẹ Brazil, Nu còn có thị trường ở Colombia (khởi động vào tháng 09/2020) và Mexico (nơi có chỉ số hài lòng khách hàng NPS (net promoter score) còn cao hơn Brazil). Lợi thế cạnh tranh ban đầu của Nubank được tạo ra bằng cách cung cấp thẻ tín dụng không tính phí (vào năm 2014) cùng khoản tín dụng nhỏ chỉ 10$ (line of credit of R$50). Sau đó, công ty fintech này mở rộng ra nhiều dịch vụ khác như tài khoản ngân hàng số, thể ghi nợ (debit), bảo hiểm nhân thọ, thanh toán P2P (ngang hàng) qua Pix, khoản vay (loans), cùng thẻ tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhờ phí dịch vụ cạnh tranh, khoảng 30% dân số ở Brazil, những người không tiếp cận được ngân hàng và hay các dịch vụ tài chính (unbanked and underserved) đã tìm đến với Nu.
Các nhà đầu tư của Nubank là những tên tuổi sừng sỏ trong giới đầu tư như Sequoia Capital (nơi David Velex từng làm việc), Kaszek Ventrues, Tiger Global Management, Goldman Sachs, QED Investors. Ngoài ra còn có hai gã khổng lồ khác: DST Global và Berkshire Hathaway.
DST Global, nhánh đầu tư của các tài phiệt (orligarch) Nga, tổ chức giúp dàn xếp các vòng gọi vốn khổng lồ cho hai neo-bank lớn nhất thế giới là Chime (Mỹ) và Relovut (châu Âu), cũng rót tiền vào NuBank. DST Global được Yuri Milner, một nhà đầu tư công nghệ Do Thái có ảnh hưởng nhất ở Nga, thành lập năm 2005 (ít nhiều liên đới đến điện Kremlin). Milner khởi nghiệp kinh doanh máy tính DOS trên thị trường chợ xám nhưng mọi thứ dừng lại khi chính quyền Xô Viết gần sụp đổ. Sau đó, ông theo học MBA tại Wharton, làm việc cho World Bank (chuyên về phát triển ngân hàng tư nhân), đồng thời chứng kiến quá chính tư hữu hóa các miếng bánh của chính phủ dưới thời Boris Yeltsin. Ông được chỉ định làm CEO cho Alliance-Menatep vào năm 1995, một công ty môi giới chứng khoán do Mikhail Khodorkovsky nắm (thành viên nhóm đầu sỏ chính trị hay oligarch ở Nga). Sau khi đọc một báo cáo về triển vọng của kinh doanh trực tuyến của Morgan Stanley (do nhà phân tích Mary Meeker viết), Milner ấp ủ tạo dựng một công ty Internet. Do đó, vào năm 2000, ông cùng một số đồng sự trong mạng lưới tài chính cũ tạo dựng NetBridge, tổ chức hoạt động như một vườn ươm Internet và quỹ đầu tư đồng thời nhập khẩu thành công một số mô hình kinh doanh dựa trên Internet ở Mỹ vào Nga: như List.ru (bắt chước Ebay), Boom.ru (bắt chước GeoCities) và shop24x7 (bắt chước Amazon.com). Sau đó một năm netBridge và Port.ru sáp nhập tạo thành Mail.ru, công ty Internet có ảnh hưởng sâu rộng trong thế giới Internet nói tiếng Nga (Milner là chủ tịch). Năm 2011, Milner cũng đứng ra hợp tác với Y Combinator bằng cách đầu tư 150k $ cho bất cứ công ty nào mà nhóm ươm mầm này lựa chọn. Ông cũng có những khoản đầu tư cá nhân vào 23andMe, Habito, Planet Labs (CSO của công ty này là Robbie Schingler, người mình từng gặp tại Singapore Fintech Festival 2019), cùng các công ty khởi nghiệp đầu tư bất động sản như Cadre, do Jared Kushner, con rể kiêm cố vấn của Tổng thống Donald Trump sáng lập.
Quỹ DST Global hình thành sau đó và đã rót vốn vào rất nhiều công ty danh tiếng như Twitter (800 triệu $), Spotify, Xiaomi, JD.com, Alibaba, Airbnb, Whatsapp (đầu tư 125 triệu $), Facebook (nắm 1.96% của Facebook với giá 200 triệu $, một thỏa thuận bị cáo buộc là do Kremlin bảo kê), Zynga và Nubank được đề cập ở trên. Năm 2016, DST Global đã dẫn dắt vòng gọi vốn trị giá 80 triệu $ cho Nu cùng với quỹ Redpoint Ventures và Ribbit Capital. Đây là khoản đầu tư đầu tiên của Milner tại châu Mỹ Latin (cũng là đầu tiên của Sequoia, Founders Fund (52 triệu$) của Peter Thiel nhóm Paypal Mafia, và QED). Sau đó hai năm (2018), DST Global tiếp tục dẫn đắt vòng gọi vốn trị giá 150 triệu $ tiếp theo cho Nu với sự tham gia của các định chế tài chính khác như Dragoneer Investment Group và Thrive Capital Partners cùng các nhà đầu tư trước đó như Founders Fund, Redpoint Ventures, Ribbit Capital và QED Investors.
Ngay trong hôm nay, TechCrunch đưa tin công ty fintech này đã kêu gọi được 750 triệu $ trong vòng Series G (cộng thêm 400 triệu $ gọi từ tháng 1/2021) nâng giá trị gọi được lên đến 1,15 tỷ $, giá trị Nubank tăng lên 30 tỷ $ (tăng thêm 5 tỷ $ so với tháng 1). Tên tuổi đứng phía sau dàn xếp đợt gọi vốn này không phải DST Global mà chính là Berkshire Hathaway, công ty của tỷ phú Warren Buffett, cụ thể rót 500 triệu $, khoản đầu tư đơn lẻ lớn nhất mà Nu nhận được. Rõ ràng, con số khủng 40 triệu người dùng (lớn nhất thế giới) cùng cơ hội tăng trưởng lớn ở châu Mỹ Latin (60 triệu người ở Brazil và 250 triệu ở châu Mỹ Latin không tiếp cận được các dịch vụ tài chính) là miếng bánh ngon không thể bỏ qua cho các định chế tài chính. Tờ TechCrunch nhận xét: "Hệ thống ngân hàng của Brazil, cụ thể do năm gã khổng lồ: Itaú Unibanco, Banco do Brasil, Bradesco, Santander và Caixa Economica Federal dẫn dắt, là một trong những địa hạt quan liêu có kĩ năng cao nhất, nhưng vẫn khó chạm đến đại đa số dân chúng do rào cản từ các khoản phí cao ngất trời."